THỨ NĂM TUẦN VI MÙA PHỤC SINH
Gio-an 16,16-20
Nỗi Đau Buồn Sẽ Trở Thành Niềm Vui
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Tin Mừng hôm nay tiếp nối cuộc nói chuyện của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài trong Bữa Tiệc Ly, Ngài nói với họ về những gì sắp xảy ra. Câu nói của Chúa Giêsu ‘ít lâu nữa’, cụm từ này được sử dụng bảy lần trong đoạn văn ngắn này. Ý muốn diễn tả một cái gì đó sắp xảy ra, nhưng các môn đệ đã không hiểu biết gì. Điều này gây nên một sự hoang mang sợ hãi. Vì chúng có thể ám chỉ rằng có điều gì đó liên quan đến cái chết. Vì vậy, các môn đệ cảm thấy rất bối rối và các ông đã tự hỏi với nhau: Thầy lặp đi lặp lại cụm từ ‘ít lâu nữa’ nghĩa là gì? “Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy và Thầy đến cùng Chúa Cha…”
Nhìn thấy và không nhìn thấy rồi lại nhìn thấy trong một ít lâu nữa ngụ ý trong một thời gian ngắn. Đối với chúng ta ngày nay, đủ rõ ràng rằng, Chúa Giêsu đang đề cập đến đau khổ và cái chết sắp tới và sự Phục Sinh của Ngài. Nhưng về phía các Tông Đồ xưa thì rất hoang mang và lo sợ. Chúa Giêsu biết rõ các ông muốn hỏi Người về ý nghĩa của lời tiên báo sắp xảy ra là gì, nhưng Ngài vẫn không giải thích một cách rõ ràng hơn mà còn cảnh báo thêm “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng.” Biến cố vượt qua của Chúa Giêsu, sẽ khiến các môn đệ sầu thương tan tác, bỏ chạy thoát thân mỗi người một ngả. Quả là một kinh nghiệm đau thương và đẫm nước mắt trong khoảnh khắc thời gian ngắn của ba ngày lễ vượt qua. Tất cả niềm tin của họ vào Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai và Đấng Cứu Rỗi đều biến thành tro bụi. Trong đó, sẽ có những người khác vui mừng, đó là cơ quan quyền lực của Do-thái giáo thời bấy giờ, vì họ đã thành công trong âm mưu bắt và giết Đức Giêsu.
Tuy nhiên, Ngài cũng tiên báo thêm cho các môn đệ rằng họ không phải lo buồn quá lâu vì nỗi buồn ấy sẽ sớm qua đi và sẽ trở thành niềm vui với bình minh của Phục Sinh. Lời tiên báo của Chúa Giêsu cũng ngụ ý cách nào đó rằng, các môn đệ sẽ chia sẻ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu khi tất cả những hy vọng và kỳ vọng của họ bị tan biến thành tro bụi – chỉ là để được hồi sinh với nhận thức rằng Thầy của họ vẫn sống; là Chúa và là Vua vĩnh cửu.
Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm sâu sắc về cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa liên quan đến cuộc đời của các môn đệ khi ngài viết thư cho môn đệ Ti-mô-thê: “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. (2Tm 2,11-12).
Qua đây giúp ta một xác tín rằng: tất cả những sầu buồn đau khổ của chúng ta có thể được chuyển thành niềm vui khi hoàn toàn kết hiệp với Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta và chịu đau khổ với Ngài, cho Ngài, vì Tin Mừng của Ngài và vì lợi ích của tất cả anh chị em mình.
Cuộc sống Kitô hữu của chúng ta có phần khuôn mẫu theo những gì Chúa Giêsu nói, ‘ít lâu nữa’, có những khoảnh khắc sống đức tin cách mạnh mẽ và đời sống cầu nguyện gắn bó với Chúa thật nồng nàn. Nhưng rồi đôi khi lại thấy trống vắng, hời hợt và khô khan nguội lạnh như thể Thiên Chúa vắng bóng trong cuộc đời. Đó cũng là đêm tối của tâm hồn, sự trống vắng trong cầu nguyện. Nhưng nếu chúng ta kiên trì cầu nguyện và nếu chúng ta tiếp tục sống cuộc sống Kitô hữu một cách tốt nhất có thể, thì sẽ đến lúc gặp lại được sự hiện diện của Chúa Giêsu. Đó là sự an ủi trong cầu nguyện. Những sự khô khan trống vắng và an ủi xen kẽ này là sự cộng hưởng tạo nên kết cấu của đời sống đức tin Kitô hữu của chúng ta. Những điều đó cũng có nghĩa là làm cho chúng ta không ngừng phát triển trong đức tin và lòng mến.
Lạy Chúa, xin giúp con biết đón nhận cả niềm vui và nỗi buồn sẩy ra trong đời sống. Và soi sáng cho con biết lợi dụng mọi biến cố đó, để tham gia kết hiệp với cuộc tử nạn và Phục Sinh của Ngài, để được Chúa biến đổi mỗi ngày nên giống Chúa hơn trong đau khổ và sẽ cùng vui hưởng vinh quang Phục Sinh muôn đời với Ngài. Amen.