GIUĐA NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐƯỢC CHÚA YÊU THƯƠNG NHẤT
Suy niệm Tin Mừng: Mt 26,14-25; Thứ Tư Tuần Thánh
M. Lasan Châu Sơn
Thánh Gioan tông đồ đã thấu cảm được tình yêu nghĩa thiết mà Chúa Giêsu dành cho ngài nên thánh nhân đã tự gọi mình là “người môn đệ được Chúa yêu”. Thế thì đối với Giuđa và các môn đệ khác thì sao? Giuđa có là người môn đệ được Chúa yêu không? Thưa, chắc chắn là có. Và còn hơn thế nữa, ông là người môn đệ được Chúa yêu thương nhất trong nhóm mười hai. Chẳng vậy mà chính Chúa đích thân tuyển chọn Giuđa vào nhóm mười hai môn đệ thân tín của Chúa, để cùng sống, chia sẻ tâm tư, tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ; chính Thầy Giêsu đã huấn luyện Giuđa, cắt đặt ông vào chức vụ quan trọng trong nhóm: quản lí. Chúng ta biết rằng vai trò của người quản lý trong Gia đình, Giáo xứ, Dòng tu, hay Giáo phận… là rất quan trọng, họ trợ giúp người trên kiến tạo cuộc sống an hòa và thăng tiến tinh thần cũng như vật chất cho tập thể. Chúa Giêsu đã tín nhiệm Giuđa và trao cho ông sứ vụ quan trọng thế đấy.
Ấy vậy mà dường như Giuđa đã không trân quý ơn thánh Chúa ban, ông không cảm nghiệm được niềm hạnh phúc được sống với Chúa được thông chia sự sống của Chúa, sứ vụ cứu rỗi với Chúa. Bởi lẽ ông đang khắc khoải tìm kiếm những điều tầm thường như danh lợi thú ở đời này. Tin Mừng thuật lại rằng Chúa Giêsu dẫn đầu đoàn môn đệ tiến lên Giêrusalem chịu thương khó, thế mà dọc đường các môn đệ vẫn vô tư cãi nhau xem ai sẽ là người lớn nhất trong vương quốc của Chúa. Điều đó giúp ta hình dung ra, rất có thể Giuđa đã lớn tiếng tranh luận với các môn đệ khác về chỗ nhất ấy: ông hay ai sẽ được ngồi vào.
Bản tính con người hám danh hám lợi khống chế cuộc sống của ông, biến ông thành con người trơ trẽn đê tiện đến nỗi thánh Gioan, một người trong nhóm mười hai, một người bạn đồng môn, một nhân chứng sống với Giuđa, đã không thể nói khác: “y là tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6). Lối sống ấy càng tỏ lộ với hành động của ông hôm nay đến gặp các thượng tế ở Giêrusalem để thỏa thuận giá cả bán Chúa: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị thì quý vị cho tôi bao nhiêu?” Họ quyết định cho hắn 30 đồng bạc, từ giờ đó hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Thầy.
Con người của Giuđa là thế, nhưng Chúa Giêsu luôn rất mực yêu thương ông, chưa bao giờ Ngài có ý cô lập, loại trừ hay nặng lời sỉ nhục ông. Chúa vẫn kiên nhẫn, ân cần và tế nhị bằng những lời tâm tình, bằng những cử chỉ thân thương nhằm cố gắng thức tỉnh con người u mê của Giuđa. Dù biết Giuđa sẽ bán Chúa nhưng giữa nhóm mười hai Chúa Giêsu không nói toạc ra: Giuđa sao con lại bán Thầy?
Chúng ta hãy chiêm ngưỡng tình yêu vô tận, lòng trìu mến sâu xa toát ra nơi ngôn từ của Chúa trong bữa Tiệc Ly: “Một người trong các con sẽ mộp Thầy” (Mt 26, 21). Cung giọng nhân từ và tế nhị của Chúa cất lên như cố làm cho kẻ bội phản “có tật giật mình”, hối cải, chưa muộn quá đâu! Chúa thực tế nhị, mở lối cho Giuđa trở về trong tình thương của Chúa và của anh em.
Tiếp đến, Chúa trao cho Giuđa một miếng ăn. Theo truyền thống của người Do thái, khi một người muốn biểu lộ lòng mến thương ai, thì người đó sẽ trao một miếng thức ăn cho người kia trước mặt mọi người. Chúa Giêsu đã trao cho Giuđa một miếng thức ăn trước mặt các tông đồ, điều ấy có nghĩa là Chúa rất mến thương Giuđa, và hẳn nhiên Giuđa đang được ngồi gần bên Chúa như thế Chúa mới có thể đưa thức ăn cho ông. Một số nhà chú giải cho rằng trong bữa tiệc Vượt Qua – tiệc thánh này có nhiều món được dọn trên bàn, và rất có thể Chúa Giêsu đã trao cho Giuđa một miếng rau đắng sau nữa là miếng bánh mì. Rau đắng tiếng Do thái là Rasereth, gốc là Rehem có nghĩa là “lòng nhân từ”, cũng có nghĩa là lòng dạ của người mẹ gọi là “dạ con”. Chúa như người mẹ trao dạ mình cho Giuđa, với hy vọng “Bây giờ, anh sẽ hiểu, sẽ quay trở về”.
Chúa Giêsu nói một lời khác: “Khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24). Lời này dễ làm chúng ta ngộ nhận Chúa đã kết án Giuđa. Không, đây không phải là lời kết án. Bởi lẽ “Chúa đến để tìm và cứu những gì hư mất” và rằng cả “Nước Trời vui mừng vì một người tội lỗi hối cải…”. Cho nên, đây là lời tha thiết van nài: “Con ơi! Hãy sám hối, đừng tự lao vào bóng tối diệt vong”. Nhưng với sự tự do, Giuđa không để Chúa hoạt động trong mình nữa, mà để cho Satan điều khiển đời mình.
Dù cho Giuđa có như thế nào thì Chúa vẫn một lòng xót thương ông. Phải chăng Giuđa ngày xưa là hình ảnh đại diện cho thân phận của mỗi chúng ta hôm nay. Chúng ta cũng là môn đệ của Chúa, là con cái Chúa trong Giáo hội, luôn được Chúa yêu thương thánh hóa bằng ân sủng qua các Bí tích. Nhưng đã biết bao lần vì ham mê danh lợi thú nơi trần gian này mà chúng ta cố bịt tai nhắm mắt trước tình yêu thương của Chúa để bị trượt dài trên con đường tội lỗi. Chúa biết chúng ta mỏng manh yếu đuối, Chúa thương chúng ta nên đã dùng người này người kia, dùng hoàn cảnh này, hoàn cảnh khác nhằm thức tỉnh sự mê muội của chúng ta, Chúa cho ta còn được sống, còn có thời giờ còn cơ hội để yêu mến Chúa và anh chị em.
Ước chi những ngày thánh này giúp chúng ta biết mở rộng lòng thành tâm trở về sống gắn bó với Chúa, mến yêu Chúa nơi tha nhân bù lại những ngày tháng bội nghĩa vong ân. Amen