GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh:
Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, thiết tưởng chúng ta nên rà lại đôi nét bối cảnh lịch sử của Đức Giêsu sử dụng một hình thức văn chương và những hình ảnh có sẵn mang tính tượng trưng: Đó là một thứ quy luật ngôn ngữ mà thời đó mọi người đều hiểu. Đức Giêsu nói thứ ngôn ngữ của thời Ngài. Ngài dùng lối văn Khải Huyền của thời đại có nhiều bí nhiệm hơn so với phần lớn các kiểu nói khải huyền khác. Nhất là đoạn văn Tin Mừng này khá tối nghĩa, trong đó hai nhãn quan như hòa trộn với nhau là: Sự kết thúc thành Giêrusalem và tận cùng thế giới. Sự việc trước là biểu tượng cho biến cố sau. Chỉ nguyên một chi tiết này cũng giúp chúng ta nhận biết, thật là quan trọng biết bao khi phải bỏ qua những hình ảnh bên ngoài đó đi tới ý nghĩa phổ quát của chúng, có giá trị cho mọi thời đại.
Biến cố mà Đức Giêsu nhắm tới sự phá hủy Giêrusalem đã cống hiến cho chúng ta một chìa khóa giải thích đối với nhiều biến cố của lịch sử thế giới.
Phần đông các nhà chú giải nghĩ rằng: Thánh Luca viết Tin Mừng trong những năm tiếp theo năm 70. Do đó, các biến cố lịch sử đều chứng mình Đức Giêsu đã nói đúng khi loan báo sự sụp đổ của Giêrusalem (xMt 24, 25; Mc 13, 14).
Sau trên dưới một thập kỷ bị Roma chiếm đóng, cuộc nổi dậy đã được ấp ủ và cuối cùng đã bùng nổ, khoảng năm 60 sau Công Nguyên. Nhóm Nhiệt Thành (Zêlôtê) đã tổ chức cuộc ám sát chống lại quân đội xâm chiếm. Ngày lễ Vượt Qua năm 66 những người thuộc nhóm Nhiệt Thành chiếm lâu đài của Agippa và tân viên Khâm Sai tại Syri. Toàn thể dân tộc vùng lên và Vesparian ông được trao trách nhiệm dẹp cuộc nổi loạn.
Suy niệm:
Giêrusalem bị vây hãm và bị tàn phá: “Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã đến gần ngày khốc hại của thành”.
Trong ba năm Vesparia nô đã lấy lại lãnh thổ một cách có chiến lược và cô lập thành Giêrusalem. Ông tập trung các lực lượng hung hậu: lữ đoàn 5, 10, 15. Rồi Hoàng đế cho người con trai trẻ trung của ông là tướng Ti tô lo việc kết thúc chiến tranh. Việc vây hãm Giêrusalem pháo đài nổi tiếng là không thể xâm chiếm được, kéo dài một năm, với bảy mươi ngàn bộ binh và mười ngàn kỵ binh. Ngày 17 tháng 7 năm 70 toàn thể Giêrusalem bị phá hủy, chấm dứt lễ tiến dâng trong đền thờ, kể từ đó, nghi lễ không bao giờ được lặp lại.
Sử gia người Do Thái Flavius Jesephus kể: Một triệu một trăm ngàn người bị giết trong cuộc chiến này, chín mươi ngàn tù binh bị dẫn đi đày khắp thế giới.
Cơn khốn khổ và thời của dân ngoại:
Đức Giêsu khi báo trước đại họa khủng khiếp cho toàn quốc gia dân tộc mình, Ngài không có vẻ gì là một người cuồng tín kêu gọi trả thù báo oán. Những lời Ngài là những lời diễn tả khổ đau. Thật là xúc động khi nghe Ngài khóc thương những người mẹ xấu số của dân tộc này cũng chính là dân tộc Ngài: “Và Giêrusalem bị dân ngoại dày xéo cho đến khi mãn thời dân ngoại”. Có lẽ hình ảnh mà Đức Giêsu loan báo sẽ duy trì cho Phúc Âm hóa các dân ngoại. Sau thời điểm đó có thể dân Do Thái sẽ trở lại với Đức Kitô, Đấng đã bị họ từ chối. Đó cũng là lời cầu nguyện và niềm hy vọng của Thánh Phao lô: “Một phần dân Israel đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. Như vậy toàn thể Israel sẽ được cứu độ, như có lời chép: Từ núi Sion, vị cứu tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà Gia cóp. Đó sẽ là Giao Ước của Ta với chúng khi Ta xóa bỏ tội lỗi chúng” (Rm 11, 25-27) mà thánh Luca chia sẻ (Lc 13, 35).
Những điềm thiêng dấu lạ:
“Sẽ có những điềm thiêng dấu lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao, dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc” (Lc 13, 35). Đây là ngôn ngữ truyền thống thuộc loại Khải Huyền. Theo quan niệm thời đó, ba khoảng không gian lớn lao bị rung chuyển là: trời, đất và biển khơi. Sự xáo trộn bất thường xảy ra trong vũ trụ giống như Isaia diễn tả cảnh sụp đổ của Babylon (Isaia 13, 9-10; 34, 3-4).
Sự kiện thế mạt:
“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự đến trong đám mây mà đến”. Có người đặt vấn nạn: Có phải, vì không hiểu rõ kiểu nói đó mà người ta đã nghĩ tới một lời tiên tri khác đề cập đến sự kiện “thế mạt” không? Một ít nhà chú giải nghĩ đúng thế! Một số khác nghĩ rằng: Đức Giêsu tiếp tục nói đến sự đổ nát của Giêrusalem: Con Người đến trong nhiều biến cố lịch sử, đặc biệt trong biến cố nói trên là việc thờ phượng của Đền Thời bị hủy bỏ. Tiếp theo là việc thờ tự đích thực chung quanh thân thể Đức Kitô, trong Giáo Hội, đền thờ mới của Thiên Chúa.
Vả lại, câu này con nói lên: Từ khi Giêrusalem sụp đổ là thời gian Con Người ngự đến hay nói cách cụ thể là: Thời gian Giáo Hội được khai mở từ khi Chúa Giêsu đã phục sinh và sự khai mạc Giáo Hội ở trần gian sẽ được kết thúc vào ngày Chúa Quang Lâm trong ngày cánh chung.
Sau hết “Khi những biến cố ấy bắt đầu xẩy ra” tin tưởng vào ơn cứu độ của Chúa, mọi Kitô hữu chúng ta là các chứng nhân trung tín của Chúa, khi gặp bất cứ biến cố nào, kể cả những biến cố bách hại hay thiên tai, vẫn một lòng tin tưởng cậy trông và phó thác trong kiên trì tín trung “đứng thẳng” phấn khởi hiên ngang và “ngẩng đầu lên vì anh em sắp được cứu thoát” (Lc 21, 28).