Thứ sáu, 27 Tháng mười hai, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT V-C PHỤC SINH (Ga 13, 31-35)

I. Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào… (Xuân Diệu – Bài thơ tuổi nhỏ)

Sống không yêu thương không phải là sống nhưng chỉ là còn sống, vì con người sinh ra chính là để yêu thương và muốn được yêu thương. Mục Tử Nhân Lành Giêsu mời gọi “yêu thương nhau”. 

II. Chúa Giêsu đã làm cho Chúa Cha được tôn vinh bằng cách yêu thương nhân loại đến độ bằng lòng chịu chết trên thập giá (x. Pl 2,6-11). Trước giờ ra đi chịu tử nạn, Chúa Giêsu đã nhìn thấy chỉ có chiến thắng của tình yêu mới đem lại sự sống mới cho nhân loại. Sự sống lại của Chúa Giêsu cho nhân loại thấy được sức mạnh vô địch và chiến thắng uy hùng của yêu thương. 

Yêu thương là dấu chỉ nói lên căn tính người môn đệ Chúa Giêsu. Môn đệ Chúa Giêsu “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Và các môn đệ này làm thành một Hội Thánh Chúa Giêsu. Các môn đệ này đã nghe lời Chúa Giêsu căn dặn :  “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy:  là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Nên các môn đệ này đã sống tình yêu thương, “hợp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung; đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (x. Cv 2,44-45).  Và, do việc họ sống “điều răn mới” (Ga 13,34), các môn đệ này “được toàn dân thương mến, cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (x. Cv 2,47). 

Thầy Giêsu đã từ cõi chết sống lại. Sự sống lại này là khởi điểm cho một giai đoạn mới của Ơn Cứu Độ. Giai đoạn này đã diễn tiến trong bầu khí tình nghĩa thân mật giữa Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, và đoàn chiên của Người. Thầy Giêsu và Chúa Cha là một (x. Ga 10,30). Nên sống yêu thương để “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13, 35), cũng chính là tôn vinh Chúa Cha, như Chúa Giêsu nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13,31-32). Đồng thời, việc tôn vinh này cũng mở ra một chiều kích mới, là sống mối tương quan với anh chị em : Yêu Chúa và yêu người là hai điều không thể tách rời. 

Chúa Giêsu đã củng cố tình yêu thương giữa Chúa Giêsu với các con chiên qua những chăm sóc thường ngày, và cao điểm là qua những biểu lộ yêu thương của Chúa Giêsu sau khi sống lại từ kẻ chết. Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu không thể yêu thương mà không chiều chuộng. Lòng Thương Xót yêu chiều ấy là để dẫn đưa các môn đệ đến một chân lý cơ bản :  “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34b). 

Nếu, con người theo câu văn trên, con người dễ lấy mình làm ‘chuẩn’ trong khi sống yêu thương để mà sống như Chúa Giêsu đã sống yêu thương. Nhưng, nếu con người theo như cách xếp đặt trong bản Nova Vulgata Bibliorum Sacrorum, 1979 : “sicut dilexi vos, ut et vos diligatis invicem” (Jo 13, 34 b – “như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau”) thì Chúa Giêsu chính là ‘chuẩn mực’ để con người nhìn đó mà theo. 

Khuôn mẫu lý tưởng cho tình yêu thương của con người, giờ đây, là chính tình yêu thương của Chúa Giêsu, Đấng đã xuống thế và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc con người, như Chúa đã nói : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên” (Ga 10,11), “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Tình yêu thương ấy không bị giới hạn, không bị ngăn cách nhưng được dành cho hết mọi người. Lòng Thương Xót của Chúa dành cho mọi người, không trừ một ai. Tình yêu thương vô bờ ấy phải trở nên mẫu mực để con người noi theo.

 

III.       Như vậy, để sống “điều răn mới”, các môn đệ tiên khởi đã sống kết đoàn với nhau thành một Hội Thánh. Hội Thánh này liên kết chặt chẽ mỗi phần tử bởi các yếu tố : “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42); trong cuộc sống, họ đã “làm việc theo năng lực và hưởng thụ theo nhu cầu” (x. Cv 2,44-45) chứ không phải hưởng thụ theo năng suất hay theo tính ich kỷ tham lam. 

Nên, chỉ sống trong Hội Thánh = Cộng Đoàn, theo cách thức của các môn đệ tiên khởi, con người mới có thể “như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau”. Một tình yêu thương vị tha như thế, mới toả lan Lòng Chúa Thương Xót ra được, mới có khả năng người đời nhận ra ai là môn đệ Chúa Giêsu. Mà vì Chúa Giêsu là ‘Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa’ (MV,1), do đó khi sống trong Hội Thánh = Cộng Đoàn, là sống trong chính Chúa Giêsu thì mới có khả năng sinh hoa trái (x. Ga 15).

Ước gì mỗi môn đệ Chúa Giêsu ý thức hơn về Hội Thánh = Cộng Đoàn, hiệp nhất với Hội Thánh = Cộng Đoàn.  Vì các môn đệ Chúa Giêsu chỉ là những ‘người con bé nhỏ’ (Ga 13,33), luôn luôn cần đến sự chở che của Thiên Chúa. Xin cho các môn đệ Chúa Giêsu có sức mạnh thực thi ‘điều răn mới’ : “như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau”, bằng cách chyên chăm nhìn lên Chúa Giêsu và thân  thưa : “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI