ANH EM LÀ MUỐI VÀ ÁNH SÁNG
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh:
Đức Giêsu đặt trước mắt chúng ta mẫu người mà Ngài mong ước, đó là mẫu người của các mối phúc, một con người “hạnh phúc” vì nghèo khổ, hiền hòa, xót thương người, trong sạch, bị ngược đãi, xây dựng hòa bình. Đó là mẫu người đòi hỏi nhiều nỗ lực thể hiện và mang một nếp sống hoàn hảo. Đức Giêsu tiếp tục: “Nếu anh em sống được như vậy, anh em sẽ là muối cho đời”.
Suy niệm:
“Chính anh em là muối cho đời”
Muối: Hình ảnh này rất gần gũi và hiện sinh, thực tế với cuộc sống thường ngày của nhân sinh. Vào thời của Đức Giêsu, muối dùng để làm cho đất màu mỡ, dĩ nhiên có thể trộn với phân bón như một loại phân tổng hợp để mùa màng được tốt tươi hơn! Ngày nay, muối luôn luôn dùng để bảo quản thực phẩm, nó ngăn cản hoặc làm chậm sự phân hủy. Nhưng vai trò thông thường nhất của muối là đem lại hương vị đậm đà! Không có muối, tất cả thành nhạt nhẽo!
Chính trong bối cảnh con người hiện tại còn hơn cả các thời đại trước đây, bị chìm ngập trng sự tầm thường và buồn chán mỗi ngày, những cử chỉ máy móc và vô vị của công nhân làm việc theo dây chuyền, những khuôn mặt nhợt nhạt dưới ánh sáng đèn điện, sự nhạt nhẽo trong rất nhiều câu chuyện trao đổi thường ngày, sự cào bằng trước những quan điểm thời cuộc…Đời sống có còn thú vị gì không? Phải chăng người ta đã đánh mất chất lượng cuộc sống sao? Cũng vì bối cảnh ấy, ngày nay Đức Giêsu lại nói với chúng ta: “Chính anh em là muối cho đời!” Anh em hãy đem sự vui tươi phấn khởi, nhiệt tình vào cái tầm thường mỗi ngày. Anh em hãy đem ý ngĩa đến cho những thực tế thông thường có nguy cơ trở thành nhạt nhẽo. Anh em hãy đặt Nước Thiên Chúa vào trong các thực tế ấy. Với Đức Giêsu, mọi sự đều có thể mang một ý nghĩa, một hương vị… dù là sự đau khổ, bách hại, cả cái già và cái chết! Đức tin dùng để làm gì? Liệu tin vào Đức Giêsu và sống “các mối phúc thật” có thay đổi gì không? Đức Giêsu trả lời: “Đem lại hương vị cho đời”.
“Nhưng nếu mà muối đã ra nhạt đi thì lấy gì muối cho nó mặn lại? Nó đã trở thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài” (Mt 5,13). Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài phải “chính thống” không trở thành nhạt nhẽo. Một Kitô hữu đã đánh mất “mùi vị Thiên Chúa”, mùi vị đích thực duy nhất, sẽ trở thành vô dụng. Đức Giêsu mạnh mẽ cảnh báo chúng ta: sau một thời gian sống quảng đại và nhiệt thành, đức tin của chúng ta có thể bị biến chất. Động từ mà chúng ta dịch là “nhạt đi” hay “biến chất” cũng có ý nghĩa trở nên “mất trí”, đánh mất lương tri, trở thành điên dại. Theo nghĩa của Kinh Thánh nghĩa là đánh mất sự khôn ngoan mà đức tin vào Thiên Chúa ban cho ta (Is 19, 11). Thánh Phao lô cũng đồng hóa “muối” với “sự khôn ngoan”: anh em hãy ăn ở khôn ngoan. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương “(Cl 4,5-6). Nếu chúng ta trở nên quá vô vị, đó là vì chúng ta đã để cho sức mạnh thẩm thấu của muối trong Tin Mừng yếu đi nơi đời sống chúng ta. Nếu người Kitô hữu không còn muối nữa thì người ấy trở thành vô dụng, đã biến chất! Vì vậy Đức Giêsu bảo: “Anh em phải khác với thế gian, nếu anh em muốn là muối cho thế gian.
Ở đây, Chúa đưa ra một đề cao cảnh giác: ơn gọi có thể trở nên yếu kém, mất đi hiệu năng! Lời mời gọi của Thiên Chúa trong chúng ta có thể mờ nhạt. Sau một thời gian quảng đại và nồng nhiệt, đức tin có thể trở nên mờ tối. chúng ta được báo động như thế, lúc đó chúng ta sẽ trở thành vô dụng và đánh mất hương vị của Thiên Chúa nơi mình.
Ánh sáng: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.
Cách nói bóng bảy thứ hai này có cùng một hình thức và ý nghĩa như cách nói ở trên đây, nhưng còn cao cả hơn nữa! Phải là “mặt trời cho thế gian”. Không có ánh sáng sẽ không có màu sắc, vẻ đẹp và sự sống nào cả! trong căn nhà nhỏ của gia đình, Đức Giêsu cũng thường nhìn thấy Đức Maria, thân mẫu Ngài đốt đèn mỗi khi màn đêm buông xuống. Một cái đèn khiêm tốn bằng đất nung, nhưng đủ để soi sáng cả nhà trong căn hộ duy nhất như các căn hộ người nghèo Palestin.
Đức Giêsu nhìn xa trông rộng, Ngài đề nghị cho các môn đệ một lãnh vực rộng lớn đó là thế giới. Bên cạnh nhãn quan đó, cái nhìn của riêng chúng ta thật là hạn hẹp biết bao! Chung quanh chúng ta có quang tỏa và rọi chiếu một ánh sáng nào không? Thánh Gioan ghi lại một lời tuyên bố của Đức Giêsu: “Thầy là ánh sáng cho trần gian” (Ga 8,12).
Các môn đệ chỉ là “ánh sáng phản chiếu theo mức độ mô phỏng và thẩm nhiễm ánh sáng của Đức Giêsu: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Chính họ không phải là ánh sáng…nhưng họ chỉ để ánh sáng xuyên qua và tỏa sáng qua họ, đức tin mà họ có trong Đức Giêsu.
“Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được”. Đức Giêsu lưu ý tới sức mạnh, hiệu năng của ánh sáng: chúng ta không thể tiêu diệt ánh sáng, cũng không thể chống lại sự quang tỏa chiếu sáng của nó. Thật phi lý khi đốt đèn rồi lấy thùng úp lại! Vậy người môn đệ là người của các mối phúc, là con người luôn tỏa sáng.
“Cũng vậy ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em là mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng Matthêu, chúng ta được nghe Đức Giêsu nói về “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Ở đây Ngài mặc khải một định hướng và trách nhiệm to lớn của các Kitô hữu trong thế gian là phải trở thành muối cho đời, mặt trời cho thế gian… nhưng không phải vì vinh quang của riêng mình, vinh quang ấy dùng để tôn vinh Thiên Chúa, là “Cha của anh em Đấng ngự trên trời”.
Tóm lại, ánh sáng mà Đức Giêsu nói đến đó là một cuộc sống, những công việc tốt đẹp anh em làm. Và theo thông thường tất cả những việc đó đều phụng sự Thiên Chúa tôn vinh Chúa Cha.