Chúa Nhật III Mùa Chay
SÁM HỐI LÀ HÀNH TRÌNH BƯỚC VÀO CÕI SỐNG
(Xh 3,1-8a.13-15; 1Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9)
Grégoire Phan, CSNQ
Cảm thức chung trong nỗi đau của nhân loại về những vụ tai nạn, về những cuộc khủng bố, diễn ra vây quanh ngày sống của chúng ta. Là đan sĩ, chúng ta tiếp cận những đau thương này thế nào? Đâu là những thực tại và là trách nhiệm của người đan sĩ trong thế giới hôm nay ? Đan sĩ phải sám hối điều gì để cải biến bản thân và thế giới này?
1. Sám hối là trách nhiệm chung của toàn thể nhân loại
Nhân loại đang quặn đau trong đau khổ và luôn đặt ra những câu hỏi về sự dữ xảy ra đối với con người. Tính bàng quang hay thoái thác trách nhiệm ẩn sau những thông tin người ta đã đưa tin cho Chúa Giêsu.Trong Tin Mừng hôm nay, những người đưa thông tin cho Chúa về vụ những người Galilê bị tổng trấn giết chết như là một điều chúc dữ. Hoặc vụ tai nạn bị tháp Siloác đè chết mười tám người cũng là sự đáng phải có trong một thế giới của sự ác hoành hành. Chúa nói: “không phải thế đâu”. Với một nhãn quan khác về biến cố đau thương, Chúa nhìn sự kiện liên quan đến vận mạng chung của toàn thể nhân loại. Phản ứng của Chúa Giêsu là phân loại: không có mối liên hệ trực tiếp giữa đau khổ và tội lỗi. Không, những người Galilê này không phải là nhiều tội hơn những người khác. Mười tám người bị nghiền nát bởi tháp Siloác không có tội hơn những cư dân khác ở Jerusalem. Trong sự phản biện này, Chúa Giêsu lấy lại chính xác vị trí tương tự như kết luận của Sách Gióp. Những người khác không phải những người ngoài cuộc hoặc không can dự vào cái chết của những người vừa bị sát hại. Trong bài đọc thứ hai, gửi tín hữu thành Corinto, thánh Phaolo cho chúng ta một điểm chung: “Tất cả đều vượt qua biển đỏ”. Tất cả đều phải được thanh tẩy: thanh tẩy tội lỗi, thanh tẩy ký ức của sự thù oán, thanh tẩy não trạng thờ ơ lãnh đạm, thanh tẩy con tim mù loà,… Như vậy, chúng ta tìm thấy một trách nhiệm chung trong những biến cố của toàn thể nhân loại.
2. Phải sám hối điều gì?
“Nếu các ông không sám hối, các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13,5). Việc Chúa cảnh báo thật rõ ràng, không phải là những điều dửng dưng hay sự bàng quan của xã hội loài người.
Khởi đầu bài đọc II, thư gửi tín hữu Corinto, thánh Phaolo đã nhắc đến hành trình dài dẵng của con cái Israel trong sa mạc. Dường như những kinh nghiệm về sự phản bội của dân hãy còn đó. Ấy chính là thờ ngẫu tượng, ấy chính là mất sự kiên nhẫn và than trách Thiên Chúa. Một lần nữa, Phaolo cảnh báo độc giả của mình bài học về sự phát triển nghiêm túc và không muốn dân phải gục ngã bằng sự cao ngạo của bản thân trước cám dỗ, nhưng phải biết sám hối trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đó là đừng chiều theo dục vọng, đừng lẩm bẩm kêu trách. Đặc biệt là đừng thách thức Thiên Chúa. Nhân loại hôm nay đang thách thức với Thiên Chúa bằng cách gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi lòng mình, khỏi thế giới của mình với những chủ nghĩa vô thần duy lý và chủ nghĩa vô thần thực tiễn. Những chủ nghĩa vô luân đang giết chết sự sống, đang loại trừ sự sống ra khỏi quỹ đạo của con người. Người ta đang đi vào con đường chết hơn là con đường của sự sống. Thế nên, sám hối về những lỗi lầm đã phạm để bước tiếp trên con đường sự sống là điều cần phải làm.
3. Sám hối để bước vào sự sống
Bài đọc thứ nhất trích trong sách Xuất Hành, Môsê nhìn thấy một cảnh tượng hết sức kỳ lạ làm cho ông phải tò mò. Một hình ảnh làm cho chúng ta thấy rằng gần Chúa, con người được mời gọi cởi bỏ những bụi đất của não trạng cũ kỹ. Cởi bỏ tội lỗi để bước vào miền đất của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thiên Chúa cởi trói những ràng buộc của tội và làm cho con người bước đi trong tự do.
Tự do trong Thiên Chúa đặt con người bước vào mối liên hệ với Thiên Chúa của cuộc thần hiện. Dân Chúa thực sự ở trong cảnh khốn cùng của kiếp người. Sự khốn cùng về dòng tộc, vì tất cả con trai của dân bị giết hại, nghĩa là sự chấm dứt về dòng dõi. Sự khốn cùng của kẻ làm nô lệ cho ngoại bang. Sự khốn cùng của dân tin vào Chúa có nguy cơ diệt vong. Trong nỗi cùng cực ấy, Thiên Chúa hiện diện không giống như bất kỳ một vị thần nào khác mà Môsê nhận thức được trong văn hoá Ai Cập hoặc trong các nền văn hoá lân cận. Thiên Chúa chỉ cho Môsê thấy rằng Ngài là vị Thiên Chúa ở gần với con người, biết thương cảm đến nỗi đau của con người đang trong cảnh quẫn bách của kiếp người. Điều đặc biệt nữa là Thiên Chúa nghe được tiếng kêu than của dân Israel, dân của Thiên Chúa đang trong cảnh cùng cực.
Nhìn vào hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương, quan tâm đến con người, chúng ta cần phải có lòng sám hối về hành vi của chúng ta để bước vào con đường sống. Thiên Chúa chẳng lẽ lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết, không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?“ (Ez 18,23; xc. 33,11). Thật vậy, sám hối để chúng ta bước vào lòng khoan dung của Thiên Chúa. Khi con người làm những việc lành phúc đức vì Thiên Chúa như ông chủ kiên nhẫn chờ đợi hoa trái trổ sinh.
Như vậy, đan sĩ bước vào cõi sống với Thiên Chúa là người biết sống có trách nhiệm, biết thở những nhịp điệu đau khổ của thế gian. Đồng thời, Mùa Chay mời gọi người đan sĩ sám hối về tội lỗi cá nhân, về tội lỗi của cộng đoàn, về tội lỗi của Giáo Hội và về tội lỗi của nhân loại. Thánh Biển Đức đã dạy: Lẽ ra, đời đan sĩ lúc nào cũng phải giữ như mùa Chay, lúc nào cũng phải sám hối, nhưng đây là thời mà các đan sĩ phải sám hối (x. TL 49, 1-3) để đan sĩ được sống và nhân loại được sống trong tác động mến yêu.