TN-136-TUẦN XX-thứ Hai
THIẾU !!!
(Mt 19,16-22)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự thiếu thốn về những phương diện khác nhau. Những thiếu thốn thường gây nên cảm giác khó chịu, bực bội và cả bất mãn nữa. Trong thời đại dịch covid-19 này, kinh nghiệm thiếu thốn lại càng rõ nét cho rất nhiều người. Thiếu công ăn việc làm, vì thế thiếu thu nhập, và cũng thiếu những nhu cầu cần thiết. Thiếu không gian rộng rãi, vì phải bó chân trong khu vực chật hẹp do hoàn cảnh của việc giãn cách xã hội. Và rất nhiều thứ thiếu khác. Cuộc sống trở nên nặng nề và khó khăn.
Nhưng, nếu bình tâm lại, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của sự thiếu thốn kia. Bên kia sự thiếu thốn vẫn có gì đó đáng trân trọng và là nền tảng của cuộc sống. Trong cảnh thiếu thốn này, chúng ta “ngộ” ra được nhiều điều. Nhưng không phải những điều đó đến một cách tự động. Nó phải xuyên qua cả một quá trình “thanh lộc”, “thanh luyện” trong tâm trí và chọn lựa của chúng ta. Chúng ta phải trải qua một tiến trình đau đớn của sự “vượt qua” để có thể đón nhận ngay cái “thiếu” để làm nên ý nghĩa cho cái “đủ” của cuộc sống.
Khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 19 từ câu 16 đến 22, tôi bỗng khám phá hơn ý nghĩa của chữ “THIẾU” trong cuộc đời mình. Nhân vật trong câu chuyện là một người giầu có, đến xin Chúa Giê-su chỉ cho việc cần làm để được sự sống đời đời. Câu chuyện này thường được áp dụng cho giới tu trì với đòi hỏi bán mọi sự để theo Chúa. Nhưng tôi lại thấy trong đó, cái kinh nghiệm căn bản của đời ki-tô hữu: kinh nghiệm về cái “THIẾU” căn bản trong việc tin theo Chúa. Tôi xin được chia sẻ với anh chị em một chút suy niệm về chữ “THIẾU” khi suy niệm Lời Chúa hôm nay.
1. CẢM GIÁC LUÔN ĐẦY ĐỦ
Người giầu có kia đến gặp Chúa Giê-su và thưa với Chúa: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Đây là câu hỏi của những ai nghĩ tới đời sống sau cuộc đời này. Điều đó cho thấy sự an tâm thật sự ở nơi đâu. Nhưng, qua câu hỏi này, chúng ta chợt thấy ước muốn của người giầu kia, đó là thủ đắc, là chiếm hữu, là đạt được. Đây cũng là điều chính đáng và thường tình thôi. Điều anh muốn là làm điều gì tốt để được sự sống đời đời. Được đời này và cả đời sau. Như thế, còn gì bằng!
Nhưng câu trả lời của Chúa xem như lạc chủ đề. Anh nhà giầu hỏi về điều tốt, Chúa lại trả lời về Đấng tốt lành. Tại sao? Người ta thường dừng lại nơi điều tốt có thể thực hiện được trong tầm tay. Còn khi đối diện với Thiên Chúa, người ta cảm thấy chới với, choáng váng, vì thấy nơi mình “thiếu” rất nhiều. Chính vì thế, Chúa Giê-su mời gọi người giầu có này đối diện với Thiên Chúa, Đấng tốt lành, để có thể cảm nghiệm được sự nghèo nàn của mình.
Dầu vậy, Chúa cũng nói cho người giầu biết cần phải giữ các giới răn. Chúng ta ghi nhận là những giới răn Chúa nêu lên, chỉ là những điều liên quan đến tha nhân, mà bất cứ ai cũng có thể tuân giữ, dù họ thuộc một tôn giáo nào, như: không được giết người, ngoại tình, trộm cắp, làm chứng gian, phải thờ cha kính mẹ và yêu thương đồng loại như chính mình. Đây là những giới luật của Do-thái giáo. Điều này dễ vì anh là người đã tuân giữ luật Mô-sê. Lời nói của người giầu diễn tả tâm trạng và cảm giác hài lòng về sự đầy đủ mình có và thực hiện. Đây là sự hài lòng.
Trong đời sống, chúng ta vẫn muốn sống đầy đủ về nhiều phương diện, ngay cả trong đời sống tâm linh. Chúng ta có cảm giác đầy đủ đó, khi thi hành việc này việc kia, những việc tốt lành, và chúng ta lượng giá mình là tốt, rất tốt lành. Lời Chúa Giê-su nhắn với người giầu về Đấng tốt lành, mời gọi chúng ta đối diện, không phải với những việc làm của mình, mà đối diện với Thiên Chúa; vì khi đối diện với Thiên Chúa, chúng ta biết rõ mình hơn, như vịnh gia nói: ‘trong ánh sáng Ngài, chúng con nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10). Chúng ta cần rọi chiếu đời mình trong Thiên Chúa, để nhìn thấy đâu là sự đầy đủ thật sự của mình, đâu là những gì còn thiếu nơi bản thân.
2. CÂU HỎI CĂN BẢN : TÔI CÒN THIẾU ĐIỀU GÌ?
Chúng ta tiếp tục câu chuyện. Sau khi khẳng định bản thân luôn tuân giữ các điều răn đó, người giầu hỏi Chúa: “Tôi còn thiếu điều gì nữa không?” Trong câu hỏi này, chúng ta có thể nhận ra hai ẩn ý trong đó. Có thể, đó là thái độ hài lòng về tất cả những gì đã tuân giữ và nhận định rằng như thế là đủ. Chỉ cần Chúa phê nhận là xong. Nhưng cũng có thể là muốn làm thêm một vài điều gì tốt, đương nhiên là trong tầm tay và khả năng, để bảo đảm đạt được sự sống đời đời. Câu hỏi của anh đặt ra cho Chúa hay cho chính anh? Đây là một câu hỏi rất “nguy hiểm”, theo nghĩa nó sẽ đòi hỏi rất lớn. Nó trở thành câu hỏi mang tính quyết định. Và Chúa đã cho đáp án: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy bán tài sản của mình và đem cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Cái thiếu của anh là anh cần phải “thiếu” những thứ anh có: bán hết gia tài và cho người nghèo. Anh không còn gì trong tay. Cái thiếu nơi anh là anh cần “thiếu” tất cả những thứ đó cho bản thân; nhưng lại “được”, lại “có” cho tha nhân: cho người nghèo. Và cái anh “được”, anh “có” không phải là cái anh đang có, mà cái anh “sẽ có” – sẽ có một kho tàng trên trời -, không phải ở trần gian này, mà “trên trời”, nghĩa là nơi có “sự sống đời đời”. Và khi ấy, anh hãy đến và theo Chúa, vì nơi Chúa có sự sống đời đời.
Cái cảm giác “thiếu” thật xa lạ với người giầu này. Anh có tất cả, vật chất và ngay cả việc tuân giữ các giới răn. Anh quen với “đầy đủ”, nên cái “thiếu” rất thách đố với anh. Và anh không dám sống cái thiếu đó. Anh bỏ cuộc, với tất cả sự buồn rầu. Khi đối diện với của cải và việc tốt, người giầu kia cảm thấy hài lòng vì tất cả đều đầy đủ, trọn vẹn. Anh cần có kinh nghiệm khác, đó là kinh nghiệm về sự “thiếu” nơi mình. Đây là một cảm giác khó chịu, khó chấp nhận.
Trong đời sống đạo, chúng ta vẫn sống với cảm tưởng hài lòng về bản thân khi làm một số việc tốt hay chu toàn những điều tốt trong tương giao với tha nhân. Chúng ta hài lòng về việc “ăn ngay ở lành”, chẳng làm hại ai như người giầu kia chu toàn các giới răn trong tương giao với tha nhân. Nhưng chúng ta thiếu một điều quan trọng, đó là đối diện với Thiên Chúa tốt lành và đi theo Chúa Giê-su. Đây phải là những kinh nghiệm nền tảng của đời ki-tô hữu, một cuộc sống đối thần, một cuộc sống hoàn thiện.
3. ĐIỀU GÌ CĂN BẢN VÀ NỀN TẢNG?
Vậy, đâu là điều căn bản và nền tảng đối với chúng ta để sống hoàn thiện, để được sự sống đời đời?
Vế thứ nhất là “bán tất cả gia tài, phân phát cho người nghèo”. Chúa Giê-su đã dạy chúng ta phải thương xót và nhân từ với anh chị em chúng ta, với tha nhân, nên giống Thiên Chúa Cha là Đấng nhân từ xót thương, nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x.Mt 5,43-48). Chính Chúa đã dùng dụ ngôn về người giầu có và anh La-da-rô nghèo khó, để nhấn mạnh đến số phận bi đát của người giầu không có lòng bác ái và chia sẻ của cải với tha nhân, nhất là người nghèo (x.Lc 16,19-31). Chúa cũng đã nói đến dụ ngôn người kia rất giầu có và tin tưởng vào của cải vật chất, để rồi khi chết chẳng mang được gì theo, với kết luận: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (x.Lc 12,16-21). Đó là vế thứ nhất của sự hoàn thiện, của làm việc tốt để được sống đời đời.
Nhưng, còn một vế nữa cũng rất quan trọng, đó là “đi theo Chúa Giê-su”, sống mối tương giao với chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nói với Tổ Phụ Áp-ra-ham: “Ta là Thiên Chúa toàn năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo” (St 17,1). Bước đi trước mặt Thiên Chúa, là sống ý thức sự hiện diện của Người trong cuộc sống chúng ta. Đó cũng là ý thức bản thân chúng ta trước sự hiện diện của Người. Câu hỏi: “Tôi còn thiếu điều gì nữa không?” cũng phải là câu hỏi chúng ta đặt ra cho chính mình trước tôn nhan Chúa, và cũng là câu chúng ta hỏi Chúa. “Con còn thiếu điều gì nữa?”
Chúng ta cần kinh nghiệm về cái “THIẾU” trong cuộc đời ki-tô hữu và trong hành trình chúng ta đi theo Chúa Giê-su. Chúng ta đừng để thái độ “thoả mãn” vì một vài điều tốt chúng ta chu toàn hoặc vài giới răn chúng ta tuân giữ – tuy rằng đó là tốt -; nhưng cần đi sâu hơn vào tình yêu, để thấy mình còn thiếu xót nhiều trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chính cảm thức “THIẾU” này giúp chúng ta mở ra với Thiên Chúa trong cầu nguyện cũng như trong việc sống mối tình ngày càng thân mật hơn với Thiên Chúa Cha, với Chúa Giê-su Ki-tô. Vì chỉ nơi Người – nơi Thiên Chúa Ba Ngôi – chúng ta mới tìm được sự sung mãn, sự trọn đầy, sự sống đời đời.