THỨ SÁU TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
Mác-cô 12,35-37
Đức Giêsu Là Con Và Là Chúa Của Vua Đa-vít
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Trong dân Do Thái, danh hiệu phổ biến nhất của Đấng Mê-si-a đó là Đấng Ki-tô, Đấng được xức dầu là Con của vua Đa-vít. Trong bài ca Chúc Tụng (Benedictus) tác giả Tin Mừng Lu-ca đã đặt vào môi miệng ông Da-ca-ri-a lời ca tụng: “Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta.” (Lc 1,69). Vị Cứu Tinh xuất phát từ dòng dõi Đa-vít nên được coi là con của vua Đa-vít. Đó là lời hứa từ ngàn xưa và đã ăn sâu vào trong tâm trí của dân Do Thái, đặc biệt là các Kinh Sư là những người giảng dạy trong đền thờ thì càng nhấn mạnh và xác tín điều này. Nhưng Tin Mừng Hôm nay Chúa Giêsu nêu nên một vấn nạn không dễ hiểu chút nào! Ngài trích dẫn đoạn Thánh vịnh 110,1 nói về việc vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi : Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con. Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được?” Quả thật, những kinh sư thường tự cao cho mình là những người thông thạo Kinh Thánh, hay coi thường người khác, đồng thời cũng hay đặt ra những điều cắc cớ để bắt bẻ Chúa Giêsu trong khi Ngài giảng dạy. Và với lời chất vấn này của Chúa Giêsu, họ đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Tin Mừng Thánh Mát-thêu cũng trong bối cảnh này đã kết luận: “Không ai đáp lại Người được một tiếng. Và từ ngày ấy, chẳng ai còn dám chất vấn Người nữa.” (Mt 22,46).
Thật vậy, đối với những người vào thời của Chúa Giêsu, kể cả những người thông thạo Kinh Thánh như các kinh sư thì cũng không thể giải thích được vấn nạn mà Ngài đã đặt ra. Vì đây là một màu nhiệm nhập thể, một Thiên Chúa làm người. Người ta chỉ mong chờ một vị tiên tri hay một vị minh quân nào đó đến để giải thoát họ khỏi ách thống trị của La-mã. Nhưng Đấng đến với họ lại là một Thiên Chúa, vượt trội hơn tất cả, hơn cả vị minh quân mà họ rất tự hào và hãnh diện khi nhắc đến tên như là vua Đa-vít. Và Ngài sẽ giải thoát họ khỏi tội lỗi và sự chết đời đời.
Đối với niềm tin của Người Ki-tô Hữu ngày nay thì ta có thể hiểu được, vì Đức Ki-tô là Ngôi Hai Thiên Chúa, và Ngài là Thiên Chúa. Nhưng Ngài cũng là Ngôi Lời nhập thể, mang hai bản tính: một bản tính loài người như chúng ta và một bản tính Thiên Chúa.
Xét về bản tính nhân loại, Ngài phải sinh ra trong thời gian và sinh ra trong một dòng tộc nên có thể nói Ngài là con của vua Đa-vít theo huyết thống nhân loại. Nhưng với bản tính Thiên Chúa thì Ngài là Chúa của vua Đa-vít. Và là Thiên Chúa tự muôn đời.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 446- 447 đã diễn giải:
Trong bản dịch các sách Cựu Ước ra tiếng Hy lạp, YHWH, danh không thể xưng mà Thiên Chúa dùng để tự mạc khải cho ông Môi-sê (x. Xh 3,14), được dịch là Kyrios (Chúa). Từ đó, tước hiệu “Chúa” trở thành danh xưng thông dụng nhất để nói lên chính thần tính của Thiên Chúa Israel. Tân Ước dùng tước hiệu “Chúa”, theo nghĩa mạnh như trên, cho Chúa Cha, và đồng thời, và đây là điều mới mẻ, cũng dùng cho Chúa Giêsu, qua đó nhìn nhận Người chính là Thiên Chúa (x. 1Cr 2,8).
Chính Chúa Giêsu nhận tước hiệu ấy cho mình một cách mặc nhiên khi tranh luận với các người Pha-ri-sêu về ý nghĩa thánh vịnh 110 (x. Mt 22,41-46; Cv 2,34-36; Dt 1,13), nhưng khi nói chuyện với các Tông Đồ thì Người nhận một cách minh nhiên (x. Ga 13,13). Trong suốt cuộc đời công khai của Người, những cử chỉ thống trị của Chúa Giêsu trên thiên nhiên, trên bệnh tật, trên ma quỷ, trên sự chết và tội lỗi, chứng tỏ Người có quyền tối thượng của Thiên Chúa.
Nơi khác sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng :
Kinh nguyện Ki-tô giáo được ghi dấu bằng tước hiệu “Chúa”, dù là lời mời gọi cầu nguyện “Chúa ở cùng anh chị em”, dù là câu kết thúc lời nguyện: “Nhờ Đức Giêsu Ki-tô, Chúa chúng con”, hay cả trong tiếng kêu đầy tin tưởng và hy vọng “Maranatha” (“Chúa đến!”) hoặc “Maranatha” (“Lạy Chúa, xin ngự đến!”) (1 Cr 16,22). “Amen. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20). (GLHTCG số 451)
Liên quan đến sự thật ở trên về Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Chúa của chúng ta, có một câu chuyện kể lại rằng: Một vị đang thuyết giảng sau khi vừa kết thúc buổi phụng vụ, một người lạ mặt đến gặp anh ta và nói, tôi không thích cách bạn nói về thập giá. Tôi nghĩ rằng thay vì nhấn mạnh đến cái chết của Chúa Ki-tô, sẽ tốt hơn nhiều khi rao giảng về Chúa Giêsu, một vị thầy dạy và gương mẫu.
Vị thuyết giảng trả lời, nếu tôi trình bày Chúa Ki-tô theo cách đó, bạn có sẵn lòng đi theo Ngài không? Ông ta trả lời cách không do dự, Chắc chắn tôi sẽ làm điều đó. Vị thuyết giảng nói, thế này nhá; gương mẫu đầu tiên là Đức Giêsu không phạm tội. Bạn có thể khẳng định điều đó cho chính mình không?
Người đàn ông có vẻ bối rối và hơi ngạc nhiên. Tại sao, không, anh nói. Tôi thừa nhận rằng tôi làm tội lỗi. Sau đó vị giảng thuyết từ tốn nói, nhu cầu lớn nhất của bạn là có một vị cứu tinh chứ không phải là một ví dụ! một tấm gương!
Lạy Chúa Giêsu chúng con tin rằng Ngài là Đấng Thiên Sai, Con của Đa-vít, Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa và Chúa của chúng con. Xin giúp chúng con biết phục tùng quyền uy của Ngài và để Ngài là Chúa và Vua của cuộc đời, của suy nghĩ, trái tim, nhà cửa, các mối quan hệ, công việc và của tất cả những gì chúng con làm và không cho phép những đam mê bất chính, tình yêu tiền bạc, rượu, ma túy và những thứ khác cai trị chúng con. Amen.