KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Đôi nét về tiểu sử:
Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một ngư phủ. Ban đầu Ngài là môn đệ Thánh Gioan Tẩy Giả, sau đó theo Đức Giêsu. Chính ngài đã dẫn em mình là Thánh Phêrô đến gặp Chúa (Ga 1, 41-42). Trên bờ biển Galilê Đức Giêsu đã đích thân kêu gọi ngài và người em là Simon Phêrô cùng hai anh em khác là Giacobê và Gioan đi theo Chúa, tức khắc bốn ông này đã bỏ tất cả mà đi theo (Mt 4, 18-22). Trong phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều. thánh Anrê đã cho biết có một em bé mang theo năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, và qua năm cái bánh và hai con cá Chúa đã nhân thừa để nuôi hơn năm ngàn người ăn no nê mà còn dư mười hai thúng đầy (Ga 6, 8-13). Cũng chính thánh Anrê và Philip đã dẫn mấy người Hy lạp ngoại giáo đến gặp Chúa Giêsu (Ga 12, 23).
Sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, thánh Anrê đã đi loan báo Tin Mừng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng Biển Đen và Hy Lạp và tử đạo trên thập giá ở Patras miền Achaia.
Giáo Hội Constantino đã chọn thánh Anrê làm bổn mạng và đã ca tụng ngài là thánh Tông đồ đầu tiên được Chúa gọi.
Suy niệm:
Bước sang bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Matthêu tường thuật cho chúng ta việc Đức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên là hai cặp anh em Simon Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan với chủ đề suy niệm là Ơn Gọi. Nhưng mấy điểm đáng lưu ý là:
Ơn gọi phát xuất từ sáng kiến của Đức Giêsu (có nghĩa là chính Chúa kêu gọi bốn người ấy chứ không phải họ xin đi theo Ngài).
Ngài gọi họ ngay trong môi trường làm việc bình thường của họ (bên bờ biển) trong lúc họ đang làm việc thường ngày (đang quăng chài xuống biển) vì các ông làm nghề đánh cá.
Đáp lại, người được kêu gọi phải từ bỏ tất cả để theo Chúa.
Thông thường người ta hiểu “tiếng Chúa kêu gọi” theo nghĩa hẹp: đó là gọi một ai đó từ bỏ thế gian đi tu làm việc tông đồ cho Chúa trong cương vị của một linh mục hay một tu sĩ. Hiểu rộng thêm một chút thì “tiếng Chúa kêu gọi” cũng có thể là ý Chúa có liên hệ đến cuộc sống của mình hoặc đi tu hoặc có gia đình mà tiếng Chúa còn vang lên kêu gọi chúng ta nhiều thể nhiều cách:
Có lúc là trong một lần chúng ta sốt sáng cầu nguyện.
Có khi trong lúc chúng ta đọc một đoạn Tin Mừng, nghe một bài giảng.
Và rất nhiều khi Chúa nói với ta qua những biến cố cuộc đời.
Chúa vẫn còn nói, còn gọi. Nhưng có người thì nghe, có người không chịu nghe, có người làm theo, có người bỏ qua.
Và một khi chúng ta đã được nghe tiếng Chúa, đã được biết Chúa muốn mình phải làm gì, thì chúng ta hãy lập tức đáp lại và làm theo tiếng Chúa kêu gọi như gương bốn người môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.
Đành rằng, Thiên Chúa là Đấng toàn năng làm được mọi sự, làm cách dễ dàng, làm cách nhanh gọn, không cần vật liệu… cũng không cần ai giúp đỡ như công trình sáng tạo trời đất và muôn vật muôn loài đã minh chứng. Tuy nhiên trong công trình cứu độ thì Ngài lại cần đến con người: lịch sử cứu độ thời Cựu Ước bắt đầu bằng việc Thiên Chúa kêu gọi ông Abraham. Còn thời Tân Ước, như bài Tin Mừng hôm nay tường thuật, bắt đầu bằng việc Chúa kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Thánh Augustinô đã suy gẫm và rút ra kết luận: “Khi tạo dựng con, Chúa không cần hỏi ý con, khi muốn thánh hóa con, Chúa cần con giúp sức”.
Công trình tạo dựng của Thiên Chúa đã hoàn tất, nhưng công trình cứu độ vẫn còn phải tiếp tục, vì ngày nay còn rất nhiều người chưa được cứu độ. Như vậy, Chúa vẫn còn cần đến con người. Vì thế, Thiên Chúa tiếp tục kêu gọi và cần có những con người đáp lại lời kêu gọi để cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa.
Cảm nhận thánh Anrê: Phải chăng thánh Anrê Tông đồ tiêu biểu cho một vị linh hướng?
Gặp gỡ và ở với Chúa:
Qua Tin Mừng thánh Gioan 1, 35-42 thánh Anrê lần đầu tiên gặp gỡ Đức Giêsu và được ở với Ngài ngày hôm đó. Hẳn là một ngày hết sức nồng ấm thân thương khắc ghi suốt cả cuộc đời không hề phai! Đúng như lời một thi sĩ đã viết:
“Cái phút ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm hồ dễ đã mau quên”.
Rõ ràng đây là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời! Vừa khi gặp ông đã bị Ngài thu hút. Ông thấy Ngài thân thiện, niềm nở nồng ấm mến thương gần gũi. Qua tiếp xúc với Chúa, ông còn khám phá ra chính bản thân mình…thấy cung cách của Chúa, ông cảm mến và thấy rằng mình cũng phải cố gắng theo cung cách ấy…với một xác tín “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia!”
Đồng hành:
Cũng Tin Mừng Gioan, Anrê gặp em mình là Simon Phêrô và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia” (nghĩa là Đấng Kitô) rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu (Ga 1, 41).
Thánh Anrê đã trở nên nổi tiếng vì ông đã dẫn cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá giới thiệu với Đức Giêsu; để rồi sau khi cầu nguyện tạ ơn, Ngài đã nuôi sống hơn năm ngàn người ăn no nê và dư mười hai thúng đầy (Ga 6, 8-13).
Lần thứ ba, chúng ta lại gặp thấy Anrê lúc Đức Giêsu vào Giêrusalem lần cuối. có mấy người Hy lạp đến xin gặp Đức Giêsu thì cũng chính Anrê là người đã giới thiệu họ với Chúa (Ga 12, 13).
Xuyên qua việc thánh Anrê đã gặp gỡ và ở với Đức Giêsu cũng như các cuộc đồng hành dẫn đưa và giới thiệu những người muốn gặp Chúa tùy theo tình trạng cuộc sống của họ, với một cách tận tụy ân cần bằng một tình bạn chân thành và khiêm tốn, thiết tưởng chúng ta có thể xác định được “thánh Anrê quả là tiêu biểu một vị linh hướng” và đồng hành thiêng liêng.