TIN VÀO ĐỨC GIÊSU VÀ THÁNH THỂ
(Ga 6,41-51)
M. Bosco, PS
Một số người Do Thái thời xưa không tin Đức Giêsu là Bánh Hằng Sống. Đó là một vấn đề. Người Kitô hữu ngày nay tin vào bí tích Thánh Thể nhưng không chắc là không có vấn đề về niềm tin này.
- Đức Giêsu đối với một số người Do Thái thời xưa
Trong Đức Giêsu có hai bản tính: thần linh và nhân loại. Dưới khía cạnh là nhân loại, Đức Giêsu con bà Maria và ông Giuse, làm nghề thợ mộc. Gia đình ông Giuse nghèo, sống ở làng Nagiaret. Một lai lịch nghề nghiệp như thế là khá rõ ràng. Những người Do Thái sống cùng thời với Đức Giêsu nhìn vào và biết Đức Giêsu nhờ giác quan và lý lẽ của lý trí.
Đi xa hơn nữa, họ có nghe thấy Đức Giêsu chữa lành nhiều chứng bệnh nan y, làm nhiều phép lạ kỳ diệu như làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Tất cả những việc ấy, những người không tin nhìn bằng con mắt giác quan. Họ có thán phục và kính nể cách mấy đi nữa thì cũng chỉ coi Đức Giêsu là một vĩ nhân đại tài, đáng khâm phục thôi. Vì như vậy họ chỉ chấp nhận Đức Giêsu là một con người.
Vậy nên, nếu chỉ nhờ vào giác quan và nếu chỉ nhìn vào Đức Giêsu với cái nhìn thực nghiệm và lý lẽ của trí khôn, người ta không thể nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa. Bởi vậy nếu họ có nghe nói Đức Giêsu là Bánh Trường Sinh thì điều đó lại càng là một ý niệm xa lạ, không chấp nhận được.
Còn dưới khía cạnh thần linh của Đức Giêsu, làm sao họ biết được? Làm sao người phàm có thể biết được nếu không được Chúa mặc khải cho? Làm sao biết được nếu Thiên Chúa không ban đức tin cho? Đức Giêsu đã xác định rõ: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi không lôi kéo người ấy.”
Vậy ai là người được Thiên Chúa lôi kéo? Tất cả mọi người. Thánh sử Gioan muốn nói lên tính phổ quát là tất cả mọi người đều được Thiên Chúa dạy dỗ, nên khi trích câu Kinh Thánh Is 45,13 là: “Hết thảy con cái Israen sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”, thánh sử đã đổi lại: “Hết thảy mọi người sẽ được dạy dỗ.” Thiên Chúa dạy bằng cách dùng các ngôn sứ, nhất là Con Một của Người là Đức Giêsu. Như vậy qua Đức Giêsu, Chúa Cha dạy dỗ loài người. Lời cùng với hành động từ Đức Giêsu là lời mặc khải cho biết Đức Giêsu là ai. Còn thực tế người này, người kia tin hay không tin, đón nhận hay từ chối là còn tùy thuộc vào tự do của họ.
Khi Chúa nói: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trới xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”, người Do Thái không thể chấp nhận. Sự cứng tin này là một dấu chấm hỏi cho Kitô hữu về niềm tin của mình.
- Niềm tin của Kitô hữu vào Đức Giêsu
Nếu như hỏi: “Đức Giêsu là ai?” Có lẽ mọi Kitô hữu đã đến tuổi trưởng thành đều có câu trả lời đúng. Vì ngay từ những lớp giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu họ đã được học cho biết Đức Giêsu là ai. Rồi lớn lên được nghe, được đọc Kinh Thánh, được giảng dạy, có lẽ họ còn có câu trả lời hay hơn, bằng cách dùng chính lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) làm câu trả lời cho mình. Đó là một câu trả lời chính xác.
Còn nếu nói về Bánh Trường Sinh hay Bánh Thánh Thể thì Kitô hữu tin cái tấm bánh làm bằng bột mì có hình dạng tròn tròn, có màu sắc trắng trắng dùng trong thánh lễ sau khi linh mục đọc lời truyền phép là Thánh Thể Chúa.
Hằng ngày linh mục dâng thánh lễ, với lời truyền phép: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”, linh mục giơ cao bánh đã truyền phép lên cho cộng đoàn thấy rồi đặt xuống, thế là cả cộng đoàn đồng loạt bái thờ. Hành vi bái thờ đó là hành vi của đức tin. Tin tấm bánh được truyền phép là Đức Giêsu. Hoặc khi trao Mình Thánh Chúa, thừa tác viên giơ cao một chút cho người rước thấy và nói: “Mình thánh Chúa Kitô.” Người rước lễ đáp “Amen.” Nghĩa là: tôi tin đây là Thánh Thể Chúa.
Có lẽ Thánh Thể đối với Kitô hữu không có vấn đề tin hay không tin nữa, nhưng vấn đề ở chỗ diễn tả niềm tin. Vấn đề mà Kitô hữu dễ mắc phải là bệnh “nhàm chán”, diễn tả niềm tin một cách máy móc. Ngày nào linh mục cũng dâng lễ, các ngài giơ tay ra chắp tay vô, đọc lời nguyện này, kinh kia cũng tương tự nhau, chứ có làm gì khác lạ đâu. Còn cộng đoàn ngồi dưới cũng thưa một số lời đã thuộc lòng rồi. Mỗi thánh lễ đều làm những cử chỉ, những dấu hiệu quá quen thuộc ấy. Điều này rất dễ gây nên bệnh nhàm chán.
Linh mục cầm Mình Thánh giơ lên sau khi tuyền phép thì ta cúi đầu. Thừa tác viên trao Mình Thánh và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô” thì ta thưa Amen. Ta hoàn toàn không phản đối. Nhưng nếu chỉ cúi đầu và thưa Amen có thể là cử chỉ máy móc, không hồn, không có tâm tình tin yêu tôn thờ Đấng đã yêu ta mà hiến thân chịu nộp vì ta, trở nên bánh cho ta được sống. Ước chi bịnh này mau được chữa lành.
Kitô hữu là người tin vào Đức Giêsu. Có điều là đức tin của mình mạnh hay yếu, nhạy bén trước Lời Chúa và Thánh Thể Chúa hay chỉ là những hành động theo thói quen. Và ai dám tự hào mình có đức tin mạnh? Thiết tưởng người có đức tin mạnh là người biết khiêm nhường cầu nguyện như các môn đệ ngày xưa đã từng cầu nguyện: “Lạy Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5). Hay là: “Lạy Chúa, xin ban thêm cho chúng con đức tin vào Đức Giêsu là Bánh Hằng Sống.