Tỉnh thức
(Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 – 4,2; Lc 21,25-28.34-36)
M. Anges, Phước Thiên
Thời gian là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta. Vậy chúng ta hãy tận dụng thời gian mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để sống, chuẩn bị và thực hiện những điều tốt đẹp. Con người không những dùng thời gian xây đắp những công trình nhân loại, mà còn dùng thời gian để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa đến đưa chúng ta vào đời sống mới, đời sống vĩnh cửu. Do đó, bước vào chúa nhật thứ I mùa vọng, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy tỉnh thức để sẵn sàng đón (hướng về việc) Chúa đến. Vậy để đón Chúa đến chúng ta cần phải làm những gì? Đâu là thái độ cần có của mỗi người chúng ta?
Ngày Chúa đến được ngôn sứ Giêrêmia loan báo trong Cựu ước rằng cảnh lưu đày sẽ chấm dứt, vì Thiên Chúa sẽ gửi Đấng cứu thoát đến với họ: “Trong những ngày ấy, ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính, để nối nghiệp Đa-vít, Người sẽ trị nước theo lẽ công bằng chính trực.” (Gr 33,16) Ngày đó đã được ứng nghiệm trong Đức Kitô Giêsu, Người đã đến và ở cùng chúng ta, người đã chịu chết, phục sinh và sẽ lại đến lần thứ hai trong vinh quang. Do đó, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao.” (Lc 21,25a) Vào ngày Người đến. Các hiện tượng này làm chúng ta hoang mang, sợ hãi, khiến chúng ta cảm thấy sự hữu hạn của vũ trụ vạn vật cũng như của chính chúng ta. Tuy nhiên, ngày Chúa đến là ngày của niềm vui và sự hân hoan. Chúa mời gọi chúng ta: “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên.” Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để xứng đáng đón chờ Người đến.
Tỉnh thức và cầu nguyện là một trong những thái độ và thực hành khôn ngoan của Ki-tô hữu. Tỉnh thức giúp chúng ta tránh được những bất trắc có thể xảy tới và chuẩn bị, lo liệu, những gì cần thiết cho tương lai, cũng như nhận định đúng thời đúng buổi ngày Chúa đến. Thiên Chúa sẽ đến vào lúc chúng ta không ngờ. “Ngày ấy như chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em.” (Lc 21,34). Do đó, chúng ta phải: “Tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).
Hơn nữa, tỉnh thức còn là hành động đúng với những điều Chúa đòi hỏi, như thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa.” (1 Tx 3,10) Đó là sống yêu thương, bác ái vì lòng mến Chúa và yêu thương anh chị em. Đó là một cuộc lội ngược dòng mà mỗi Kitô hữu cần phải can đảm để từ bỏ mình, mở ra và đón nhận anh chị em của mình. Khi chúng ta sống yêu thương tha thứ là chúng ta sống sự tỉnh thức đích thực, nhận ra Chúa trong tha nhân, ngày càng vươn tới sự thánh thiện với khát khao như thánh Phaolô mong đợi: “Xin cho tình thương của anh em đối với nhau ngày càng đậm đà thắm thiết” (1 Tx 3,12). Khi sống và đối xử với nhau bằng tình yêu là chúng ta làm đẹp lòng Thiên Chúa. Và, chính tình yêu ta dành cho Chúa và cho nhau là sự chuẩn bị tốt nhất cho ngày Chúa ngự đến.
Thật, không chỉ chờ đợi Chúa bằng những hình thức bên ngoài, nhưng chúng ta còn mong chờ Chúa đến với cả tâm hồn trong ngày cuối cùng của cuộc đời chúng ta. Vậy, sau hết việc tỉnh thức chính là sống trọn giây phút hiện tại mà Chúa đã trao ban cho mỗi người.
Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài hãy đến và viếng thăm chúng con. Xin cho chúng con biết nhận ra những dấu chỉ Chúa gửi đến hằng ngày để chúng con biết sống tỉnh thức và cầu nguyện. Amen.