Việc tôn vương Thánh Tâm Chúa Giêsu, mời gọi chúng ta theo gương Người. Hiến dâng cho Thánh Tâm Chúa, vì trong Thánh Tâm Chúa, chúng ta tìm được tình yêu thúc đẩy chúng ta yêu mến Chúa và tận hiến hoàn toàn cho tha nhân. Đúng như câu nói của vị Quan đại thần người Nhật Tsukamoto: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả” (Người có trái tim ở bên ngoài, bên trong lại không có tim).
Ý NGHĨA:
Tôn Vương Chúa là một lễ nghi công khai nhìn nhận quyền đế vương tuyệt đối của Chúa Giêsu trên Cộng Đoàn mình. Chúa phán: “Ta sẽ ban xuống muôn vàn ơn phúc cho những cộng đoàn gia đình trưng bày và kính thờ Thánh Tâm Ta”.
Mục đích tối cao của việc này là làm cho Cộng Đoàn nên thánh thiện. Là một ngày phó thác Cộng Đoàn trong Trái Tim Chúa nhân lành và thương xót vô biên. Từ đây mọi vui buồn, mọi khó nhọc âu lo sớm mai cũng như ban chiều, chúng ta dâng lên cho Trái Tim Chúa, để xin Người lo liệu và ban phúc lành cho. Từ đây mỗi người trong Cộng Đoàn cố gắng sống cuộc đời mới tốt đẹp hơn, ăn ở xứng đáng hơn, đạo đức hơn, giữ bác ái và nhân bản hơn, để nên đèn sáng trước mặt mọi người…
Hạnh phúc cho Cộng Đoàn chúng ta thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu là Vua yêu mến.
Công đồng Vatican II đặt lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối Năm Phụng Vụ mong muốn : “Chúng ta chờ đợi trong niềm hy vọng vui mừng ngày Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta, sẽ đến”. Đấng sẽ mang lại vương quốc của Ngài tới sự hoàn hảo khi Ngài trở lại trong vinh quang cho ngày Phục Sinh chung.
Việc cử hành phụng vụ này, thách đố chúng ta bất chấp những thất bại trong lãnh vực tài chính hoặc trong thái độ thiêng liêng của chúng ta mà xã hội từ những năm 1929 xảy ra . Điều quan trọng nhất không phải sự tham lam đã dẫn tới sự sụp đổ tài chính, nhưng chính những ảnh hưởng của nó lôi cuốn con người loại bỏ những giáo huấn và gương mẫu của Đức Kitô Vua. Hội Thánh Công Giáo xác tín : Đức Kitô Vua cai trị một vương quốc đời đời, một vương quốc của sự thật và sự sống, một vương quốc của sự thánh thiện và ân sủng, một vương quốc của sự công chính tình yêu và bình an.
Làm nhân chứng cho sự khôn ngoan của Phúc Âm Kitô giáo, chúng ta là những công dân của Nước Trời. Chúng ta trình bày cho thế giới về tính vô vị lợi Kitô giáo, là con đường hạnh phúc thật. Ngày Tôn Vương hôm nay, là thời gian thích hợp để cả Cộng Đoàn và mỗi phần tử trong Cộng Đoàn nhắc lại lòng trung thành của mình với Chúa Kitô Vua.
Lạy Vua Giêsu, Cộng Đoàn chúng con ước muốn trung thành với Chúa, để mang lại trên thế giới này vương quốc của Người. Một vương quốc của sự công chính và tình yêu bình an. Chúng con tuyên xưng :
Christus vincit: Chúa Kitô toàn thắng.
Christus regnat: Chúa Kitô hiển trị.
Christus imperat: Chúa Kitô thống quản.
LỊCH SỬ VIỆC TÔN VƯƠNG
Năm 1907 cha Mateo Crawley-Boevey bị bệnh nặng. Bề trên sai Người sang Âu Châu dưỡng bệnh, Người tới Paray-le-Monial, không phải để xin phép lạ chữa bệnh mà là để xin ơn yêu mến Thánh Tâm. Nhưng một buổi chiều vừa quỳ gối cầu xin (nhà nguyện xưa Chúa đã hiện ra) thì thoắt chốc cả và mình biến chuyển. Người đã khỏi bệnh. Chiều ngày ấy lúc chầu Thánh Thể, Người được Thánh Tâm phác hoạ cho một chương trình Tôn Vương là chinh phục từng gia đình và toàn thế giới về cùng Chúa Giêsu như ta đã thấy thực hiện khắp hoàn cầu.
Ngài đã sang Roma bệ kiến Đức Thánh Cha Pio X xin phép giảng việc tông đồ này. Đức Thánh Cha Pio X : “Không những ta ban phép mà thôi, ta còn ra lệnh cho con phải làm việc ấy và hy sinh hết cuộc đời con vào việc cứu rỗi thế gian, con phải hy sinh đời sống con trong việc tuyệt diệu ấy”.
Ì
SUY NIỆM TRONG THÁNH LỄ
I. Khởi đầu Tu Luật, Cha Thánh Biển Đức mời gọi : 1 Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ và thực hiện cho bằng được, 2 để nhờ gắng công vâng phục, con trở về với Đấng con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân. 3 Vậy cha nói với con đây, dù con là ai, mà đã đoạn tuyệt với ý riêng, con hãy mang lấy khí giới rất mạnh mẽ và rạng ngời của đức vâng phục, để chiến đấu cho Chúa Kitô, Vua chân thật…6 Bởi thế, trong mọi lúc ta phải dùng các ơn lành Chúa ban mà vâng phục Ngài …
Như vậy, có thể nói được rằng : thầy dòng là tinh binh của Chúa Kitô Vua; hoặc suy diễn cách khác : Chúa Kitô là Vua của thầy dòng; hay nói theo Phụng Vụ mà Cộng Đoàn chúng ta cử hành hôm nay : thầy dòng là người luôn luôn tôn vinh Chúa Kitô là Vua của cuộc đời mình.
Lịch sử của Đan Viện chúng ta đã cho thấy điều đó. Ngay từ khi chúng ta có mặt trên vùng đất này (Thánh Lễ đầu tiên ngày 02-4-1979), hoặc khi xây dựng xong Nguyện Đường Emmanuel này ngày 20-4-2002, các bậc cha anh chúng ta đã lặp lại việc tôn vinh Chúa Kitô là Vua của Cộng Đoàn mình. Và hôm nay, sau khi hồng ân Chúa đã ban cho Cộng Đoàn có một cơ sở huấn luyện dành cho Tập Viện, chúng ta lại muốn tái lập lại việc tôn vinh Chúa Kitô là Vua của chúng ta. Mục đích là : tái khẳng định chúng ta là tinh binh của Chúa Kitô Vua, là những thầy dòng đang chiến đấu dưới cờ Vua Giêsu Kitô.
II. Việc tôn vinh này, là một vinh dự cho chúng ta nơi vùng đất lương dân này, như thánh Phaolô nói trong BĐ II : “tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài” (Ep 3,8-12.14-19).
Hôm nay, chúng ta tái cử hành việc tôn vinh Chúa Kitô là Vua, không phải là việc thừa. Nhưng lại chính là một việc hết sức quan trọng để nhắc lại mỗi người và toàn thể Cộng Đoàn xác tín lại “ân sủng” mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta ôn lại mấy câu đầu của Tu Luật.
Cha Thánh Biển Đức mở đầu Tu Luật bằng một lời thật giản dị: “Hãy lắng nghe”. Trong tiếng la tinh “obscultare” (theo ngôn ngữ bình dân) hay “auscultare” có nghĩa là lắng nghe với ngụ ý đem ra thực hành điều đã nghe. Như vậy, đối với cha thánh Biển Đức “lắng nghe” có tương quan rất mật thiết với “vâng phục” (obscultare [lắng nghe] và obœdientia [vâng phục] có cùng một gốc). Ở câu 2, “vâng phục” được định nghĩa như một việc phải làm để trở về với Thiên Chúa, cha thánh Biển Đức nói: “Nhờ gắng công vâng phục con trở về với Đấng con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân”.
Nói đến “vâng phục”, chúng ta thường nghĩ ngay tới một lệnh truyền! Nhưng, tiên quyết, cha thánh Biển Đức không hiểu như thế, vì ở câu 6 cha thánh Biển Đức xác định phải vâng phục : “Trong mọi lúc, ta phải dùng những ơn lành Chúa ban mà vâng phục Ngài”.
Nói thế, cha thánh Biển Đức mời gọi ta vượt qua thái độ vụ luật, vận dụng mọi ơn lành Chúa đã ban để vâng lời cách chủ động. Nhưng ta lại thường không biết tới những ơn lành ấy đã được dấu ẩn nơi ta.
Vậy đâu là những ơn lành Chúa đã ban cho ta? Làm sao nhận biết được? Cha thánh Biển Đức đề nghị một cách khai thác những ơn lành ấy khi cảnh báo ta về điều cản trở ta nhận ra chúng, đó là ý riêng (c.3). Vì, nói cho cùng, kẻ thù lớn nhất của ta chính là bản thân ta, với một hình ảnh sai lạc ta tự tạo ra về mình.
Đối với cha thánh Biển Đức, vâng phục là con đường trở về với Thiên Chúa. Vì trước hết đó là con đường dẫn tới tự do nội tâm đích thực, bắt đầu bằng việc giải thoát ta khỏi chính mình, khỏi những sợ hãi, những hoài nghi, và cả những ảo tưởng cũng như sự phóng đại quá đáng về mình. Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, hiện thân của Lòng Chúa Thương Xót con người, đã đi bước trước để chúng ta theo gương, như thánh Gioan nói “Thiên Chúa đã yêu thương chung ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4, 10b).
Và Phúc Âm hôm nay (Ga 19,31-37) minh chứng: Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương chúng ta và yêu thương đến tận cùng (x.Ga 13,1). Trái Tim của Chúa Giêsu rộng mở khi một người lính đâm vào cạnh sườn của Ngài, tức thì có nước và máu chảy ra (x. Ga 19,34). Các thánh Giáo Phụ cắt nghĩa:
+ Nước tượng trưng cho Bí Tích Rửa Tội và Máu tượng trưng cho Bí Tích Thánh Thể.
+ Nước tượng trưng cho sự thanh tẩy tội lỗi và Máu tượng trưng cho sự sống là Thánh Thần.
+ Như bà Eva được tạo từ cạnh sườn ông Adam, Hội Thánh cũng được phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu.
Theo giáo huấn của các Giáo Phụ, chúng ta lưu ý mấy điểm :
– Chúng ta không thể tách rời tình thương Thiên Chúa ra khỏi tình thương của Chúa Giêsu. Khi chúng ta cảm nhận tình thương của Chúa Giêsu, cũng là lúc chúng ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa.
– Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa đã thương yêu và muốn cứu chuộc tất cả mọi người; nhưng khi Chúa Giêsu nhập thể, Ngài chính thức loan truyền ơn cứu độ cho mọi người.
– Thiên Chúa luôn yêu thương và trung thành giữ lời hứa, nhưng con người luôn bất trung và phản bội. Lập lại nghi thức Tôn Vương hôm nay, là dịp chúng ta nhìn lại tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta và quyết tâm đền tạ những tội lỗi chúng ta và nhân loại đã không ngừng xúc phạm đến Ngài.
Từ những nhận định trên, chúng ta xác tín : Chúa Giêsu yêu chúng ta, không những Chúa Giêsu để trong lòng, nhưng vì yêu ta quá đến nỗi không che giấu trong lòng nữa mà còn phơi bầy ra cho nhân loại thấy. Ngày mà tình yêu của Chúa Giêsu phải tỏ bày cho nhân loại là ngày 27.12.1673 với thánh nữ Margarita. Trái tim của Chúa Giêsu không còn ở trong lồng ngực nữa, mà vượt ra ngoài để tỏ cho nhân loại biết Chúa Giêsu vẫn còn thiết tha yêu thương chúng ta.
Chúa Giêsu đã yêu ta trước vì từ đời đời Chúa đã thương ta nên mới dựng nên ta, chúng ta là sản phẩm của tình yêu Chúa. Đáp lại, chúng ta phải biết tha thiết yêu Chúa vì tình yêu bao giờ cũng phải song phương, phải cho đi rồi lấy lại vì “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Những người yêu thì tìm đến với nhau, Chúa yêu nên đã tìm đến với ta, ta yêu nên ta tìm đến với Chúa vì người ta nói : “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” (similis similem quaerit).
Chúng ta kiểm điểm bản thân xét lại tình yêu của mình dành cho Chúa Giêsu như thế nào ? Vì, như quan đại thần Tsukamoto nói : “Chúa Giêsu đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì Hữu Tâm, còn với bản thân mình thì Vô Tâm. Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời ; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời giúp người. Nội bức ảnh nầy tôi thấy đầy đủ hơn cả cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng thuật của Thần Đạo Nhật bản vậy. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là chính đạo”.
Ôi ! “Hữu ư trung, xuất hình ư ngoại”. Chúng ta hãy nhìn vào Thánh Tâm Chúa Giêsu để múc lấy nguồn sức mạnh mà chiến đấu. Và “không bao giờ thất vọng vào Lòng Chúa Xót Thương”.
Như thế, Chúa Giêsu Kitô không chỉ là mẫu gương, mà trên hết và trước hết, Chúa Giêsu Kitô là Đấng yêu thương chúng ta, như BĐ I đã nói: “Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má. Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 1,4). Do đó, theo lời dạy của cha thánh Biển Đức, chúng ta luôn nhớ ơn lành Thiên Chúa đã ban cho mình để luôn luôn sống dưới sự hướng dẫn của Vua Giêsu Kitô.
III. Phụng Vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu Thiên Chúa, để chúng ta biết cách đáp trả cho cân xứng.
– Thiên Chúa là mục tử yêu thương luôn ưu ái chúng ta là những con chiên của Ngài. Nhưng nhiều khi chúng ta muốn rời đoàn chiên để đi hoang.
– Tình yêu phải được đáp lại bằng Tình yêu. Thế nhưng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta vô cùng, mà chúng ta lại không yêu mến Ngài.
– Chúa muốn tình yêu của chúng ta trải rộng bao la, yêu thương hết mọi người. Nhưng chúng ta chỉ yêu thương một số ít người thân thiết với mình và lãnh đạm với mọi người khác.
M. FranÇois De Sales Trần Minh Thái O.Cist.
Ì
KINH DÂNG CỘNG ĐOÀN CHO THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, khi hiện ra với Thánh Nữ Margarita Maria, Chúa đã tỏ lòng ước ao ngự trị trong các Cộng Đoàn. Nay chúng con muốn làm thỏa lòng Chúa, nên tụ họp nơi đây, đồng thanh phó dâng Cộng Đoàn chúng con cho Chúa ngự trị.
Chúng con quyết tâm từ nay, sẽ ăn ở như Chúa muốn là: sống yêu thương đồng cảm với nhau theo tinh thần Phúc Âm, để kiến tạo Cộng Đoàn chúng con thành một Cộng Đoàn Niềm Vui Phúc Âm, trong việc chu toàn bổn phận thường ngày. Xin Chúa ngự trị tâm hồn chúng con, cho chúng con được lòng tin mạnh mẽ, lòng cậy vững bền, lòng kính mến sốt sắng; và biết rước Chúa vào lòng với một ý thức khát khao, để được liên kết với Chúa ngày càng bền chặt hơn.
Lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, xin gìn giữ Cộng Đoàn chúng con, và ban phúc lành cho mọi việc chúng con làm. Khi có ai trong chúng con phiền muộn, khổ đau, xin Chúa ủi an nâng đỡ. Khi có ai trong chúng con được vui mừng, xin cho chúng con được vui mừng trong Chúa. Khi có ai trong chúng con sa ngã, phạm tội mất lòng Chúa, xin Trái Tim Chúa Giêsu nhân từ thúc giục người anh em chúng con mau ăn năn thống hối, để được ơn nghĩa lại cùng Chúa. Khi có ai trong Cộng Đoàn chúng con được Chúa gọi về, xin cho chúng con bằng lòng vâng theo Thánh Ý Chúa; chúng con mong ước một ngày kia, cả Cộng Đoàn chúng con được sum họp trên quê trời, hát mừng ngợi khen Chúa luôn luôn mãi.
Cùng Đức Maria Trinh Nữ Vương, và Thánh Cả Giuse, chúng con xin dâng Cộng Đoàn chúng con cho Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, và hằng nhắc nhở nhau tuân giữ mọi điều chúng con đã thề hứa với Chúa. Chúng con nguyện xin Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, là Vua, là Chúa chúng con, Đấng hằng sống, và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.