TN-097-TUẦN XIV-thứ Sáu
VỮNG TÂM TIẾN BƯỚC
(St 46,1-7.28-30 / Mt 10,16-23)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Một trong những sinh hoạt cần thiết của con người, đó là tiến bước. Tiến bước được hiểu về nhiều phương diện, có thể là tiến bước vào một không gian địa dư nào đó, có thể là tiến bước trong những lãnh vực thuộc phạm vi tinh thần, thiêng liêng. Tiến bước diễn tả sự dấn thân. Có dấn thân mới có tiến bước. Nhưng tiến bước với tâm thái nào là điều cũng quan trọng như chính sự tiến bước. Nếu tiến bước với sự chán nản hay miễn cưỡng, thì chẳng đạt được những kết quả tốt đẹp. Cũng bước đi, nhưng là kéo lê đôi chân nặng nề hay tinh thần chán chường, chẳng đi đến nơi với những thành quả đáng mong ước. Nhưng nếu ai đó tiến bước với sự vững tin, với sự vững tâm, thì dù gặp những chướng ngại hay khó khăn, người đó cũng sẽ đạt đến những bến bờ mong đợi để thành công, thành nhân và còn hơn thế nữa. Sự vững tâm có thể dựa trên chính sức mạnh bản thân hay trên sức mạnh của người khác trợ giúp.
Hai bài đọc Lời Chúa hôm nay như cho tôi nhìn thấy những bước chân của những người được kêu gọi ra đi đến với những không gian khác nhau, đến với những môi trường và con người mới lạ. Những con người đó cũng có những e ngại vì bước vào những môi trường mới – đôi khi là thù nghịch – nhưng họ được bảo đảm bởi lời hứa về sự hiện diện và sức mạnh hoạt động. Tôi xin chia sẻ với anh chị em về “VỮNG TÂM TIẾN BƯỚC”.
1. ĐỪNG SỢ XUỐNG AI-CẬP
Chúng ta bắt đầu với câu chuyện của ông Gia-cóp và gia đình ông. Hôm qua chúng ta đã chứng kiến việc ông Giu-se tỏ mình ra cho anh em ông và sau đó các anh em ông trở về với cha của họ với lời nhắn của ông Giu-se. Các anh em đã trở về và thưa với cha họ về tất cả mọi sự đã xảy ra cùng với lời mời sang Ai-cập sinh sống. Ông Gia-cóp và cả gia đình lên đường sang Ai-cập. Ông Gia-cóp và cả gia đình di cư sang Ai-cập để tránh bị chết đói vì nạn đói còn kéo dài. Họ ra đi cùng với lời hứa của ông Giu-se là sẽ nuôi sống họ và dành vùng đất tốt tươi cho họ sinh sống.
Trích đoạn sách Sáng Thế chương 46 từ câu 1 đến 7 và từ câu 28 đến 30 thuật lại cuộc di cư của gia đình này. Chúng ta cùng đi với ông Gia-cóp và gia đình ông để khám phá những gì xảy ra trên đường.
– “Họ đến Bơ-e Se-va và ông dâng những lễ tế lên Thiên Chúa của cha ông là I-sa-ác”. Hành động phụng tự này của ông Gia-cóp phản chiếu lại chính hành động của ông nội Áp-ra-ham và của cha ông là I-sa-ác, đó là luôn nhớ đến Thiên Chúa trên mọi bước đường đi bằng việc dâng lễ tế. Hành động này diễn tả tâm thái của ông Gia-cóp, tâm thái của kẻ vững tin vào Thiên Chúa, Đấng đồng hành cùng với ông suốt cả quá khứ, và mong ước Người cũng sẽ đi cùng trong hiện tại và tương lai. Nhớ đến Thiên Chúa, cầu nguyện với Thiên Chúa, luôn là nơi đón nhận nguồn sức mạnh từ nơi Người. Đó cũng là lời mời gọi cho chúng ta biết cầu nguyện với Thiên Chúa trên mọi nẻo đường cuộc sống, mọi khúc quanh cuộc đời. Cầu nguyện với Thiên Chúa giúp vững tâm tiến bước.
– Và đây, Thiên Chúa phán với ông trong một thị kiến ban đêm: “Ta là En, Thiên Chúa của cha ngươi. Đừng sợ xuống Ai-cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. Chính Ta sẽ xuống Ai-cập với ngươi và chính Ta cũng sẽ đưa ngươi lên.” Chắc chắn việc di cư sang Ai-cập gây nên trong tâm tư của ông Gia-cóp niềm vui và lo âu. Niềm vui vì gặp lại Giu-se, người con như sống lại cho ông; lo âu vì bỏ đất Thiên Chúa hứa ban mà lưu lạc nơi đất khách quê người. Nhưng với lời Thiên Chúa, ông sẽ vững tin tiến bước, vì Thiên Chúa sẽ cùng đi với ông, vì Thiên Chúa vẫn thực hiện lời hứa với ông nội với cha của ông và với chính ông là một dân lớn sẽ hình thành từ họ, và vì Thiên Chúa cũng sẽ đưa tất cả trở về đất hứa này. Chính lời Thiên Chúa trở thành sức mạnh cho niềm tin vững vàng của ông. Và như thế, ông tiến bước. Ông tiến bước với sự hiện diện của Thiên Chúa và với lời hứa của Người. Như ông Áp-ra-ham, ông Gia-cóp tiến bước trước mặt Thiên Chúa, và điều đó làm cho đời sống của ông được bảo đảm. Cách hành động của ông Gia-cóp mời gọi chúng ta vững tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện trong cuộc sống chúng ta, dù sự hiện diện của Người ẩn kín; nhưng chắc chắn Người “có đó” và “cùng đi” với chúng ta. Chúng ta hãy vững tâm tiến bước. Hãy vững tâm tiến bước.
Ông Gia-cóp cùng con cháu và tất cả mọi tài sản của họ đã di chuyển đến Ai-cập trên những chiếc xe Pha-ra-ô gửi đến để rước họ đi. Và rồi ông Gia-cóp đã gặp lại người con yêu quí là Giu-se: “Khi hai cha con vừa thấy nhau, thì ông Giu-se bá cổ cha và gục đầu vào cổ cha mà khóc hồi lâu, ông Ít-ra-en nói với ông Giu-se: “Phen này, cha chết cũng được, sau khi đã thấy mặt con, và thấy con còn sống”. Thiên Chúa làm những điều lạ lùng và kỳ diệu quá lòng mong ước của họ. Và đó là những kinh nghiệm giúp họ kiên vững trong niềm tin vào Thiên Chúa và vững tâm tiến bước dưới sự hướng dẫn của Người. Đó cũng là bài học cho chúng ta, nếu chúng ta đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, vững tâm trong cậy Thiên Chúa, để tiến bước trong mọi biến cố cuộc đời. Thiên Chúa hành động với bao điều diệu kỳ cho những ai dám vững tin nơi Người.
2. THẦY SAI ANH EM ĐI
Sau khi đã cùng ông Gia-cóp và gia đình ông di cư sang Ai-cập và thấy họ đã an cư tại vùng đất Gô-sen, bây giờ chúng ta đến gặp các môn đệ Chúa. Các ông đang lắng nghe những lời căn dặn của Chúa để chuẩn bị lên đường rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Trích đoạn Tin Mừng hôm nay nối tiếp câu chuyện hôm qua, thuộc về chương 10 từ câu 16 đến 23. Những lời Chúa Giê-su nhắn nhủ các môn đệ hôm nay cốt để các ông vững tâm tiến bước, dù viễn cảnh hay cận cảnh là những khó khăn, gian nguy và cả đe doạ đến tính mạng nữa. Những lời Chúa nói với các môn đệ Chúa hôm nay cũng là lời Chúa nói với tất cả những ki-tô hữu, những môn đệ của Chúa, với chúng ta.
– Trước hết, nơi mà các môn đệ tiến bước vào đó là “bầy sói”, nghĩa là nơi nguy hiểm, nơi của những tiếng tru tréo ghê sợ và bị tấn công bất cứ lúc nào. Chẳng ai tìm đến những nơi đó; nhưng nếu là nơi Chúa sai đến, hãy vững tâm tiến bước. “Thầy sai anh em”: như vậy là đủ. Chúa sai đi, Chúa có cách giữ gìn. Vững tâm tiến bước.
– “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền…” Chẳng ai muốn bị đối xử như vậy. Chẳng ai lại xung phong bước vào những hoàn cảnh như thế. Nhưng, các môn đệ Chúa sẽ “vững tâm tiến bước” đến đó, nếu “vì Thầy” và “để làm chứng”: đây là “cho Thầy”, làm chứng cho Thầy. “Vì Thầy” và “cho Thầy” là lý do cần và đủ của việc có mặt ở những nơi đó và bị đối xử như vậy. Người môn đệ Chúa vững tâm tiến bước vì động lực tình yêu của Thầy Giê-su và đối với Thầy. Vững tâm tiến bước vì tình yêu Chúa.
– “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”. Nếu có sự bảo đảm đó, thì chẳng có gì phải lo, mà vững tâm trong niềm tin và hy vọng. Sẵn sàng đến nơi bị nộp, vì nơi đó là điểm hẹn của Thần Khí của Cha hoạt động một cách lạ lùng kỳ diệu nơi bản thân. Vừng tâm tiến bước với Thần Khí Chúa.
– “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền đổ đến cùng, kẻ ấy được cứu thoát”. “Vì danh Thầy”, nghĩa là “vì Thầy” (như trên kia). Thế nào là bền đỗ đến cùng? Đó là “vững tâm tiến bước” đến cùng. Không thể nào bền đỗ đến cùng, nếu không vững tâm. Nhưng ai làm cho vững tâm? Chính là Chúa. Chúa khởi đầu và hoàn tất. Chúa là An-pha và Ô-mê-ga. Chỉ có việc tin vào Chúa, vững tin vào Chúa, vững tâm vào Chúa, mà tiến bước, mà tiến bước mỗi ngày, mà tiến từng bước một.
Lời Chúa trong Tin Mừng là lời Chúa Giê-su nhắn nhủ mỗi chúng ta. Chúa cho nhìn thấy thực tế của người môn đệ khi được sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời; nhưng, còn có một thực tế lớn hơn, đó là sự hiện diện và hoạt động của Chúa ngay trong những hoàn cảnh éo le nhất. Điều quan trọng với chúng ta là đừng bao giờ rời ánh mắt, ánh nhìn, của chúng ta lên Chúa. Bao lâu còn nhìn thấy ánh mắt của Chúa, bấy lâu chúng ta mới có thể trung tín và trung tín đến cùng được.
Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay mở ra cho chúng ta con đường của niềm tin cậy vào Chúa. Niềm tin cậy đó được đặt trên nền tảng là chính Chúa và tình yêu, quyền năng của Người. Nếu không có Chúa và sự hiện diện của Người trong cuộc sống, chúng ta sẽ là những người bất hạnh, vì không có gì để tựa vào, không có gì làm điểm tựa cho đời sống và hoạt động của chúng ta. Nhưng, hạnh phúc thay, có Chúa Giê-su Ki-tô; Người đã đến và tiến bước trong cuộc sống con người, cuộc đời chúng ta. Người đã tiến bước và chúng ta được mời gọi tiến bước với Người, trong Người và như Người.