29THÁNG 12
Luca 2,22-35
Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Đoạn Tin Mừng hôm nay nói về việc Dâng Chúa trong đền thờ cũng là bài Tin Mừng đọc vào lễ của ngày 2 tháng 2 sắp tới là ngày lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thờ. Ta có thể dừng lại ở hai điểm để suy gẫm:
Đầu tiên ta thấy Thánh Luca đề cập nhiều lần về ‘Luật’. Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse làm mọi việc theo lề luật. Như hôm nay, Đức Trinh Nữ khiêm tốn tuân phục lề luật để lên đền thờ dâng của lễ thanh tẩy sau khi sinh con trai đầu lòng sau bốn mươi ngày, ngay cả khi Mẹ không cần điều này. Mẹ dâng Con đầu lòng của mình cho Thiên Chúa ngay cả khi không cần, vì Ngài là Con Thiên Chúa vượt trên sự ràng buộc của lề luật mà lại phải đem chuộc lại theo lề luật thì không cần thiết. Nhưng Mẹ đã vẫn ngoan ngoãn làm theo lề luật.
Luật này được Mô-sê đưa ra cho người Do Thái, rằng sau khi sinh con, một người phụ nữ phải tiếp tục ở trong cữ và được xem là ô uế trong bốn mươi ngày, không được xuất hiện trước công chúng. Và số ngày ở trong cữ sẽ dài gấp đôi nếu đứa trẻ là con gái. Sau thời gian ở cữ, người mẹ đã mang đến Đền thờ một con cừu con và một con chim bồ câu non hoặc con chim gáy, như một sự dâng hiến cho Thiên Chúa. Những thứ này được dâng lên làm của lễ cho Thiên Chúa bởi các tư tế để thanh tẩy người mẹ khỏi sự ô uế hợp pháp, đồng thời phục hồi các đặc quyền trước đây của cô. Lễ vật bắt buộc là một con chim bồ câu, còn con cừu thì tùy vào hoàn cảnh giầu nghèo của mỗi người, nên người nghèo có thể thay con cừu thành một con chim bồ câu khác, nghĩa là lễ vật là một đôi chim bồ câu nói nên hoàn cảnh của gia đình đó kinh tế rất eo hẹp. Và đó cũng chính là trường hợp của gia đình Thánh Gia, Thánh Giu-se, Đức Mẹ và Chúa Giêsu.
Luật pháp cũng yêu cầu con trai đầu lòng được dâng lên Thiên Chúa. Sau khi trình diện đứa trẻ cho tư tế đền thờ, đứa trẻ sẽ được chuộc bằng một khoản tiền nhất định và đây cũng là một sự hy sinh đáng kể đối với gia đình nghèo như gia đình Thánh Gia. Thế nhưng Mẹ Ma-ri-a đã tuân thủ chính xác với tất cả các luật này. Mẹ không chỉ tuân theo những điểm cốt yếu của luật pháp, mà còn quan tâm nghiêm ngặt đến tất cả các luật.
Chiêm ngưỡng tấm gương gia đình Thánh Gia, mặc dù họ là những Đấng có thể nói vượt trên lề luật, như có lần Đức Giêsu đã nói với thánh Phê-rô về việc nộp thuế cho triều đình, con cái trong nhà được miễn, thuế chỉ áp dụng cho người ngoài và những người dưới quyền. Thế nhưng, Thánh Gia tuân theo luật pháp đến những chi tiết cuối cùng, còn chúng ta thì sao? Ta luôn bị cám dỗ để tránh né pháp luật. Lạng lách càng giỏi thì càng cho là đẳng cấp, là khôn ngoan. Nhưng Gia Đình Thánh hôm nay đã chỉ ra rằng, ngay cả khi họ không cần tuân thủ luật pháp nhưng họ hết lòng tuân theo nó. Đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa và đem lại bình an cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Tất cả những nước được xem là những nước phát triển trên thế giới, họ đều là những nước mà người dân của họ rất nghiêm minh tuân thủ luật pháp.
Thứ hai là lời sấm của ông Si-mê-on nói với Đức Trinh Nữ Maria rằng trẻ Giêsu sẽ là một dấu hiệu của sự mâu thuẫn. Chúa Giêsu là một dấu hiệu của mâu thuẫn và Ngài gọi những người theo Ngài cũng là dấu hiệu của mâu thuẫn. Điều này đúng như thế nào đối với chúng ta hôm nay? Mỗi ngày trôi qua, đức tin Kitô giáo dường như ngày càng trái ngược với cách thức của thế gian: Sự mâu thuẫn luôn hiện hữu giữa một nền văn hóa của sự sống, của tình yêu so với nền văn hóa của cái chết, của hận thù tranh chấp. Giữa những giá trị thực sự của gia đình so với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa khoái lạc. Giữa chủ nghĩa tương đối dễ dãi so với sự tự do chân thật sẽ giải phóng chúng ta. Theo Chúa Kitô hoặc sống như một Kitô hữu chân chính ngày càng trở nên không phổ biến và phản văn hóa, như ngày nay nhiều người có quan niệm chuyện một vợ một chồng là lạc hậu! Việc theo Chúa Kitô nhất thiết sẽ khiến ta bị tách ra khỏi những người khác. Nhưng thiệt thòi trong việc trung thành tuân giữ lề luật cách nào đó làm cho ta bị giới hạn và bị gò bó, thậm chí bị loại ra khỏi môi trường xã hội của mình. Nhưng thời giờ sẽ đến và sẽ tiết lộ những gì thực sự trong trái tim chúng ta.
Nếu ta quyết định theo Đức Giêsu một cách trung thành, sự giằng co xâu xé của mâu thuẫn không hề vắng bóng nơi ta. Chỉ khi thẳng thắn với chính mình và đưa ra quyết định rõ ràng; chọn Chúa Kitô hoặc chống lại Ngài. Không có sự thay thế thứ ba. Và việc trung thành tuân giữ luật Chúa chính là cơ sở mâu thuẫn giữa mình với thế gian, và khi chúng xẩy đến, ta biết chắc rằng mình đang thuộc về Thiên Chúa. Không có gì ngạc nhiên là con cái Thiên Chúa, tin vào Thiên Chúa sao cứ thua thiệt hơn người khác! Gia đình Thánh gia cũng sống rất khó nghèo cả về quyền lực khi trốn chui trốn nhủi ra nước ngoài trong đêm giá rét ngay từ những ngày đầu tiên được sinh ra. Còn tôi là ai?
Lạy Chúa, xin dạy con biết khiêm tốn và vâng phục lề luật Chúa, vì đó là đường dẫn con về với Chúa và biến đổi con trở nên giống Ngài mỗi ngày một hơn. Amen.