VÀI NÉT PHÁC HỌA
CHÂN DUNG BÌNH AN
CỦA CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN
Duyên Thập Tự
Trong tập Nội San Hạt Giống Chiêm Niệm số 15, khi đề cập đến niềm vui nơi Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, tôi nhận thấy là rất khó để biết được một người nào đó đang thật sự vui, vì vẻ bề ngoài cũng có thể rất khác với tâm trạng bên trong. Chính vì thế, để khám phá ra niềm vui của một tâm hồn, điều quan trọng là để chính đương sự lên tiếng hoặc qua những chứng từ của những người đã cùng chung sống.
Khi nói đến bình an – cũng như niềm vui -, chúng ta cũng rất khó để đi vào nội tâm của ai đó hầu khẳng định họ đang sống trong bình an. Một lần nữa, chúng ta lại rất cần tìm về nguồn của những bút ký, những ngôn từ mà họ đã sử dụng để diễn đạt điều ẩn kín trong tâm hồn họ. Những phản ứng của họ trong những hoàn cảnh khác nhau, ngay cả trong những nghịch cảnh, cũng hé lộ cho chúng ta thấy cõi thâm cung tâm hồn họ, để qua đó, chúng ta có thể giải mã được phần nào những chọn lựa của họ trong cuộc sống.
Được Ban Biên Tập đề nghị viết chủ đề về sự bình an nơi Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, và cô đọng trong Lời Trối của ngài “cha ra đi bình an lắm”, tôi cảm thấy khá lúng túng khi đề cập đến đề tài quan trọng này. Trước hết, vì chính bản thân người viết không sống cùng thời với ngài và chưa có một tầm mức thiêng liêng đủ để có thể hiểu được sự bình an nơi ngài. Tiếp đến, như đã nói ở trên, sự bình an là một điều gì thật sâu lắng ẩn kín trong tâm hồn, nên cũng không dễ gì tiếp cận được căn nhà nội tâm của ngài nếu mình không đủ khả năng đi đến đó. Và cuối cùng, những điều mình viết ra, qua ngôn ngữ và văn phong cá nhân, chưa chắc đã lột tả được những gì chính yếu hay có khi lại đưa đến những nghi nghĩa và hàm hồ.
Dầu vậy, với tâm trạng của một người con muốn khám phá chiều kích sâu thẳm trong tâm hồn của người cha để phần nào “noi gương” hay đúng hơn, được soi dẫn để thực hiện cuộc hành trình cá nhân và cộng đoàn trong đời đan tu, tôi xin mạo muội viết lên đây những khám phá và những suy tư cá nhân về sự bình an của cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận để phần nào có thể giúp nhau thăng tiến trong ân sủng và bình an.
Để đạt được mục tiêu đó, trong bài viết này, người viết xin đề cập đến hai phần chính: thứ nhất, đời sống của Cha Tổ Phụ như một hành trình đậm dấu ấn bình an. Phần hai, qua giáo huấn của ngài, tôi khám phá ra một vài chìa khóa giúp cuộc sống mở ra cho sự bình an của Chúa.
I. MỘT HÀNH TRÌNH IN ĐẬM DẤU ẤN BÌNH AN
Khi đọc cuốn Hạnh Tích mà Viện Phụ Emmanuel-Triệu Chu Kim Tuyến viết về tiểu sử của Cha Biển Đức Thuận, chúng ta có cảm tưởng là Cha Tổ Phụ luôn chìm đắm trong bình an. Bình an như là “môi sinh” cho cuộc sống của ngài. Kiểu nói “con cảm thấy tử tế luôn” – nghĩa là luôn hài lòng khi nhận một bài sai mới hay ở lại với nhiệm vụ hiện tại – diễn tả một tâm hồn luôn sẵn sàng; và thái độ sẵn sàng lột tả tâm trạng bình an. Nhưng phải chăng khi cuộc sống của ngài rẽ sang một lối khác hoàn toàn mới, ngài đã không phải chiến đấu với bao nhiêu dằn vật hay sao? Chúng ta có thể trích dẫn một vài sự kiện xảy ra nơi những khúc quanh cuộc đời ngài.
1.Gia nhập chủng viện của Hội Thừa Sai Paris
Từ khi còn là tiểu chủng sinh Boulogne-sur-Mer, chú Henri Denis đã có ước muốn đi truyền giáo nơi nhũng xứ sở xa xôi. Khi đã là đại chủng sinh, thầy chính thức bày tỏ ước nguyện này với những vị linh hướng. Nhưng điều khó khăn nhất cho thầy là làm sao trình bày với cha mẹ để được phép gia nhập chủng viện của Hội Truyền Giáo Paris với viễn cảnh là sẽ ra đi không ngày hồi hương. Nghĩa là hai ông bà sẽ phải hy sinh người con duy nhất này một cách gần như tuyệt đối. Chúng ta có thể hiểu được tâm trạng của hai ông bà xuyên qua điều mà cha Golliot, linh hướng của thầy, viết cho cha giám đốc chủng viện Hội Thừa Sai Paris, căn dặn cha giám đốc gửi thư thẳng đến địa chỉ của chủng viện Arras thay vì địa chỉ gia đình Henri, vì sợ cha mẹ thầy bị “sốc” trước một tin tức như vậy.
Thầy Henri Denis, từ thuở nhỏ, đã là một người con hiếu thảo, và trong suốt hành trình cuộc sống, ngài luôn như thế. Vậy thầy có cảm thấy “bình an” khi đưa ra một quyết định này chăng? Đây quả là điều không dễ dàng gì. Bởi là một sự chia lìa vĩnh viễn!!! Nhưng cha mẹ ngài đã chấp nhận ý hướng của ngài. Và ngài đã đạt được điều ước mơ trở thành nhà truyền giáo. Từ đây tất cả cuộc sống của ngài đều bình an thuận theo ý Chúa, nhưng bình an phải là hoa trái của hy sinh, Nên nơi ngài cũng đầy chiến đấu, day dứt.
2.Áp lực của việc ra đi hay ở lại
Chúng ta tiếp tục dõi theo bước chân cha Biển Đức Thuận. Mười lăm năm hoạt động tông đồ với tư cách một nhà truyền giáo, được chia làm ba thời gian đều nhau: 5 năm đảm nhận vai trò giáo sư tại tiểu chủng viện An-Ninh, 5 năm làm cha xứ Nước Mặn (Thừa Lưu), và 5 năm cuối trở về làm giáo sư tiểu chủng viện An-Ninh.
Trong khoảng thời gian này, ngài đã phải chiến đấu với hai tư tưởng gần như trái nghịch nhau: ở lại tiểu chủng viện hay ra đi truyền giáo, ở lại nơi truyền giáo (giáo xứ Thừa Lưu) hay xin đi nơi khác, và cuối cùng, ở lại tiểu chủng viện hay sống ẩn kín trong đời đan tu. Chắc chắn ngài đã phải chiến đấu rất nhiều, và sự bình an, nếu có nơi ngài, không phải là một thứ “bình an” phẳng lặng, nhưng là một điều gì đó ngay trong sóng gió và day dứt.
Chúng ta hãy tưởng tượng cha Henri Denis đến Việt nam ở tuổi 23, ấp ủ trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, đầy tràn sinh lực và một tinh thần hăng say cho việc truyền giáo. Nhưng ước mơ truyền giáo của ngài đã gặp phải thử thách: thay vì đến với lương dân, ngài được yêu cầu đến tiểu chủng viện An-Ninh. Chúng ta xem ngài chia sẻ điều nầy thế nào khi viết thư cho song thân: Ngài coi phòng làm việc của ngài ở tiểu chủng viện như một thứ tù ngục![1] Ngài có bình an không? Những người ở trong tù có thực sự bình an không? Có một sự giằng co nơi nội tâm của ngài. Ở lại hay ra đi?
Giữa hai tình huống này, ngài đã chọn điều tốt nhất là sống giây phút hiện tại, và cảm thấy “tử tế”. Tuy nhiên, việc “ở lại” không ngăn cản ngài ước mơ đến một cuộc “ra đi” sau này. Nếu như nơi ngài có một sự giằng co như thế giữa điều mơ ước và đón nhận hiện tại, thì chắc chắn chúng ta có thể kết luận rằng ngài đã phải chiến đấu với chính mình. Nói cách khác, ngài đã phải sống trong tình trạng căng thẳng. Nhưng sự căng thẳng này không phải là một sự căng thẳng thần kinh. Nó tạo cho ngài khả năng trưởng thành về tinh thần, nghĩa là thanh luyện ý hướng của ngài. Điều đó dẫn đến một sự bình an sâu lắng, đích thực và bền vững.
Sự xung đột nội tâm giữa việc “ở lại” và “ra đi” tác động lên con người của ngài cả trong thời gian làm cha sở giáo xứ Nước Mặn (Thừa Lưu). Ngài đã trải nghiệm thời gian này trong một sự kiên trì tuyệt vời. Quả thật, đối với ngài, việc truyền giáo trên vùng đất mới không nhẹ nhàng chút nào. Ngài đã gặp những điều không như mơ ước khi còn ở tiểu chủng viện: việc hoán cải lương dân, cũng như việc giúp các giáo dân tiến tới trên đường trọn lành không phải là chuyện dễ. Vì thế, có những ngày ngài cảm thấy mình như thất nghiệp và đang đi qua một sa mạc vô tận, như ngài đã chia sẻ tâm trạng với Đức Cha Allys trong lá thư đề ngày 23 tháng 4 năm 1908 – nghĩa là những tháng đàu tiên tại nhiệm sở: “Nếu ở chủng viện, con cảm thấy công việc dồn dập và gấp gáp bao nhiêu, thì ở đây con lại cảm thấy mình rảnh rỗi và không có gì để làm… ngày này sang ngày khác cứ dài vô tận!”. Hơn nữa, lòng nhiệt thành dành cho việc truyền giáo khiến ngài bị nợ nần với con số lên tới ba ngàn quan pháp. Ngài đã nghĩ đến việc xin Đức Cha cho ra đi, rời khỏi giáo xứ. Nhưng rồi khi nhận được bài sai để trở về tiểu chủng viện An-Ninh, ngài đã khóc… Quả là một nỗi đau xé lòng!!! Ngài có thật sự cảm thấy bình an không? Và nếu có, đó là loại bình an nào?
Sự xung đột nội tâm giữa việc ở lại và ra đi còn xảy ra một lần nữa, và lần này tạo nên một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời của cha Biển Đức Thuận. Ở lại tiểu chủng viện với trách nhiệm của một giáo sư hay ra đi để sống đời ẩn dật của lối sống đan tu chiêm niệm? Nếu như ngài mơ ước việc ra đi, là vì việc ở lại không làm ngài toại nguyện; điều này có nghĩa là ngài đang theo đuổi điều ngài kiếm tìm. Nếu như ngài phải chiến đấu với chính mình, thì điều đó có nghĩa là ngài không ngủ yên trên những thành quả đã đạt được, với những gì đã hoàn thành; ngài nhắm tới mục tiêu đang chờ đợi. Trong những tình huống và tâm trạng như thế, vẫn có một thứ bình an nội tâm mà ngài đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, giúp ngài kiên trì trong định hướng.
Chúng ta dám tin chắc rằng Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, trong suốt cuộc sống, đã trải nghiệm được thế nào là bình an trong cuộc chiến đấu với chính minh khi đối diện với những nghịch cảnh. Không bình an lam sao có thể đạt được mục đích nhắm tới trong từng giai đoạn của cuộc đời. Đó không phải là thứ “bình an” mang tính thỏa hiệp, dễ dãi, mà là một sự bình an sâu lắng nhưng cũng rất kiên cường. Chính sự bình an này – bình an như một ân ban – đã làm cho ngài lớn lên trong hành trình xuyên qua những nẻo đường và những khúc quanh cuộc đời, để khi đã đạt được ước muốn là sống “sự kín nhiệm của thầy dòng contemplativi” (chiêm niệm), thì mọi biến cố xảy ra sau này, như khi căn nhà đẹp nhất của nhà dòng và mọi thứ có giá trị trong giây lát đã bị hỏa hoạn biến thành tro bụi, nhưng ngài và các thầy vẫn hát lên bài Magnificat để cảm tạ Chúa và Đức Mẹ.
3.Cuộc chiên cuối cùng: cơn hấp hối đầy giao động và ra đi bình an
Đời đan tu với nếp sống khó nghèo, thiếu thốn và lòng hăng say dấn thân, đã lấy đi rất nhiều sức khỏe của Cha Tổ Phụ. Trong lá thư ngày 18 tháng 5 năm 1928, gửi Đức Cha Allys, cha đã báo tin cho Đức Cha về tình trạng sức khỏe của ngài như sau:
“Sau khi khỏi được khoảng mười lăm tháng, con bắt đầu khạc ra máu lại, nhiều hơn bao giờ hết. E rằng con sẽ chẳng giảng tĩnh tâm được vào tháng bảy tới đây. Tuy nhiên, trong việc này cũng như trong các việc khác, con chỉ vâng nghe Đức Cha; nếu đức Cha bảo: “cử thử xem”, con sẽ thử, và trông cậy vào ơn Chúa…”
Sức khỏe của ngài ngày càng suy giảm. Vài hôm trước khi qua đời, ngài bảo thầy y tá ghi chép bịnh tình của ngài để cho cộng đoàn biết:
“Bây giờ đến lượt con nghe cha rồi ghi chép không cần thứ tự, bác sĩ khám cha rồi nói : “vô phương cứu chữa”, bởi vì lục phủ ngũ tạng của cha đều hỏng cả rồi. Như con biết đó, cha bị đau tim, mỗi phút nó đập hơn trăm lần; cha đau thận, nên nước tiểu đầy máu. Cha còn đau phổi, nên khạc ra máu và ho luôn. Bao tử cha có nhiều vấn đề: rối loạn tiêu hóa và thường buồn nôn. Ấy là chưa nói hội chứng trĩ. Cha đau đớn lắm, hơn nữa, từ ba tháng nay, cha sốt rét luôn, vì có vi trùng sốt rét. Bác sĩ nói với cha rằng: “ngài còn sống được, là cả một phép lạ”. Nhưng cha thì cha cho rằng đó là nhờ ơn Chúa. Nay cha cảm thấy cha gần về cùng Chúa. Con hãy mau cho anh em biết bệnh tình của cha mà cầu nguyện cho cha được luôn theo ý Chúa cho tới cùng”.
Bệnh tình của Cha Tổ Phụ đã trở nên rất nặng, vô phương cứu chữa. Trong tình huống của cái chết cận kề, ngài bình an không? Chúng ta hãy đọc lại LỜI TRỐI của ngài để có thể hiểu được phần nào tâm trạng của ngài trong tình huống thập tử nhất sinh:
“Cha gần về cùng Chúa, không biết chắc ngày nào, song sự thường thì cha không còn ở thế gian này với chúng con lâu ngày nữa.
Cha khuyên chúng con hãy nhớ: Đàng nhân đức là tuân theo Thánh ý Chúa, mà theo Thánh ý Chúa là giữ luật dòng cho trọn. Cha còn nói một lần nữa: Chúng con muốn nên thánh thì hãy giữ luật dòng, muốn nên thánh thì hãy giữ luật dòng.
Còn phần cha thì đi bằng an lắm. Cha không áy náy lo lắng chi hết, vì cha biết rõ Chúa là Cha chung. Chúa thương cha và cũng thương chúng con, cho nên không sợ chi cho cha và cũng không sợ chi cho chúng con.
Vậy chúng con hãy ở bằng an như cha, vì Chúa là Cha thương chúng tôi quá lẽ.
Chúng con muốn xin phép lạ, thì mặc ý, còn phần cha thì không xin, cha xét: Phó mình trong tay Cha lành là điều tốt hơn cả.
Vậy trong chúng con chớ có ai buồn, chớ có áy náy lo sợ, một đi chung cũng nhau vui vẻ theo Thánh Ý Cha chúng tôi. Cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ.”
Những điều được viết ra trên đây là những gì Cha Tổ Phụ đã cảm nghiệm trong sâu thẳm lòng ngài, và ngay cả những từ ngữ cũng chỉ diễn đạt được một phần nào sự trải nghiệm đó. Chính cảm nghiệm “bình an” của những ngày trước giờ phút vĩnh viễn ra đi, đã nâng đỡ ngài trong cơn hấp hối đầy giao động.
“Cơn hấp hối của ngài kéo dài, với nhiều giao động. Ngài đau đớn cả hồn lẫn xác. Ngài đau đớn thảm thiết: “Thật khủng khiếp! Maria, Mẹ ơi, cứu con với!…” “Hãy cầu nguyện cho người hấp hối! Kinh khủng lắm”! Sau đó, sự bình an trở lại. Nhưng rồi lại xuất hiện một cơn khủng hoảng khác. Dường như ngài đang phải chiến đấu kịch liệt với ma quỉ, dường như chúng muốn trả thù vì những thiện hảo thiêng liêng ngài đã trao ban cho các linh hồn, đặc biệt cho những môn sinh của ngài trong đời đan tu. Sau cùng, vài phút trước khi trút hơi thở cuối cùng, ngài bình an thanh thản và nói: “Thế là đã hoàn tất!”[2] Ngài ra đi bình an.
II.ĐỂ CÓ MỘT CUỘC SỐNG BÌNH AN
Trong phần thứ nhất trên đây, người viết chỉ phác họa lại một số biến cố quan trọng xảy ra trong những khúc quanh của cuộc đời Cha Tổ Phụ, để thấy rằng sự bình an ngài thủ đắc, là kết quả của cả một cuộc chiến lâu dài. Bình an nơi ngài, trước hết là tặng ân của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là hoa trái của một con tim vừa can đảm vừa trọn niềm tín thác.
Trong phần hai dưới đây, xin được chia sẻ một vài chìa khóa mà bản thân tôi đã khám phá trong cuộc đời và giáo huấn của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, để giúp chính tôi xây dựng sự bình an trong cuộc sống.
1.Tình yêu của Cha nhân lành
Theo bản thân, tôi tin rằng đây là chìa khóa thứ nhất – chìa khóa quan trọng nhất – giúp Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đạt được sự bình an và sống một cách rất bình an với mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời của cha. Đó là xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa, là Cha nhân lành.
Đời đan tu chiêm niệm, trước hết, giúp chúng ta khám phá ra tình thương của Thiên Chúa, nơi con người, trong thiên nhiên, cả trong vũ trụ vạn vật.
Vậy, sự kín nhiệm của Dòng chúng ta là gì? Là hằng tìm Chúa, kết hiệp với Chúa. Đó là sự kín nhiệm của chúng ta. Sự ấy thế gian không hiểu được. Phước của chúng ta là đó rồi: gặp Chúa, nói khó với Chúa, kính mến Chúa, kết hiệp với Chúa. Nói khó với Chúa ở trong tâm hồn mình, và trong phép Thánh Thể. Biết có Chúa ở với mình như vậy, thì được đầy tràn an ủi. Kẻ ấy, khi thấy trời đất và cây cối hoa quả tốt tươi xinh đẹp, thì nói đó là mọi sự Cha tôi đã sáng tạo cho tôi được hưởng dùng mà cảm mến ca ngợi Cha đã thương tôi thể ấy. Biết có Cha chúng ta hằng ở với chúng ta, nào ai có làm chi được, cho nên được bình an vui mừng luôn. “Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; nơi đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi an nghỉ.”[3]
Xác tín vào tình thương của Chúa – Thiên Chúa Cha tốt lành – là một trong những động lực giúp chúng ta sống vượt qua, đón nhận thập giá, dám đối diện với khổ đau và tin tưởng vào Cha tốt lành. Trong thư ngày 26 tháng 8 năm 1922, Cha Tổ Phụ đã chia sẻ xác tín đó với mẹ của ngài:
“Con được tin mẹ lại đau mắt, thế là thêm một thánh giá, một đau khổ. Song đau khổ đời này, thì thoát đau khổ đời sau. Mẹ đừng buồn, hãy để Chúa làm việc Chúa. Người thương mẹ, Người làm chi cho mẹ thì người biết. Con nói với mẹ thế mà con cũng nói với con như vậy, vì ở đây cũng không thiếu thánh giá. Ta muốn lên trời mà không phải chết. Chúa cũng muốn cho ta thế đó, song tại Adong Eva muốn vượt khỏi quyền Chúa mà ăn trái cấm, nên bây giờ ta phải đền trái cấm đó. Phải chết thì mới biết ta là không, Chúa là mọi sự. Song Chúa là Cha tốt lành, ta đừng sợ.”[4]
Xác tín Chúa yêu thương, vì Chúa là Cha tốt lành, giúp chúng ta vượt qua tình trạng mất bình an, hoảng sợ, mà Cha Tổ Phụ dùng hình ảnh đứa bé khóc nhè, để đạt tới ánh sáng dẫn tới bình an, như ngài đã viết cho mẹ ngài ngày 13 tháng 1 năm 1921:
“Mẹ ơi, hôm nay mẹ hãy kính mến Chúa hơn khi nào hết! Chúa yêu thương mẹ dường nào. Mẹ biết: Người hằng lưu ý đến mẹ, hằng tìm cách làm ích cho mẹ. Mẹ không thấy Người, không hiểu biết các sự xảy ra cho mẹ đều do lòng nhân từ Chúa tỏ dấu thương mẹ. Mẹ xem những con nít, nó có biết mẹ nó hằng tìm cách mưu ích cho nó không? Thế sao nó cứ khóc hoài! Chúng tôi cũng con nít thế đó! Trí khôn chúng tôi quá thấp hèn, đức tin chúng tôi quá non nớt, nên trong những việc xảy ra hằng ngày, chúng tôi không hiểu thánh ý Chúa, bởi vậy cứ khóc luôn! Ôi, bao giờ chúng tôi mới thấy được sự sáng?”[5]
Chúng ta có thể trích rất nhiều lần Cha Tổ Phụ đã xác tín về tình yêu của Thiên Chúa là Cha tốt lành luôn giúp chúng ta sống bình an. Thiết tưởng, những gì được viết trong LỜI TRỐI chính là gia bảo để lại cho chúng ta, những xác tín đã biến đổi cuộc đời ngài cũng trở thành xác tín có khả năng biến đổi cuộc đời chúng ta. Một lần nữa, chúng ta hãy lắng nghe những gì phát xuất từ sâu thẳm tâm hồn của Cha Tổ Phụ:
Còn phần cha, thì đi bình an lắm. cha không áy náy lo lắng chi hết. Vì cha biết rõ Chúa là Cha chung. Chúa thương cha và cũng thương chúng con, cho nên không sợ chi cho cha và cũng không sợ chi cho chúng con.
Vậy chúng con hãy ở bằng an như cha, vì Chúa là Cha thương chúng tôi quá lẽ.
2.Thuận theo ý Chúa
Một khi đã xác tín vào tình yêu thương của Cha Trên Trời đầy tốt lành, nhân hậu, thì hệ quả thứ nhất là thuận theo ý Chúa, đây là chìa khóa thứ hai. Sự kiện cha nhận tên gọi việt nam là Thuận đã diễn tả rất rõ ràng định hướng đời sống.
Ngay trong thư tín gửi cho mẹ, ngài đã chia sẻ những tâm tình của mình về việc thuận theo ý Chúa trong việc xây dựng cộng đoàn vừa mói thành lập:
“Cần gì mà lo lắng! Chúng ta làm việc đây là làm việc Chúa. Thế tất, không làm hư mất ngày giờ, nếu Chúa nhân lành không muốn cho nên việc, thì chúng con cũng không ưng: đó là tất cả ý chí của con…”[6]
Chúng ta đã biết sự cố cháy nhà – căn nhà đẹp nhất của nhà dòng, trong đó chứa đựng những gì là quí nhất về phương diện vật chất, cũng như tinh thần như bản hiến pháp ngài đã dầy công soạn thảo. Lửa đã đốt thành tro bụi tất cả. Ngài đã phản ứng thế nào, chúng ta đã rõ:
“Thăm mẹ yêu dấu của con, con viết ba chữ tin cho mẹ hay: Cái nhà đẹp nhất của chúng con nay đã biến thành đống tro tàn. Trót cơ nghiệp nhà dòng ở trong đó: sách vở, thuốc men, quần áo, vật thực, hạt giống, thay thảy đều cháy hết. Mặc lòng chúng con đã hát Magnificat trọng thể tạ ơn Chúa, vì lẽ ra các nhà khác cũng bị đồng một số phận!…
Vạn tuế thánh đức khó nghèo! Sau nếu Chúa lại ban sách vở, quần áo, thuốc men chi nữa, thì thảy là của chung nhà dòng. Dầu vậy, chúng con không mất sự bằng an vui vẻ. Bị rủi ro như thế chỉ là dấu Cha nhân hậu tỏ lòng thương con cái: Chúng con hằng ngợi khen Chúa và cám ơn Người luôn.”[7]
Thật là một đức tin mạnh mẽ và kiên vững trong thử thách. Bình an chính là hoa trái của sự tin tưởng phó thác vào thánh ý Chúa; như chính ngài đã viết trong thư gửi thân mẫu vào khảng tháng 2 năm 1921:
“Thánh ý Ngài là nhất cho chúng con rồi, và cho mẹ nữa, phải không, mẹ yêu dấu của con? Trong hết mọi sự, xin mẹ hãy thưa cùng Chúa: “Dạ, cám ơn Chúa.”[8]
Rất nhiều lần, Cha Tổ Phụ đã viết thư cho mẹ ngài để nói lên định hướng của đời ngài cũng như của cộng đoàn Phước Sơn là thuận theo ý Chúa.
Trong một giáo huấn thiêng liêng, khi bàn về đức khiêm nhường, Cha Tổ Phụ đã liên kết nhân đức căn bản này với ý Chúa và sự bình an. Ngài nói:
“Chúng ta nghe: sự khiêm nhường là ưng muốn ở bậc Chúa muốn. Ví như tấm ngói nó muốn xuống lót nền, đó là làm ngược, không phải khiêm nhường đâu. Cho nên, sự khiêm nhường là bằng lòng chịu lấy hết mọi nỗi vui buồn Chúa gửi đến cho chúng ta. Kẻ khiêm nhường thì chi cũng được, việc chi cũng xong: bữa nay được nhắc lên thì cũng được, đến mai lại bị hạ xuống cũng vâng, chi cũng xin vâng hết…
Trong một ngày, chúng ta kiêu ngạo nhiều lần, song người khiêm nhường vẫn bình an luôn. Như khi nghe tin rằng ngày mai sẽ bị bắt giam, hoặc bề Trên loại ra, thì kẻ khiêm nhường cũng cứ ngủ bình an; hay là nghe tin rằng, ngày mai sẽ được lên làm lớn, thì cũng thế thôi, cứ ngủ bình an. Cho nên kẻ khiêm nhường được bình an luôn.”[9]
Chính vì xác tín vào thánh ý Chúa là tôt nhất, tuyệt hảo, nên những gì xảy ra như khi lâm bệnh, thì sẽ biết lợi dụng hoàn cảnh đau ốm để sống bình an với Chúa, với chính mình và với anh em giúp mình:
“Chúng ta hãy biết dùng cơn bệnh mà nên thánh, vì là lúc được rảnh rang mà ở với Chúa; tùy theo sức, chớ làm cho mình phải thêm mệt quá. Hãy cầu nguyện cho Bề trên, cho nhà dòng và cho hết mọi anh em ở đây; lại cầu cho cả Hội Thánh, cho kẻ có tội, kẻ ngoại, và các linh hồn trong chốn luyện ngục. Ấy là việc bổn phận thầy đau ốm. Ai có phận nấy, không ai có phép ở nhưng ở nể. Anh em tôi phải chịu khó làm việc vất vả cực nhọc, còn tôi thì nằm nghỉ trên giường mà lo phận sự thầy dòng đau, tức là lo đọc kinh cầu nguyện. Ấy là ý Chúa muốn cho tôi như vậy, tôi phải lấy làm có phúc, vì việc ấy là việc nhất hảo, là việc bà Maria xưa đã làm mà Chúa lấy làm ưng ý vừa lòng mọi đàng. Vậy tôi phải cảm ơn Chúa, chớ có buồn phiền, vì thấy mình không được mạnh lại như ý mình muốn, hãy để mặc Thánh ý Chúa.”[10]
Một lần nữa, chúng ta lắng nghe lại điều Cha Tổ Phụ viết trong LỜI TRỐI:
Cha khuyên chúng con hãy nhớ: Đàng nhân đức là tuân theo Thánh ý Chúa, mà theo Thánh ý Chúa là giữ luật dòng cho trọn. Cha còn nói một lần nữa: Chúng con muốn nên thánh thì hãy giữ luật dòng, muốn nên thánh thì hãy giữ luật dòng.
3.Tận tâm nhưng vẫn tràn đầy phó thác
Hệ quả thứ hai của việc xác tín vào tình yêu của Cha tốt lành là tận lực tận tình cho công việc nhưng đồng thời trọn vẹn phó thác cho sự quan phòng của Chúa. Đây là chìa khóa thứ ba.
Chúng ta nghe lại trích đoạn thư tín Cha Tổ Phụ viết cho thân mẫu:
“Con vẫn khỏe mạnh, mấy thầy dòng thân yêu của con cũng khỏe. Chúng con vẫn cử trồng cây, song mưa quá. Chúng con mới phở ít ruộng ở chân đồi, trông cậy sẽ được ít nhiều lúa. Độ này lúa kém quá, mọi khi hai quan năm một thùng, nay lên sáu quan, e chúng con chết đói. Lẽ ra chúng con chết đói lâu rồi, song một phép lạ Chúa làm, chúng con được no ấm trong tay Người. Hôm nay, chúng con có đủ mọi sự cần, còn ngày mai, thì mai sẽ hay, muôn năm Chúa! Chúng con đây thật có phước hơn hết mọi người.”[11]
Và đây một lời khuyên rất cụ thể mà Cha Tổ Phụ dành cho các môn sinh của mình:
“Đến giờ làm thì làm, làm cho siêng năng, làm cho tử tế, rồi thì thôi. Ví như hôm nay chúng ta đi trồng khoai, trồng cà, đến mai đi thăm, thấy heo đã phá hết thì thôi, vì Chúa để vậy. Hoặc nhà Dòng, bị bão sập nhà, dịch chết trâu bò, nếu có thể cứu được thì cứu, không thì thôi, mặc thánh ý Chúa.”[12]
Và lần này nữa, chúng ta hãy lắng nghe từng chữ trong LỜI TRỐI của Cha Tổ Phụ:
Chúng con muốn xin phép lạ, thì mặc ý. Còn phần cha thì không xin. Cha xét: phó mình trong tay Cha lành là điều tốt hơn cả.
KẾT: NIỀM VUI VÀ BÌNH AN
Trong Nội San Hạt Giống Chiêm Niệm số 15, người viết có dịp chia sẻ một vài suy nghĩ về niềm vui nơi Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận. Và trong số 16 này, sự bình an nơi ngài được nêu lên với một chút dè dặt – như trong trường hợp nói đến niềm vui – là tôi không thể xuyên thấu tâm hồn ngài để hiểu và đồng cảm với ngài trong chiều sâu điều ngài đã trải nghiệm. Tôi cố gắng dựa vào một số bản văn viết về đời sống hoặc giáo huấn của ngài để hiểu một chút nào đó tâm hồn bình an của ngài.
Một điều tôi nhận ra là nơi ngài niềm vui và bình an luôn song hành. Ngài là một con người vui tươi và đồng thời rất bình an. Có lẽ chúng ta dễ lầm khi nhìn tấm hình hay hình vẽ khuôn mặt ngài với đôi mắt như nhắm lại và cúi nhìn xuống, và chúng ta có cảm tưởng là ngài sống trong trạng thái buồn sầu của nếp sống “khổ tu”. Chắc chắn, những loại niềm vui trần gian, những thứ xem như bình an mà thế gian ban tặng, với ngài chỉ có giá trị tương đối. Vì tất cả đều chóng qua, duy chỉ tình yêu Chúa là bền vững. Ánh nhìn xuyên thấu thực tại này giúp ngài sống chiều sâu và rất mãnh liệt đời đan tu, vì được xây dựng trên nền tảng vững bền.
Bình an trong cuộc sống của ngài không mang tính dễ dãi, hay nhẹ dạ, đó là một thứ bình an mang tính nền tảng của những xác tín làm biến đổi cuộc đời ngài. Và chính trong “môi sinh bình an” đó, ơn gọi đan tu chiêm niệm được khai sinh, phát triển và đạt tới đích.
Phải chăng đó là niềm vui và bình an của Chúa Kitô (x. Ga 15,11; Ga 14,27) đã được trao ban cho Cha Tổ Phụ? Nếu có niềm vui nào đậm dấu ấn trong cuộc đời Cha Tổ Phụ, nếu có sự bình an nào quang tỏa trong cuộc đời ngài, thì niềm vui và bình an đó là của Chúa Kitô, và Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã đón nhận, sống và biến thành niềm vui và bình an của chính ngài.
[1] DN, s.4, tr.28.
[2] BULMEP – Tập San Hội Truyền Giáo Paris, 1933, tr.707.
[3] DN, s. 141 “Sự kín nhiệm của các thầy dòng contemplativi”, tr. 181-182.
[4] DN, s. 72, tr. 93.
[5] DN, s. 52, tr. 52.
[6] DN, s. 35, tr. 55.
[7] DN, s. 47, tr. 69-70.
[8] DN, s. 54, tr. 78.
[9] DN, s.124 “Về đức khiêm nhường”, tr. 152.
[10] DN, s.127 “Phải ra sức làm thầy dòng lúc đau ốm”, tr. 158-159.
[11] DN, s.41, tr. 64.
[12] DN, s.129 “Chớ có mê làm việc quá”, tr.162.