Trong Tu Luật của Cha Thánh Biển Đức, có bốn loại Đan sĩ được nhắc tới. Trong đó, những đan sĩ cộng tu là những con người được ngài cho là anh dũng nhất. Đó là những người sống trong Đan Viện, chiến đấu theo một Tu Luật và dưới quyền Viện Phụ (TL 1,2). Trong suốt nhiều thế kỷ, đã có biết bao người được Thiên Chúa cất tiếng mời gọi bước vào đời sống ấy bằng cách này cách khác. Mang theo khát vọng truyền giáo nồng nhiệt trong tim, Cha Henri Denis Benoit đã đến Việt Nam và Thiên Chúa đã dùng chính ngài để thiết lập cho mảnh đất vùng Viễn Đông này một Hội dòng sống lối sống cộng tu mà thánh Biển Đức đã khởi xướng. Nhận thấy rằng nơi đây đã có Dòng Kín cho nữ giới, ngài mong muốn được lập ra một dòng cho nam giới trong đó các thầy dòng chuyên lo nguyện gẫm hãm mình cầu nguyện cho dân ngoại được trở lại nhận biết Tin Mừng[1]. Dòng mới này sẽ là dòng “hoàn toàn người Việt Nam, tuy nhận cả người Tây, song Tây Nam đều sinh hoạt như người Việt Nam nghèo khó.”[2] Khi ngài có ý định thành lập một nhà dòng bản địa dành cho người bản xứ, hẳn ngài mong muốn rằng tất cả những gì gặp thấy trong nhà dòng này đều mang sắc thái người bản xứ và tôn trọng tâm linh của người bản xứ. Dĩ nhiên cha Biển Đức Thuận không sáng chế đời đan tu dành cho người Việt. Thế nhưng, khi lặp lại truyền thống đan tu theo thể thức “Tu luật Thánh Biển Đức và Hiến pháp dòng Xitô Nhặt Phép”, ngài đã tái tạo lối sống này như thế nào để cho người bản xứ – người bản xứ thực sự bằng xương bằng thịt, tại chỗ – có thể sống đời đan tu một cách thuận lợi và hiệu quả. Nói cách khác, việc lập Dòng ở Việt Nam, một xứ truyền giáo, cần phải đạt tới mọi tầng lớp sâu xa nhất của người dân bản xứ. Ngoài ra việc lập dòng còn buộc phải gần gũi với môi trường nơi nhà dòng được thiết lập[3]. Và để đáp ứng cho nhu cầu sống đời cộng tu theo lối sinh hoạt của người Việt, Cha Henri Denis Benoit đã vận dụng mô hình gia đình truyền thống của người Việt vào việc thiết lập cộng đoàn chiêm niệm theo gương Thánh Gia Nazareth.
Điều đó có thể được thấy rõ nhất trong tên gọi của Hội dòng: “Dòng chúng ta không đi giảng, không đi dạy, không làm việc phước thiện cho đồng bào như: giúp kẻ liệt, coi nhà thương chẳng hạn, chúng ta chỉ ở trong nhà chuyên môn đọc kinh cầu nguyện cho người ngoại giáo, noi gương Ba Đấng ở Nazareth xưa, nên ta nhận tước hiệu Chi Dòng Thánh Gia là hơn cả.”[4]
- 1. Những thuận lợi cho việc thiết lập lối sống đan tu cho người Việt
Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình là một khái niệm phức hợp bao gồm các yếu tố sinh học, tâm lý, văn hóa, kinh tế,… khiến cho nó không giống với bất kỳ một nhóm xã hội nào. Đối với xã hội học, gia đình thuộc về phạm trù cộng đồng xã hội. Vì vậy, có thể xem xét gia đình như một nhóm xã hội nhỏ, đồng thời như một thiết chế xã hội mà có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xã hội hóa con người.[5]
Truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên của người Việt kể lại rằng xưa kia Lạc Long Quân và Âu Cơ đã sinh ra một bọc trăm trứng; trăm trứng ấy nở ra trăm con. Đó có thể được coi như một sự thừa nhận rằng tất cả người Việt đều là thành viên của một đại gia đình vì tất cả đều xuất phát từ một nguồn gốc. Vận dụng điều đã hằn sâu trong tâm thức này của người Việt, Cha Tổ Phụ hẳn đã nhận ra đây là một thuận lợi cho việc thành lập một cộng đoàn chiêm niệm, một cộng đoàn sống tình gia đình trong đó tất cả đều là con của một Cha trên trời và các thành viên là anh em với nhau. Tưởng chừng như nếp sống này quá mới mẻ đối với người Việt, ngay cả Giáo Hội nơi đây cũng vẫn còn quá non trẻ, chỉ mới được thành lập vài thế kỷ và cũng đã phải trải qua một thời kỳ chịu bách hại đẫm máu, nhưng trong thực tế “người Việt không phải – chưa phải – là một kẻ mất gốc, lang thang phiêu bạt, một cá nhân ngập chìm trong đám đông không định hình của xã hội… Người Việt cho dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng thuộc về một họ, tức gia đình theo nghĩa rộng, tổ chức vững chắc, liên kết chặt chẽ bằng huyết thống, bằng những quyền lợi vật chất, bằng những niềm tin tôn giáo, bằng các mối dây liên luân lý của cộng đồng.”[6] Như vậy, nếp sống cộng đoàn không phải là một điều hoàn toàn mới mẻ đối với người Việt, vì ở Việt Nam, gia đình truyền thống “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” đã tồn tại qua nhiều thế kỷ[7].
Người Việt lại có cách gọi thân thương gia đình của mình là “nhà”. Trong văn hóa Việt Nam, từ “nhà” có nhiều nghĩa. Theo nghĩa hẹp, từ này chỉ ngôi nhà như một kiến trúc, một nơi ở. Theo nghĩa rộng, từ này chỉ những người ở trong nhà, đó là gia đình: nhiều thế hệ ở chung dưới một mái nhà. Theo nghĩa rộng hơn nữa, từ “nhà” bao gồm tất cả những người cùng một ông tổ; chẳng hạn “nhà Nguyễn”, “nhà Lê” hoặc “họ nhà Nguyễn”, “họ nhà Lê”. Nhưng ý nghĩa của từ này không giới hạn ở phương diện vật chất hoặc theo họ hàng dòng tộc, từ “nhà” còn được dùng để chỉ mối quan hệ thân thiết. Khi người vợ nói tới chồng, bà ta dùng từ “nhà”, “nhà tôi”, nghĩa là chồng tôi. Người chồng cũng dùng từ này để chỉ vợ mình. Nói đến từ “nhà”, người Việt nghĩ ngay đến sự thân thiết và rộng mở. Sự thân thiết, bởi vì nhà là nơi của mọi tình cảm yêu thương gắn bó, nơi của sự rộng mở, bởi vì nhà là nơi của những tiếp xúc gặp gỡ, nơi của những sự đón tiếp khách vốn có thể vào nhà bất cứ lúc nào[8]. Có lẽ đó là lý do tại sao chúng ta lại gọi gia đình đan viện là “nhà dòng”. Di Ngôn số 96 ghi rõ: “Trong trường hợp anh em đau yếu, Bề Trên không được gửi về điều dưỡng tại gia đình hay nhà bạn hữu, nhưng nếu cần, thì gửi đi bệnh viện công trong vùng. Khi đã có phần thuyên giảm, hoặc bác sĩ đã chê, thì liệu đưa về NHÀ (HP II, 227).” Cha Tổ Phụ tuy là người Pháp nhưng ngài cũng đã hiểu được ý nghĩa sâu xa ấy của từ “nhà”. Trong Di Ngôn, từ “nhà dòng” được ngài sử dụng rất nhiều lần: “nhà dòng là trường học tập làm tôi Chúa” (DN 138), “trong nhà dòng chúng ta có ba phần việc” (DN 139), “khi nào gọi là nhà dòng hư?” (DN 143),…
Vùng Viễn Đông, đặc biệt là các gia đình Việt Nam đã thấm nhuần tư tưởng của Tam Giáo (Nho Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo) từ lâu trước khi Kitô Giáo xuất hiện ở nơi đây. Tưởng chừng như đó là một khó khăn vô cùng lớn cho việc thành lập một cộng đoàn đan tu chiêm niệm Kitô Giáo, tuy nhiên cơ may thành công lại rất lớn. Hầu hết những ai có dịp đến Viễn Đông, sau một thời gian ngắn hoặc dài, đều có một nhận xét chung là đời đan tu có một cơ may thành công trong một đất nước vốn có nhiều chùa chiền Phật Giáo. Sự kiện này cho thấy dân cư ở những đất nước này có khuynh hướng tự nhiên thiên về lối sống đan tu vốn thấm nhuần tính khắc khổ và đượm vẻ huyền bí. Xin trưng dẫn một bằng chứng:
“Không có gì phải kinh ngạc khi có một Dòng chiêm niệm chuyên lo, theo cách của họ, cho việc hoán cải ở Viễn Đông, bởi vì vùng đất này hiện là vùng đất của đời sống chiêm niệm… Các dân tộc này đã sớm hiểu biết rằng, nếu ta muốn tìm gặp Thiên Chúa, thì chính trong thanh vắng và thinh lặng, ta có cơ may gặp được Ngài hơn cả…”[9] Với nếp sống chiêm niệm vốn có sẵn, tuy chưa được gọi bằng từ chuyên môn “chiêm niệm”, người Việt dường như dễ dàng tiếp cận với lối sống Cha Biển Đức Thuận mang đến.
- 2. Nếp sống gia đình Việt và đời sống cộng đoàn
Gia đình Việt sống theo quan hệ huyết thống. Quan hệ huyết thống là quan hệ theo hàng dọc, theo thời gian. Nó là cơ sở của tính tôn ti. Người Việt có hệ thống tôn ti trực tiếp rất chi li, phân biệt rạch ròi tới 9 thế hệ (gọi là cửu tộc). Nếu lấy bản thân mình làm trung tâm thì trên gồm có: kị (cố), cụ, ông, cha; dưới gồm có: con, cháu, chắt, chít[10]. Với nếp sống theo tôn ti trật tự như thế, những người con đất Việt sẽ dễ dàng chấp nhận lối sống cộng đoàn mà Cha Thánh Biển Đức đã quy định thứ vị: “người tới Đan Viện giờ thứ hai, dù tuổi tác danh phận thế nào, cũng phải tự coi là đàn em của người đến giờ thứ nhất.” (TL 63,8) và “Vậy anh em hãy cứ theo thứ vị Viện Phụ đã ấn định, hoặc mình đã nhận được lúc vào dòng mà đi lãnh bình an, rước lễ, xướng Thánh Vịnh và đứng trong ca tòa” (TL 63,4).
Người Việt thời phong kiến rất coi trọng bữa cơm gia đình, thông thường thì phải đủ các thành viên trong gia đình có mặt mới được dùng bữa[11]. Truyền thống này phù hợp với việc dùng cơm chung trong cộng đoàn tu. Tình thương của các thành viên trong cộng đoàn được thể hiện qua bữa cơm với đầy đủ các thành viên. Ngay cả đối với người đã khuất thì “suốt 30 ngày, tại nhà cơm, khẩu phần của người quá cố được dọn ra, và sau đó dành cho người nghèo” (DN 98).
Trong gia đình, chúng ta nhận ra rằng những người khác đã đến trước chúng ta, tạo lập gia đình cho chúng ta sống được, rồi đến lượt mình, chúng ta cũng lại sinh ra sự sống và làm những việc tốt đẹp. Chúng ta có thể trao ban, bởi chúng ta đã lãnh nhận.[12] Truyền thống gần một thiên niên kỷ của Dòng Xitô cũng được tiếp nối bởi cách thức ấy, như Thánh Biển Đức quy định trong bậc khiêm nhường thứ tám: “trong đan viện, đan sĩ không làm gì ngoài luật chung và gương lành các bậc trưởng thượng” (TL 7,55).
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chị ngã em nâng.” Hay như câu ca dao:
“Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc khó khăn vui vầy.”
Từ ngàn xưa, sức mạnh gia tộc thể hiện ở tinh thần đùm bọc, thương yêu nhau. Người trong họ có trách nhiệm cưu mang nhau về vật chất: Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì; hỗ trợ nhau về trí tuệ, tinh thần: Nó lú nhưng chú nó khôn; và dìu dắt nhau, làm chỗ dựa cho nhau về chính trị: Một người làm quan, cả họ được nhờ.[13] Nếu mang giá trị truyền thống này vào nếp sống cộng đoàn, vốn được coi là một đại gia đình, thì có thể nói được rằng, đó sẽ là một động lực giúp những đan sĩ Việt sống viên mãn trong ơn gọi đan tu hơn. Vì cộng đoàn tu cũng giống như bất cứ cộng đồng nào khác ngoài xã hội ở đặc điểm nó luôn có những căn bệnh trầm kha: xét đoán và kết án người khác. Gia đình hiện đại cũng không tránh khỏi điều ấy. Gia đình đang trải nghiệm một khủng hoảng văn hóa sâu xa, và mọi cộng đồng và quan hệ xã hội cũng thế. Trong trường hợp gia đình, sự suy yếu các mối quan hệ này đặc biệt nghiêm trọng vì gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, ở đó chúng ta học cách sống với người khác bất chấp các khác biệt giữa chúng ta, và học cách thuộc về lẫn nhau[14]. Mặc dù khác nhau về giới tính và tuổi tác, nhưng mọi người trong gia đình đều đón nhận nhau vì có mối dây liên kết họ với nhau. Phạm vi những mối quan hệ này càng rộng và sự khác biệt tuổi tác càng lớn, thì môi trường sống của chúng ta càng phong phú.[15]
Cộng đoàn đan viện gồm các thành viên được Thiên Chúa quy tụ từ mọi miền đất nước. Mỗi người gia nhập đan viện với hành trang là tất cả những gì mang đậm chất văn hóa của vùng mình sinh sống: giọng nói, cách suy nghĩ, lối ứng xử. Thêm vào đó, không phải ai cũng cùng một độ tuổi, cùng một đẳng cấp, một địa vị khi ngoài xã hội trước kia. Trong cộng đoàn có tất cả: sang, hèn, giàu, nghèo,… Những khác biệt ấy làm cho việc chấp nhận nhau trong nếp sống cộng tu không phải là một điều có thể thực hiện một sớm một chiều. Điều đó đòi hỏi nơi mỗi người lòng vị tha chân thành xuất phát từ một lòng mến thực sự. Có thể việc cảm thông cho những lỗi lầm của người khác sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta, những người đã được cha mẹ đã giáo dục phải sống yêu thương ngay từ tấm bé trong lòng gia đình Việt. Vì hơn bất cứ nơi nào khác, gia đình là nơi hằng ngày chúng ta trải nghiệm những giới hạn của chính mình và của những người khác, những vấn đề lớn nhỏ trong việc chung sống an bình với những người khác. Không có gia đình nào là hoàn hảo. Chúng ta không nên sợ những bất toàn, yếu đuối hay cả những xung khắc, nhưng hãy học cách đối phó với những điều ấy một cách xây dựng. Vì thế gia đình –nơi chúng ta vẫn yêu thương nhau dù có những giới hạn và tội lỗi– trở thành một trường học của sự tha thứ.[16] Từ thế kỷ thứ VI, khi viết bản Tu luật cho các đan sĩ của mình, Cha Thánh Biển Đức đã biết đến điều này, đó là lý do tại sao Ngài thiết lập “Trường học phụng sự Thiên Chúa” hay “Trường học đức ái” hầu giúp các đan sinh “sửa chữa nết xấu và bảo toàn đức ái” (x. TL Lời mở đầu, 45-47).
Kết
Với con tim nồng nhiệt của một nhà truyền giáo muốn mang Tin Mừng đến cho Việt Nam, Cha Biển Đức Thuận đã được Chúa tuyển chọn để trở nên một Đấng sáng lập Dòng. Và cũng chính Chúa đã cho ngài một cái nhìn nhạy bén về văn hóa Việt, đặc biệt là văn hóa truyền thống gia đình Việt để từ đó ngài kết hợp làm nền tảng cho lối sống đan tu chiêm niệm cho người Việt. Cộng đoàn đan tu chiêm niệm luôn là nơi chan chứa yêu thương nhưng cũng là nơi mang lại cho người đan sĩ những thử thách. Với những truyền thống tốt đẹp do cha ông để lại trong việc đối nhân xử thế, ước mong mỗi người đan sĩ sẽ tìm được hạnh phúc trong đời dâng hiến trong “Trường học đức ái” (Schola Caritatis).
[1] An Phước, Hạnh Tích Cha Tổ Phụ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia Việt Nam, lưu hành nội bộ, tr. 80
[2] An Phước, Sđd, tr. 80-81
[3] Lê Văn Đoàn, Tiểu sử Cha Biển Đức Thuận, P.1, Lưu hành nội bộ, tr. 278
[4] An Phước, Sđd , tr. 185
[5] Định nghĩa GIA ĐÌNH của Wikipedia.com tiếng Việt
[6] Đỗ Trinh Huệ, Văn hóa, Tôn giáo, Tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả L. Cadière, Nxb. Thuận Hóa, Huế 2006, tr. 89. Trích lại trong: Cadière, Gia đình và đạo giáo ở Việt Nam, Croyances et Pratiques Religieuses, 1958, Q.I, tr. 58.
[7] Bùi Đình Châu, Văn hóa gia đình, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 2002, tr. 312
[8] Lê Văn Đoàn, Tiểu sử Cha Biển Đức Thuận, P.1, Lưu hành nội bộ, tr. 330
[9] Lê Văn Đoàn, Sđd, tr. 274
[10] Vân Hạnh, Văn hóa dòng họ, Nxb. Thời Đại, Hà Nội 2009, tr. 16
[11] Bài viết “Gia Đình Việt Nam” trên Wikipedia.com tiếng Việt
[12] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 49 (năm 2015)
[13] Vân Hạnh, Văn hóa dòng họ, Nxb. Thời Đại, Hà Nội 2009, tr. 16
[14] Đức Thánh Cha Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 66
[15] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 49 (năm 2015)
[16] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 49 (năm 2015)