Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

“REO VUI LÊN HỠI THIẾU NỮ XION”

“REO VUI LÊN HỠI THIẾU NỮ XION”

       Đan viện Phước Hải

Chúng ta đã đi được một nửa tiến trình của Mùa Vọng và sắp tới ngày đại lễ mừng con Thiên Chúa giáng trần. Chúa Nhật hôm nay được gọi là “Chúa Nhật Hồng giữa mùa tím”, ngay cái tên gọi đã cho chúng ta cảm thấy nét tươi vui của ngày này. Trong kĩ thuật pha màu, muốn cho màu tím thâm trầm, lạnh lẽo chuyển sang màu hồng tươi vui, ấm áp thì người họa sĩ phải thêm vào đó rất nhiều màu trắng sáng và màu đỏ rực rỡ vui tươi vào. Cũng vậy, khác hẳn các bài đọc trước đó mang sắc thái thâm trầm của việc kêu gọi sám hối để hướng tới ngày Cánh Chung với biết bao điềm báo về những tai họa, biến cố sẽ xảy ra, bên cạnh là bầu khí ảm đạm tăm tối của cơn đại dịch Covid đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, khiến cho nhân loại không khỏi cảm thấy hoang mang lo sợ; thì ngày Chúa Nhật Hồng hôm nay, lại cho chúng ta niềm an ủi lớn lao bởi sắc thái tươi vui của nó với lễ phục Hồng mà linh mục sẽ mặc khi cử hành thánh lễ và với các bài đọc Lời Chúa tràn ngập nét tươi tắn, nhắc nhớ cho ta về ý nghĩa đích thực của mùa vọng là mùa của hy vọng, của niềm tin chờ mong Chúa đến giải thoát dân Người khỏi bao tai ương, bao thất vọng, chán chường của cuộc sống.

Hãy nghe những tiếng reo vui mừng từ miệng ngôn sứ Xôphônia: “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Xion…Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi…Người là Vị cứu tinh” (Xp 3, 14-17b). Đây có lẽ là đoạn Lời Chúa tươi vui, rực rỡ nhất của sách Xôphônia sau một chuỗi những lời hạch tội, đe dọa dân cư Giêrusalem và chư quốc vì đã phạm tội mất lòng Đức Chúa.Ta thấy lời lẽ của Xôphônia như vừa đánh vừa xoa, hay nói đúng hơn đó là phương pháp giáo dục của Thiên Chúa đối với dân Ngài qua bao thời kỳ. Họ hư hỏng thì Ngài đánh đòn, cảnh cáo, đe dọa, nhưng rồi lại xót thương, tha thứ, an ủi và lại tiếp tục ấp iu nó vào lòng. Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu “Thương cho roi cho vọt”, roi vọt và những lời cảnh cáo để nhắc nhở, để thức tỉnh để cứu sống, để đưa về chứ không phải để giết chết hay hủy diệt. Xem ra Thiên Chúa là Đấng cũng mau quên và rất dễ mủi lòng, trước đó thì Ngài nổi giận với dân Ngài và muốn trừng phạt nó, nhưng chẳng mấy chốc lại nguôi ngoai và rút lại án phạt đã đề ra, lại thương xót và cứu vớt dân Ngài. Xôphônia cho thấy những nguyên nhân chính cần phải vui mừng đó là Israel có Đức Chúa ở cùng, chính Ngài là Vị cứu tinh, là sức mạnh bảo vệ chở che họ và đẩy lùi mọi tai ương đang uy hiếp họ. Ngài chính là bình an, là niềm vui của họ. Niềm vui này cũng giống như niềm vui mà thánh Phaolô mong ước tín hữu Philipphê có được “Vui lên anh em… Chúa đã gần đến” (Pl 4, 4-5), “Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.” (Pl 4, 7). Như vậy, có Thiên Chúa ta sẽ có được niềm vui, bình an, mặc dầu cho cuộc sống thực tế của chúng ta có đối diện với bao khó khăn thử thách chăng nữa thì với đức tin kiên vững, đức cậy sắt son, đức mến nồng nàn ta đặt nơi Thiên Chúa thì không điều gì có thể đánh gục được ta, một khi ta đã gắn chặt đời mình vào Thiên Chúa.

Niềm vui của chúng ta còn lớn hơn nữa vì không chỉ chúng ta có Chúa là niềm vui, mà chính Chúa cũng xem ta là niềm vui của Ngài “Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi.” (Xp 3,17c). Đối với những người đang yêu thì không lời nào có cánh lại đẹp cho bằng câu: “Anh (em) là niềm vui của tôi”, hay nói dông nói dài ra là, bạn làm cho tôi thấy vui và cuộc sống tôi mỹ vị hơn, đẹp hơn, có ý nghĩa hơn là nhờ sự hiện diện của bạn, bạn có vị trí rất quan trọng trong đời tôi… Chính vì tình yêu, Thiên Chúa muốn đổi mới con người nên giống Ngài hơn, như thánh Gioan Thánh Giá, vị thánh Tiến sĩ của Dòng Carmel từng nói, như lửa biến đổi mọi sự nên lửa thì tình yêu cũng biến đổi những người yêu nhau nên giống nhau. Thiên Chúa vui vì dân Ngài và muốn dùng tình yêu để biến đổi nó, vì một khi đã nên giống Thiên Chúa là tình yêu thì con người sẽ không còn bội nghĩa, bất trung, phạm tội, không còn đau khổ vì tội lỗi của mình nữa.

Trong thư của thánh Phaolô gởi cho tín hữu Philipphê, Ngài kêu mời các tín hữu hãy vui lên, mà không chỉ vui trong chốc lát mà phải “vui luôn”, tức là luôn luôn vui, vì một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn”, một người sống có đức tin và hy vọng thì không được buồn, bởi vì cuộc sống của chúng ta đang hướng tới niềm vui bất diệt, vậy tại sao phải buồn? Nên nhớ rằng mọi sự đời này chỉ là phù vân, và mọi thứ sẽ qua đi chẳng còn lại gì, vậy tại sao bạn lại buồn vì những thứ phù vân ấy. Là con người có cảm xúc, tất nhiên không ai có thể tránh khỏi thất tình lục dục, nhưng là người có nội tâm, có đức tin chúng ta cũng phải luôn giữ cho tâm hồn mình một ngọn lửa cháy sáng niềm vui và bình an trong Chúa. Từ đó quang tỏa ra bên ngoài là lối sống hiền hòa, rộng rãi với mọi người, bất kể họ là ai, bạn hay thù, có cùng niềm tin hay không.

Màu tím của mùa vọng nhắc nhở cho ta phải quay về, nhìn lại quá khứ, ăn năn sám hối, sửa đổi lối sống để chuẩn bị chờ đón Chúa đến. Nhưng không phải bằng vẻ âu sầu thiểu não, nhưng với tâm thế tin tưởng và hy vọng hướng về tương lai tươi sáng, rực rỡ của màu hồng. Đó cũng là khát mong đổi đời của đoàn người đông đảo kéo đến cho Gioan làm phép rửa. Họ là những con người thiện chí, không bằng lòng với nghi thức thanh tẩy bên ngoài, nhưng thực tâm muốn thay đổi, cải thiện lối sống. Họ đã đồng thanh lên tiếng hỏi vị Tiền hô: “Chúng tôi phải làm gì?”. Việc sám hối, cải thiện đời sống không phải chỉ dành riêng cho cá nhân nào, nhưng đó là công việc của mọi người, của tập thể, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân và có liên đới với nhau trong chính tội lỗi của mình, điều này cũng được thể hiện trong thánh lễ qua nghi thức thống hối đầu lễ, khi mọi người cùng nhau đấm ngực thú lỗi “Lỗi tại tôi…”.

Gioan đã không bắt họ từ bỏ hoàn toàn con đường họ đang đi, công việc họ đang làm. Ông chỉ đơn giản đề nghị họ thay đổi trong chính cách sống và nghề nghiệp mà họ đang làm; đó chính là chia cơm sẻ áo cho kẻ đói rách vì bác ái là cách tốt nhất để bù đắp lỗi lầm của mình. Kế đến là phải sống công bằng liêm chính, không thâm lạm, bớt xén, tham lam đòi hỏi quá mức ấn định đối với những nghề dính dáng đến tiền bạc, lợi lộc như ngành thâu thuế. Đối với những ngành có quyền thế, có sức mạnh như nghề binh… thì không được hà hiếp, chiếm đoạt, bắt nạt kẻ yếu thế hơn, không tham mà biết bằng lòng với những gì thuộc về mình. (x. Lc 3,10-14)

Phép rửa của Gioan là rất cần thiết, nhưng chưa đủ, bởi chỉ mang tính hình thức bề ngoài và thức tỉnh lương tâm con người phần nào thôi, nhưng không có sức biến đổi sâu xa bởi bản tính yếu đuối của con người. Chúng ta cần một phép rửa khác cao trọng hơn đó là phép rửa do Đức Giêsu thực hiện bằng Thánh Thần và bằng lửa (x. Lc 3,16c). Chỉ khi nào con người được ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa thanh luyện cùng ơn trợ sủng phù giúp của Chúa Thánh Thần, có sức biến đổi tận căn bên trong thì mới có thể đẹp lòng Thiên Chúa. “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5c)

Tôi xin mượn lời của thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Philipphê nhắn gởi đến bạn trước khi dừng bút “Vui lên anh em… Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.” (Pl 4,4-6). Xin kính chúc anh chị em dọn lòng sốt sắng, vui tươi để chuẩn bị đón Chúa Giáng Sinh.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XXIII, Thường Niên B (Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37) Xin Chữa Con theo Cách Của Chúa

Chúa Nhật XXIII, Thường Niên B (Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37) XIN CHỮA CON THEO CÁCH CỦA CHÚA Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Một cô...

LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ QUÀ SINH NHẬT Mt 1,18-23 M. Clara, Phước Thiên Nếu có dịp đi dự tiệc sinh nhật ai đó, chúng ta thường không...

Chúa Nhật XXII TN, B, Mc 7,1-8a.14-15.21-23: Canh tân tâm hồn

    CANH TÂN TÂM HỒN (Mc 7,1-8a.14-15.21-23) M. Gioan Nguyễn An, Vĩnh Phước Tin Mừng Chúa Nhật XXII thường niên, Năm B hôm nay là những lời giáo...

Chúa Nhật XXII TN, B, Mc 7,1-8a.14-15.21-23: Lời Sống

  LỜI SỐNG (Mc 7,1-8a.14-15.21-23) M. Augustino, Phước Hải Ngôn ngữ đã xuất hiện từ khi con người xuất hiện trên mặt đất này. Ngôn ngữ giúp con...

Chúa Nhật XXI TN, B: Còn sống là còn chọn lựa

  CÒN SỐNG LÀ CÒN CHỌN LỰA (Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69) Jos. ĐB, Phước Vĩnh Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã suy diễn câu nói...

Chúa Nhật XXI TN, B: “Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống.”

"BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI, VÌ THẦY CÓ LỜI BAN SỰ SỐNG" (Ga 6,54a.60-69) Thầy Phêrô Kim-Ngôn Nguyễn Bảo Duy, Phước Hiệp Trích đoạn Tin mừng...

Lễ thánh Bernardo: Thánh Bernardo – Muối và Ánh sáng trong Giáo Hội

    THÁNH BERNARDO – MUỐI VÀ ÁNH SÁNG TRONG GIÁO HỘI (Mt 5,13-19) M. Anselmo Nguyễn Minh Quang, An Phước Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu 5,13-19, Chúa...

Ngày 20/8, Lễ thánh Bênađo viện phụ – Bênađô người đan sĩ Xitô

Ngày 20/8, Lễ thánh Bênađo viện phụ Bênađô người đan sĩ Xitô Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Có lẽ dưới nhãn quan của một số người, thì...

Lễ thánh Viện phụ Bênađô: Ánh sáng ngọt ngào (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ Thánh Phụ Bênađô ÁNH SÁNG NGỌT NGÀO Kn 7,7-10.15-16; 1Cr 1,26-31; Mt 5,13-19 Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Nunquam satis. Đó là lời thánh phụ Bênađô...

Lễ thánh phụ Bênađô: Theo gót vị Tôn sư

  Suy niệm Lễ thánh phụ Bênado 20.8.2024   Là hậu duệ, chúng ta mừng kính Đấng tiền bối, thánh phụ Benado, Viện phụ. Chúng ta hân hoan...

Chúa Nhật XX TN, B, Ga 6,51-58: Bánh Hằng Sống

    BÁNH HẰNG SỐNG (Ga 6,51-58) M. Michael Hội, Phước Lý Từ lúc khởi thủy Thiên Chúa đã tạo dựng và ban cho con người sự sống, là...

Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời: Đức Mẹ lên trời là niềm vui và hy vọng cho chúng ta

  ĐỨC MẸ LÊN TRỜI LÀ NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CHO CHÚNG TA (Kh 11,19a;12,1-6a; 1Cr 15,20-27; Lc 1,39-56) Vp. Vincent Hoà, PV Hôm nay chúng ta...