Thứ sáu, 27 Tháng mười hai, 2024

ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI

ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI
Bài giảng thánh lễ Bế Mạc Năm Thánh Bách Chu Niên
Ngày cha tổ phụ lập dòng 1918 – 2018
(Viện phụ Hội trưởng M. Gioan Thánh Giá LÊ VĂN ĐOÀN)

Anh chị em thân mến!
Cách đây một năm (15.08.2017), chúng ta đã họp nhau nơi đây để long trọng khai mạc Năm Thánh Mừng Bách Chu Niên ngày cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận lập Dòng trên núi Phước Sơn, Quảng Trị. Hôm nay chúng ta lại họp nhau nơi đây để cùng dâng Thánh Lễ Tạ Ơn, bế mạc Năm Thánh.
Vậy, kết thúc Năm Thánh: Phải chăng là dừng lại? Bế mạc năm thánh, phải chăng là đóng lại? Không. Kết thúc Năm Thánh chỉ là kết thúc một giai đoạn, và mở ra một giai đoạn mới. Bế mạc là hạ màn cho những cử hành đã thực hiện, nhưng lại khai mạc cho những cử hành mới. Một hành trình mới mở ra chờ đợi chúng ta. Nhưng đâu là định hướng cho tương lai, cho giai đoạn mới, cho hành trình mới?
Ba bài đọc Kinh Thánh trong Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay, gợi cho chúng ta thấy ba yếu tố quan trọng định hướng cho tương lai, đó là: ÂN NGHĨA, BÌNH AN và TÌNH YÊU. Cùng với ba yếu tố này, có ba động từ đi theo để diễn tả tính năng động: NHẮC LẠI, VUI HƯỞNG và Ở LẠI.
1) Ân nghĩa
Bài đọc I (Is 63, 7-9): Diễn tả ân nghĩa Đức Chúa đã thực hiện và ngôn sứ nói về chính mình và mời gọi người khác: “Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi” (Is 63, 7). Ân nghĩa Thiên Chúa là định hướng cho lịch sử dân tộc Israel – qua đó cũng định hướng cho mọi người tin vào Thiên Chúa.
Ân nghĩa được lãnh nhận, đón nhận nhưng đồng thời phải được công bố, được nhắc đi nhắc lại: “Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa” (Is 63, 7a).
Trong những năm qua (2016-2018) Hội Dòng Xitô Thánh Gia chúng ta có 03 năm chuẩn bị – và năm qua Mừng Bách Chu Niên. Trong những năm qua, chúng ta đã có dịp nhắc đi nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa ban cho Cha Tổ Phụ và qua ngài, cho chúng ta. Đặc biệt trong năm qua, việc Cha Tổ Phụ lập Dòng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đây quả là ân nghĩa Đức Chúa, đây là lòng nhân hậu quá lớn lao của Người, đây lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân (x. Is 63, 7).
Để hành trình nối kết quá khứ với tương lai, thì hiện tại phải có những ký ức sống động, ký ức về ân nghĩa Chúa. Chính Cha Tổ Phụ đã luôn mời gọi là “hãy luôn nhớ mà cám đội ơn Chúa đã gọi chúng ta vào dòng” – chúng ta vừa nghe lời giáo huấn của cha Tổ Phụ trong nghi thức tưởng niệm (xem Di Ngôn, số 133), chính ký ức này nối kết các thế hệ lại với nhau: Từ Cha Tổ Phụ đến chúng ta và các thế hệ tương lai.
Cử hành Năm Thánh Bách Chu Niên khép lại, rồi tiếp đến sẽ mừng Đệ Nhị Bách Chu Niên – dù khi đó chúng ta đã trở thành người thiên cổ! nhưng ân nghĩa Chúa vẫn tồn tại mãi. Một trăm năm nữa Hội Dòng chúng ta sẽ ra sao? Có thể là một Hội Dòng lớn mạnh gấp nhiều lần hôm nay, hay chỉ còn lại một số nhỏ, đã già nua, hay như thế nào đi nữa, thì chắc chắn vẫn là ân nghĩa Chúa, ân nghĩa Chúa vẫn là định hướng cho tương lai, tình yêu Chúa vẫn tồn lại mãi mãi. Đây là niềm xác tín của chúng ta.
Nếu từng thế hệ đều có những ký ức sống động của việc lập dòng mà Cha Tổ Phụ thực hiện như là ân nghĩa Thiên Chúa, thì Hội Dòng sẽ sống động và đầy sức sống: sức sống Thần Linh.
Vậy, hãy nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, hãy nhớ mà cám ơn Chúa đã cho Cha Tổ Phụ lập dòng và chúng ta được sống trong nhà Chúa. Vậy hãy sống bình an như cha đã sống (x. Di Ngôn, số 150).
2) Bình an
Trong bài đọc thứ II (Cl 3, 12-17): Thánh Phaolô mong ước và như lời cầu xin: “Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó” (Cl 3, 15).
Bình an không những là chân trời của cuộc hành trình mà chính là bầu khí định hướng cho cuộc sống. Bình an đây chính là bình an của Chúa Giêsu Kitô, mà chính Chúa đã để lại: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14, 27). Bình an của Chúa mạnh hơn tất cả những thăng trầm của đời sống và tính cách cá nhân cũng như cộng đoàn.
Bình an là định hướng cuộc sống: đó là điều Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã nhận được từ Chúa, đã sống thực tế trong cuộc đời. Các giáo huấn của ngài, đặc biệt lời trối của ngài đã bộc lộ tâm hồn bình an sâu lắng của ngài, và ngài đã mời gọi: “các con hãy ở bình an như cha” ( Di Ngôn, số 150).
Một trăm năm qua, từ ngày Cha Tổ Phụ lập Dòng cho đến hôm nay, Hội Dòng chúng ta đã kinh qua bao thăng trầm, nhưng bình an của Chúa vẫn có đó. Bình an giúp gìn giữ và phát triển cả gia tài là ơn gọi đan tu Xitô ngày nay. Cử hành Bách Chu Niên chấm dứt ngày hôm nay, để rồi lại khai mở một giai đoạn mới cho Đệ Nhị Bách Chu Niên.
100 năm tới: xa quá! Thôi lấy cái mốc 50 năm, nhưng đến ngày đó một số – trong chúng ta hiện diện hôm nay – đã ra đi, trong đó có bản thân tôi, và những anh em thỉnh sinh bây giờ, đến ngày đó cũng đã ngoài 70 tuổi rồi. Tất cả đều đã già nua, lẩm cẩm, và cả Hội Dòng cũng đầy những người già nua. Cha Tổ Phụ đã có một cái nhìn rất thực tế: từng lớp người như sóng xô, như muốn nuốt chửng trái đất này, nhưng rồi lớp này ra đi, lớp kia tới, rồi lại ra đi. Tất cả sẽ đi tới chỗ xóa tan tất cả. 100 năm nữa, 50 năm nữa tôi sẽ ra sao? Cộng đoàn, Hội Dòng sẽ ra sao? Đừng quá lo lắng. Hãy bình an. Xin bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn từng người chúng ta, và với tư cách thân thể duy nhất, tất cả Hội Dòng đều hưởng ơn bình an đó. Tất cả sẽ ra đi, từng thế hệ, nhưng bình an phải là định hướng tương lai. Nghĩa là trao phó cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
Cha Tổ Phụ đã ra đi, bao thế hệ cha anh đã ra đi và chúng ta cũng sẽ ra đi, nhưng hãy nhìn tất cả những sự kiện đó và bao sự kiện khác – tỏa sáng cũng như tăm tối, vui mừng hay u buồn, – trong nhãn quan phó thác vào Chúa là Cha chúng ta là tốt nhất. Hãy ở bình an, hãy an tĩnh, hãy bình tâm; hãy sống trong tình yêu và sự quan phòng của Chúa.
3) Tình yêu
Đây là nơi cô đọng của hai yếu tố trên: Ân nghĩa và Bình an. Tình yêu là tất cả. các linh phụ Xitô đã khẳng định và Cha Tổ phụ chúng ta đã luôn xác tín, tất cả sẽ qua đi, trừ ra tình yêu Chúa, tình yêu Chúa vẫn có đó (x. Di Ngôn, số 113), nhưng chúng ta phải làm thế nào để đón nhận được, hầu làm phong nhiêu đời mình và tha nhân?
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe (Ga 15, 9-17), Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Ở lại trong tình yêu của Chúa, nhưng đâu là điều giúp chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa? Đó là cầu nguyện, cầu nguyện là ở với Chúa, ở trong Chúa. Như Cha Tổ Phụ định nghĩa: “Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa thân tình, là nói khó, chuyện vãn với Chúa” (x. Di Ngôn, số 141).
Cử hành Bách Chu Niên qua đi, cái mốc lịch sử 100 năm đã qua, dù chúng ta hạnh phúc sống trong thời điểm đó, nhưng rồi đây chúng ta là gì? rồi đây Hội Dòng, Cộng đoàn chúng ta sẽ là gì trong tương lai? Có thể một số hình thức nào đó sẽ phải gạt bỏ, một số yếu tố nào đó phải đổi thay cho 50 năm, 100 năm tới, nhưng người đan sĩ chúng ta vẫn vậy, vẫn phải là con người cầu nguyện, và Cộng đoàn, Hội Dòng chúng ta vẫn phải là nhà cầu nguyện, chứ không phải là nhà nông phu, nhà hưu dưỡng (x. Di Ngôn số 118).
Ở lại trong Chúa: trong, qua cầu nguyện phải là định hướng của Hội Dòng chúng ta như là nôi của tình yêu – cầu nguyện là sống tình yêu và chính tình yêu sẽ làm phong nhiêu cho chúng ta, Hội Dòng, Giáo Hội và xã hội.
50 năm nữa, 100 năm nữa rồi sẽ ra sao? Những căn nhà này, và cả Thánh Đường này có lẽ sẽ không còn gì, vì sẽ hao mòn theo thời gian, những người hiện diện nơi đây rồi sẽ đi đâu? Chỉ có tình yêu mới cho ta câu trả lời, chỉ có “trong Chúa” mới giải thích được ý nghĩa đời đan tu Xitô Thánh Gia và lý hữu của Hội Dòng.
100 năm Thời Điểm Hồng Ân, – 100 năm với việc Gieo Trồng Ân Phúc. Tất cả phải mang đậm dấu ấn của ân nghĩa Chúa, của bình an và tình yêu Chúa. Cầu nguyện và cầu chúc cho nhau trong hành trình tới đây của Hội Dòng, của Cộng đoàn và của mỗi chúng ta được định hướng rõ ràng để Ngày Ân Phúc 15.08.1918, để Thời Điểm Ân Phúc 2018 sẽ là động lực giúp đi sâu vào tình yêu cứu độ của Chúa Kitô.
Xin Mẹ La Vang và các thánh Tử Đạo Việt Nam, Cha Tổ Phụ đồng hành với chúng ta trong giai đoạn mới này.
Phước Sơn, ngày 11.10.2018

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gia Đình Thánh Gia: Mẫu Gương Yêu Thương và Hiệp Nhất

LỄ THÁNH GIA THẤT ( Lc 2, 41- 52)  Đan viện Phước Hải Gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội, bởi gia...

Giáng Sinh – Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời Đã Làm Người Và Sống Giữa Chúng Ta

Giáng Sinh - Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời Đã Làm Người Và Sống Giữa Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Giáng Sinh – Lễ Rạng Đông (Lc 2,15-20) Chúa Kitô Mặt Trời Công Chính

Giáng Sinh - Lễ Rạng Đông (Lc 2,15-20) Chúa Kitô Mặt Trời Công Chính Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, muôn dân đã được thấy ơn...

Giáng Sinh – Lễ Đêm (Lc 2,1-14)  “Yêu Nhau Muôn Sự Chẳng Nề…”

Giáng Sinh - Lễ Đêm (Lc 2,1-14)  “Yêu Nhau Muôn Sự Chẳng Nề…” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong khung cảnh huy hoàng của Đêm Thánh vô...

Lễ Vọng Giáng Sinh (Mt 1,1-25) Đức Giêsu – Thiên Chúa Làm Người

Lễ Vọng Giáng Sinh (Mt 1,1-25) Đức Giêsu - Thiên Chúa Làm Người Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bầu khí háo hức rạo rực mừng kỷ...

Lễ Giáng Sinh: Con Thiên Chúa nhập thể làm người và nhập thế cứu người

    Lễ Giáng Sinh 2024 CON THIÊN CHÚA NHẬP THỂ LÀM NGƯỜI VÀ NHẬP THẾ CỨU NGƯỜI Đaminh-Hạnh Lê Văn Chương, Phước Hiệp Hôm nay, ngày 25/12 chúng ta...

Chúa Nhật IV Mùa Vọng C (Mk 5,2-5; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45) Đức Trinh Nữ vội vã lên đường

Chúa Nhật IV Mùa Vọng C (Mk 5,2-5; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45) Đức Trinh Nữ Vội Vã Lên Đường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta...

Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18) Gặp Chúa qua muôn nẻo đường

Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18) Gặp Chúa Qua Muôn Nẻo Đường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Phụng vụ lời...

Chúa Nhật III Mùa Vọng, C, Lc 3,10-18: Trở về với sự thiện

    TRỞ VỀ VỚI SỰ THIỆN (Lc 3,10-18) M. Mai Đăng Minh, CĐ Thiên Phước Con người ngay từ đầu được sinh là nhân chi sơ tính bản...

Chúa Nhật III Mùa Vọng, Lc 3,10-18: Niềm vui nhận biết Đấng Cứu Thế

    Niềm vui nhận biết Đấng Cứu Thế  (Lc 3,10-18)            Đan sĩ M. Paula Đình, Châu Thủy Khởi đi từ bài đọc II,...

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở nên vô nhiễm giữa thế giới “ô nhiễm”

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở Nên Vô Nhiễm Giữa Thế Giới “Ô Nhiễm” Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ. O.Cist Giữa bầu...

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

  LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI MẦU NHIỆM TỘI LỖI Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm về con...