Thư Mùa Chay năm 2023 của Tổng phụ Dòng Xitô
HOA TRÁI CỦA THẬP GIÁ
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đang bước vào thời gian thuận lợi của Mùa Chay để cùng với toàn thể Giáo hội chuẩn bị đón mừng Đại Lễ Phục Sinh. Tôi muốn tiếp tục triển khai chủ đề bài huấn từ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, dành cho Tổng công nghị của Dòng chúng ta vào ngày 17 tháng 10 năm 2022, mà tôi đã bắt đầu triển khai với Lá thư Giáng Sinh, giờ đây tập trung vào những gợi ý hữu ích cho hành trình hoán cải của chúng ta, để sống đặc sủng của chúng ta, đó là “cùng nhau chiêm ngắm Chúa Giêsu.” Trong Thư Lễ Hiện Xuống sắp tới, tôi sẽ đào sâu thêm lời mời gọi của Đức Giáo hoàng, để sống ơn gọi của chúng ta trong bản giao hưởng vĩ đại của Giáo hội.
Hoán cải chính mình bằng cách chiêm ngắm Chúa Kitô
Để hiểu được cảm thức tích cực của việc hoán cải Kitô giáo mà chúng ta được mời gọi, điều quan trọng cần phải hiểu rằng, đó không chỉ là một sự biến đổi cõi lòng, biến đổi tư duy và hành động của chúng ta. Trên hết, đó là một cuộc vượt qua từ chính chúng ta đến với Chúa Kitô, từ cuộc sống của chúng ta đến cuộc sống của Chúa Kitô trong chúng ta. Người trộm lành bị đóng đinh bên Chúa Giêsu đã không kịp thay đổi và hoán cải đời sống, nhưng đã xin Chúa Cứu Thế thương xót, và vì thế, cái chết của anh ta là một cuộc Phục sinh để được sống đời đời với Chúa (x. Lc 23,39-43). Chỉ khi chiêm ngắm Đức Giêsu, lắng nghe Lời Chúa, và gắn bó với sự hiện diện của Người, chúng ta mới thực sự được hoán cải, mới để cho Chúa Thánh Thần tái tạo nơi chúng ta hình ảnh sống động của Đức Giêsu Kitô, con yêu dấu của Chúa Cha.
Trong tháng nghỉ phép của tôi với các nữ đan sĩ thuộc cộng đoàn thánh Bênađô ở Hyning, Anh quốc, tôi đã suy tư rất nhiều về nơi ẩn tu của thánh Biển Đức tại hang Subiaco. Thánh Grêgôriô Cả giải thích trong tác phẩm Đối thoại, chương 3 của cuốn thứ hai rằng, thánh Biển Đức: “sống đơn độc một mình (…) luôn nhìn thấy mình trước mắt Đấng Tạo Hóa.” Đó là cách mà dung mạo của thánh Biển Đức trở thành phản chiếu cái nhìn nhân lành của Thiên Chúa… Quả thật, chính từ đó, thánh Biển Đức đã trở thành tổ phụ của các đan sĩ, bắt đầu thu nhận các môn đệ và thành lập các đan viện.
Hoán cải đích thực bao gồm việc để cho Thiên Chúa hằng sống biến đổi cuộc sống chúng ta theo hình ảnh của Người, để yêu như Chúa yêu, tha thứ như Người đã tha thứ, phục vụ như Người đã phục vụ, hiến mạng sống như Người đã hiến mạng vì chúng ta.
Nhưng nó có ý nghĩa gì qua việc biến đổi này trong chúng ta? Thưa, nó diễn ra nhờ sự hiệp thông mà Chúa Kitô ban cho chúng ta, để được sống với Người và với Chúa Cha, trong hồng ân Chúa Thánh Thần.
“Không có hiệp thông nếu không hoán cải”
Đức Giáo hoàng nói với chúng ta trong huấn từ của ngài rằng: “Không có sự hiệp thông nếu không hoán cải.” Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nam nữ đan sĩ chúng ta, những người được kêu gọi, như chúng ta đọc thấy trong Chương 49 của bản Tu luật, về việc phải tuân giữ Mùa Chay (x. Tl chương 49,1), và đặc biệt là lời khấn “canh tân” (Tl chương 58,17), nghĩa là phải luôn hoán cải trong suốt đời đan tu của mình, trong sự vâng phục và trong tình huynh đệ chân thành.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với chúng ta điều này sau khi mời gọi chúng ta cùng nhau bước đi bằng cách sống sự khác biệt của chúng ta trong bản giao hưởng của việc tham gia vào sứ vụ của Giáo hội, là sứ vụ không ngừng đưa chúng ta ra khỏi chính mình để gặp gỡ tha nhân. Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa biến đổi cuộc đời mình, thì việc hoán cải đòi hỏi chúng ta phải mở lòng đón nhận sự hiệp thông mà Chúa Giêsu đã đổ máu trên Thập giá để hiệp nhất chúng ta với Chúa Cha và toàn thể nhân loại. Thật vậy, Đức Giáo hoàng tiếp tục nói rằng sự hoán cải “nhất thiết phải là hoa trái của Thập giá Chúa Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần, cả nơi cá nhân lẫn cộng đoàn.” Chúng ta không được mời gọi hoán cải chỉ để hãm mình ép xác, nhưng để tham gia trọn vẹn vào Mầu Nhiệm Vượt Qua, đón nhận việc Chúa Kitô tự hiến cho đến chết và tuôn tràn Thần Khí trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Như vậy, việc hoán cải diễn tả lòng khao khát sự sống viên mãn, sự sống của Đức Kitô nơi chúng ta, đó là một cuộc sống hiệp thông tình con thảo đối với Thiên Chúa và hiệp thông huynh đệ với mọi người. Chính vì “không có hiệp thông nếu không hoán cải”, mà sự hoán cải đối với chúng ta là một điều hết sức tốt đẹp đáng được ao ước, một con đường cứu độ để chúng ta hân hoan tiến bước, ngay cả khi nó đòi phải hy sinh, bởi vì nó mở ra cho chúng ta ân huệ lớn lao, đó chính là tình yêu thương, đó chính là sự hiệp thông với Thiên Chúa và với các anh chị em của mình.
Hoán cải để rước Chúa vào lòng là lương thực hằng ngày của đời sống cộng đoàn chúng ta. Đời sống của một cộng đoàn sẽ tươi đẹp và phong phú biết bao nếu nó là một tác nhân kích thích kiên trì và giúp đỡ đầy lòng thương xót cho tất cả các thành phần của cộng đoàn để trở nên thông hiệp, mỗi người theo ơn riêng và tùy theo ân sủng mình đã lãnh nhận.
Dĩ nhiên, việc hoán cải này không thể thực hiện được nếu không có ơn Chúa Thánh Thần. Nhưng Đấng An Ủi không thể chối bỏ chúng ta ơn đón nhận hồng ân hiệp thông của chính Người ở trong Ba Ngôi Thiên Chúa và trong Giáo hội.
Vì thế, chúng ta hãy đấm ngực tự hỏi: mỗi ngày chúng ta có khao khát, muốn được hoán cải để hiệp thông với Thiên Chúa và với các anh chị em mà chúng ta gặp gỡ hay không?
“Từ một cái tôi khép kín sang cái tôi rộng mở”
Nhưng con đường hoán cải để hiệp thông trong Chúa Kitô bao gồm những gì?
Đức Giáo hoàng giải thích điều đó với chúng ta bằng một hình ảnh lặp đi lặp lại trong giáo huấn của ngài. Ngài nói với chúng ta rằng ơn gọi của chúng ta “đòi hỏi một sự dấn thân liên lỉ, một sự hoán cải, từ một cái tôi khép kín sang một cái tôi rộng mở, từ một trái tim tập trung vào chính mình sang một trái tim vượt ra khỏi chính mình và hướng tới tha nhân. Và bằng cách loại suy, điều này cũng áp dụng cho các cộng đoàn: từ một cộng đoàn tự quy chiếu về mình đến một cộng đoàn vươn ra hướng tới tha nhân, theo nghĩa tốt đẹp nhất của hạn từ này, đó là tiếp đón và truyền giáo. Đó là chuyển động mà Chúa Thánh Thần luôn cố gắng thúc đẩy trên Giáo hội, hoạt động trong từng thành viên và trong mỗi cộng đoàn và mỗi hiệp hội. Một phong trào có từ ngày Lễ Ngũ Tuần, như một “phép rửa” của Giáo hội.”
Chúng ta dường như nghe thấy tiếng của thánh Biển Đức, trong Lời mở của Tu luật, ngài hứa với chúng ta rằng: “một khi đã tiến bộ trong đời tu và đức tin, một khi lòng phấn khởi và niếm được sự ngọt ngào khôn tả của tình yêu, chúng ta sẽ chạy trên đường giới răn của Thiên Chúa” (Lời mở, câu 49). Mở rộng lòng mình ra đó chính là sự chuyển tiếp từ một con tim khép kín, tự cho mình là trung tâm sang một con tim rộng mở vượt ra khỏi chính mình để gặp gỡ tha nhân. Cái tôi rộng mở là cái tôi thực sự trở thành chính mình, bằng cách gặp gỡ Thiên Chúa như người Cha và gặp gỡ tha nhân như anh chị em trong Chúa Kitô.
Các cộng đồng của chúng ta được kêu gọi luôn đi theo cùng một con đường hoán cải, từ việc khép kín bản thân đến việc cởi mở chào đón người khác đến với chính mình hoặc ra ngoài thăm viếng họ. Trong Thư Hiện Xuống, chúng ta sẽ khám phá khía cạnh này, như Đức Giáo hoàng đã nói: “đó là chuyển động mà Chúa Thánh Thần luôn tìm cách tác động lên Giáo hội”. Nhưng trên hết là, nhân cơ hội trong Mùa Chay này, mỗi người chúng ta và mỗi cộng đoàn nên suy niệm về ý nghĩa của việc chúng ta tham gia vào cách mở rộng tâm hồn hướng tới đời sống hiệp thông này. Chủ yếu không phải là một chuyển động không gian, nhưng chính xác là một chuyển động hoán cải để hiệp thông và để cho Chúa Thánh Thần mở rộng tâm hồn chúng ta. Một trái tim rộng mở không phải là một trái tim tan nát, bị chia cắt hoặc bị tiêu vong, mà chính là một trái tim rộng lớn hơn “cái tôi ích kỷ” của mình, bởi vì trái tim của chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của một vị Thiên Chúa, Đấng đã đến ở giữa chúng ta với một trái tim vô cùng nhân hậu. Như vậy, chúng ta hiểu rằng hoán cải đối với chúng ta là một tiến trình thần hóa trong đức ái mà Thần Khí muốn thực hiện nơi chúng ta và trên toàn thế giới.
Có một lâu đài tuyệt đẹp gần đan viện nơi tôi trải qua tháng nghỉ phép vừa qua, nơi mà tôi đã đến thăm vào một ngày nọ, được hướng dẫn bởi người chủ rất tốt bụng và thân thiện. Cô ấy nói với tôi rằng nhiều năm trước, sau Thế chiến thứ hai, bố chồng của cô ấy thừa kế lâu đài trong tình trạng tồi tệ và nhận thức được gánh nặng mà việc quản lý nó sẽ gây ra, đã tìm cách xin lời khuyên từ cha thánh Piô Năm Dấu, và đã được ngài trả lời rằng: “Nếu bạn luôn mở cửa, bạn sẽ không bao giờ đánh mất ngôi nhà.”
Tôi lập tức nghĩ đến lời mời gọi của Đức Giáo hoàng đối với anh chị em đan sĩ và các đan viện của chúng ta: liệu chúng ta có thực sự muốn tiếp tục sống ơn gọi bằng cách mở lòng ra để gặp gỡ Thiên Chúa và nhân loại không?
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó!” (Lc 6,20)
Chính vì sự hiệp thông là một hồng ân bao la, nên điều kiện để lãnh nhận ơn hiệp thông không thể là những gì chúng ta đang sở hữu, mà là sự nghèo khó trong tâm hồn. Và ở đây có một điểm khác nữa trong bài huấn từ của Đức Giáo hoàng Phanxicô để chúng ta khi suy niệm trong Mùa Chay này.
Vào cuối bài huấn từ của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với toàn thể các tham dự viên của Tổng công nghị dòng Xitô rằng: “Một khía cạnh khác mà tôi muốn khuyến khích anh chị em là hãy thể hiện đức khó nghèo của đời tu hơn nữa, cả về tinh thần nghèo khó lẫn về của cải vật chất, để trở nên hữu ích hơn cho Chúa, với tất cả sức lực của anh chị em, với những yếu đuối và với những phúc lành mà Chúa đã ban cho anh chị em. Vì vậy, chúng ta hãy dâng lời ngợi khen Thiên Chúa trong mọi sự, về tuổi già cũng như tuổi trẻ, về sự ốm đau cũng như sức khỏe tốt, về những cộng đoàn đang trong tình trạng “mùa thu” úa tàn cũng như về những cộng đoàn đang trong giai đoạn của “mùa xuân” tươi trẻ. Điều cốt yếu là đừng để cho ma quỷ cướp đi niềm hy vọng của chúng ta! Điều trên hết mà ma quỷ tìm kiếm, đó là chúng muốn đánh cắp niềm hy vọng, và vì thế, ma quỷ luôn luôn cám dỗ chúng ta đánh mất niềm hy vọng. Bởi vì đức khó nghèo của Tin Mừng luôn ngập tràn niềm hy vọng, được thiết lập trên các Mối phúc mà Chúa Giêsu đã loan báo cho các môn đệ rằng: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).”
Như Đức Giáo hoàng mô tả, đức nghèo khó, cả trong tâm hồn lẫn vật chất, là một bí mật của vui mừng và hy vọng. Đó là mối phúc đầu tiên, nghĩa là sự từ bỏ chính mình để cho Thiên Chúa đổ tràn đầy niềm hy vọng tin tưởng vào lòng chúng ta.
Nếu không có nhân đức khó nghèo, chúng ta không thể sẵn sàng tự hiến cho Chúa, chúng ta không thể phục vụ Người, nhất là trong đan viện như là một “trường học phụng sự Chúa” (Tu luật, Lời mở, câu 45). Nhân đức nghèo khó giúp chúng ta tự do để phục vụ, như Chúa Giêsu, như Đức Trinh Nữ Maria, “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38), đấng mà trong lời kinh Magnificat đã bày tỏ niềm vui của mình khi phục vụ trong sự khó nghèo:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn
Người đoái thương nhìn tới
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,46-48).
Trong Tu luật thánh phụ Biển Đức, đức khiêm nhường được trình bày như hình thức nghèo khó sâu sắc nhất, vì đó là sự nghèo khó của con tim trong mối tương quan với mọi người và mọi vật. Đó chính là những dưỡng chất trong đất để sinh hoa trái cho Nước Trời, nhờ đón nhận hạt giống Lời Chúa.
Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta không thể phục vụ Chúa, Giáo hội và nhân loại một cách thích hợp vì chúng ta thiếu phương tiện, thiếu nhân lực, thiếu khả năng, thiếu thời gian và sức lực. Thay vào đó, Đức Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta rằng, quy luật sinh hoa trái của Tin Mừng bao gồm những tiêu chuẩn đảo ngược so với thế gian, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng trao ban để sinh hoa trái cho Nước Trời. Đây là lý do tại sao Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta sống tất cả sự nghèo khó và đơn sơ của mình với lòng biết ơn, ngợi khen Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta đã cảm nghiệm được phúc lành mà Thiên Chúa hứa cho những ai sống nghèo khó.
Đối với những người hay than trách về sự yếu đuối, bệnh tật, cộng đoàn già nua cằn cỗi mà rất nhiều cộng đoàn của chúng ta đang trải qua, có thể phải sáp nhập và đóng cửa thì đối với họ đó là một sự kết thúc. Nhưng đối với những người nâng tâm hồn lên để tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa, chính những thực tại làm cho chúng ta nghèo khó này trở thành những viên đá lót đường để chúng ta lên Thiên Đàng, chúng là những cơ hội thăng tiến trong đời sống thiêng liêng khiến chúng ta vui mừng làm chứng cho cuộc Vượt qua của Chúa Kitô.
Cuối cùng, chúng ta có thể tự hỏi: ngày nay chúng ta được mời gọi khao khát sống nhân đức khó nghèo nào, khó nghèo cá nhân hay khó nghèo cộng đoàn, để chúng ta được tự do hơn trong việc phục vụ vương quốc của Thiên Chúa? Chúng ta có cất tiếng ngợi khen Chúa vì tất cả những gì làm cho chúng ta nghèo đi không?
Những người bảo vệ niềm hy vọng
Chứng tá này là niềm hy vọng mà Đức Giáo hoàng và Giáo hội xin chúng ta bảo vệ, bảo vệ nó khỏi tên ác quỷ: “Điều cốt yếu là đừng để cho ma quỷ cướp mất niềm hy vọng của chúng ta!”
Chúng ta biết rằng, từ thời thánh Antôn tu rừng trở đi, đời sống đan tu luôn được coi như một trận chiến ở tiền tuyến chống lại các thế lực sự dữ đang phá hoại toàn thể nhân loại. Cuộc chiến này, điều mà nhiều người coi là “đã xưa rồi”, thì nay đang trở lại với sự liên quan bi thảm khi đối mặt với sự hoành hành rõ ràng của sự ác trong các vấn đề của thế giới và của Giáo hội. Nhiều người nhận thức, ngay cả khi không có niềm tin, rằng sự khinh bỉ đối với cuộc sống và phẩm giá của nó, sự khinh miệt đối với người nghèo, đối với các thụ tạo, cũng như các cuộc chiến tranh và áp bức mà các dân tộc đang phải gánh chịu, sẽ không bị xóa sổ bởi một nền chính trị và vũ khí. Điều cần thiết là một chiến thắng của tình yêu thương khiêm nhường của Chúa Kitô trong thẳm sâu tâm hồn, một chiến thắng của Thập giá chống lại các thế lực đen tối của sự dữ.
Khi chịu chết và sống lại vì chúng ta, chính Con Thiên Chúa đã đem vào trần gian nguồn yêu thương và hy vọng vô tận và bất khả chiến bại: “Một tên lính lấy giáo đâm vào sườn Người, lập tức máu và nước chảy ra” (Ga 19,34). Đức Maria đứng bên Thập Giá là hình ảnh của niềm hy vọng được nuôi dưỡng bởi tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chúng ta không mất hy vọng về ơn cứu độ cho mọi người khi chúng ta kín múc niềm hy vọng ấy từ nguồn mạch vô tận của tình yêu Chúa Kitô. Ma quỷ biết điều này, đó là lý do tại sao chúng muốn đánh cắp niềm hy vọng của chúng ta, bằng cách làm chúng ta ngoảnh mặt đi khỏi Đấng yêu thương chúng ta, dù chúng ta đã đâm thâu cạnh sườn Người.
Ước gì Mùa Chay và sự dấn thân luôn mãi của chúng ta thực sự là “cùng nhau chiêm ngắm Chúa Giêsu,” như chính Mẹ Maria và thánh Gioan, để bảo vệ niềm hy vọng cho toàn thể nhân loại hôm nay!