KHƠI DẬY ĐẶC SỦNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Suy niệm 2Tm 1,1-8; Lc 10,1-9 (lễ nhớ thánh Timothê và Titô, 26-1)
M. Lasan Châu Sơn
Trong ngày lễ thánh Timôthê và Titô hôm nay, chúng ta cùng gợi lên một vài suy tư về tâm tình của thánh Phaolô trong thư gửi cho Timôthê là người con tinh thần của ngài, chính ngài đã sinh ra trong đức tin. Có lẽ thánh Phaolô đã viết thư này cho Timôthê, khi ngài đang ngồi tù tại Rôma, vào những năm cuối đời. Ngài viết trong thư như sau: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi” (2Tm 4,6). Như thế, lá thư này là lời căn dặn đầy tâm huyết, là lời di chúc gói ghém tất cả tình cảm và mong ước thánh Phaolô đặt ở nơi Timôthê, trước khi chịu tử đạo.
Trong thư, thánh Phaolô cầu xin cho Timôthê: “Được đầy ân sủng, lòng thương xót và sự bình an”. Phaolô tạ ơn Chúa vì đức tin mạnh mẽ của Timôthê được nuôi dạy ngay từ nhỏ trong gia đình, cụ thể là qua bà ngoại và người mẹ của Timôthê. Ngài khuyến khích Timôthê: “Khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi hàng kì mục đặt tay trên anh” (1Tm 4,14). Đồng thời, Phaolô tha thiết khuyên nhủ Timôthê: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh “ (2Tm 4,1-5)
Tương tự như thánh Timôthê, qua bàn tay của Giáo hội mỗi người chúng ta đã nhận được đặc sủng của Thiên Chúa, khi lãnh Bí tích Thánh tẩy. Chúng ta được nhận lại quyền làm con Thiên Chúa, được thi hành chức vụ Tư tế, Ngôn sứ, Vương đế cùng với Đức Kitô. Mỗi chúng ta lại nhận được đặc sủng Chúa kêu gọi sống đời tu sĩ hay sống đời hôn nhân gia đình, và tất cả đều có nhiệm vụ như thánh Phaolô, là khơi dậy, là làm cho thành toàn ơn gọi đó trong cuộc sống hằng ngày: đó là phải nỗ lực “nên hoàn thiện như Cha trên trời”, để loan báo Tin mừng cứu độ cho mọi người.
Hết mọi Kitô hữu không trừ một ai đều được Chúa kêu gọi và “sai đi” làm “thợ gặt”, làm người đi loan báo Tin mừng cứu độ. Làm sao chúng ta có thể chu toàn sứ mệnh cao cả này được? Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Hãy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, hãy đồng lao cộng khổ với mọi anh em”.
Thật là ý nghĩa hàng năm Giáo hội dành riêng một tuần lễ để cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu (từ ngày 18-25 Tháng Giêng), chúng ta vừa kết thúc hôm qua. Vì sự chia rẽ rõ ràng bắt nguồn từ sự kiêu ngạo, độc tôn, độc tài, độc quyền về niềm tin của mình đối với Thiên Chúa mà bỏ quên hay không chấp nhận cách thức diền đạt lòng tin của người khác. Chỉ khi chúng ta biết sống liên đới yêu thương nhau, chúng ta mới là sứ giả, là nhân chứng Tin mừng như Chúa đã căn dặn: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau”.
Vậy nên trong ngày lễ kính thánh Timothê và Titô hôm nay, chúng ta được khơi gợi sống theo gương các ngài, ý thức mình đã được Thanh tẩy làm con cái Chúa nên hãy sống mến Chúa và luôn hiệp nhất yêu thương tất cả mọi người, ở bất cứ nơi đâu, đó là cách hành động thiết thực và hữu hiệu nhất cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.