THỨ TƯ TUẦN II MÙA PHỤC SINH
Gio-an 3,16-21
Nghị Luận Với Ni-cô-đê-mô
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Có tư tưởng cho rằng Ga 3,16 là bản tóm tắt của toàn bộ Tin Mừng, bởi từ ngữ của nó đều chứa đựng thông tin rất vui mừng cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
Lời Tin Mừng trên diễn tả như Thiên Chúa đang mở lồng ngực của mình ra để lộ cho con người nhìn thấy trái tim tràn ngập yêu thương của Ngài dành cho họ. Hay nói cách khác, Ngài tỏ cho con người biết Ngài đang yêu và yêu con người vô cùng. Ai đã từng yêu thì đều biết rằng một người yêu thật sự thì không giữ lại điều gì, nhưng muốn cho những gì tốt đẹp nhất mà người ấy có thể, ngay cả những sở hữu riêng tư nhất cũng dành cho người mình yêu.
Thiên Chúa chứng minh tình yêu của Ngài dành cho loài người bằng cách ban cho họ những gì tốt nhất mà Ngài có, ngay cả Người Con trai duy nhất của Ngài, Đấng tự nguyện hiến dâng chính mình như một của lễ đẹp lòng Thiên Chúa và hy sinh đền vì tội lỗi của nhân loại. Tình yêu của Ngài được ban cho thế gian, nghĩa là không phải bị giới hạn trong một vài quốc gia, dân tộc hoặc ngôn ngữ nào nhưng là cho toàn thể nhân loại. Một tình yêu cứu rỗi bao trùm tất cả chúng ta và cả thế giới. Một tình yêu không hề mệt mỏi, nhưng luôn sẵn sàng đi đến bất cứ nới nào trong nhân loại này để tìm những con chiên xa đàn trở về một mối. Một tình yêu của Đấng đã hy sinh bằng cái chết trên thập hình để cho đi đến giọt máu cuối cùng.
Khi suy niệm về câu Tin Mừng này, tôi nhớ câu chuyện có thật về một người cha anh hùng, tên của anh là John Griffith. Vào năm 1937, anh làm việc ở Minnesota với tư cách là người điều hành cầu rút, một cây cầu được thiết kế để có thể nâng lên, hạ xuống hoặc kéo sang một bên để cho con tàu đi qua. Để một chuyến tàu đi qua, anh ta phải gạt cần điều khiển để cầu nâng lên và sau khi tàu đã đi qua anh hạ nó xuống mặt đất để nối lại dao thông đường bộ.
Một ngày nọ khi anh đi làm và anh mang theo đứa con trai tám tuổi. Cậu bé thích chơi quanh nơi làm việc của cha. Rồi John thấy một con tàu đang đến. Ngay lập tức, anh ta gạt cần nâng cây cầu để cho con tàu đi qua. Đột nhiên anh nhận ra rằng con trai mình không ở bên cạnh. Anh cuống cuồng tìm con.
Cuối cùng anh cũng thấy cậu bé leo lên bánh răng của cây cầu! Anh cảm thấy một cơn ớn lạnh chạy khắp cơ thể. Anh vội vã giải cứu con trai nhưng ngay sau đó, anh nghe thấy tiếng tích tắc của một đoàn tàu đang đến gần. Anh bị rơi vào trong tình huống khó xử! Nếu anh dành thời gian để giải cứu con trai, tàu chạy nhanh sẽ gặp nạn, làm chết toàn bộ 400 hành khách trên tàu; nếu anh ta nâng cầu lên, anh sẽ hy sinh cho con trai mình vì các bánh răng hoạt động sẽ nghiền chết thằng bé. Cuối cùng, anh ta đã phải đưa ra một quyết định khủng khiếp: anh ta kéo cần của cây cầu! Chuyến tàu đi qua với những hành khách không hề biết rằng John đã hy sinh những gì cho họ.
Đứng trước tình huống éo le và bi thương như vậy trong cuộc sống nhiều người thường đặt câu hỏi: Tại sao Chúa cho phép điều này xảy ra, rằng lòng tốt của Chúa ở đâu, nếu Ngài tốt, tại sao Ngài lại cho phép như vậy? Nhưng Lời Chúa hôm nay củng cố đức tin của chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và thế gian, Ngài đã ban cho chúng ta Con Một của Ngài. Vấn đề là cái ác trên thế giới là có thật và hiện tại là những việc làm xấu xa của nhiều người đã hợp tác với sức mạnh của cái chết. Tuy nhiên, sức mạnh của cái chết đã bị phá huỷ bởi thập giá của Đức Kitô và trở thành nguồn sống vĩnh cửu cho tất cả chúng ta là những người tin vào Ngài. Niềm tin của người Kitô hữu không dừng lại ở những đau khổ và cái chết ở đời này, nhưng là tình yêu và ơn cứu độ vĩnh cửu trong Đấng đã toàn thắng đau khổ và sự chết của mình trên thập giá như Ngài đã phán: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12,32).
Khi suy gẫm về tình yêu bao la vô bờ bến của Thiên Chúa, có không ít người cho rằng, đi đạo, thức khuya dậy sớm, kinh sách lễ lại hàng ngày rồi cũng lên thiêng đàng, người sống tà tà rồi cũng lên thiên đàng, tình thương của Thiên Chúa là vô biên có loại trừ ai đâu, bởi đến người Con Một duy nhất mà Ngài còn ban cho ta mà! Nhưng người ta dễ quên đi vế thứ hai rằng, Thiên Chúa ban cho ta Người Con của Ngài để ai tin vào người Con ấy mới được cứu độ. Đức tin không chỉ dừng lại ở tâm trí hay lời nói mà là qua hành động vâng phục những Lời dạy từ Người Con của Thiên Chúa mà đem ra thực hành. Đó cũng chính là cách mở lòng ra với ánh sáng, đón nhận ánh sáng. Bằng ngược lại cứ ở lì trong bóng tối, tìm mọi cách để ẩn mình để che đậy cái bóng tối tội lỗi xấu xa của mình, thì cho dù ánh sáng có đó vẫn vô ích đối với những kẻ ẩn núp và xa lánh nó.
Lạy Chúa nguồn Tình yêu, Chúa đã đổ tràn tình yêu của Chúa cách cụ thể trên nhân loại qua Người Con Chí Thánh của Ngài. Như mặt trời công chính chiếu toả ánh sáng cho nhân loại. Xin giúp chúng con biết mở lòng đón nhận ánh sáng của tình yêu Ngài để chúng con một ngày kia được hưởng trọn vẹn tình yêu vĩnh cửu trong Nước Ngài. Amen.
* Chuyện kể rằng: Một đan sĩ thời trung cổ đã tuyên bố rằng ông sẽ thuyết giảng vào tối Chủ nhật tuần sau chủ đề “Thiên Chúa là Tình yêu”. Khi bóng tối buông xuống và ánh sáng không còn lọt qua cửa sổ nhà thờ, cộng đoàn tín hữu tập trung đông đủ. Trong bóng tối của bàn thờ, vị đan sĩ thắp lên một ngọn nến và mang nó đến cây thánh giá. Trước tiên, anh ta soi sáng vương miện gai, tiếp theo, hai bàn tay bị thương, sau đó là vết thương của ngọn giáo ở cạch sườn. Trong sự im lặng bao trùm, anh thổi tắt ngọn nến và rời khỏi cung thánh, không nói bất kỳ một lời nào.