Vâng, dường như trái ngược, bởi vì trong tâm tưởng con người, ngày Lễ Tro là ngày “xé lòng mình”, đấm ngực ăn năn, chay tịnh và than khóc. Ngày Lễ Tro còn là ngày con người tưởng nhớ đến thân phận bụi tro của mình: “Người từ bụi đất sẽ trở về cùng đất bụi” (St.3,19).
Ngày Lễ Thánh Velentine, ngày tình yêu, là ngày Giáo Hội và xã hội đề cao tình yêu, ngày mà những người chưa yêu thì nô nức, những người mới yêu thì đưa nhau đi chơi, đi ăn uống, và những mối tình dài lâu có dịp hâm nóng tình yêu, cũng bằng những tiệc tùng hay ít nhất cũng hẹn hò lãng mạn bên chén rượu nồng hay ly cà phê góc phố.
Ngày 29 Tết thì thiên hạ nô nức sắm sửa, ăn mừng năm cũ đi qua, chào nhau giữa tiếng cười bên bàn tiệc.
Vâng, thoạt nhìn thì tinh thần ngày thứ Tư Lễ Tro 14 tháng 2 (29 tháng chạp âm lịch) có vẻ đầy mâu thuẫn và làm cho nhiều người lưỡng lự: ăn chay hay không? Cứ vui đi và lỗi luật Hội Thánh. Hay giữ luật Hội Thánh cách quảng đại mà lòng vẫn cứ nôn nao?
Nhiều người đã nói đến lập trường của Hội Thánh, mà Đức Giám Mục Robert Baker của giáo phận Birmingham, Alabama, Hoa Kỳ đã nhấn mạnh trong thư Mục vụ của ngài.
Ở đây, chúng ta cùng trao đổi với tư cách những người đang yêu các bạn nhé.
Chúng ta tự hỏi yêu nhau có nhất thiết là phải ăn uống no say không? Câu trả lời là không. Những mối tình lớn, sâu đậm, không nhất thiết được nuôi dưỡng bằng những bữa ăn hay những ly cá phê, trà sữa. Những mối tình lớn lắm khi cũng không cần đến cả một cành hoa. Chính lý tưởng sống, sự hy sinh và lòng đạo đức sâu xa mới nuôi dưỡng tình yêu các bạn ạ.
Thứ hai, ăn chay có phải là buồn bã không? Thưa không. Ăn chay ngoài ý nghĩa hãm mình, còn có hai ý nghĩa quan trọng hơn nhiều là chia sẻ cho người túng thiếu và kết hiệp với Chúa Giêsu Khổ nạn. Mà bạn ơi, là người Công Giáo chúng ta hiểu rằng mầu nhiệm Khổ nạn của Chúa chúng ta gắn liền với mầu nhiệm Phục Sinh. Ăn chay là cách thế để đi vào mầu nhiệm Phục Sinh vinh thắng. Tình yêu chúng ta gắn liền với chay tịnh là đã mang trong mình ánh bình minh của ngày Phục Sinh.
Thứ ba, 29 Tết là ngay vui mà lại đi ăn chay? Các bạn thử nghĩ nhé. Đối với nhiều người dù không có Đạo, nếu ngày 28 họ đã ăn uống quá nhiều, say sưa… thì liệu ngày 29 họ cũng cứ liều mình say sưa nữa, hay lại thích muối mè một bữa để lấy sức cho ngày Xuân? Rồi bạn hãy xem, nhiều anh em các tôn giáo khác ăn chay ngày mồng một Tết để lòng thanh tịnh, cầu may mắn v.v… Việc ăn chay những ngày này cũng không có gì là xa lạ.
Còn một điều nữa, trong bài “Ăn chay trẻ trung” viết cách đây ít lâu, chúng tôi có viết thế này: “Khi bạn có người yêu và sắp đến giờ hẹn, bạn bớt ăn một chút cho hơi thở thơm tho, cho giọng nói nhẹ nhàng. Bạn mê thịt “nai đồng quê” lắm, thêm chút riềng, chút mắm tôm, ôi tuyệt vời. Món nhắm đã dọn sẵn, bạn muốn xơi quá đi mất, nhưng vài phút nữa là có thể ngồi gần nàng mà thì thầm thỏ thẻ với nhau, thôi đành hy sinh cho tình yêu vậy!”
Hy sinh cho tình yêu là hy sinh ý nghĩa nhất. Ăn chay ngày 14/2, ngày 29 Tết là hy sinh cho Chúa Giêsu, Đấng yêu chúng ta vô cùng, và hy sinh cho nhau nữa. Chúa Giêsu chúc phúc cho chúng ta không trừ ngày nào, thì chúng ta cũng phải nghĩ đến Người không trừ ngày nào.
Vậy thưa bạn, chúng ta cùng ăn chay, lòng hân hoan cảm tạ Chúa và cầu nguyện cho người yêu của mình các bạn nhé. Nụ cười trong ngày chay tịnh sẽ rạng rỡ hơn, vì chúng ta biết rằng chúng ta có cả một cuộc đời phía trước để yêu thương, còn chay tịnh thì mỗi năm chỉ có vài ngày thôi.
“Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga.15,13). Chúa Giêsu đã yêu chúng ta hết mình, thì chúng ta, chúng ta cũng hãy quảng đại với Người và với nhau, các bạn đồng ý không?
Gioan Lê Quang Vinh