THỨ NĂM TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
Mác-cô 12,28-34
Điều Răn Vĩ Đại Nhất
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Người Pha-ri-sêu tự hào rằng họ biết luật pháp và tuân thủ nghiêm túc các nghi lễ. Họ biến nó thành một thực hành suốt đời để nghiên cứu sáu trăm mười ba giới luật trong Cựu Ước cùng với vô số lời giải thích của các vị thầy (Ráp-bi). Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu được hỏi về điều răn trọng nhất trong số sáu trăm mười ba giới luật. Ngài đã trả lời cho họ, hai điều răn lớn nhất về tình yêu. Điều răn thứ nhất Ngài đã trích dẫn từ sách Thứ luật: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của Ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Tl 6,4-5). Và điều răn quan trọng thứ hai từ sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Lv 19,18).
Nói cách khác, điều mà Chúa luôn yêu cầu là tình yêu. Khi người ta yêu, là lúc đang cống hiến những điều tốt nhất cho bản thân và làm cho con người được phát triển đến tầm mức hoàn hảo. Thiên Chúa đòi hỏi tình yêu nơi con người không phải vì Ngài cần nó mà vì đó là điều tốt nhất cho con người.
Nhưng, làm thế nào ta có thể yêu Chúa và người lân cận cách tốt nhất? Để trả lời cho vấn nạn này ta có thể thực hành qua những bước sau:
- Tình yêu thông qua sự vâng lời: Vâng lời Thiên Chúa không phải chạy theo một kiểu sống khác lạ, mà ở đây, bây giờ và trong những gì Chúa ban cho tôi để thực hiện, cùng với tất cả những thăng trầm của cuộc sống. Nhưng ý chí và ước muốn luôn sẵn sàng phục tùng theo thánh ý Thiên Chúa. Tình yêu đích thực được thể hiện bằng sự vâng lời. Đây không phải là gánh vác vô số nhiệm vụ khó khăn, cũng không có nghĩa là sự ràng buộc và ganh đua thúc đẩy như trong khóa học giáo lý. Trái lại, đó là năng suất của ý chí tự do đón nhận hiện tại để bước đi vui vẻ mỗi ngày trong sự quan phòng dẫn dắt của Thiên Chúa. Không tìm kiếm sự viển vông, không nản lòng trong nguy khó, tìm kiếm nhiệm vụ trong thời điểm hiện tại, tin tưởng phó thác mà không để cho ý chí lấn át vị trí quyền năng của Thiên Chúa.
- Tình yêu thông qua bác ái: Chúng ta được mời gọi yêu Chúa hơn tất cả, và yêu người lân cận như chính mình. Tình yêu này bao gồm những người thân và cả những người xa lạ, thậm chí cả những kẻ thù. Vì mọi người đều là tạo vật mà Chúa yêu. Nói như thánh Gio-an: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4,20). Mà tình yêu đối với tha nhân thì không thể thiếu những công việc bác ái cụ thể, đặc biệt đối với những người cần đến sự giúp đỡ. Thậm chí cần đến cả những hy sinh sức khỏe và kể cả mạng sống của Chúa Ki-tô đã là mẫu gương đi trước. Nếu có bất kỳ nghi ngại gì, tất cả những gì ta cần làm là nhìn vào Chúa Ki-tô. Ngài sẽ ban sức mạnh và giúp ta có đủ can đảm để yêu thực sự như Ngài, là làm tất cả những gì ta có thể, bằng mọi cách, ở mọi nơi, mọi thời, cho tất cả những người ta có thể, miễn là hoàn cảnh cho phép.
- Tình yêu thông qua Cầu nguyện. Giáo lý Giáo hội Công giáo số 2658 dạy rằng: Tình yêu là nguồn cầu nguyện. Từ đó cho phép chúng ta đáp lại Ngài bằng cách yêu thương như Ngài đã yêu thương chúng Để yêu Chúa chúng ta cần vâng lời và yêu người khác hơn chính bản thân mình; tuy nhiên, điều này là không thể nếu không có lời cầu nguyện. Vì cầu nguyện là nơi có thể biến đổi ý chí của mình. Trở nên giống Chúa Ki- tô là mục đích của cầu nguyện. Để mọi sự không theo quyết định của tôi mà theo ý Chúa. Cầu nguyện không thuần tuý là chỉ để đắm chìm trong những cảm xúc tốt đẹp hoặc chỉ tự chiêm nghiệm. Lời cầu nguyện đích thực được thiết lập dựa trên tình yêu, và liên quan đến việc chúng ta phấn đấu để trở nên giống Chúa Ki-tô, làm cho ý chí, tâm trí và trái tim của chúng ta giống như của Ngài. Yêu mến Chúa Ki-tô là trở nên giống Chúa Ki-tô. Để thực hiện thay đổi này cần cầu nguyện. Như vậy người thực sự yêu phải là người của cầu nguyện, và cầu mong sự tốt lành cho tha nhân.
- Thực sự sống giới răn yêu thương. Không thể ngồi để tự vấn xem ta có yêu ai đó không? Hành động như thế nào để biết chắc ta đang sống trong giới răn yêu thương, nhưng hãy làm những nghĩa cử yêu thương với tất cả tâm tình, một cái cúi chào Chúa trong nhà tạm cũng như với các tượng ảnh cách đơn sơ, một việc nhỏ làm cho ai đó Và khi ta thực sự hành động vì người khác, trái tim của mình sẽ được mở ra. Còn ngược lại, nếu ta thờ ơ, lạnh lùng, nói hay làm tổn thương ai đó, có thể sướng cái miệng, thỏa mãn cơn giận, nhưng trong lòng thì hổ thẹn với chính mình. Thậm chí tạo cho tâm trí mình có một cảm giác ghét người ta, mặc dù họ chả có lỗi gì. Như thế, ta vừa đào ra một vực thẳm ngăn cách mình với tha nhân và với Chúa Ki-tô.
Lạy Chúa xin biến đổi trái tim con nên như trái tim Cực Thánh Chúa, để con biết yêu như Chúa yêu, yêu người như yêu Chúa, vì Chúa là Tình yêu. Amen.