Thứ sáu, 18 Tháng mười, 2024

CỨU!!! – Suy niệm Thứ Ba, Tuần XV TN – Vp. Duyên Thập Tự

TN-101-TUẦN XV-thứ Ba

CỨU!!!

(Xh 2,1-15a / Mt 11,20-24)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần trải nghiệm thế nào là được cứu. Đó là kinh nghiệm đáng nhớ khi có một ai đó giúp chúng ta vượt thoát được mối nguy cơ có thể đe doạ đến tính mạng, như được cứu khỏi một cơn bệnh ngặt nghèo hay một tai nạn. Hoặc đó là việc cứu vớt khỏi một tình trạng xấu xa nào đó như khỏi một tệ nạn xã hội hay một loại nghiện ngập tàn phá sức khoẻ và phẩm chất con người. Rất nhiều tình huống của việc cứu giúp này. Việc cứu giúp có thể thuộc phương diện thể lý và cũng thuộc phạm vi tinh thần. Người đã trải nghiệm được cứu, sẽ mang trong mình lòng biết ơn và mong muốn đáp đền bằng việc bản thân cũng ra tay cứu giúp những người sống trong những hoàn cảnh khó khăn hay đang bị lún sâu trong hố đen của sự huỷ hoại về nhiều phương diện. Nhưng, cũng có trải nghiệm của người muốn cứu giúp mà bị khước từ. Đây là một nỗi buồn đau khi người mình muốn cứu giúp cứ ở lại trong tình trạng “đáng thương”, “đáng buồn” của một nếp sống đang dẫn đến sự diệt vong.

Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay như trình bày trước mặt tôi hai thái cực của việc cứu: đó là kinh nghiệm bản thân được cứu và đi cứu tha nhân; đó cũng là sự từ chối được cứu, để rồi tiếp tục nếp sống dẫn đến chỗ đáng bị lên án. Tôi xin được cô đọng suy niệm Lời Chúa hôm nay dưới một từ “CỨU!!!”

 1. KINH NGHIỆM ĐƯỢC CỨU VÀ ĐI CỨU ANH EM

Trích đoạn sách Xuất Hành hôm nay, chương 2 từ câu 1 đến 15a, trình bày cho chúng ta khuôn mặt của người sẽ đóng vai chính việc đưa dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập và dẫn dân vượt sa mạc để tiến về Đất Hứa, đó là ông Mô-sê. Trích đoạn hôm nay đề cập đến việc ông được cứu mạng như thế nào và ông sẽ ra tay cứu anh em ra sao. Nhưng, trước hết, chúng ta cần biết là ông Mô-sê thọ 120 tuổi, và cuộc đời ông được phân chia thành ba giai đoạn đều nhau: bốn mươi năm đầu là thời gian ông sống tại gia đình – một vài năm – và thời gian còn lại là ở trong hoàng cung. Sau biến cố ông giết người cai Ai-cập và sự việc đến tai Pha-ra-ô, ông trốn đi và ở tại Ma-di-an bốn mươi năm. Đến lúc ông được tám mươi tuổi, Thiên Chúa gọi ông trao cho sứ vụ giải thoát dân khỏi Ai-cập, và ông đã thực hiện cuộc hành trình bốn mươi năm với dân trong sa mạc cho đến ngày ông qua đời bên ngoài Đất Hứa. Ông có người chị ruột là Mi-ri-am hơn ông khoảng mười tuổi, và người anh là ông A-ha-ron hơn ông khoảng bốn tuổi. Cả ba chị em sẽ đồng hành với dân và giúp dân trong suốt hành trình sa mạc.

Trở lại với trình thuật hôm nay, chúng ta ghi nhận một vài yếu tố liên quan đến sự kiện trẻ bé sẽ có tên là Mô-sê được cứu. Chúng ta đã biết là Pha-ra-ô đã ra lệnh cho toàn dân Ai-cập hễ thấy trẻ sơ sinh người Híp-ri là bé trai, thì tức khắc quăng xuống sông Nin để giết chết. Cha mẹ của bé Mô-sê đã giấu con được ba tháng. Khi không thể giấu nó lâu hơn được nữa, người mẹ lấy một cái thúng cói, trét hắc ín và nhựa chai, bỏ đứa bé vào, rồi đặt thúng trong đám sậy ở bờ sông Nin. Chị đứa bé đứng đàng xa để xem cho biết cái gì sẽ xảy ra cho em nó.

Yếu tố thứ nhất trong việc đứa bé này được cứu, đó là niềm tin của cha mẹ em. Đưa con ra bờ sông Nin và để đứa chị quan sát từ xa là họ chờ đợi Thiên Chúa có thể làm điều gì cho em, cho gia đình họ. Chắc chắn, trong thời khắc đó, họ cầu nguyện và phó thác công việc cho Thiên Chúa. Đức tin và cầu nguyện là hai yếu tố về phía con người, để mong chờ Thiên Chúa cứu.

Yếu tố thứ hai là địa điểm. Địa điểm đứa bé được đặt trong thúng, lại trở nên bất ngờ vì nơi đó công chúa của Pha-ra-ô ra tắm, đồng thời cũng là thời điểm của sự trùng hợp. Đây là yếu tố bất ngờ, nhưng, đối với Thiên Chúa, đó là ý định của Người, một ý định ẩn kín.

Yếu tố thứ ba là lòng chạnh thương của công chúa Pha-ra-ô. Lệnh vua cha là giết hết trẻ trai sơ sinh, mà giờ đây, người con gái của vua lại chạnh lòng thương một đứa trẻ sơ sinh thuộc loại đó. Ai đã thúc đẩy công chúa chạnh thương? Không ai cả, duy chỉ Thiên Chúa thúc đẩy trong trái tim của nàng công chúa, cũng một cách ẩn kín.

Yếu tố thứ tư là sự nhanh nhẹn của người chị. Khi nhận ra tín hiệu tốt lành, người chị đã chạy ngay đến với công chúa và xung phong tìm một vú nuôi, không ai khác là chính mẹ mình.

Đứa bé được đưa về gia đình để nuôi dưỡng một thời gian. Khi đứa bé lớn lên, mẹ nó trao lại cho công chúa và nàng đặt tên là Mô-sê, nghĩa là “được cứu khỏi nước”. Tên gọi Mô-sê đến từ kinh nghiệm “được cứu”.

Như vậy, kinh nghiệm được cứu bao gồm những yếu tố, ẩn kín nơi Thiên Chúa và thấy rõ nơi con người, đã trở thành nền tảng cho định hướng cuộc đời của Mô-sê. Chắc chắn Mô-sê sẽ ghi nhớ kinh nghiệm này và suy nghĩ để đặt câu hỏi cho chính mình: “Tôi được cứu để làm gì? Tôi được cứu cho ai đây?” Những câu hỏi đó ghi sâu trong tâm khảm, để dù sống trong hoàng cung rất lâu, mấy mươi năm, Mô-sê không quên được nguồn cội của mình, mà nhờ đó, mạng sống ông được cứu.

Chính vì thế, khi bốn mươi tuổi, ông đã “ra ngoài thăm anh em ông và thấy những việc khổ sai họ phải làm”. Đây chính là sự thôi thúc từ chính kinh nghiệm bản thân của Mô-sê. Ông quyết định ra thăm anh em, là một quyết định hết sức quan trọng, vì ông chấp nhận thân phận như anh em mình, nghĩa là xuống rất thấp khỏi bậc thang giá trị, từ hoàng thân quốc thích trở nên những người nô lệ. Rồi với sự can đảm và khí phách anh hùng, ông ra ra tay giết một người Ai-cập đang hà hiếp một người đồng bào. Hôm sau, ông lại gặp những đồng bào và khuyên hai người đang gây gỗ nhau. Ông làm tất cả vì thiện chí, vì sự thúc đẩy của kinh nghiệm được cứu. Ông được cứu và muốn cứu anh em mình.

Câu chuyện Mô-sê được cứu khỏi nước sông Nin khi còn là một trẻ nhỏ và đi cứu giúp anh em khi đã trưởng thành, gợi cho chúng ta đặt câu hỏi cho chính mình về ý nghĩa và định hướng cuộc đời. Câu hỏi “tôi là ai?” không quan trọng bằng câu hỏi “tôi hiện hữu cho ai?”. Ước gì cuộc đời chúng ta mở ra cho công việc cứu giúp anh chị em mình, bằng những gì trong tầm tay chúng ta, với những gì thôi thúc trong trái tim chúng ta. Đó là cách đền đáp phúc lành cứu độ mà Thiên Chúa ban cho mỗi chúng ta. Bản thân được cứu để đi cứu tha nhân.

 2. KHỐN CHO NHỮNG AI TỪ CHỐI CỨU ĐỘ

Bây giờ chúng ta chứng kiến một tình huống khác, đáng buồn vì có sự từ chối không muốn được cứu. Đó là những lời Chúa Giê-su quở trách được thánh Mát-thêu ghi lại trong trích đoạn Tin Mừng chương 11 từ câu 20 đến 24. Chúa quở trách ai và quở trách về những điều gì?

Thánh sử Mát-thêu ghi nhận: “Bấy giờ, Đức Giê-su bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối”. Chúa ngỏ lời trách các thành, không phải là những công trình xây dựng, mà là những con người sống trong đó. Họ đã được thấy những phép lạ Chúa thực hiện, mà họ không sám hối, nghĩa là họ chai lỳ không muốn được cứu độ. Đây là tình huống rất đáng buồn cho họ và làm nên nỗi đau cho Chúa. Khi quở trách họ với khuôn mặt nghiêm nghị, với cung giọng mạnh mẽ, Chúa muốn họ phải biết giật mình để ý thức hiện trạng hầu đổi mới nếp sống. Chúa đã dùng từ “khốn cho”. Đây không phải là một sự chúc dữ, nhưng là một sự tiếc xót cho họ và cũng là lời cảnh cáo cho điều “khốn” chờ đợi họ nếu không có sự thay đổi.

“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi, mà đã được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối từ lâu rồi.”

“Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay.”

Nghe những lời Chúa quở trách những người sống trong các thành phố này, chúng ta cảm thấy sự nghiêm trọng của vấn đề. Vấn đề ở đây là sự sám hối, là sự hoán cải, là sự cứu độ. Những người dân sống trong các thành phố này coi thường tất cả, cả sự thánh thiêng lẫn đời sống đạo hạnh. Họ cứ sống như thể không có mục đích và cứu cánh cuộc đời. Những phép lạ Chúa làm – khi Chúa chữa bệnh, trừ quỉ, khi Chúa giảng dạy những điều xây dựng cuộc sống tốt lành – họ để ngoài tai, họ như nhắm mắt, để khỏi nghe, để khỏi thấy. Họ ru ngủ chính bản thân. Chúa đã có lần đã nói đến tình trạng đau lòng này khi trích ngôn sứ I-sai-a “Lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được, mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13,15; x.Is 6,9-10). Thật là một điều khó hiểu. Tại sao lại không muốn được cứu? Tại sao lại không muốn nghe điều tốt lành? Tại sao lại không muốn thấy việc làm tốt lành của Chúa? Tại sao lại e sợ sự hoán cải bản thân?

Những câu hỏi đó, thay vì đặt cho những người của các thành đó hay cho người khác, chúng ta hãy đặt ra cho chính mình. Chúng ta có bao giờ rơi vào tình trạng như vậy không? Hãy thành thật với chính mình. Riêng tôi, tôi thấy rằng, nếu những người được những đặc ân như tôi đang hưởng về đời sống tu trì, về chức vụ linh mục, về đời sống thiêng liêng, về nếp sống cộng đoàn, về cả vật chất và nhiều điều khác, chắc chắn họ đã nên thánh và trở thành những con người tốt lành và đạo đức. Còn tôi? Tôi đáng những lời qưở trách của Chúa, và còn hơn thế nữa. Những lời trách mà Thần Khí nói với các Hội Thánh trong sách Khải Huyền là những điều rất thật đối với tôi, và có lễ cũng thật đối với anh chị em. Như vậy, thay vì lên án họ – hãy để Chúa xét xử họ – chúng ta hãy trở về với lòng mình mà cật vấn mình xem chúng ta đã nhiều lần từ chối Chúa cứu chúng ta, từ chối tình thương cứu độ của Chúa, từ chối sự cứu giúp mà Chúa dùng người khác thực hiện cho chúng ta để dẫn đưa vào đường ngay nẻo chính, vào một đời sống xứng với ơn gọi ki-tô hữu, như thánh Phao-lô khuyên nhủ: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em” (Ep 4,1). Và lời Chúa nhắn nhủ mỗi ngày: “Ngày hôm nay, các bạn nghe tiếng Chúa, đừng cứng lòng nữa”. Xin Chúa ban cho chúng ta lòng khao khát Chúa, lòng khao khát ơn cứu độ, và luôn sẵn sàng mở tâm hồn mình cho tác động của Thánh Thần Chúa.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 5 Tuần XXVIII Thường Niên – Lc 11,47-54 Đức Giêsu phiền trách các luật sĩ

  ĐỨC GIÊSU PHIỀN TRÁCH CÁC LUẬT SĨ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Hôm nay chúng ta cùng suy niệm bài Tin Mừng...

Thứ 4 Tuần XXVIII Thường Niên – Lc 11,42-46 Chúa khiển trách Pharisêu giả hình

  CHÚA KHIỂN TRÁCH PHARISÊU GIẢ HÌNH Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Chúng ta cùng suy niệm và tiếp tục theo dõi Đức...

Thứ 3 Tuần XXVIII Thường Niên – Lc 11,37-41 Sạch dơ thực sự

SẠCH - DƠ THỰC SỰ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Với Tin Mừng thánh sử Luca, chúng ta nhận thấy thánh sử...

Thứ Hai, Tuần XXVIII Thường Niên (Lc 11,29-33) Sám hối để nhìn thấy Chúa

Thứ Hai, Tuần XXVIII Thường Niên (Lc 11,29-33) Sám Hối Để Nhìn Thấy Chúa Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Tôi đã đi khắp vũ trụ,...

Thứ 2 Tuần XXVIII Thường Niên – Lc 11,29-32 Dấu lạ diệu kỳ vĩ đại

 DẤU LẠ DIỆU KỲ VĨ ĐẠI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Có lẽ vì tò mò hay hiếu kỳ, dân...

Thứ 7 Tuần XXVII Thường Niên – Lc11,27-28 Hạnh phúc thật

HẠNH PHÚC THẬT Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Trước cử tọa thật đông đảo đang nghe Đức Giêsu giảng dạy với những...

Thứ 6 Tuần XXVII Thường Niên – Lc 11,15-26 Đức Giêsu đầy quyền năng và nhân ái

  ĐỨC GIÊSU ĐẦY QUYỀN NĂNG VÀ NHÂN ÁI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Giữa bao thử thách gian truân và đau khổ...

Thứ Năm Tuần XXVII Thường niên (Lc 11,5-13) Chẳng lẽ Chúa cũng “xin” “cho”?

Thứ Năm Tuần XXVII Thường niên (Lc 11,5-13) Chẳng lẽ Chúa cũng “xin” “cho”? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay là những...

Thứ 5 Tuần XXVII Thường Niên – Lc 11,5-13 Kiên trì cầu nguyện

  KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau khi Đức Giêsu dạy thể thức cầu nguyện với Kinh Lạy Cha,...

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên (Lc 10,38-42) Phục vụ Chúa hay phục vụ tôi?

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên (Lc 10,38-42) Phục Vụ Chúa Hay Phục Vụ Tôi? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay cho...

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên – Lc 10,38-42 Gia đình Bêtania đón tiếp Chúa

GIA ĐÌNH BÊTANIA ĐÓN TIẾP CHÚA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Lời Chúa hôm nay tường thuật cho chúng ta việc Đức...

Thứ 7 Tuần XXVI Thường Niên – Lc 10,17-24 Niềm vui và hạnh phúc đích thực

  NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau cuộc thực tập ra khơi với bao thành quả...