CHÚA NHẬT IV-B PHỤC SINH
(Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18)
DẪN NHẬP & THỐNG HỐI
Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Nhờ sống lại, Chúa Giêsu trở nên Chúa Chiên Lành. “Chúa Nhật – Chúa Chiên Lành” hôm nay, Hội Thánh đặt làm Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Thiên Triệu. Chủ đề lần thứ 55 (năm 2018) là “Lắng nghe, phân định, sống lời Chúa kêu gọi”.
Hình ảnh chủ chăn và đàn chiên là một trong những hình ảnh đã được dùng trong Cựu Ước để diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Do thái. Mối tương quan này được diễn tả rất gợi hình : “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu gì” (Tv 22,1), “Chúa canh giữ chúng ta như Mục Tử canh giữ đoàn chiên” (Gr 31, 10d). Và chính Chúa Giêsu tuyên bố “Ta là Chúa Chiên Lành ”(Ga 10,14). Trong tâm tình này, chúng ta thống hối :
+ Lạy Chúa, khi tự xưng mình là Chúa Chiên, là Chúa Giêsu vừa xác định thần tính, vừa xác định vai trò lãnh đạo bằng tình yêu lớn lao Người dành cho những ai tin vào Người. Nhưng chúng con đã thiếu tin tưởng vào Người.
Xin Chúa thương xót chúng con.
+ Lạy Chúa, liên hệ giữa Chúa Chiên và đoàn chiên Kitô hữu, được Chúa diễn tả: “Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. Chúa muốn nói đến sự hiệp thông trong tình yêu cả con người và cuộc sống. Nhưng chúng con lại chỉ hiểu theo trí tuệ.
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
+ Lạy Chúa, chính trong tương quan Chúa Chiên biết chiên và chiên biết Chúa Chiên, Chúa đã tận tình dẫn dắt, dưỡng nuôi, kiếm tìm và thí mạng vì đoàn chiên. Nhưng chúng con lại chỉ muốn đi xa khỏi đoàn chiên của Chúa.
Xin Chúa thương xót chúng con.
SUY NIỆM
I. Dân Do Thái ngày xưa chuyên sống đời du mục, hình ảnh mục tử sống giữa đàn chiên, là một hình ảnh rất thân quen. Hình ảnh nầy được Kinh Thánh Cựu Ước sử dụng nhiều lần để diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Người. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng lại hình ảnh “mục tử sống giữa đàn chiên”, diễn tả tình yêu thương Người dành cho nhân loại.
II. Mục Tử là ai ? ĐTC Phanxicô cho chúng ta câu trả lời hiện sinh khi nói với các Linh Mục: “anh em hãy làm những mục tử với mùi của chiên, mùi này phải được người ta cảm nhận” (Bài giảng Thánh Lễ Truyền Phép Dầu, Thứ Năm Tuần Thánh, 28.03.2013, số 7).
Mục Tử “với mùi của chiên”, thời Cựu Ước, ngôn sứ Ezekiel đã báo trước, Chúa sẽ lo cho chiên: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ” (Ed 34, 14 ; x. Ed 34,15-16; Ed 37,21-28). Chúa sẽ thương yêu chiên với cả tâm hồn: “Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” ( Is 40, 11).
Mục Tử “với mùi của chiên”, thời Tân Ước, Chúa Giêsu nói : “Ta chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10,11). Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (x. Ga 10,11b-15). Mục Tử nhân lành yêu quý từng con chiên, không muốn mất hay lạc một con chiên nào, như Người có một phép tính kỳ lạ: “Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc” (Mt 18, 12-13).
Như vậy, để “mùi của chiên phải được người ta cảm nhận”, Mục tử cần có những tiêu chuẩn của Mục Tử Giêsu:
1. Mục tử “với mùi của chiên”, chính là Mục tử Giêsu sống hoà mình thân mật với đoàn chiên. Qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua mọi rào cản để hoà đồng với con người (x. Pl 2,6-11). Giờ đây, với biểu tượng Mục Tử với đàn chiên, Chúa Giêsu tỏ cho thấy tương quan giữa đôi bên hết sức thân mật, không khoảng cách, như : với dòng người tội lỗi chờ được thanh tẩy bên bờ sông Giođan (x. Mt 3,13-16) ; đồng bàn và trọ nhà những người tội lỗi (x. Lc 19,7) ; cùng nâng li rượu mừng đôi tân hôn trong tiệc cưới Cana (x. Ga 2, 1-11) ; khóc thương Ladarô yểu mệnh (x.Ga 11,35)… Mọi người đều có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim Mục tử Giêsu.
2. Mục tử “với mùi của chiên”, chính là lo cho chiên được sống dồi dào. Mục Tử Giêsu hiến thân mình “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10, 10). Người chấp nhận trở nên lương thực cho đoàn chiên đang lầm than đói khát, để “ai đến với Người, không hề phải đói; ai tin vào Người, chẳng khát bao giờ!” (x. Ga 6, 35). Như xưa Chúa từng đối xử với Dân Chúa : “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu gì./ Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ./ Người đưa tôi tới dòng nước mát / và bổ sức cho tôi” (Tv 22/23, 1-3).
3. Mục tử “với mùi của chiên”, chính là hiến thân mình cho chiên được sống. Xưa, ngôn sứ Êzêkiel từng loan báo : “Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh” (Ed 34, 15-16). Mục Tử Giêsu chấp nhận hy sinh mạng sống mình : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên …” (x. Ga 10, 11-15). Đức tính này được minh chứng trong dụ ngôn mục tử bỏ 99 con chiên nơi hoang địa để đi tìm con chiên lạc. Mục tử Giêsu tỏ cho thấy Người chăm sóc chi li từng người một, không muốn bất kỳ một ai phải hư vong (x. Lc 15, 4-7).
III. Trong bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh Lễ Truyền Dầu năm 2018, ĐTC Phanxico cho chúng ta bí quyết để trở nên một Mục tử “với mùi của chiên”, dù đó là một ‘Mục Tử có chức thánh’, dù đây chỉ là một ‘Mục Tử do Bí Tích Rửa Tội’, là sống gần với Dân. Vì người được gọi là để “sống với Chúa, và để Ngài sai đi” (Mc 3, 14). Muốn sống gần với Dân, trong Tông Huấn Gaudete et Exsultate, ĐTC Phanxicô mời gọi :
1. Kitô hữu sống bản chất thánh thiện của chính mình ‘là’ con Chúa.
Dù các vị thánh cầu nguyện và mang lại cho chúng ta các mẫu gương về cách sống, nhưng không nhất thiết chúng ta phải là những phiên bản y chang của các vị. Chúng ta được tiền định để là chính mình, và mỗi Kitô hữu “phải biện phân đường lối của riêng mình” và “mang lại điều tốt đẹp nhất của chính mình”.
2. Sống thánh thiện trong bổn phận thường ngày.
Mọi người đều được mời gọi để nên thánh. Việc cần phải làm là sống cuộc đời của chúng ta trong tình yêu, và làm chứng cho Thiên Chúa trong mọi việc. Đơn giản hằng ngày như một người cha mẹ yêu thương nuôi dạy con cái mình; đơn giản như là những cử chỉ nhỏ bé đầy yêu thương và tử tế.
3. Hành động bằng lòng thương xót.
Không đàm tiếu xầm xì tán gẫu, dừng lại việc xét đoán, không thóa mạ làm mất danh dự của nhau, và dừng lại việc tàn bạo. Sống Tám Mối Phúc, đặc biệt tập trung vào mối phúc: “Phúc cho ai biết xót thương”.
Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành, vì Chúa đã sống hoà mình thân mật với chiên, chăm lo cho từng con một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên. Chúng ta xin cho gương sống tuyệt vời nầy là động cơ thúc đẩy chúng ta trở nên Mục Tử nhân lành như Chúa. Chúng ta sẽ thành Mục Tử nhân lành của bậc sống mình trong Hội Thánh theo mẫu gương Mục Tử Giêsu, nếu thường xuyên soi mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, nếu thường xuyên rước nhận Chúa Giêsu Thánh Thể. Alleluia.