Mc 10, 46-52
“Niềm Tin và Tình Yêu biến đổi phận người”
M. Viết Huy
Người ta thường nói “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, điều này rất chính xác, bởi nhờ đôi mắt chúng ta có khả năng quan sát, khám phá, chiêm ngắm và cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh. Nhưng thương thay, còn biết bao người mù bẩm sinh, hay do bệnh tật, tai nạn đã cướp đi đôi mắt, từ đó không có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, vẻ đẹp thiên nhiên… Họ phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Cuộc sống của họ tưởng chừng như trôi đi trong bóng đêm, với những chuỗi ngày buồn thảm, cô đơn. Thế nhưng, nhờ sức mạnh của niềm tin và huyền nhiệm tình yêu, họ vượt qua mọi rào cản, thách đố, để can đảm sống sao cho ý nghĩa và hy vọng tương lai tươi sáng sẽ mở ra.
“Từ khi cất tiếng khóc chào đời, xung quanh Đạt chỉ toàn là bóng tối. Hứng chịu cơn sốt virus từ trong bụng mẹ, nên khi sinh ra Đạt đã bị khiếm thị bẩm sinh. Đau đớn trước bệnh tật của con, bố mẹ Đạt nhiều khi tưởng mình gục gã, họ đã đưa con đi khắp đây đó, tới tất cả những bệnh viện uy tín nhất trên cả nước để chữa trị cho con. Thế nhưng, sau sáu lần phẫu thuật, phép màu đã không xảy ra, đến lúc đó cả bố mẹ và Đạt đều phải bất lực chấp nhận số phận.
“Sau lần phẫu thuật thứ năm không thành công, mình đã từng đứng trên tầng cao của một bệnh viện và có ý định tự vẫn. Nhưng lúc đó nghĩ đến tình yêu và sự cố gắng hết lòng của bố mẹ dành cho mình, mình đã không đành lòng. Đúng thời điểm đó mình nghĩ mình phải sống thật mạnh mẽ, thật ý nghĩa để báo hiếu với bố mẹ”, Đạt nhớ lại.” (Câu chuyện chàng trai khiếm thị giàu nghị lực và câu chuyện tình cổ tích. https://baomoi.com>Đời Sống>Tình Yêu-Hôn Nhân, số ra 18/7/2016).
Chính nhờ tình yêu của bố mẹ và niềm tin vào cuộc sống, Đạt đã vượt qua mọi khó khăn để vươn lên, sống có ý nghĩa cho đời, cho người và mở ra một tương lai tươi sáng (Đạt mới cưới một người vợ xinh đẹp, hiền thục, đảm đang. Hiện nay Đạt cũng đang học tại trường Đại Học Mở. Bên cạnh đó, Đạt còn thi đỗ vào chuyên ngành Tác động cột sống của Bệnh Viện Y Học cổ truyền).
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô cũng thuật lại toàn cảnh một người mù ăn xin bên vệ đường, được Đức Giêsu chữa lành căn bệnh mù, để anh có một tương lai tốt đẹp.
Thánh Marcô thuật lại, khi Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi thành Giê-ri-khô thì có một người hành khất mù tên là Bác-ti-mê, đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Hạn từ “hành khất mù”, nói lên anh là người ăn xin trong phận mù lòa, là người đói khổ về vật chất cũng như tinh thần, đang cần tấm lòng chia sẻ và sự giúp đỡ của người khác. Còn hạn từ “ở vệ đường”, đồng nghĩa với “đầu đường xó chợ”, nói lên hoàn cảnh bơ vơ, không nhà không cửa, không người thân, không nơi nương tựa… Anh phải nhờ vào của bố thí của dân chúng và những kẻ qua đường, để sống qua ngày đoạn tháng. Hoàn cảnh của anh thật bi đát, đáng thương; một mảnh đời xem ra không màu hồng, không niềm vui, không tia hy vọng về tương lai. Anh phải sống trong những chuỗi ngày cơ cực, đầy bóng tối, đêm đen của kiếp mù lòa. Nhưng may thay, trong sâu thẳm con tim, cõi lòng, anh vẫn luôn khao khát điều kỳ tích sẽ đến với mình vào một ngày nào đó. Mặc cho đó chỉ là niềm hy vọng nhỏ nhoi, mong manh!
Vì thế, khi vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta liền kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (c. 47). Một lời kêu xin với cả tấm lòng tan nát, thốt lên từ một phận đời khổ sầu, tủi nhục… Tim anh chất chứa bao niềm hy vọng, bao nỗi chờ mong được Đức Giêsu giải cứu. Niềm tin của anh đặt cả vào quyền năng và lòng thương xót của Đức Giêsu. Chính vì vậy, mặc cho đám đông ngăn cản, quát mắng anh im đi, nhưng anh càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”(c. 48).
Trước niềm tin và lời van xin da diết của anh mù, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và nhìn đến thân phận thấp hèn của anh. Người dừng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!”(c. 49a). Lời mời gọi của Đức Giêsu mở ra cho anh mù niềm hy vọng, một tương lai ló dạng đang chờ đợi anh. Khi nghe người ta nói “Người gọi anh đấy, anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu”(c. 50). Vất áo choàng lại, đây là một cử chỉ, một hành động buông bỏ tất cả những gì là quá khứ để vươn mình về tương lai; bỏ lại những gì là đêm tối, mù lòa, để sống cho một tương lai bình minh, một cuộc sống đầy nắng vàng; từ bỏ những buồn sầu, tủi nhục, cay đắng… để sống cho tình yêu và niềm vui Tin Mừng.
Niềm tin của anh không dừng lại ở những gì dân chúng cho anh biết về con người Giêsu Nadarét, nhưng anh kêu xin với niềm xác tín Ngài là “Con vua Đavít” là Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai. Anh kêu xin đúng tên và tước hiệu của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh. Anh mong Người sẽ làm cho anh được sáng mắt như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”(Is 35,5-6). Điều này càng chứng tỏ đức tin mạnh mẽ của anh dành cho Chúa Giêsu. Chính lòng tin của anh đã chạm tới tình thương và lòng nhân từ của Đức Giêsu, nên Ngài đã ban cho anh điều anh xin: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”(c.52a).
Tình yêu của Đức Giêsu không chỉ cứu chữa anh khỏi bệnh mù đôi mắt thể xác, nhưng còn giải thoát anh khỏi bệnh mù tâm linh, để anh nhìn ra con đường theo Chúa: “Tức khắc, anh nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” (c. 52b). Một chân trời mới đã mở ra với anh. Anh không còn đi trên còn đường mù lòa, con đường đêm đen, mà từ nay anh bước đi trên con đường ánh sáng, con đường đem lại sự sống đời đời, đó là con đường mang tên “Giêsu”.
“Đi theo Chúa trên con đường Chúa đi”, không có nghĩa là từ nay anh được Chúa cất đi mọi thánh giá trong cuộc đời. Trái lại, anh phải tiếp tục theo Người trên con đường lên Giêrusalem để cùng với Chúa chịu sỉ nhục, chịu đánh đòn, vác thập giá và cuối cùng là chết trên thập giá với Đức Giêsu (x. Mt 16, 24). Tất cả những chén đắng đó, anh cùng phải uống với Chúa, nhưng không phải uống với con tim oán hờn, căm phẫn… như ngày nào, ngược lại, anh đón nhận nó với tâm hồn bình an, vui vẻ, dâng hiến… Những đau khổ trước kia, nó làm anh cay đắng và thất vọng bao nhiêu, thì sau khi gặp Chúa, những thánh giá trong cuộc đời anh có ý nghĩa, và mang “vị ngọt tình yêu” bấy nhiêu. Giờ đây, đối với anh, con đường đau khổ, con đường thập giá không phải là con đường vô nghĩa, còn đường tủi sầu, mà chính con đường đó sẽ đem lại cho anh niềm vui phục sinh trong Đức Giêsu Kitô.
Suy gẫm về thân phận của anh mù cũng là dịp để ta nhìn lại chính mình. Mặc dù ta không mù đôi mắt thể lý, nhưng có ai tự hào mình không bị mù con mắt tâm hồn?
Đức Piô XII và ngay cả thánh Gioan Phaolô II cũng nhận định rằng: “Con người ngày nay mất dần cảm thức về tội”. Đây là căn bệnh mù thiêng liêng, rất nguy hiểm và trầm trọng đối với nhân loại. Mù đôi mắt thể xác, chỉ lấy đi nơi ta khả năng chiêm ngắm vẻ đẹp trần thế, nhưng mù con mắt tâm hồn, khiến ta không nhìn thấy được vẻ đẹp của Chân, Thiện, Mỹ. Khi ta sống thờ ơ, ù lì trong tội, là lúc ta mù đôi mắt tâm hồn, không nhận ra chính mình bất toàn, yếu đuối, mỏng dòn; không biết mình đang ở trong trình trạng tội lỗi. Bên cạnh đó, khi ta sống trong tự kiêu, ích kỷ, ghen tỵ… là lúc mây mù, đêm đen đang giam giữ linh hồn ta trong hận thù, tranh chấp; không cho ta thấy được những đức tính tốt, lòng bao dung nơi tha nhân… Tóm lại, bệnh mù tâm hồn sẽ đóng khung và giam giữ ta trong tội, làm cho ta ngày càng xa rời Thiên Chúa, đánh mất tình hiệp thông với anh em.
Chính vì, đang ở trong trình trạng mù tâm hồn, nên ta cần đến tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì vậy, ta hãy noi gương, bắt chước anh mù, tin tưởng vào quyền năng, lòng nhân từ của Thiên Chúa, mà kêu xin Người giải thoát ta khỏi trình trạng mù lòa trong đời sống thiêng liêng, để ta nhận ra Chân, Thiện, Mỹ và bước theo Người trên con đường Người đi.
Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin để con biết cởi bỏ con người cũ, đó là con người tội lỗi, và mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Cũng như, xin cho con biết mở lòng ra để được Chúa Thánh Thần biến đổi trong chân lý và thánh thiện.