THỨ NĂM TUẦN IV MÙA PHỤC SINH
Gio-an 13,16-20
Ai Đón Tiếp Người Thầy Sai Đến Là Đón Tiếp Thầy
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Trong bối cảnh của bữa tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu trao quyền đại diện của Ngài nơi trần thế cho các ông để bất cứ ai tiếp đón các ông là tiếp đón chính Ngài. Và để hiện thực hoá điều này thì Ngài cũng có điều kiện nhắc nhở với các môn đệ trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng phải trở nên giống thầy trong sự khiêm tốn phục vụ tha nhân.
Trong phần đầu của Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh thực tế rằng phẩm chất của các môn đệ phải là sự sẵn sàng và quảng đại trong sự khiêm nhường và hy sinh phục vụ người khác, bởi chính Ngài là mô phạm đã đi trước và làm gương cho các môn đệ, đặc biệt là qua việc rửa chân cho các ông. Chúa Giêsu muốn khẳng định với mỗi chúng ta là những môn đệ của Ngài rằng: Chính nhờ phục vụ người khác mà chúng ta trở nên vĩ đại trước mặt Chúa.
Trong phần thứ hai của Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho các tông đồ của mình cách đối xử với những người bất tín, bất trung. Ngài ám chỉ về sự phản bội của Giu-đa bằng cách trích dẫn lời Thánh Vịnh 4,9: “Kẻ đã cùng con chia cơn sẻ bánh lại giơ gót đạp con”. Thay vì vạch mặt hoặc xa lánh khỏi Giu-đa, Chúa Giêsu tạo cho anh ta cơ hội hòa giải, cho anh ta thấy tình yêu vượt trội hơn tội lỗi bằng cách rửa chân cho anh, đồng thời cũng lấy một miếng bánh chấm vào nước sốt, chấm chung chén với Ngài để trao cho anh. Đây là một cử chỉ yêu thương và rất trân trọng của văn hóa Do Thái Giáo.
Nếu một người hoặc một vật được coi là ô uế mà người ta không được phép đụng tới thì đối với tội phản bội của Giu-đa trước mặt Chúa Giêsu Đấng thấy rõ sự ghê tởm của nó thì Ngài ghê tởm biết chừng nào. Nhưng không vì thế mà Ngài khinh rẻ anh ta, Ngài ghét tội chứ không ghét người có tội. Ngài đã làm tất cả có thể để lôi kéo Giu-đa ra khỏi tội lỗi với tất cả tình thương của Ngài.
Trong phần thứ ba, Chúa Giêsu đồng hoá mình cách nào đó với các môn đệ khi Ngài nói: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (c.20). Các môn đệ, những người mà được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng, từ nay được trở nên là hiện thân của Ngài trước mặt thiên hạ. Đây là một ân huệ vô cùng vĩ đại, nhưng cũng là một nghĩa vụ rất lớn lao, từ nay, người môn đệ phải sống như Thầy đã sống, nói những lời của Thầy đã nói và làm những việc mà Thầy đã dạy, đã làm. Đặc biệt là phục vụ cách khiêm tốn yêu thương như Thầy đã phục vụ. Để rồi họ cùng nói lên với Thánh Tông Đồ Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Qua Tin Mừng hôm nay, thông điệp mà Chúa Giêsu muốn gởi đến các môn đệ là mỗi người chúng ta: Trước tiên, người môn đệ của Chúa Kitô phải là chứng nhân cho sự hiện diện của Ngài mọi nơi, mọi lúc trước mặt mọi người bằng đời sống khiêm tốn, hy sinh phục vụ trong yêu thương, phản chiếu lại gương sống của Chúa cho tha nhân nơi trần gian này. Thứ đến, thể hiện sự hòa giải với những người đã xúc phạm đến ta bằng con đường yêu thương tha thứ vô điều kiện. Cầu chúc cho họ những điều tốt đẹp nhất và đặc biệt cưu mang họ trong lời kinh nguyện của mình. Hy vọng cả những linh hồn xấu xa nhất không bị hư mất nhưng được thanh tẩy trong dòng máu của Chúa Giêsu Kitô.
Trong tông thư Evangelii Nuntiandi (Sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay) của Đức Giáo hoàng Phao-lô VI đã dạy rằng: “Thế giới ngày nay người ta thích thấy chứng nhân hơn là thầy dạy”. Nếu người ta lắng nghe lời dạy của một vị thầy, đó là vì vị thầy ấy chính là chứng nhân.
Xin Chúa giúp chúng con trở nên những chứng nhân của Chúa, là người môn đệ đích thực và trung thực phản chiếu lại đời sống yêu thương phục vụ trong khiêm tốn và hy sinh. Biết hạ mình xuống mà rửa chân cho anh em mình, biết tha thứ và bao dung với người xúc phạm đến chúng con. Amen.