THỨ SÁU TUẦN V MÙA CHAY
Giê-rê-mi-a 20,1-13; Gio-an 10,31-42
Chúa Cha Ở Trong Tôi Và Tôi Ở Trong Chúa Cha
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Bài đọc một của năm A là bài trích sách của tiên tri Giê-rê-mi-a, đề cập đến lời cầu nguyện của ông khi phải chịu sự bắt bớ từ chính những bạn bè của mình. Ông cầu nguyện với Chúa, và tin rằng Chúa sẽ đáp lại tiếng kêu than của mình. Ông hy vọng rằng Chúa sẽ trả thù những kẻ độc ác này. Ta đã biết, tiên tri Giê-rê-mi-a là một hình ảnh của con người bị bách hại, hiểu lầm, đầy đau khổ và oan ức. Và trong Tân Ước cũng có đề cập tới tên của ông khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ : “người ta bảo Con Người là ai?” và các ông đã thưa, “người ta nói Thầy là Ê-li-a, Giê-rê- mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. Như vậy người Do Thái đã nhận ra những nét tương đồng nơi Giê-rê-mi-a và Chúa Giêsu. Là những vị Ngôn sứ và cũng là những người bị bách hại, bị chống đối bởi dân mình, bởi những người thân quen của mình.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu phải đối mặt với tình huống tương tự, nhưng Ngài có một tinh thần khác với Giê-rê-mi-a. Giê-rê-mi-a đã cầu nguyện và hy vọng rằng Chúa có thể trả thù những kẻ độc ác. Trái lại, Chúa Giêsu không cầu nguyện để trả thù nhưng Ngài mang đến sự cứu chuộc và cứu rỗi cho những kẻ bắt bớ Ngài. Ngài đã làm những việc tốt đẹp cho dân, thậm chí còn hạ mình hơn bằng cách phân bua cho người ta hiểu, hay ít nhất họ nên tin vào công việc của Ngài ngay cả khi họ không tin vào Ngài. Chúa Giêsu yêu cầu họ cho dù không quan tâm đến Ngài thì cũng hãy nhận ra tình yêu mà Chúa Cha dành cho họ qua những điềm thiêng dấu lạ Ngài đã thực hiện, như cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ què đi được, hóa bánh ra nhiều, xua đuổi ma quỷ, biến nước thành rượu và qua đó, họ có thể thấy Chúa Cha và tình yêu của Ngài từ những công việc này.
Nhưng phản ứng của người ta là gì? Đáp lại những gì Chúa Giêsu mời gọi, người ta đã không lắng nghe Ngài, thậm chí cố gắng bắt giữ và muốn giết Ngài vì Ngài tự mạc khải chính mình là Con Thiên Chúa, và là Thiên Chúa. Đây là sự báng bổ và phạm thượng, là một trong ba tội lỗi hoặc tội ác bị trừng phạt bằng cách ném đá cho chết. Họ tức giận với Ngài bởi những tuyên bố về mối liên hệ mật thiết của Ngài với Thiên Chúa. Thật ra, mọi thứ mà Chúa Giêsu thực hiện đều bắt nguồn từ Chúa Cha. Ngài không phải là một người làm cho mình là Thiên Chúa; Ngài là Lời của Thiên Chúa trở thành con người. Chính Chúa Cha thánh hiến Ngài và sai đến thế gian (c.36).
Nói cách khác, Chúa Giêsu trải nghiệm những gì Giê-rê-mi-a đã trải qua, cùng sự từ chối, phản bội và bắt bớ. Nhưng phản ứng của Ngài đối với tất cả những điều này là không xin Thiên Chúa báo oán cho mình, trái lại, chấp nhận dấn thân vào một tình yêu vĩ đại, yêu đến tận cùng khi chịu sự đóng đinh trên thập giá, chết và cuối cùng là Phục Sinh.
Trong mọi thời đại và ngay cả trong xã hội hiện đại ngày nay, Chúa Giêsu vẫn bị từ chối và thậm chí bị bắt bớ. Giống như một sử gia người Anh H. G Wells, ông đã nói rằng, Chúa Giêsu là nhà giáo vĩ đại nhất của thế giới. Nhưng ông không tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Một nhà thần học nổi tiếng người Anh C. S. Lewis đã cho rằng lập trường của Wells không nhất quán. Vì đối với Lewis, chúng ta sẽ không bao giờ được gọi một con người là bình đẳng với Thiên Chúa, như một nhà giáo vĩ đại nhất. Chúng ta có thể gọi Ngài: một kẻ ngốc, một kẻ điên, một con quỷ nhưng không bao giờ là một nhà giáo vĩ đại nhất.
Nhưng khi nói về Đức Giêsu Kitô, Lewis nói, chỉ có một, trong số bốn lựa chọn, mà chúng ta có thể chọn. Chúng ta chọn Chúa Giêsu là một kẻ ngốc nên được chúng ta thương hại, hoặc một kẻ điên nên bị chúng ta xa lánh, hoặc ma quỷ nên bị chúng ta ném đá và chối bỏ, hoặc một Thiên Chúa nên được chúng ta sùng kính và tôn thờ.
Đối với chúng ta, những người tin rằng Chúa Giêsu là Chúa của tất cả và Thiên Chúa của mình. Điều thuyết phục chúng ta rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa và không phải là một kẻ ngốc hay một kẻ điên hay ma quỷ, đó là chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa Cha qua Con người Giêsu, qua lời giảng dạy và những việc Ngài đã thực hiện. Nếu chúng ta yêu mến tin tưởng vào Chúa Giêsu, cũng chính là chúng ta đặt niềm tin yêu nơi Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhận ra tình yêu của Ngài trong con người Giêsu và trong mọi người chúng con gặp gỡ, để chúng con luôn trân trọng, quý yêu, đón nhận và tôn thờ Chúa là Thiên Chúa làm người và là Đấng cứu độ chúng con. Amen.