Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

THÁNH LỄ KHẤN TRỌNG THẦY GIUSE PHẠM BÁ THÀNH CỘNG ĐOÀN FATIMA

THÁNH LỄ KHẤN TRỌNG

THẦY GIUSE PHẠM BÁ THÀNH

Thụy Sĩ 11. 06. 2022

 

Ngày thứ Bảy 11. 06. 2022,  đan viện Đức Mẹ Fatima, tại Thụy Sỉ hân hoan dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi một người anh em, Thầy Giuse Phạm Bá Thành, hiến dâng trọn đời cho Thiên Chúa. Thánh lễ Khấn Trọng được cử hành vào lúc 10g30, được trực tuyến. Thánh lễ được Tân Bề Trên Ambrôsiô Nguyễn Thế Lưu chủ sự. Có sự tham dự của thân mẫu, anh em, các cháu, bà con, bạn bè đến từ Đan Mạch, Hoa Kỳ, Ý và Thụy Sỉ.

Trong một xã hội ngày càng tục hóa, con người bỏ quên Thiên Chúa để chạy theo một cuộc sống vật chất, danh vọng,  Thầy Giuse Phạm Bá Thành đã đi ngược giòng, từ Đan Mạch  tìm đến đan viện Xitô Đức Mẹ Fatima này để đáp lại tiếng Chúa kêu gọi,  hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình cho Thiên Chúa trong một cuộc sống cô tịch và cầu nguyện. Đan viện đã đào luyện thầy trở thành người đan sĩ, một con người say mê Thiên Chúa, gặp gở thân tình với Ngài trong một cuộc sống cô tịch và kinh nguyện, như lời cha Tổ phụ Biển Đức Thuận, đấng sáng lập Dòng Phước Sơn dạy: “Việc bổn phận của chúng ta là cầu nguyện và kết hiệp với Chúa… Cầu nguyện là việc chính của chúng ta. Thầy Dòng phải là con người cầu nguyện (DN 118).  Do đó, sự quan tâm trước tiên của người đan sĩ chúng tôi là cầu nguyện, đó là một công việc phục vụ Giáo hội, phụng sự Thiên Chúa thay cho Giáo hội như lời ngài dạy : «Đọc kinh hát lễ thay cho cả Giáo hội thờ phượng, ca ngợi Chúa, cũng như quân lính hằng canh thức luôn » (DN 139).

Trong Thánh lễ, để giải thích cho nhiều người chưa hiểu về đời sống đan tu chiêm niệm, Cha Bề Trên đã đưa ra một câu chuyện rất giản dị, một cuộc nói chuyện với một thanh niên đang tìm một câu trả lời cho sự thắc mắc của anh :

«Có một nam giáo dân đến thăm Dòng và ở lại chơi vài ngày, anh ta tham dự các Giờ Kinh Phụng Vụ và Thánh Lễ của Dòng. Một buổi chiều đi dạo với tôi trước sân Dòng, anh nói với tôi :

«Con không hiểu sao Giáo Hội đang thiếu linh mục trầm trọng để giúp giáo xứ, đi truyền giáo cho dân ngoại, thế tại sao Dòng ở đây có nhiều linh mục, mà các cha chỉ ở trong Dòng đọc kinh, cầu nguyện, lao động chân tay để mưu sinh, con thấy lãng phí và xem ra không giúp được gì nhiều cho Giáo Hội ? »

Tôi chỉ cây táo trong vườn của Dòng và trả lời với anh ta : « Anh có thấy cây táo trước mặt chúng ta đây xum xuê đầy trái không ? vậy theo anh, cây táo tốt tươi đầy trái này là nhờ vào đâu ? »

    Anh ta suy nghỉ một lúc rồi trả lời : « Con nghỉ là nhờ vào bộ rể nuôi sống cây. »

    « Anh nói rất đúng, tôi trả lời. Vậy anh có thấy bộ rể của cây táo không ? »

    « Thưa không, vì nó nằm dưới mặt đất.»

    Tôi nói : « Một cây, nếu nó phát triển tốt tươi, sinh nhiều hoa trái là nhờ bộ rể bên dưới cắm sâu vào lòng đất, hút lấy nước, phân bón để nuôi cho thân cây phát triển. Nếu như các rể cây nổi lên trên mặt đất, thân cây đó sẽ khô cằn, héo úa ; nhưng nếu các rể cây đó càng cắm sâu vào lòng đất, thì dù trời có hạn hán, cây vẫn sống xanh tươi ; có gió bão, cây vẫn đứng vững mà không bị bật gốc.

Giáo Hội giống như một thân cây, gồm có cành lá, hoa trái xum xuê bên trên mà chúng ta thấy được như các cơ chế Giáo Hội, các giáo xứ, các Dòng tu hoạt động, và cả bộ rể ăn sâu bên dưới mà chúng ta không thấy, nhưng rất quan trọng cho sự phát triển của cả thân cây Giáo Hội. Những đan sĩ nam, nữ chiêm niệm sống âm thầm trong bốn bức tường của đan viện là các rể cây đó, chúng tôi dâng lên Thiên Chúa lời ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn và khẩn xin Thiên Chúa tuôn đổ ân sủng của Ngài xuống trên Giáo Hội và toàn thể nhân loại, ban sức mạnh cho các tu sĩ hoạt động, để các vị rao truyền danh Chúa cho muôn dân.»

Không chỉ người thanh niên này thắc mắc về ơn gọi đan tu, chiêm niệm, nhưng không ít người, kể cả một số tu sĩ hoạt động cũng có thắc mắc này. 

Mục đích của đời sống đan tu không gì khác là tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa. Sự tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa được tỏ bày ra trong tất cả đời sống : «Ora et Labora – Cầu nguyện và Lao tác», nhưng cách riêng là qua phụng vụ. Thực vậy, chóp điểm của đời sống đan tu không gì khác là ca tụng, ngợi khen Thiên Chúa ở dưới đất, một sự nếm hưởng trước niềm vui và hoan lạc Thiên quốc, mà mai ngày những người đan sĩ nam, nữ đã nhiệt tâm phụng thờ Thiên Chúa này, cũng sẽ được cùng với triều thần thánh trên trời hát ca, chúc tụng Thiên Chúa trong niềm hoan lạc vĩnh cữu.

Đức Thánh Cha đương kim Phanxicô trong Tông Hiến “Tìm kiếm gương mặt Thiên Chúa”, đề cao đời sống chiêm niệm: «Cầu nguyện là “cốt lõi” của đời tận hiến, và càng là thế đối với đời chiêm niệm. Nhiều người thời nay không biết phải cầu nguyện ra sao, hoặc họ chỉ giới hạn mối tương quan với Chúa vào lúc cần thiết mà thôi. Đối với những người khác, họ chỉ cầu nguyện vào lúc hạnh phúc. Vì lý do này, ơn gọi chiêm niệm có tính tiên tri: người chiêm niệm ca ngợi Thiên Chúa bằng Phụng Vụ Các Giờ Kinh và kết hợp với Chúa Kitô trong lời cầu nguyện bản thân cho tất cả những ai không biết cầu nguyện ra sao. Đời sống cầu nguyện của người chiêm niệm có một ý nghĩa tông đồ: đời sống cầu nguyện và chiêm niệm của họ phải ôm lấy toàn bộ nhân loại, nhất là những ai đang đau khổ» (1).

_______________

  1. Tông Hiến Vultum Dei Quaerere, “Tìm kiếm gương mặt Thiên Chúa”, (29.6.2016).

                                                    Fm. Ambrôsiô  Nguyễn Thế Lưu

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hình ảnh Đan viện FATIMA

      ...

Thiệp mời: LỄ KHẤN DÒNG (Cđ Fatima)

Nhờ Hồng Ân Thiên Chúa Cộng đoàn Fatima hân...