“QUÝ VỊ MUỐN CHO TÔI BAO NHIÊU?”
(Bài Suy Niệm Thứ 4 Tuần Thánh)
Câu nói: “Hòn đất ném đi – hòn chì ném lại” đại ý muốn nói là ở đời không ai cho không ai cái gì: tôi cho anh cái này thì anh cũng phải biết điều để đáp lễ. Xưa nay qui tắc bất thành văn này vẫn được coi là cách cư xử bình thường, hợp lý, chính đáng và phải đạo trong xã hội con người với nhau.
Gần đây người ta thấy xuất hiện khá nhiều video clip đăng tải trên mạng xã hội (Youtube) do một nhóm bạn trẻ sáng tác và dàn dựng, chúng có bối cảnh, tình tiết và nội dung gần giống nhau. Trong nhiều tiểu phẩm kể về hai bạn trẻ đang yêu nhau tha thiết, thành đạt trong sự nghiệp và có vị thế trong xã hội nhưng khi gặp phải thất bại dẫn đến sa cơ lỡ vận hay một trong hai chủ động giả vờ rơi vào hoàn cảnh bi đát để thử lòng người yêu thì bị người yêu cắm sừng, bởi đơn giản anh đó (cô đó) không còn gì để cung cấp cho mình, không còn khả năng để bảo đảm cuộc sống thoải mái sung túc cho mình nữa. Mọi sự đã khác rồi: tình yêu của họ cũng kết thúc. Quan điểm sống của họ là anh (em) cho tôi tiền của thì tôi trả bằng “tình”, thế thôi. Chính vì thế dẫn đến chủ trương sống: “thà khóc trong xe limo (limouse) còn hơn cười trên xe đạp”.
Cuộc sống của rất nhiều người ngày nay, đặc biệt là giới trẻ thật rõ ràng, đơn giản và thực tế đến mức không có gì quan trọng và đẳng cấp nếu không có tiền tài, danh vọng, nhà, xe, điện thoại, đi du lịch…. Tình yêu mà họ dành cho nhau là xin – cho, là đổi chác, là hợp đồng cho – nhận chứ không còn phải là tình yêu chân thật, phục vụ, trao hiến, hy sinh…vv.
Nhìn vào cuộc sống muôn màu nhưng lại đóng khung và rập khuôn như thế để chúng ta so sánh cách chọn lựa của Giuđa Iscariốt trong biến cố bán Chúa Giêsu cho các thượng tế. Trong ngày Thứ 4 Tuần Thánh, Giáo Hội cho chúng ta đọc và suy niệm bài Tin mừng theo thánh Mátthêu (Mt 26, 14-25). Chúng ta một đàng cảm thông với nỗi cô đơn và đau khổ của Chúa Giêsu; một đàng lên án sự bất công, trách cứ con tim chai đá và hành động tội lỗi bỉ ổi của Giuđa.
“Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu”. Câu nói của Giuđa Iscariốt khi thỏa thuận với nhóm thượng tế làm bộc lộ hết tâm tính bấy lâu nay của y: thay vì coi Chúa Giêsu là một ngôn sứ, một vị cứu tinh, một Thiên Chúa, một vị thầy thì đối với hắn chỉ như một món đồ hay khá hơn là một tên nô lệ bán được tiền hoặc một tên tội phạm bị truy nã sẽ nhận được giải thưởng nếu ai tóm được.
“Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu” như một điệp khúc không ngừng vang lên trong con người Giuđa. Để đổi lấy mấy đồng bạc nhỏ nhoi, Giuđa sẵn sàng trao một mạng người và tệ hơn đó lại là Thầy của mình. Cuộc thương lượng đó chính là bản hợp đồng mua bán, là đổi chác, không hơn không kém. Nếu tình thầy trò, tình yêu thương Chúa Giêsu dành cho Giuđa được kết thúc bằng chuyện đổi chác, tính toán so đo, tìm lợi cho mình thì có thể nói gì hơn về Giuđa được nữa? Sự nghiệt ngã là ở chỗ tình yêu bị phụ bạc, tình yêu được trả giá bằng sự phản bội.
Không phải tất cả nhưng con người là vậy, thường đánh giá và có tầm nhìn ngắn hạn, tiêu chuẩn và chọn lựa chỉ quanh quẩn có bấy nhiêu thứ, chúng chỉ có giá trị trước mắt. Chúng ta nhớ đến trường hợp của tông đồ trưởng Phêrô, ngay cả chuyện thánh thiêng như ơn gọi của mình mà ông đã có lần đại diện nhóm 12 đặt câu hỏi với Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19, 27). Thế chẳng phải câu hỏi của Phêrô khi xét ở góc độ nào đó cũng giống như của Giuđa: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu” hay sao? Tất cả cũng vẫn là qui ngã, mong tìm lợi ích cá nhân và lợi ích ở lãnh vực vật chất hay địa vị mà thôi.
Sứ điệp lời Chúa hôm nay lại một lần nữa chất vấn cuộc sống chúng ta: việc tận hiến của chúng ta liệu có trong sáng, vô vị lợi, có vô cầu….. hay không? Trong những lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Chúa mỗi ngày chúng ta có để ý Chúa thực hiện hay ép Chúa thực hiện theo ý mình? Các hy sinh từ bỏ của chúng ta, các hy sinh phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân có phải là “bản hợp đồng” để đòi Chúa biết điều, trả ơn hay đáp ứng mỗi khi chúng ta cần hay không. Đối với tha nhân thì phải tung hô, thần tượng hay ít nhất phải nhìn nhận những điều chúng ta cống hiến? Chúng ta có bán Chúa, có phản bội Chúa và xúc phạm đến tha nhân bằng cách bỏ qua mọi luân thường đạo lý để sống ích kỷ, gian tham hay tự do phóng túng theo chủ nghĩa cá nhân, hùa theo số đông hoặc chạy theo trào lưu của xã hội hay không?
Tất cả những câu trả lời đều thuộc về cá nhân mỗi người chúng ta.
Mai Thi