“SỬA SANG” ĐỜI SỐNG CẦN HƠN
Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu kêu gọi: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).
Hai động từ “sám hối” và “tin” dường như hòa quyện và chi phối tất cả cuộc sống của những ai tuyên xưng thuộc về Thiên Chúa; tuy nhiên việc áp dụng hành vi tin và sám hối vào mọi chi tiết trong đời sống của người Kitô hữu cần cố gắng, quyết tâm và cộng tác tích cực với ơn Chúa.
Trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu không chỉ lên án lối sống giả hình của các người Pharisêu và cha ông của họ, nhưng cùng một cách thế đối với tất cả những ai có cung cách hành xử như vậy, biết đâu trong đó có chúng ta.
Khi lên án thói giả hình của những người Pharisêu trong việc xây lăng, xây mộ cho các ngôn sứ, Đức Giêsu cũng dạy chúng ta bài học cần phải tránh: họ đã chẳng được tiếng khen mà gián tiếp góp thêm bằng chứng chắc chắn về những việc làm sai trái của cha ông họ, một cách tố cáo tội lỗi của tổ tiên mình.
Thực ra, các ngôn sứ không cần được tôn vinh, không cần được mồ cao mả đẹp nhưng cần “thánh ý Chúa được đón nhận”. Đã rất nhiều lần các ngôn sứ gần như thất vọng vì phải đối diện với “một dân cứng đầu cứng cổ”, một thế hệ gian tà, nòi phản lọan…. Trong trường hợp các nhà thông luật hôm nay, cha ông họ xưa kia cũng vậy, vì không muốn tiếp nhận lời Chúa nên tìm mọi cách để tẩy chay, đổ tội và mưu sát các sứ giả của Thiên Chúa nhằm che đậy những tật xấu của mình, để cho lương tâm chai lì của mình được yên.
Các sứ giả của Thiên Chúa bị loại trừ là chuyện tất nhiên: “lời trần tình” của các ngôn sứ bao giờ cũng đúng, “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây phải thiệt thân”. Suốt cả cuộc đời dường như mắc nợ người khác, sống trong cô đơn đau khổ… để rồi cuối cùng bị “xử êm và xử đẹp”. Tuy nhiên nếu chỉ cái chết của cá nhân các ngôn sứ thì cũng chẳng là gì nhưng sâu xa của vấn đề là họ muốn từ chối Thiên Chúa và chiếm đọat vị thế của Ngài.
Thái độ sống đạo hình thức, giả hình, giả bộ, đóng kịch, đeo mặt nạ… luôn là những từ chính xác và phản ánh đầy đủ về cuộc đời các biệt phái và luật sĩ thời Đức Giêsu: nếu chỉ tìm cách làm vừa lòng mọi người, đẹp mắt người đời… thì không đứng về phía Thiên Chúa. Thiên Chúa không hành xử theo thói người ta vẫn làm: Ngài ghê tởm khói hương, khinh chê ngày đầu tháng….
Con người là thế, khó chấp nhận những gì không phải của mình, không hợp với cách suy nghĩ và quan điểm của mình; trái lại, Thiên Chúa thấu suốt tận sâu đáy lòng con người: Ngài thích một tấm lòng thanh sạch, một con tim tinh tuyền. Ngài ưa thích người ta vâng lời hơn dâng của lễ, Ngài muốn “thánh chỉ” được đưa vào thực hiện trong đời sống bằng lòng tin tưởng và mến yêu.
Kẻ có công trước nhan Chúa không phải là đi sửa sang mồ mả bên ngòai, tô vôi trét phấn, xây dựng đền đài… nhưng là một trái tim mở rộng, một cõi lòng tinh tuyền, một khát khao vô tận, hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa.
Thế hệ này qua đi, thế hệ kia tiếp nối, lịch sử đời người là thế, nhưng nếu không thực hiện một cuộc đột phá bằng “cuộc cách mạng đời sống” thì cũng chẳng hơn nhau gì, mãi mãi chẳng có gì thay đổi. Người môn đệ Đức Kitô được mời gọi sửa sang đời sống hơn là chỉ lo những thứ bề ngoài, trở thành chứng nhân cho niềm tin vào Thiên Chúa và những giá trị nước trời chứ không phải tìm vinh danh hay lợi lộc cho mình. Số mạng của người môn đệ chắc chắn sẽ chẳng khác Thầy của mình: làm chứng cho sự thật cho dù phải mất mạng. Như các ngôn sứ, Đức Giêsu vì dám chạm chán với những người có quyền lực, dám tố cáo những việc làm bất chính nên mạng sống rồi cũng sẽ bị người ta lấy đi như vậy.
Lạy Chúa, xin thêm sức mạnh cho con, để cùng với ơn Chúa, con có thể đi trọn đường thập tự mà Con Chúa đã đi. Amen.
Mai Thi