Chủ Nhật, 22 Tháng mười hai, 2024

KIỆN TOÀN – Suy niệm Thứ Tư, Tuần X TN – Vp. Duyên Thập Tự

TN-067-TUẦN X-thứ Tư

KIỆN TOÀN

(2Cr 3,4-11 / Mt 5,17-19)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Kiện toàn theo nghĩa chung nhất là khoẻ mạnh, tráng kiện. Kiện toàn còn có nghĩa là mạnh khoẻ, khang kiện, không khuyết tật, như “thân tâm kiện toàn”; là hoàn bị không thiếu xót gì, như “kiện toàn đích tổ chức”; là làm cho hoàn thiện, hoàn hảo, hoàn bị, như “kiện toàn nhân cách phát triển”. Như vậy, kiện toàn không chỉ dừng lại bên ngoài của việc tổ chức mà bao hàm sự hoàn thiện bên trong. Kiện toàn chi phối mọi lãnh vực của cuộc sống con người.

Kiện toàn là hướng đi của mọi nỗ lực. Ngay từ khởi đầu, người ta không thể hoàn hảo được; nhưng, với thời gian và nỗ lực, dần dần những bước tiến được thực hiện. Trong lãnh vực khoa học cũng như tu đức, trong tương giao với Thiên Chúa cũng như mối liên hệ với đồng loại, sự kiện toàn luôn là đích nhắm. Điều đó nói lên rằng bước thứ nhất là cần thiết để tiến tới bước thứ hai. Và khi bước thứ ba được thực hiện, thì hai bước trước vẫn còn giá trị. Có thể nói trong cái sau đều có sự hiện diện của cái trước.

Hai bài đọc hôm nay đặt chúng ta trước vấn đề Luật Mô-sê và Tin Mừng, nghĩa là Luật Cũ và Luật Mới. Dùng ngôn ngữ chuyên môn hơn, đó là Giao Ước cũ và Giao Ước Mới. Hai điều trên có loại trừ nhau không? Và đâu là mối liên hệ giữa chúng? Điều gì giúp chúng có giá trị hỗ tương?

 1. CHÚA GIÊ-SU: TÁC NHÂN KIỆN TOÀN

Trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay đặt vấn đề Chúa đến để làm gì với Luật Mô-sê. Thánh Mát-thêu, trong trích đoạn chương 5 từ câu 17 đến 19, ghi lại lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.”

Lời khẳng định của Chúa Giêsu về Cựu Ước – bao gồm Luật Mô-sê và các ngôn sứ – thật rõ ràng. Cựu Ước vẫn có giá trị. Nhưng cũng đặt ra những vấn nạn, không những về phương diện lý thuyết mà còn cả cách sống nữa. Vấn đề là chỗ đứng của Luật Mô-sê và các ngôn sứ ảnh hưởng tới mức độ nào? Trong Mùa Phục Sinh, tôi đã cùng với anh chị em suy niệm về vấn đề hệ trọng nảy sinh trong cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi. Đó là có luồng tư tưởng – phát xuất từ những người Pha-ri-siêu đã trở thành Ki-tô hữu – là phải bắt anh em tân tòng gốc dân ngoại chịu cắt bì và giữ Luật Mô-sê. Hội nghị nhóm họp tại Giê-ru-sa-lem đã thảo luận về vấn đề này, và cuối cùng đi đến kết luận là không bắt buộc họ phải giữ luật cắt bì và Luật Mô-sê, nhưng giữ một số khoản luật liên quan đến máu và tinh tuyền trong đời sống luân lý. Và thái độ quyết liệt của tông đồ Phao-lô được tỏ rõ trong các thư của ngài, nhất là thư Ga-lát và Rô-ma. Chúng ta không tiếp tục vấn đề này nữa. Chúng ta cũng đâu có giữ những qui định cụ thể của Luật Mô-sê. Điều chúng ta muốn nhấn mạnh là vai trò của Chúa Giêsu trong công việc kiện toàn Cựu Ước. Đây là một vấn đề đòi hỏi rất nhiều nghiên cứu và phải quảng diễn rất dài và rộng. Tôi xin được dừng lại một vài yếu tố.

Trước hết, khi Chúa Giêsu nói đến việc Chúa đến để kiện toàn, là Chúa muốn nói rằng Thiên Chúa là duy nhất. Không có chuyện Thiên Chúa của Cựu Ước khác với Thiên Chúa của Tân Ước. Chỉ có một Thiên Chúa. Nếu có những Giao Ước được ký kết khác nhau trong lịch sử thánh, như Giao Ước với ông Nô-e, hay Giao Ước tại núi Si-nai qua trung gian của ông Mô-sê hoặc Giao Ước nội tâm được ghi khắc trong tâm khảm con người mà các ngôn sứ nói đến, tất cả đều do một Thiên Chúa. Tác giả thư Do Thái đã viết: “Thuở xưa, nhiều lần và nhiều cách,Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Chúng ta đọc Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước với cái nhìn toàn bộ. Cựu Ước dẫn tới Tân Ước và Tân Ước soi sáng Cựu Ước.

Tiếp đến, Thiên Chúa duy nhất đó hoạt động trong thời gian. Giao Ước luôn đi đôi với thời gian, nghĩa là trong một lịch sử sống động. Thiên Chúa ký kết với con người tuỳ vào tâm thức và não trạng cùng sự tiến bộ cụ thể của họ. Con người mà Thiên Chúa giao ước là con người cụ thể trong một lịch sử cụ thể. Như vậy, có sự tiến triển trong thời gian. Trong những ngày tới, chúng ta sẽ nghe những lời của Chúa Giêsu đề cập đến những vấn đề cụ thể của Luật Mô-sê và đâu là những điều Người kiện toàn. Như vậy, chúng ta không được quyền loại trừ Cựu Ước, dù rằng có những câu chuyện trong đó thật “khó nuốt trôi” và ngay cả hình ảnh của Thiên Chúa trong Cựu Ước đôi khi cũng làm cho chúng ta khó chịu. Nhưng đó mới là lịch sử thánh trong lịch sử của những con người cụ thể. Nhưng đọc Cựu Ước với ánh sáng nào?

Đó là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô đến để kiện toàn những gì được viết trong Cựu Ước. Người kiện toàn bằng việc “ứng nghiệm” và “hoàn tất”. Nơi Chúa, những gì được nói trong Cựu Ước chỉ là hình bóng và được hoàn tất trong thực tại là chính Chúa. Chính Chúa Phục Sinh đã giải thích cho các tông đồ Kinh Thánh – đó là Cựu Ước – những gì liên quan đến Người. Muốn hiểu Cựu Ước, chúng ta cần ánh sáng Giê-su Ki-tô chiếu soi trên từng trang sách. Điều đó mời gọi chúng ta đến với Chúa; để đừng như lời Chúa nói với những người Do Thái: “Các ông nghiên cứu KinhThánh vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống” (Ga 5,39-40).

Cuối cùng, khi đọc Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy những “tư tưởng” của Thiên Chúa. Những gì Chúa Giêsu Kitô nói trong Tin Mừng và những hành động của Người, đó là những tư tưởng của Thiên Chúa. Những tư tưởng đó kiện toàn Cựu Ước. Chính những tư tưởng đó hướng dẫn cuộc sống chúng ta, để như thánh Phao-lô chúng ta có thể nói: “Còn chúng tôi, chúng tôi có những tư tưởng của Đức Ki-tô”. Những tư tưởng đó là hồn sống cho cuộc đời chúng ta.

 2. THẤN KHÍ: HỒN SỐNG

Thánh Phao-lô, một người đã thấm nhuần Cựu Ước và lại thuộc phái Pha-ri-siêu rất trung tín với Luật Mô-sê. Chính sự trung tín đến cuồng nhiệt đó đã thúc đẩy ngài đi bắt bớ những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nhưng một khi được ơn hoán cải tin vào Chúa Giêsu Kitô, ánh nhìn của ngài về Cựu Ước đã thay đổi. Đối với ngài, Cựu Ước đã cũ kỹ rồi; và nếu Cựu Ước có giá trị, thì chỉ vì liên quan đến Chúa Giêsu Kitô. Cựu Ước chỉ là người dẫn đường đến Chúa Kitô.

Trong trích đoạn hôm nay, thư thứ hai Cô-rin-tô chương 3 từ câu 4 đến 11, thánh Phao-lô nói đến sự phân biệt giữa Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới. Và ngài được Thiên Chúa ban cho khả năng phục vụ Giao Ước Mới. Giao Ước này vinh quang hơn Giao Ước xưa bội phần.

Vậy, đâu là điều hệ tại của hai Giao Ước trên? Thánh Phao-lô phân biệt: Giao Ước Cũ hay Xưa căn cứ trên chữ viết, còn Giao Ước Mới dựa trên Thần Khí. Và ngài khẳng định: “Chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống”. Chữ viết ở đây là những lề luật, những khoản luật, mà khi người ta vi phạm thì sẽ bị xét xử, như thể bị giết chết. Còn Thần Khí nơi đây là Thần Khí của Đức Ki-tô, Thần Khí làm cho những ai tin thì được tự do của con cái Thiên Chúa, Thần Khí Nghĩa Tử. Là con là được sống.

Về việc phục vụ Giao Ước Mới, thánh Phao-lô khẳng định là không do tự bản thân có khả năng mà là chính Thiên Chúa ban cho. Như vậy, đây là một ân huệ và là một sứ vụ. Và đối với ngài, đó là một trọng trách, đến nỗi ngài cảm thấy “tình yêu Đức Ki-tô thúc bách” (2Cr 5,14) đế nỗi “khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Và vì Giao Ước Mới dựa trên Thần Khí, nên vinh quang tuyệt vời hơn. Vinh quang đó chiếu toả trên những con người phục vụ. Giao Ước Xưa toả trên ông Mô-sê và Giao Ước Mới trên Phao-lô và những người phục vụ Giao Ước này. Thánh Phao-lô so sánh: “Nếu việc phục vụ Lề Luật – thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá – mà được vinh quang đến nỗi dân Ít-ra-en không thể nhìn mặt ông Mô-sê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang – dù đó chỉ là vinh quang chóng qua -, thì việc Phục Vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao?… So với vinh quang tuyệt vời này, thì vinh quang xưa kia chẳng vinh quang gì. Thật vậy, nếu cái chóng qua mà còn được vinh quang, thì cái còn mãi lại chẳng vinh quang hơn sao?” Đây là vinh quang của Chúa Giêsu Kitô phản chiếu trong đời sống người môn đệ

 3. KIỆN TOÀN NƠI TÔI

Một thoáng tìm hiểu việc kiện toàn mà Chúa Giêsu thực hiện mời gọi tôi, mời gọi chúng ta, không những hiểu biết hơn, mà còn để sống gắn bó với Chúa hơn nữa mỗi ngày. Mỗi ngày cần được tiến triển để tiến tới chỗ kiện toàn: Lời Chúa hình thành và kiện toàn phong cách sống của tôi, kiện toàn mối tương giao của tôi với Chúa, kiện toàn hình ảnh của Chúa nơi tôi. Nếu Chúa Giêsu Kitô đã kiện toàn Luật Mô-sê và các ngôn sứ, thì ngày nay, nơi đây và với tôi, Người cần kiện toàn đời sống của tôi, để đời sống của tôi ngày thêm thánh thiện, để “Đức Ki-tô mỗi ngày được thành hình” trong tôi.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi tin có sự sống đời đời

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi Tin Có Sự Sống Đời Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta đang sống trong...

Thứ 6 Tuần XXXIII TN, Lc 19,43-48: Thanh tẩy nhà Cha

THANH TẨY NHÀ CHA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hơn hai...

Thứ 5, Tuần XXXIII TN, Mt 12,46-50: Ai thuộc về gia đình Đức Giêsu

    AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Sau những lời khiển trách các người cứng tin,...

Thứ 5 Tuần XXXIII TN, Lc 19,41-44: Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem

CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường...

Thứ 4 Tuần XXXIII TN – Lc 19, 11-20 Dụ ngôn mười yến bạc

DỤ NGÔN MƯỜI YẾN BẠC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Dụ ngôn mười yến bạc này được Đức Giêsu kể...