“XEM – XÉT – LÀM” khi áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời
(Bài Suy niệm Thứ 6 tuần XXXIV TN)
Phong trào Thanh Sinh Công (Thanh niên-Học sinh-Công Giáo) sở dĩ thu được nhiều thành quả vì biết áp dụng phương pháp hoạt động: Xem – Xét – Làm; tức là: Quan sát – Phán đoán và Hành động. Đây cũng là tiến trình để chúng ta áp dụng Lời của Chúa trong cuộc đời, là sứ điệp Chúa muốn gởi đến cho mỗi người chúng ta hôm nay.
Ai trong chúng ta cũng có chút ít kinh nghiệm khi phỏng đoán một hiện tượng gì đó: cứ thấy thế này thì hầu chắc là thế kia…. Nhìn thấy hiện tượng tức là Xem, là quan sát, đây là bước khởi đầu và xảy ra rất nhanh để chuyển sang bước kế tiếp tức là Xét – nghĩa là đưa ra phán đoán…. để cuối cùng quyết định làm điều mình phải làm. Trong bài Tin mừng hôm nay chúng ta cũng được Chúa Giêsu nhắc nhủ: nếu đã biết làm như vậy với các hiện tượng thiên nhiên, về cảnh vật đất trời… thì cũng cần hướng đến một điều cao xa hơn cuộc sống đời này.
Khi người ta xem thấy cây vả cũng như tất cả những cây khác có hiện tượng đâm chồi nảy lộc, thì người ta biết là mùa hè đã đến gần rồi (x. Lc 21, 30). Và tiếp theo Chúa Giêsu kết luận: “Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 21, 31).
Đọc chương 21 tin mừng theo thánh Luca chúng ta thấy rất nhiều lời cảnh báo Chúa Giêsu nhắc đến, sẽ xảy ra trước khi triều đại Thiên Chúa đến; tuy nhiên điều quan trọng và cũng là niềm hy vọng đối với chúng ta khi nghe Chúa Giêsu đưa ra kết luận ở câu cuối cùng trong bài Tin mừng hôm nay: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 21, 33).
Đúng vậy, trời đất và mọi sự sẽ qua đi nhưng Lời Chúa thì chẳng qua đi. Ngày tận cùng của mọi sự chắc chắn sẽ phải đến, bởi vì thế giới chúng ta đang sống là những thực tại lệ thuộc vào không gian và thời gian. Lời của Đức Giêsu nói về thời điểm tận cùng của mọi sự có thể làm chúng ta sợ hãi, nhưng đó lại là con đường tất yếu của sự sống mới và sáng tạo mới, như hạt lúa mì, như chính thân xác của chúng ta: sáng tạo này phải tan rã, thân xác chúng ta phải qua đi, để nhường chỗ cho trời mới đất mới, cho “thân xác” và sự sống mới (x. http://huyha.net/loi-thay-noi-se-chang-qua-dau-thu-sau-sau-chua-nhat-xxxiv-thuong-nien/).
Thật phúc cho chúng ta vì chúng ta được Chúa báo trước tất cả và nhắc nhủ nhiều lần để một khi chúng ta đã biết trước, được Chúa ban thời giờ, phương tiện…. thì chúng ta có nghĩa vụ sống cuộc đời cho thật ý nghĩa, và chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi chuyện gì đến sẽ đến. Chúng ta cũng không viện cớ này cớ khác để kêu trách hay tiếc nuối điều gì vì trách nhiệm lo cho phần rỗi đời đời của chúng ta phải là điều ưu tiên trong mọi chọn lựa của chúng ta.
Một khi chúng ta đã biết các hiện tượng, mốc thời gian và các yêu cầu liên hệ như là 2 việc chúng ta đã XEM và XÉT thì ngay lập tức chúng ta bắt đầu tìm ra cách thế với mong muốn thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất để LÀM điều chúng ta muốn. Những gì liên quan đến sự sống đời sau cũng vậy. Còn sống trên trần gian này chúng ta còn nghe thấy tiếng Chúa nói với chúng ta qua các tạo vật, qua niềm vui, nỗi buồn, qua cả những lầm lỗi của chúng ta. Việc của chúng ta là nghe tất cả và nhận ra tiếng Chúa muốn nói gì với bản thân tôi qua các biến cố đó bằng thái độ sẵn sàng và yêu mến. Khi đã “đọc” được ý Chúa muốn gì trong cuộc đời mình thì việc đáp trả là chuyện bình thường và dễ hiểu.
Với xác tín chắc chắn những gì Chúa nói đều là sự thật, Chúa không bao giờ lừa dối ai nên “Tất cả sẽ qua đi còn lời Chúa thì không” trở thành định luật sống cho chúng ta. Lời Chúa tồn tại mãi mãi nên chúng ta phải cố gắng lắng nghe để được sống chứ đừng giả điếc làm ngơ kẻo chúng ta phải chết đời đời: “Quả thật, quả thật, Tôi bảo thật các anh em, đến giờ và chính bây giờ những người chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai nghe thì sẽ được sống đời đời” (Ga 5, 25).
Biết lo xa cho hậu vận của mình cũng là điều chúng ta cần quan tâm. Từ những dấu chỉ của thời đại, từ những lời hối thúc và kêu gọi,… chúng ta cần khôn ngoan XEM – XÉT – LÀM như kẻ khám phá ra kho báu vô giá, liền về bán hết tài sản để mua cho bằng được. Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô khi đã gặp được Đức Kitô: “những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3, 7-8).
Ước gì mỗi khi nghe, đọc hay nghĩ tới Lời Chúa, ngay lập tức tôi sẽ tự vấn bản thân: Lời Chúa nói gì với tôi qua câu Kinh Thánh này và tôi phải làm gì trước sứ điệp Chúa muốn trao cho tôi?
Mai Thi