CUỘC SỐNG HÔM NAY QUYẾT ĐỊNH MAI NGÀY
Suy niệm Lời Chúa: Am 6,1.4-7; Lc 16, 19-31; Chúa nhật 26 Thường niên, Năm C
M. Lasan Châu Sơn
Tiền, tình, danh là ba yếu tố quan trọng trong kiếp nhân sinh. Có lẽ vì thế mà Chúa nhật tuần trước Lời Chúa đã nói với chúng ta về vấn đề sử dụng tiền của. Và Chúa Nhật tuần này, Chúa lại cũng nhấn mạnh với chúng ta về cách sử dụng tiền của.
Trong bài đọc 1, ngôn sứ Amos sống ở thế kỷ thứ 8, trước công nguyên, đã cảnh cáo những người chỉ biết ăn chơi phè phỡn mà không lo lắng gì đến tương lai của mình. Họ sống hưởng thụ một cách ích kỉ, giường nằm bằng ngà, sập ngồi bằng gụ, ăn những thức ngon, bổ, quý giá: chiên non nhất bầy, bê béo nhất chuồng, uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng. Những người ấy hãy biết rằng tai họa đang sẵn chờ. Họ sẽ phải đi đày vì lối sống như không có Thiên Chúa, vì lối sống vô cảm trước vận mệnh của dân Chúa chọn.
Tư tưởng này càng sáng tỏ qua Dụ ngôn ông nhà giàu và Ladaro nghèo mà Chúa đã kể cho người Pharisêu nghe. Câu chuyện có nhiều hình ảnh tương phản: giàu – nghèo, sống – chết, thiên thần đem lên thiên đàng – người ta đem đi chôn, và cặp hình ảnh khác mang tính quyết định số phận đời đời đó là: hạnh phúc – bất hạnh.
Khi còn sống ông nhà giàu có tất cả: mặc đồ “gấm tía vải lanh” đắt tiền, ngày ngày ăn tiệc linh đình, ở biệt thự đầy đủ tiện nghi. Còn Ladaro nghèo khổ, khoác đầy mụn nhọt, thèm ăn những vụ bánh của ông nhà giàu Anh không có nhà, phải nằm lê lết ngoài cổng của tên phú hộ. Chi tiết chó đến liếm ghẻ lở của Ladaro càng cho thấy anh không được ai quan tâm. Bầy chó có khi lại biết thông cảm với anh hơn con người.
Thế nhưng mọi việc thay đổi sau cái chết: Người đại phú giờ đây xin Ladaro cho vài giọt nước, ông bị lửa thiêu khổ sở. Còn Ladaro thì an nhiên trong lòng tổ phụ Ápraham. Như vậy, phải chăng cứ giàu có đời này là sẽ bị phạt đời sau? Và cứ nghèo khổ ở đời này là sẽ được hạnh phúc thiên đàng? Thưa! Không! Dụ ngôn cho thấy, được phúc thiên đàng hay phải sa hỏa ngục tùy thuộc vào cách sống của mỗi người. Giả sử như ông phú hộ đừng thỏa mãn trong của cải, nhưng biết sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và biết chia sớt cho tha nhân, thì chắc ông cũng được hạnh phúc nước trời. Ngược lại, Ladaro, không phải vì đã sống nghèo khổ mà được hưởng nước Thiên Chúa. Nhưng bởi vì anh đã hoàn toàn đặt niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Anh không bất mãn trước sự nghèo khó của mình. Anh cũng không trộm cướp hay lừa đảo người khác để được giàu có. Tắt một lời, Ladaro đặt niềm hạnh phúc của mình trong sự quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa tình yêu. Và anh đã nhận được điều đó.
Dụ ngôn có một chi tiết khá mỉa mai, ở chỗ: ông nhà giàu, giàu có lắm, nhưng không có lấy một cái tên gọi, người ta không biết gọi tên ông là gì. Còn anh Ladaro dù nghèo khổ cơ bần, nhưng được xưng tên: Ladaro có nghĩa là “Thiên Chúa an ủi”. Điều này chắc hẳn sẽ khơi lên niềm an vui cho những ai đang phải đói nghèo thiếu thốn. Thế nhưng, có một số người chống báng Giáo hội đã mượn câu chuyện dụ ngôn này để lên án Giáo hội bần cùng hóa con người: cứ cố gắng sống nghèo khổ đi để khi chết được lên thiên đàng. Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định rằng Kitô giáo không chủ trương bần cùng hóa con người. Mà ngược lại, Kitô giáo kêu gọi người ta sống Đức Ái, sống yêu thương sẻ chia của cải tinh thần cúng như vật chất cho anh em. Đừng sống như ông nhà giàu, sống ích kỉ, không quan tâm đến người anh em chết đói ngay bên cổng nhà mình. Đừng để đến khi mới nhận ra lối sống ích kỉ của mình, vì tới lúc đó mọi việc không thể đảo ngược được. Khi đã chết, dù ông nhà giàu kia có ý tốt xin cho Ladaro về cảnh cáo lối sống của năn người anh em để họ khỏi sa vào hỏa ngục cũng không được nữa.
Như thế, lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta hai điều căn bản: Thứ nhất có cuộc sống sau khi chết. Thứ hai, cuộc sống hôm nay sẽ quyết định số phận mai ngày. Xin cho chúng ta biết nghe lời Chúa, nghe lời giáo huấn của Giáo hội, mà tích cực sống bác ái, lưu tâm đến nỗi khổ cực của tha nhân, nhiệt tâm góp công sức tiền của, sức khỏe, tài năng, thời giờ… để làm cho Giáo phận, Giáo xứ, cho xóm làng, cho tổ quốc mình tràn đầy tình thương. Đó là con đường chắc chắn đưa chúng ta vào cuộc sống đời đời. Amen.