THỨ TƯ TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
Lu-ca 7,31-35
Đức Giêsu Phán Đoán Về Thế Hệ Của ngài
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
“Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được?” (Gr 17,9).
Lời nhận định của Tiên Tri Giê-rê-mi-a đã gióng lên lời cảnh tỉnh cho chúng ta nhìn lại con người của mình. Quả thật, con người thì thích chỉ trích, lên án hoặc bêu xấu người khác, và cũng còn có sở thích xúi dục người khác chỉ trích ai đó, nhưng họ thì lại chỉ muốn được khen ngợi.
Tìm lỗi, xét nét người khác là một trò tiêu khiển thường xuyên của con người. Và rồi dường như người ta mù quáng trước những sự thật hiển nhiên, cũng như do thói quen và định kiến không tốt đối với người khác nên không nhận ra cái gì là tốt, cái gì là chân thật nữa! Vì vậy mà Chúa Giêsu đã khẳng định cả một thế hệ của Ngài giống như lũ trẻ. Chỉ muốn những gì chúng nghĩ là đúng và muốn người khác cũng phải nghĩ và hành động như chúng. Nếu ai làm khác thì chúng cho là sai, và thậm chí oán trách người khác: “tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhẩy múa; tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh không khóc than.” Chúa Giêsu đã dùng ví dụ rất cụ thể để vạch trần lối suy nghĩ vị kỷ và ấu trĩ của những con người đang nghe Ngài giảng, những con người không biết nhìn nhận sự thật mà chỉ muốn biến mọi thứ chúng quanh theo ý muốn và sự hiểu biết nông cạn của mình. Lấy mình làm trung tâm và chỉ công nhận những gì là phù hợp với cái họ nghĩ. Đó là một hình thức kiêu ngạo nhưng lại ấu trĩ như trẻ con vì sự mê lầm và thiếu kiến thức.
Nếu gọi cả một thế hệ là đồ con nít, hay đồ trẻ con thì quả là rất sốc! Nhưng không có ví dụ nào nhẹ nhàng hơn mà Chúa Giêsu có thể dùng. Vì như Ngài đã vạch trần cái bụng dạ ích kỷ và hẹp hòi, cái sự nham hiểm và tự kiêu của con người khi họ muốn lên án hay chỉ trích ai cũng được. Nói theo kiểu Việt Nam: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Không thích thì nói gì cũng được! Vì ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì họ bảo ông ta bị quỷ ám. Còn Chúa Giêsu đến cũng ăn cũng uống như ai, thì họ lại bảo ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’.
Qua đây cho chúng ta thấy, sự ích kỷ và đặc biệt sự tự kiêu, quen lối suy nghĩ trịch thượng đã làm cho người ta mờ mắt và không đón nhận được chân lý hiển nhiên. Họ sống loay hoay trong cái bản ngã của mình và không đón nhận được tình thương và ân sủng của Thiên Chúa qua Lời của Ngài.
Mặt khác, Tin Mừng cũng nói với chúng ta về một thực tại là: những người theo chân Chúa Giêsu Ki-tô và Giáo huấn của Ngài. Chắc chắn chúng ta sẽ không thiếu những lời chỉ trích từ người khác, điều quan trọng là chúng ta sẽ cư xử như thế nào khi gặp những chỉ trích chống báng đó? Hãy học nơi Chúa Giêsu, Ngài đã nhìn thẳng vào những lời chỉ trích của người đời không phải với sự nóng giận hay chỉ trích ngược lại, nhưng xem đó như trò trẻ con. Cũng có nghĩa vấn đề sai trái của người khác ta không nên quá bận tâm. Điều cần chú ý là ta có từng hay chỉ trích, gièm pha, nói xấu, bóp méo sự thật không? Vì nguồn gốc của những hành vì đó xuất phát từ sự kiêu căng. Nó là một trong bảy tật xấu hay bẩy mối tội đầu và trái ngược với sự khiêm nhường. sáu cái còn lại là: tính tham lam đối lập với sự hào phóng, sự ganh tỵ đối lập với bác ái, Nóng giận đối lập với sự nhu mì, thèm muốn dục vọng đối lập với sự khiết tịnh, tính tham ăn đối lập với sự ôn hòa, lười biếng đối lập với sự kiên trì.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết cảnh giác với sự tự mãn sâu thẳm ở trong cõi lòng mình. Xin giải thoát chúng con khỏi sự kiêu hãnh mù quáng. Biết mở tai lòng để lắng nghe và đón nhận sự thật. Xin cho chúng con không bao giờ chụp mũ, chỉ trích hay chủ quan khi nhận định về người khác. Xin Chúa lấy đi sự ích kỷ tự kiêu và sự mù quáng trong tâm hồn con để con biết nhìn mọi sự bằng con mắt đầy yêu thương và lòng trắc ẩn của Chúa. Amen.