THẦN BÒ VÀNG TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
(Bài Suy Niệm Thứ 5 tuần IV MC: 26032020)
Trong buổi tiếp kiến sáng Thứ tư ngày 08/08/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu những lời như sau: “Khi không để cho Thiên Chúa có quyền tối thượng, người ta dễ rơi vào việc tôn thờ ngẫu tượng và bằng lòng với những trấn an bần cùng” (ĐTC Phanxicô: Các ngẫu tượng luôn luôn nô lệ hóa con người, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2018-08/dtc-phanxico-ngau-tuong-no-le-hoa-con-nguoi.html).
Thờ ngẫu tượng là đặt một thụ tạo vào chỗ mà chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng. Thờ ngẫu tượng cũng có nghĩa là thần tượng, là sùng bái ai đó hoặc cái gì đó ngoài Thiên Chúa, ban cho một tạo vật tước vị của một Thiên Chúa[1]. Điều này nghịch với điều răn thứ nhất là thờ phượng chỉ một Thiên Chúa. (x. Giáo lý, 2113).
Việc thờ ngẫu tượng đã có từ trong Cựu ước, mà điển hình là câu chuyện được kể trong bài đọc I (Xh 32, 7-14) thánh lễ hôm nay: “Đức Chúa phán với ông Môsê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập.8 Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: “Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.”
Sở dĩ xảy ra điều này vì khi ở dưới chân núi Sinai, dân Do-Thái yêu cầu ông A-ha-ron làm cho họ một vị thần. Ông đã lấy vàng đúc thành tượng một con bê rồi tuyên bố: “Hỡi Israel đây là thần của người đã đưa người lên từ đất Ai-cập” (Xh 32,4). Tội của họ là đồng hóa con bê vàng với Đức Chúa (x. Xh 32, 5). Chính vì thế Đức Chúa phán với ông Môsê: “”Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ” (Xh 32, 9).
Không chỉ dân Israel ngày xưa bị khủng hoảng đức tin nhưng điều đó diễn ra khắp nơi, mọi thời và mọi người. Dưới nhãn quan của Kitô giáo, sự ảo tưởng hay thần thánh hóa tất cả các tạo vật đều là một cách thức của sự tôn thờ “ngẫu tượng”. Ngày nay, ta không còn bắt gặp những hình ảnh cúi lạy các ngẫu tượng như trong thời Cựu Ước, nhưng con người thời đại một cách nào đó vẫn đang tôn thờ một vị thần nào đó: hoặc là của cải vật chất, danh vọng chóng qua hay lao mình vào những đam mê, thú vui vô bổ hoặc tìm kiếm thần thánh theo đám đông hoặc tự tôn thờ bản ngã của mình…vv. Tựu chung, con người cố tình đẩy Thiên Chúa qua một để rồi chọn cho mình một thần tượng khác.
Có thể kể ra đây những lý do khiến người ta loại bỏ Thiên Chúa để chạy theo các tà thần:
- Lý do thứ nhất: Vì mất kiên nhẫn:
Dân Israel thấy “Ông Môsê lâu quá không xuống núi” (Xh 32,1). Ông đã ở trên đó suốt 40 đêm ngày, và dân chúng mất kiên nhẫn. Thiếu điểm tham chiếu, là ông Môsê: vị lãnh đạo, thủ lãnh; thiếu sự hướng dẫn trấn an, và điều này trở thành không chịu nổi. Khi đó dân chúng xin một vị thần hữu hình – đây là cái bẫy dân chúng rơi vào để có thể tự nhận diện và định hướng. Trong đời sống tâm linh của chúng ta, đặc biệt trong việc cầu nguyện: rất nhiều khi chúng ta mất kiên nhẫn vì Chúa dường như không nghe hay vắng mặt và chúng ta tự đi tìm điều gì khác không phải là Thiên Chúa và thánh ý Ngài.
- Lý do thứ hai: Vì gặp khó khăn, đau khổ và thử thách.
Dân Israel đang tiến về miền đất hứa như hành trình dài vượt qua sa mạc đã làm họ mệt mỏi, bất an, lo lắng vì không bảo đảm cuộc sống. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, khó khăn thử thách đủ loại xảy ra khiến chúng ta chán nản, thất vọng, nghi ngờ Thiên Chúa. Mọi sự nảy sinh từ việc không có khả năng tín thác nơi Thiên Chúa. Một khi gạt bỏ quyền tối thượng của Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình thì người ta dễ rơi vào việc tôn thờ ngẫu tượng, và hài lòng với các trấn an bần cùng (ĐTC Phanxicô: Các ngẫu tượng luôn luôn nô lệ hóa con người, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2018-08/dtc-phanxico-ngau-tuong-no-le-hoa-con-nguoi.html).
- Lý do thứ ba: Vì bị ảnh hưởng của trào lưu xã hội.
Chủ nghĩa tương đối đã khiến cho biết bao người quan niệm rằng tất cả mọi thứ đều tương đối: Ăn tương đối, yêu tương đối, con người tương đối…. và ngay cả Thiên Chúa hay Thượng Đế cũng tương đối. Vì thích bắt chước, thích rập khuôn, thích trở nên giống như các thần tượng của mình nên có biết bao nhiêu người, nhất là người trẻ mất định hướng, như con thuyền không bến đỗ vì sống theo những trào lưu của thời đại. Chính những ngẫu tượng liên tục thay đổi, chính các thần khác được thay thế chỗ của Thiên Chúa nên không xác định mục đích cuộc đời là gì. Vì cho rằng tất cả đều là phù du ảo tưởng nên người ta bất chấp tất cả để lao mình vào những đam mê, thú vui vô bổ. Người ta cố tình đẩy Thiên Chúa qua một để rồi chọn cho mình một thần tượng theo đám đông: “ai sao tôi vậy”.
- 4. Lý do thứ tư: Vì muốn tự lập, muốn tự làm chủ vận mạng cuộc đời.
Tại sa mạc, dân Israel đã quên tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, họ nặn bò vàng để thờ thay vì Thiên Chúa. Còn thế giới hôm nay ngày càng nhiều, nhất là giới trẻ tự cho mình như những vị thần, họ nghĩ rằng đó mới là cá tính, tự lập và bản lĩnh vì chính ta làm nên cuộc đời ta chứ không ai khác: tôi thích nên tôi làm, chỉ đơn giản vậy thôi. Bằng nhiều cách thế khác nhau, dưới nhiều hình thức khác nhau, có lẽ không ít lần chúng ta cũng tự thần thánh hóa bản thân để tự sống theo ý mình, coi mình là “cái rốn của vũ trụ”.
Tóm lại, trước bao nhiêu hoàn cảnh, bao nhiêu khó khăn thử thách, bao nhiêu sức lôi cuốn hấp dẫn từ bên ngoài, bao nhiêu mơ ước, khát vọng bên trong, chúng ta sẽ cảm thấy mù mịt trước tương lai, hoang mang do dự trong hiện tại và cuối cùng thấy mệt mỏi, buông xuôi để sống thụ động, hờ hững, lười biếng, hoặc sẽ nổi giận, lao vào ăn chơi buông thả. Tất cả những điều đó có lẽ chúng ta không bao giờ mong muốn nhưng vẫn có thể xảy ra trong cuộc đời. Hình tượng bò vàng mà dân Israel sùng bái xưa kia đến nay vẫn còn, chỉ có điều là nó biến đổi từ dạng thức này qua dạng thức khác mà thôi. “Bò vàng” ngày xưa được con người ngày nay thay thế bằng đủ các loại khác như: vật chất, danh vọng, thần tượng, sống ảo, tự do cá nhân… Hậu quả của những tiêu cực nói trên là tôn thờ mình, thần tượng cái tôi của mình, bảo vệ ý kiến và quan điểm của mình. Chính vì thế chẳng lạ gì khi còn đó bao nhiêu ích kỷ, ghen ghét, bảo thủ, cầu toàn, vô cảm, sống vì vật chất…vv.
Vậy sứ điệp lời Chúa hôm nay chất vấn chúng ta về hành trình đức tin của chúng ta. Rằng: Vị Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là ai? Thiên Chúa đang ở đâu trong cuộc đời chúng ta? Mỗi người sẽ có câu trả lời và chọn lựa sống cho chính mình.
Mai Thi
[1] JOHN A. HARDON, S.J. Từ Điển Công Giáo, nxb Phương Đông, 1985, tr. 105.