ĐỨC GIÊSU ĐẦY QUYỀN NĂNG VÀ NHÂN ÁI
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Giữa bao thử thách gian truân và đau khổ trong cuộc sống, có những người đã nghi ngờ về sự hiện hữu và quyền năng của Thiên Chúa. Đối với họ, Thiên Chúa có còn hiện hữu hay không, ít nữa là xem ra bất lực trước những sự dữ và tội ác của con người dưới sự khống chế của ma quỷ. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay của thánh sử Luca bày tỏ quyền năng cao cả và sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu Kitô qua việc Ngài khử trừ một con quỷ câm, khiến cho đám đông hết sức ngạc nhiên và tỏ lòng khâm phục tôn dương! Trong khi đó lại có mấy người cố tình ác ý xuyên tạc phép lạ và gán cho Ngài dựa vào thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trử quỷ. Kẻ khác lại muốn thử Ngài nên đã đòi Ngài làm một dấu lạ từ trời (Lc 11, 15-16).
Một trong những cay cực lớn nhất là bị hiểu lầm, bị khinh bỉ, đó là hứng chịu những lời nói xấu xa hay những ác ý. Đức Giêsu cảm nghiệm thấm thía sự cay cực này.
Người ta tố cáo Ngài là kẻ phá hoại Nước Thiên Chúa! Người ta tố giác Ngài đứng về phía Satan. Sự tố cáo này mạnh mẽ và đầy khinh miệt: Bê-en-dê-bun có nghĩa là Baal, chúa của uế tạp hay theo một nguyên ngữ khác có nghĩa là “Baal của ruồi bọ”, chúa của ruồi bọ, trong ngôn ngữ Aram.
Trước thái độ lỳ lợm từ chối và vu khống của bọn cố chấp đó, Đức Giêsu đã không phản ứng để bào chữa và chống đối, nhưng Ngài đã bình tĩnh ôn hòa dùng lời nói để chứng minh cho sự thật với mục đích dẫn dắt, soi sáng và chỉ dạy họ biết sự thật và nhấn mạnh đến tầm quan trọng về sự hiệp nhất. Vì nội chiến là tự phá hủy chính mình. Ai sử dụng sự chia rẽ để công kích, sẽ bị tiêu diệt bởi chính sự chia rẽ đó, vì nó sẽ quay lại chống phá những nhóm riêng của mình. “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11, 20).
Ngón tay Thiên Chúa là hình ảnh tượng trưng uy quyền của Thiên Chúa, có nghĩa là Thiên Chúa không gắng sức. Người chỉ cần lay thử đầu ngón tay, thì mọi hành động quyền năng sẽ thực hiện.
Và để chứng minh về nguồn gốc quyền năng của Ngài là bởi Thiên Chúa. Đức Giêsu đã dựa vào dụ ngôn về sự chia rẽ và dụ ngôn về kẻ mạnh: “Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu dài của mình thì của cải người đó được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy…” (Lc 11, 21-22) có ý nhấn mạnh về quyền năng của Thiên Chúa trên ma quỷ và trình bày sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu. Ngài đến để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ của ma quỷ, đồng thời để xây dựng Triều Đại của Thiên Chúa, là quy tụ mọi người được làm con cái Thiên Chúa trong Nước Người.
Xuyên qua nội dung và ý nghĩa của Lời Chúa hôm nay, Phụng vụ mời gọi chúng ta luôn tin tưởng chạy đến cầu xin với Chúa, đón nhận sức sống của Ngài qua các bí tích, Lời Chúa và cầu nguyện…nhờ vậy:
Đứng trước những lời vu khống, xuyên tạc sự thật, hoặc thái độ chống đối và thách thức của kẻ khác, chúng ta cần bình tĩnh, để tránh những thái độ, cử chỉ, lời nói chống đối gây ra hận thù, và phải kiên nhẫn cầu nguyện để được Chúa soi sáng và hướng dẫn người ta nhận ra chân lý và lẽ phải.
Cơ thể bệnh hoạn có thể biến thức ăn thành độc tố! cũng vậy, sự băng hoại thiêng liêng thường biến những việc tốt thành xấu, sự thật thành gian dối, những sáng kiến bác ái thành hận thù… đó là dấu hiệu có ma quỷ xuất hiện. Một cộng đoàn chia rẽ và chống đối nhau là tự đưa mình đến chỗ sụp đổ. Mục tiêu của ma quỷ là thế đó!
Ai không đi với tôi là chống lại tôi: Chúa đòi hỏi phải dứt khoát chọn lựa hay từ chối: chọn Chúa hay từ chối, theo đường lối Chúa hay kiểu thế gian…chúng ta phải dứt khoát chọn lựa, không chút ngập ngừng so đo kiểu bắt cá hai tay.
Lạy Chúa, chúng con dứt khoát chọn Chúa là thần tượng và gia nghiệp của chúng con. Amen.