THỨ NĂM TUẦN VI THƯỜNG NIÊN
Mác-cô 8,27-33
Người Ta Nói Thầy Là Ai?
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Sau đó Ngài lại hỏi chính các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.”
Chúng ta biết rằng, Đấng Ki-tô là cách gọi theo ngôn ngữ Hy Lạp hay Đấng Mê-si-a là theo ngôn ngữ Do thái có nghĩa là Đấng được sức dầu. Cũng có nghĩa là Đấng Cứu Thế mà các tiên tri đã loan báo, Đấng sẽ đến cứu độ nhân loại. Chúa Giêsu không phủ nhận tước hiệu Thiên Sai của Ngài là Đấng muôn dân đang trông chờ nhưng ở đây ta thấy, tai sao Chúa Giêsu lại cấm ngặt các môn đệ không cho họ nói với ai về Người? Có một số nhà chú giải thánh kinh cho rằng: “đây là bí mật Thiên Sai”… nhưng thực ra cũng có thể hiểu cụ thể trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, những người Do-Thái đang khao khát trông chờ một Đấng Mê-si-a đến để giải thoát họ khỏi ách thống trị của đế quốc La-Mã, chứ họ không trông chờ một Đấng Mê-si-a như Ngài. Người ta muốn Ngài phải là một nhà chính trị, là một ông vua đại tài đứng lên cầm quân giải phóng dân tộc. Còn Đức Giêsu, Ngài đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết đời đời chứ không phải để vì một nhóm lợi ích nhỏ nào, hay một thế lực trần gian nào.
Không chỉ có người Do Thái hiểu sai về Đấng Mê-si-a mà ngay cả các môn đệ thân tín của Ngài cũng không thể hiểu Đấng Mê-si-a như thế nào. Một Phê-rô, vừa tuyên xưng ‘Thầy là Đấng Ki-tô’ xong, đã nhẩy xổm lên cản mũi kỳ đà khi được nghe Thầy tỏ cho biết về sứ vụ đau khổ của Đấng Ki-tô là gì. Đến độ Chúa Giêsu phải mắng ông: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Quả thật hai luồng tư tưởng mà không gặp nhau thì có nói ra cũng chẳng ai hiểu chi! Chỉ có thêm phiền toái là đàng khác! Đó có lẽ là lý do mà Chúa Giêsu không muốn các môn đệ nói với ai về sứ vụ Mê-si-a của Ngài trước thời hạn, hay cách nào đó Ngài biết rõ, vào thời điểm này có nói cũng chẳng ích gì cho người ta, vì chính Ngài không giống như Đấng mà hiện tại người ta đang trông chờ! Vì một Đấng Me-si-a đến giải thoát theo nghĩa thế tục – chính trị thì không phải là đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa.
Qua bài Tin Mừnghôm nay, chúng ta cũng có thể học theo Chúa Giêsu để đặt câu hỏi với những người thân của mình xem sao nha! Có thể người thân là vợ hoặc chồng, là cha mẹ hay con cái hoặc những người bạn thân thiết của nhau, ta thử đặt câu hỏi: “anh ơi, em ơi, con ơi, hay bạn thân ơi, người ta nói tôi là ai?”
Có lẽ chúng ta sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời thú vị. Có thể câu trả lời là: cô là bà chủ tiệm. Anh Là ông chủ nhà hàng, là một kỹ sư, là một sinh viên, hay là một người giúp việc, là một nhân viên văn phòng, cũng có thể là một mụ chua ngoa hay là một tay côn đồ đáng xa lánh…
Và rồi chúng ta lại bắt chước Chúa mà hỏi tiếp: vợ ơi, chồng ơi, cha mẹ ơi, các con ơi, hay bạn thân ơi. Chính anh, em, cha, mẹ, con, hay bạn thân làm ơn nói cho tôi biết tôi là ai? À, câu hỏi này ta phải làm một cách hết sức nghiêm túc như Chúa Giêsu đã làm và có lẽ rất nhiều câu trả lời thú vị mà ta sẽ nhận được, thậm chí cả những hành động nữa: có thể người chồng đến đưa tay sờ vào trán của vợ và ân cần hỏi; “hôm nay em bị làm sao vậy? có cần đi bác sĩ không?” hay “Ồ! Em là cục nợ của anh mà cả đời anh không bao giờ trả hết!” hay “Ồ! Bạn là ai ư! Đến tuổi này còn độc thân thì bạn tự biết rồi!” hoặc “Mẹ là ai à, cho phép con nói thật nha; mẹ là người số một trong nhà này chuyên gây chiến với ba và luôn ồn ào” hay “chồng à! Anh là người em yêu nhất trên đời nhưng cũng mang đến cho em nhiều đau khổ nhất!”…
Và rồi nếu có cả một ngàn câu trả lời ngọt ngào hay chua chát thì thực sự người ta cũng không thể nói chính xác cho chúng ta biết mình là ai! và cũng có thể nói, ngay cả chính chúng ta cũng không thực sự biết mình là ai! Có khi nào chúng ta tự hỏi chính mình: “Tôi là ai” chưa? Tôi là ai trong cõi đời này? Có thể tôi là một người thành đạt, có thể tôi là kẻ ăn xin, có thể tôi đang làm tổng thống, có thể tôi đang làm ô xin cho người ta, có thể tôi đang làm giám đốc một công ty, có thể tôi đang làm anh nhân viên bảo vệ hay phu quét rác, có thể tôi là một tu sĩ, linh mục hay giám mục… tất cả cái tôi đang làm và tôi nghĩ rằng tôi đang là đều không phải là một câu trả lời cuối cùng làm thỏa mãn cho mình, vì ta không phải được sinh ra để rồi làm ông này bà nọ là xong. Có một số người dễ hài lòng với những gì mình đang có và tự coi cái đó đang là chính họ nhưng đến tận cùng của cuộc đời thì họ nghĩ mình là ai?
Có lẽ câu chuyện sau đây gợi ý cho ta câu trả lời:
Có một người mới qua đời đi đến cửa thiên đàng, ông gõ cửa và có tiếng của Thiên Chúa vọng ra hỏi: “Ngươi là ai?” Người ấy thưa, con tên là Trần Văn T… là một thầy giáo dạy ở trường đại học quốc gia. Thiên Chúa lại hỏi, “Ngươi là ai?” ông ta lại giải thích, nhà con ở thành phố Sài Gòn gần nhà thờ Đức Bà và con đến đó đi lễ mỗi chúa nhật. Ta không hỏi nhà người ở đâu, ta hỏi người là ai? Con là người chồng của bà Y và có ba đứa con, tất cả đã được con lo cho chúng ăn học thành công, một đứa làm thầy giáo, và hai đứa làm bác sĩ… cứ tiếp tục như thế đến khi không còn biết trả lời làm sao nữa thì câu hỏi vẫn cứ vang lên: “Ngươi là ai?” Và cuối cùng, người đàn ông này không biết mình là ai! Đành trả lời: “Con không biết.” Thiên Chúa nói: “Vậy nhà ngươi hãy trở về trần gian mà tu tập để tìm hiểu xem mình là ai, vì ở đây không có chỗ cho kẻ không biết mình là ai!”
Ông ta trở về trần gian và bắt đầu tu tập, suy ngẫm về cuộc đời, khám phá ra rất nhiều những gì mà ông từ trước tới giờ không hề quan tâm tới, đó chính là thế giới nội tâm của chính mình.
(câu chuyện nếu dừng ở đây chúng ta cũng chẳng biết người đàn ông này đã ngộ ra được cái gì! đúng không?) nhưng rất may, câu chuyện còn viết tiếp.
Một ngày kia ông được Chúa gọi về, đến gõ cửa Thiên đàng, ông cũng nghe được giọng nói quen thuộc ngày nào hỏi: “Ngươi là ai?” qua một chút bối rối và hồi hộp, ông liền thưa: “Con chính là Ngài.” Và lạ thay, cửa thiên đàng bỗng mở tung, nhạc hội tưng bừng hân hoan đón ông vào và Lời Chúa vang lên: “Hãy vào mà chung hưởng niềm vui và hạnh phúc với Chủ ngươi.” Đó cũng là niềm vui được kết hợp nên một với Thiên Chúa.
Qua câu chuyện có lẽ mỗi người chúng ta đã có câu trả lời cho chính mình: “Tôi là ai” rồi. Vì chúng ta biết rõ mình đang mang Danh hiệu nào. Một danh xưng vô cùng cao quý đó là Ki-tô Hữu, Tôi là Ki-tô Hữu, là người có Chúa Ki-tô, hay tôi là hiện thân của Chúa Ki-tô. Vì Chúa Ki-tô đã cho phép tôi được nên một với Ngài qua bí tích thanh tẩy và đặc biệt qua bí tích Thánh Thể mỗi khi tôi ăn Thịt và uống Máu Ngài. Và Ngài đã từng cầu nguyện cho tôi cùng với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để chúng nên Một trong Chúng Ta là Một.” Đức Giêsu không chỉ cầu nguyện để cầu nguyện, nhưng lời cầu nguyện của Ngài chính là mạc khải cho tôi biết; Ngài đã cho phép tôi được nên một trong Ngài và trong Thiên Chúa Cha của Ngài. Chiêm niệm điều này làm cho ta không khỏi cảm động đến rưng rưng, vì tình yêu của Thiên Chúa quá cao vời và ngài đã làm cho con người. Nhưng, nhìn lại một chút, có khi nào người ta nhận ra Chúa Ki-tô trong tôi không vậy ta? “Người ta nói tôi là ai vậy?” và “tôi nghĩ mình là ai đây?” và tôi thực sự đang là ai đây? Khi tôi đặt mình trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Amen.