THỨ NĂM TUẦN V MÙA PHỤC SINH
Gio-an 15,9-11
Niềm Vui Trong Chúa Kitô
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Tôi đọc câu chuyện về một người cha, trong khi rửa chiếc xe mới toanh của mình, đã nghe thấy một âm thanh trầy xước và thấy đứa con trai tám tuổi của mình đang viết gì đó trên cửa xe. Trong cơn giận dữ, anh ta vô tình đánh vào tay con trai mình bằng một chiếc mỏ lết mà cậu bé phải được đưa đến bệnh viện. Khi về đến nhà, anh nhìn vào xe và trên đó là dòng chữ được viết: “Con yêu bố”.
Câu chuyện mang một màu sắc khá buồn nhưng nó cũng nói lên thực trạng của tình yêu con người dành cho nhau. Không thể nói người cha không thương yêu đứa con tám tuổi của mình nhưng vì tình yêu của con người có giới hạn, bị chi phối và lệ thuộc vào rất nhiều thứ.
Hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy một tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta, một tình yêu hoàn hảo xuất phát từ Thiên Chúa Cha, “Chúa Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” (c.9). Qua những lời này, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Ngài yêu chúng ta vì Chúa Cha yêu Ngài trước. Và Ngài yêu chúng ta không chỉ bằng tình yêu của Ngài mà bằng chính tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu trọn lành (x. Mt 5, 48); một tình yêu bao dung và đầy lòng thương xót (x. Lc 6,36; 15); Một tình yêu cho đi tất cả những gì có thể (x. Ga 3,16).
Từ thước đo của Tình Yêu trọn hảo đó, Chúa Giêsu đã yêu chúng ta, Ngài đã hy sinh chính mạng sống mình để cho chúng ta được cứu độ, được có sự sống vĩnh cửu nơi Ngài. Tình yêu cụ thể không chỉ là lời hứa nhưng là lời kêu mời: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy,” không gì thực tế hơn. Không có thứ tình yêu mà lại nói rằng, anh rất yêu em nhưng em cứ ở nhà em, anh cứ ở nhà anh, đừng khi nào qua nhà nhau hay gặp nhau em nhé! Đó là tình xạo!
Lời Chúa hôm nay kêu mời ta suy gẫm về:
- Tình yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu thông chuyển cho chúng ta như thế nào?
Không thể nói rằng Tình yêu của Thiên Chúa dành cho Người Con Duy Nhất của Ngài bị giới hạn. Vì Ngài là Đấng vô biên, vô hạn và bản tính của Ngài là Tình Yêu. Nhưng trong thực tế, Người Con Yêu Dấu của Chúa Cha đã được ban cho nhân loại để rồi như bị bỏ rơi trong cái chết tức tưởi trên thập giá. Điều này nói với chúng ta những gì? Thưa, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng, những khó khăn, đau khổ và cả cái chết về thể xác không làm giảm bớt đi giá trị và mức độ tình yêu của Thiên Chúa mà trái lại còn làm gia tăng, vì không có cách nào thể hiện tình yêu tốt hơn sự hy sinh. Chính Ngài đã đi bước trước trong việc thể hiện Tình yêu của Ngài cho chúng ta.
Tuy nhiên, dưới con mắt xác phàm, dường như người ta không thích đề cập đến sự hy sinh. Còn Thiên Chúa, Ngài biết rõ giá trị của nó, nên ngay trong cái người ta tưởng là sự bất hạnh nhất cũng vẫn nằm trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Như khi Ngài cho phép những thử thách, những khó khăn xẩy đến trong cuộc sống, thì Chúa vẫn yêu thương và chăm sóc chúng ta như khi Ngài yêu thương và chăm sóc người con duy nhất của Ngài là Chúa Giêsu. Tình yêu của Ngài dành cho ta là vô biên, không thay đổi.
Đôi khi Chúa làm suy sụp tinh thần để cứu linh hồn chúng ta. Đôi khi sự tan nát tâm hồn để làm cho chúng ta nên toàn vẹn. Đôi khi Ngài gửi tới thất bại để chúng ta có thể khiêm tốn.
Đôi khi Ngài gửi tới bệnh tật để chúng ta biết chăm sóc bản thân tốt hơn.
Đôi khi, Ngài lấy đi mọi thứ của chúng ta để ta có thể học được giá trị của mọi thứ mình có.
Bệnh dịch Covid 19 xảy đến đã lấy đi của chúng ta biết bao tự do đi lại, tự do làm việc và có thu nhập, để ta biết nhìn lại biết bao ngày bình yên Chúa ban trước đó mà ta không hề biết cám ơn Ngài.
Chuyện kể rằng, có một bệnh nhân Covid 19 khi được xuất viện bác sĩ nói: tiền viện của ông được miễn phí nhưng ông phải trả tiền cho khí ôxy máy thở trong ba ngày là $200. Ông đã bật khóc. Bác sĩ hỏi, ông không có đủ $200 sao? Ông đáp: không! Thế sao ông khóc? Tôi khóc không phải vì thiếu tiền mà vì hơn 70 năm qua Chúa cho tôi không khí để thở miễn phí mà tôi chưa một lần biết cám ơn Ngài.
– “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”(c.10).
Làm cách nào để ta ở lại mãi trong tình thương của Chúa Giêsu? Chúa Giêsu cho thấy Ngài luôn ở trong tình thương của Chúa Cha vì Ngài luôn giữ các giới răn của Cha. Nếu chúng ta muốn ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu thì cũng hãy giữ các giới răn của Người. Tuy nhiên, tình yêu của Thiên Chúa thì bất biến còn tình yêu của chúng ta thì hay thay đổi, nắng mưa và dao động. Nó bị phụ thuộc vào tâm trạng, cảm xúc, hoàn cảnh và thành bại của mình. Nhưng tình yêu Thiên Chúa không thay đổi và luôn chung thủy. Vì thế, chúng ta cần mở rộng tâm hồn và trái tim để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, học cách phụ thuộc ngày càng nhiều vào tình yêu của Ngài. Vì khi ta càng nhận thức được tình yêu của Ngài, phúc lành và ý muốn của Ngài đối với mình, ta sẽ càng đáp lại bằng sự kiên định. Ở lại trong tình yêu của Ngài là sống vĩnh viễn trong một thái độ và tâm thế biết ơn, tìm kiếm và cho đi những gì Ngài đang muốn nơi ta.
- “Để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (c.11).
Niêm vui chỉ trọn vẹn khi được kết hợp với niềm vui của Chúa Giêsu Kitô, niềm vui của Đấng đã toàn thắng tội lỗi và sự chết trong sự vâng phục Thánh ý của Chúa Cha. Chính sự vâng phục của Chúa Giêsu nói lên sự đáp trả tình yêu của Ngài cho Chúa Cha, vì thế Chúa Cha đã tôn vinh Người trong chiến thắng Phục Sinh khải hoàn vinh quang (x. Pl 2,6-11). Chúa Giêsu cũng kêu gọi chúng ta đi theo Ngài trên con đường vâng phục. Đây không còn là sự áp đặt hay bắt buộc phải vâng lời, mà là một lời đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chính bằng con đường vâng phục này tạo ra niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu trong niềm vui của Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tuân giữ giới răn của Chúa để chúng con luôn được ở lại trong tình yêu của Ngài, nhờ đó tâm hồn chúng con được vui hưởng niềm vui bất tận nơi quê hương vĩnh cửu trong Nước Ngài. Amen.