LÀ LỬA THIÊU HAY LỬA YÊU?
Suy niệm Tin mừng Lc 12,49-53; Chúa nhật XX Thường niên, Năm C
M. Lasan Châu Sơn
Từ khi khám phá ra lửa, con người tiến bộ vượt bậc so với các loài vật khác. Cho đến nay con người luôn giữ lửa, để thắp sáng, để sưởi ấm, để đun nấu… Trong mỗi ngôi nhà của chúng ta dù nhà cao cửa rộng, dù nhà tranh vách đất, không nhà nào là không có bếp lửa, dù là bếp củi, bếp than bếp ga, miễn sao tạo ra được lửa. Bếp lửa bập bùng mẹ nấu “cơm lành canh ngọt”, tạo nên gia đình đầm ấm yên vui.
Mỗi dịp tết đến xuân về, bếp lửa rực hồng, ngoài sân cha đun nồi bánh chưng to thơm nức, đàn con xúm xít reo vang cả làng. Lửa như chất keo vô hình gắn kết mọi thành viên trong gia đình, cũng như liên kết tình làng nghĩa xóm. Thành ra, “lửa” rất cần thiết không thể thiếu đối với con người. Điều gì sẽ sảy ra nếu thế giới này không còn lửa nữa? Thật khủng khiếp!
Lửa trong cuộc sống nhân sinh đã cần đến thế, thì lửa trong đời sống nhân linh còn cần biết bao. Cho nên. Chúa Giêsu từ trời mà đến. Ngài ném “lửa” vào trần gian và khát mong cho “lửa” ấy bùng cháy lên. Dĩ nhiên lửa mà Chúa ném vào trần gian, không phải là thứ lửa vật chất, lửa thiêu hủy. Nhưng là lửa mến, lửa yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người. Chúa đã gieo lửa yêu và trần gian. Và Ngài khát mong mọi người hãy bùng lên ngọn lửa yêu thương nhau.
Nhìn vào ảnh tượng thánh tâm Chúa Giêsu, chúng ta thấy trái tim ngài bốc cháy; bốc cháy ngọn lửa yêu thương nhân loại. Chính ngọn lửa yêu thương đã làm cho Chúa khắc khoải hiến dâng mạng sống mình để cứu độ nhân loại. Chúa gọi tình yêu ấy là “phép rửa” Chúa sẽ hoàn tất trong cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Nơi Chúa chỉ có tình yêu thương. Ấy vậy mà sao Chúa lại nói: Thầy không đến để ban hòa bình, nhưng là đem sự chia rẽ. lời này có ý nghĩa gì? Thưa Chúa không đến để chia rẽ tình người với nhau. Nhưng ta phải chấp nhận một thực tế rằng: trắng- đen không thể hợp nhất, tốt- xấu không thể như nhau, thiện- ác không thể thỏa hiệp, Thiên Chúa không thể đồng hàng với ma quỷ được. Bởi thế cho nên, những ai chọn theo Chúa, chọn sống theo giá trị Tin Mừng thường bị cô lập, chống đối, loại trừ, giữa xã hội và ngay cả trong gia đình mình.
Giữa xã hội bất công, ích kỷ, gian dối, tham nhũng, lạm quyền… những người sống công bằng, bác ái, chăm lo cho lợi ích dân nghèo, thì có khi bị ngăn cấm, có khi phải thiệt thân. Những đoàn từ thiện đến phát quà cho bà con vùng sâu, vùng xa có khi bị chính quyền gây khó dễ. Những năm gần đây, nhiều nhà lãnh đạo được coi là liêm chính, hết lòng vì dân vì nước thì “bỗng dưng vĩnh viễn ra đi”. Có cả trăm ngàn lý do biện minh cho những chuyện không hay đó. Điều ấy càng cho thấy cuộc chiến thiện- ác thật khốc liệt. Người kitô hữu chọn Chúa, chọn sống theo Tin Mừng, chứ không chọn sống theo thói thế gian. Đấy là hành vi nhân linh đầy can đảm. Đấy là lửa tình yêu đang bùng lên giữa thế giới mịt mù này.
Một cô gái Công giáo lấy chồng ngoại đạo, gia đình hai bên không ủng hộ. Nhưng anh chị quyết tiến tới hôn nhân. Về nhà chồng, những ngày đầu chị cảm thấy hạnh phúc, nhà chồng vẫn cho chị đi lễ Chúa nhật. Nhưng rồi mỗi lần đi lễ về, mẹ chồng tỏ ra không bằng lòng nói xa, nói gần. Dù chị đã cố gắng chu toàn việc nhà trước khi đi lễ, ấy vậy mà cũng không được yên. Các cô, em chồng thích chêm dầu vào lửa, lâu lâu lại điện thoại về xỉa xói “chị dâu hay đi nhà thờ” này nọ.
Ngày đứa con gái đầu lòng chào đời, chị phải khó khăn lắm mới thuyết phục nhà chồng cho cháu nhập đạo, chỉ có mình chị ngậm ngùi ẵm con đến nhà thờ. Khi cháu lớn một chút, chị kêu con dậy đi lễ thì mẹ chồng quát mắng “con nít biết cái gì, để nó ngủ, không đi đâu cả”. Chị phải sống cảnh cô đơn, nhục nhã từng ngày.
Đã nhiều lần chị nghĩ dứt dây hôn phối cho xong, nhưng lại thương các con. Chị lại kiên trì kêu van Chúa ban sức mạnh để tiến bước. Hằng ngày chị lại âm thầm chu toàn bổn phận với bố mẹ, với chồng, với con, với họ hàng làng xóm. Chị bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên, mỗi ngày đều trưng hoa, thắp nhang trên bàn thờ tổ, ngày giỗ chị làm mâm cỗ cúng đúng theo ý mẹ chồng… Rồi thì nước chảy đá mòn, tình yêu của chị đã làm mền lòng gia đình ngoại đạo. Giờ đây, người chồng đã dám bảo vệ chị, nhà chồng đã hiểu và tôn trọng chị, ba đứa con của chị đều được chị đưa đi Rửa tội, học giáo lý đến nơi đến chốn… Chị tạ ơn Chúa đã biến đổi gia đình chị cách nhiệm mầu.
Vâng, tình yêu sẽ biến đổi phận người. Tình yêu sẽ biến đổi tất cả. Và nếu có điều gì chưa được biến đổi thì ta cần xem lại tình yêu của ta đã đủ lớn chưa? (Mahatma Gandhi)