THỨ NĂM TUẦN VII MÙA PHỤC SINH
Gio-an 17,20-26
Để Họ Được Nên Một Như Chúng Ta Là Một
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Chuyện dân gian kể lại rằng, có một anh què và anh mù ở trong khu rừng đang bốc cháy. Anh mù cắm cổ chạy nhưng lại lao về phía ngọn lửa. Anh què liền la lớn: Đừng chạy về hướng đó. Anh mù đáp: vậy tôi nên chạy đi đâu? Anh què nói: tôi có thể chỉ đường cho anh chạy thoát đám cháy, nhưng anh phải cõng tôi trên vai. Như vậy tôi có thể chỉ đường cho anh và chúng ta có thể ra khỏi khu vực rừng đang cháy này cách an toàn.
Câu chuyện trên nói lên một sự đoàn kết, hiệp lực, bổ sung khiếm khuyết cho nhau và họ đã làm lên kỳ tích là cùng nhau vượt qua hoạn nạn. Tuy nhiên, sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ cũng như những người tin vào Ngài hôm nay thì không chỉ dừng lại ở sự quy tụ đoàn hội, hỗ trợ tương quan để làm nên kỳ tích mà Ngài cầu nguyện cho các môn đệ trở nên một trong Ngài, như Chúa Cha ở trong Ngài và Ngài ở trong các môn đệ, để tất cả được nên một trong Thiên Chúa.
Quả thật, không một phàm nhân hay một tạo vật nào có thể cầu nguyện táo bạo như vậy. Vì lời cầu nguyện không chỉ quy tụ các môn đệ đoàn kết, yêu thương hợp nhất lại thành một khối, một cộng đoàn, cùng chia sẻ nâng đỡ nhau trong cuộc sống để mọi người đều được hạnh phúc mà vượt ra ngoài cái hạnh phúc thế gian có thể tưởng tượng được đó là hạnh phúc vĩnh cửu, con người được kết hợp nên một với Thiên Chúa. Nói như thánh I-rê-nê: “Thiên Chúa làm người để con người được nên làm Chúa”.
Đây là điều Thiên Chúa muốn ban cho con người mà không một phàm nhân nào có thể hiểu nổi theo sức riêng của mình. Chỉ có tình yêu của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa mới có thể thực hiện cho chúng ta điều đó. Ngài là hiện thân của Tình Yêu cao vời của Thiên Chúa Cha và đã dốc hết sự sống của mình ra để cứu nhân loại, với một ước muốn đúng với tên gọi của Tình Yêu đó là: “Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (c.24).
Tình yêu không muốn chia lìa, hai người yêu nhau muốn về chung một nhà và dùng chung một tên. Tình yêu nam nữ kết hợp nên một vợ một chồng đã giúp ta phần nào có được khái niệm về tình yêu không muốn xa lìa của Đức Kitô với các môn đệ, cũng như với những người tin vào Ngài. Nhưng dù sao nó vẫn không diễn tả hết được một tình yêu chung thuỷ của Thiên Chúa. Vợ chồng có thể về cùng nhau chung một nhà, có thể gọi cùng một tên, nhưng dù sao họ vẫn là hai cá thể độc lập. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa thì quyền năng có thể kết hợp nên một và ở lại trong tạo vật là mỗi chúng ta. “Con đã tỏ cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ.” (c.26). Ở lại trong nhau để chung hưởng vinh quang của Thiên Chúa.
Như vậy, lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong ‘Lời Nguyện Hiến Tế’ của Chúa Giêsu cho ta thấy, sự hiệp nhất ở đây không chỉ giới hạn trong mỗi gia đình, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, hay trong các cộng đoàn, một Giáo Hội riêng biệt mà là bao gồm tất cả những ai tin vào Đức Giêsu Kitô, những ai qua lời Ngài mà tin nhận Chúa Cha. Thiên Chúa chân thật và duy nhất và Đấng Cha sai đến là Giêsu Kitô. Đức tin cho người ta nhận biết được Tình yêu mà Chúa Cha dành cho họ thật vĩ đại và cao vời bằng chính tình yêu mà Ngài dành cho Người Con Một Duy Nhất của Ngài (c.23).
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho sự hiệp nhất nên một ở đây ví thể như những mạt sắt quy tụ quanh thỏi nam châm là chính Thiên Chúa. Quả thật, sự hiệp nhất nên một mà Chúa Giêsu đề cập đến là nên một trong Chúa. Chỉ khi người ta kết hợp với Thiên Chúa thì người ta mới thực sự nên một với nhau. Cho dù họ là ai, có những khác biệt về ngôn ngữ, giai cấp, sắc tộc, phái tính, kể cả các tôn giáo người ta vẫn có thể quy tụ nên một trong niềm tin và trong tình yêu của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay là lời kết của ‘Kinh Nguyện Hiến Tế’ của Chúa Giêsu. Nội dung lời cầu nguyện của Ngài là cho sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu. Đặc biệt ngày nay, chúng ta thường thấy sự đổ vỡ của những mối tương quan trong gia đình, sự thù hằn giữa các thành viên của cùng một cộng đồng đức tin, sự bất đồng trong xã hội dân sự và sự thù địch giữa các quốc gia. Chúa Giêsu cũng cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các thành viên trong thân thể của Ngài là Giáo Hội. để tất cả chúng ta được nên một như Ngài với Chúa Cha là một.
Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải dấn thân cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Công đồng Vatican II trong Sắc Lệnh về Đại Kết (1964). Đã chỉ cho chúng ta cần thực hiện như thế nào khi nói:
Tiến trình đại kết đích thực luôn đòi hỏi phải có hoán cải nội tâm. Thật vậy, những ước vọng hợp nhất khởi phát và thành tựu được chính là nhờ vào sự đổi mới tâm hồn, từ bỏ chính mình và quảng đại thực thi bác ái. Vì thế, cần phải cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn biết thành thật từ bỏ, khiêm nhường và hiền hoà trong khi phục vụ, quảng đại trong tình huynh đệ đối với tha nhân. Vị Tông Đồ dân ngoại đã nói: ‘Đang bị xiềng xích trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy tiến bước cho xứng với ơn kêu gọi anh em đã được, với tất cả lòng khiêm nhường và hiền hậu, hãy nhẫn nại chịu đựng lẫn nhau trong đức ái; hãy lo lắng duy trì sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần trong mối dây hoà thuận’ (Ep 4,1-3)…Tất cả các Kitô hữu hãy luôn nhớ rằng, khi nỗ lực sống trọn vẹn theo Phúc Âm, họ sẽ cổ vũ, hơn nữa sẽ thực hiện sự hợp nhất các Kitô hữu cách tốt đẹp hơn. Thật vậy, khi càng kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, Ngôi Lời và Chúa Thánh Thần, họ lại càng dễ dàng thắt chặt tình huynh đệ với nhau hơn.” (SL ĐK số 7)
Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa, như Ngài luôn liên kết với Chúa Cha. Để chúng con luôn được nên một trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.