Thứ bảy, 21 Tháng mười hai, 2024

TẤM BÁNH ĐỜI THƯỜNG – TUẦN XXIX TN (TGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT)

THỨ HAI – TUẦN XXIX TN

KHO TÀNG GIÊ-SU

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA 

Rm 4,20-25

4,20 Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa ; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, 21 vì ông hoàn toàn xác tín rằng : điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. 22 Bởi thế, ông được kể là người công chính.

23 Nhưng khi viết ông được kể là người công chính, thì không phải chỉ nói về ông, 24 mà còn nói về cả chúng ta nữa : chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giê-su, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết ; 25 Đức Giê-su chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính.

Lc 12,13-21

12,13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” 14 Người đáp : “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?” 15 Và Người nói với họ : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này : “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng : ‘Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu !’ 18 Rồi ông ta tự bảo : ‘Mình sẽ làm thế này : phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !’ 20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : ‘Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?’ 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” 

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ 

Tiền bạc của cải là mối bận tâm lớn của con người. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. HIện nay hệ thống tài chính nắm quyền sinh sát thế giới. Trong nền sản xuất công nghiệp phát triển, cần rất nhiều nguyên liệu và nhiên liệu. Ai có nhiều tài nguyên này sẽ giầu có. Sẽ có thế lực. Sẽ điều khiển thế giới. Vì thế ai cũng lo chiếm hữu nhiều tài nguyên. Để có nhiều tiền bạc của cải. 

Nhưng nếu chỉ bận tâm về tiền bạc của cải sẽ rất nguy hiểm. Cần có ý thức về những giá trị lớn hơn, cao hơn, bền vững. Nên Chúa Giê-su cảnh báo: “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Kể dụ ngôn ông nhà giầu xây kho. Toan tính rất hợp lý, có vẻ chắc chắn và lâu dài. Nhưng biết một mà không biết mười. Chúa chỉ cần đưa ra một câu hỏi: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì người sắm sẵn đó sẽ về tay ai”? Tất cả sụp đổ tan tành. Điều quan trọng là bảo đảm được mạng sống. Mạng sống đời này. Nhưng nhất là mạng sống đời đời. Điều đó không nằm trong tầm tay con người. Cần có kho khác và của cải khác bền vững hơn. 

Thư Rô-ma cho biết ta tìm thấy điều đó trong Chúa Giê-su Ki-tô. Như tổ phụ Áp-ra-ham đã tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa. Dám bỏ quê hương tài sản ra đi khi tuổi đã cao. Dám hiến tế cả đứa con trai duy nhất dù chẳng hi vọng sinh con được nữa. Chỉ giữ đức tin vào lời hứa. Tin vào một Thiên Chúa. Chỉ có một đức tin. Tin cả khi không còn gì để tin. Nên tổ phụ đã được tất cả mọi ân sủng do lời hứa của Thiên Chúa đem lại. Cũng thế, khi ta tin vào Chúa Giê-su Ki-tô ta cũng được tất cả. Vì Chúa Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại. Đã từ bỏ tất cả. Để rồi được lại tất cả. Chúa trở nên kho tàng của ta. Tin vào Chúa ta sẽ nên công chính như tổ phụ Áp-ra-ham. Sẽ được lại tất cả (năm lẻ). 

Thư Ê-phê-sô giải nghĩa sâu xa hơn. Kho tàng chúng ta có không do công sức của ta. Nhưng do lòng nhân hậu của Chúa. Chúng ta đã sống theo xác thịt. Theo thế gian. Đáng phải chết.  “Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời”. Đó là kho tàng không bao giờ hư nát. Vì đó là kho tàng không phải do ta làm ra. Nhưng nhờ tin vào Chúa Ki-tô, ta được thụ hưởng: “Ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (năm chẵn).

 

THỨ BA – TUẦN XXIX TN

 GIÊ-SU CỨU CHÚA

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA 

Rm 5,12.15b.17-19.20b-21

5,12 Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. 15 Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. 17 Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.

18 Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. 19 Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.

20 nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. 21 Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Lc 12,35-38

12,35 “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em : chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. 

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ 

Dụ ngôn người đầy tớ tỉnh thức nói về Nước Trời. Ta sống ở trần gian trong thao thức chờ đợi đến ngày được vào Nước Trời. Thao thức được diễn tả bằng việc chờ đợi trong đêm. Chủ về muộn nên đầy tớ phải chờ đợi. Thái độ chờ đợi được Chúa diễn tả bằng 3 hoạt động. Thao thức. Thắt lưng. Cầm đèn. Tất cả không chỉ nói lên sự tận tâm. Mà còn cả tình yêu mến. Yêu mến nên khao khát mong chờ. Yêu mến nên không thể ngủ được khi chưa gặp được ông chủ. Yêu mến nên có thể thức cho đến sáng. Chỉ khi gặp ông chủ mới thôi thao thức. Nhưng yêu mến được bày tỏ trong thái độ phục vụ. Thắt lưng gọn gàng, Sẵn sàng làm việc. Bất cứ việc gì. Lúc nào cũng trong tư thế phục vụ. Để làm đúng nhiệm vụ được trao. Yêu mến nên lo xa. Lúc nào cũng cầm đèn. Lúc nào đèn cũng sáng. Để đèn sáng đương nhiên phải chuẩn bị dầu sẵn sàng. Để chủ về thì không phải chờ một phút nào. Để soi đường đón chủ ngay. Không phải mất giờ đốt đèn. Không sợ lật đật vấp ngã. Lòng yêu mến. Sự phục vụ. Tầm nhìn xa. Không uổng công. Sẽ được đền đáp. Một đền đáp quá lớn lao. Một cuộc đổi đời. Không còn là đầy tớ nữa. Được làm chủ. Được ngồi vào bàn ăn. Lại được chính ông chủ phục vụ. 

Thư Rô-ma cho biết ta được như vậy là nhờ Chúa Giê-su Ki-tô. Vì tội A-đam mọi người chịu thân phận nô lệ. Nhưng nhờ Chúa Ki-tô mọi người được tự do. Vì tội A-đam mọi người phải chết. Nhờ Chúa Ki-tô mọi người được sống. Vì tội A-đam mọi người chịu luỵ phục. Nhờ Chúa Ki-tô mọi người được thống trị.  “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (năm lẻ). 

Thư Ê-phê-sô cho biết ta được thừa hưởng ân sủng do công cuộc cứu độ đem lại, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô đã phá bức tường ngăn cách người Do thái với dân ngoại. Cho ta được từ xa lạ nên gần gũi. Từ người dưng nên họ hàng vì thuộc gia tộc Thiên Chúa. “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su”. Chính đá góc tường liên kết tất cả (năm chẵn). 

Đó là niềm hi vọng lớn lao. Thay đổi cả cuộc đời. Thay đổi cả số phận. Đáng cho ta thao thức. Phục vụ. Và nhìn xa. Để mong chờ không ngơi trong suốt cả đời. 

THỨ TƯ – TUẦN XXIX TN

 TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA 

Rm 6,12-18

6,12 Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác. 13 Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa. 14 Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng.

15 Vậy thì sao ? Chúng ta cứ phạm tội ư, vì chúng ta không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng ? Không đời nào ! 16 Anh em không biết sao ? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục : hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết ; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính. 17 Tạ ơn Thiên Chúa ! Trước kia anh em làm nô lệ tội lỗi, nhưng nay anh em đã hết lòng vâng theo quy luật đạo lý đã đào tạo anh em. 18 Anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ sự công chính.

Lc 12,39-48

12,39 Anh em hãy biết điều này : nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi : “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người ?” 42 Chúa đáp : “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc ? 43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng : ‘ Chủ ta còn lâu mới về ‘, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

47 “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn. 

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ 

Việc chờ đợi của chúng ta không giản đơn là tỉnh thức. Nhưng còn là có trách nhiệm. Vì trong khi Chúa vắng nhà Chúa trao cho ta quyền quản gia. Nhiệm vụ của quản gia được Chúa định nghĩa là trung tín và khôn ngoan. Khôn ngoan là “cấp phát lúa gạo đúng giờ đúng lúc”. Có của cải nhưng phải biết dùng đúng nơi, đúng lúc, đúng cách, mới sinh hiệu quả tối đa. Làm lợi cho kho tàng của chủ. Đó là người quản gia khôn ngoan. Ta quản chính con người mình với những tài năng của thân xác, trí tuệ và linh hồn. Làm sao phân phát lương thực đúng thời đúng lúc cho chúng phát triển? Trung tín là ta không được gian tham chiếm đoạt của chủ. Trong Tin Mừng Chúa cho biết sự bất trung đó là: “Người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gài và chè chén say sưa”. Dùng những gì Chúa ban để thoả mãn dục vọng. Và tệ hơn, không làm phát triển anh em. Nhưng bóc lột anh em. Đó là bất trung, gian tham. 

Thư Rô-ma cho biết bất trung xảy ra vì ta làm nô lệ cho thân xác. Nô lệ cho thân xác tội lỗi sẽ phải chết. Hãy làm nô lệ cho Thiên Chúa ta sẽ nên công chính và được sống. “Anh em không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính”. Thánh nhân khuyên nhủ ta: “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (năm lẻ). 

Thư Ê-phê-sô cho thấy việc quản lý cao quí nhất chính là quản lý Tin Mừng. Vì thế việc phục vụ cao quí nhất cũng là phục vụ Tin Mừng. Và phải phân phát lương thực Tin Mừng cho mọi người đúng nơi đúng lúc. Thánh Phao-lô hãnh diện vì nhiệm vụ đó: “Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô….Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi” (năm chẵn). 

Tạ ơn Chúa cho ta được làm quản gia của Chúa. Và đã trao cho ta kho tàng quí giá nhất là Tin Mừng cứu độ. Nhưng bổn phận phân phát Tin Mừng đúng nơi đúng lúc là nhiệm vụ vô cùng cấp bách và khó khăn. Biết bao linh hồn đang khao khát Tin Mừng cứu độ. Tôi làm nhiệm vụ phân phát thế nào? Có xứng đáng là quản gia trung tín và khôn ngoan không?

 

THỨ NĂM – TUẦN XXIX TN

 LỬA YÊU THƯƠNG

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA 

Rm 6,19-23

6,19 Ấy là tôi nói theo kiểu người phàm, hợp với tầm hiểu biết yếu kém của anh em. Trước đây, anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân, để trở thành vô luân, thì nay anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện.

20 Khi còn là nô lệ tội lỗi, anh em được tự do không phải làm điều công chính. 21 Bấy giờ anh em thu được kết quả nào, bởi làm những việc mà ngày nay anh em phải xấu hổ ? Vì rốt cuộc những việc ấy đưa đến chỗ chết. 22 Nhưng giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa ; anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời. 23 Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết ; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

Lc 12,49-53

12,49 “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ! 50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !

51 “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. 53 Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha ; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.” 

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ 

Lời của Chúa hôm nay là lời của lửa. Hành động của Chúa là hành động của lửa: ném lửa xuống mặt đất. Cuộc đời của Chúa là cuộc đời lửa cháy. Cháy lên tình yêu mãnh liệt. Lửa tình yêu bừng cháy thanh luyện. Đó là phép rửa cuối cùng của Chúa. Đó là tình yêu lớn lao hơn mọi tình yêu. Đã biến cuộc đời Chúa thành một thứ vàng ròng tinh khôi. 

Chúa ước mong lửa đó cháy lên. Cháy lên trong mỗi người chúng ta. Để ngọn lửa đó thanh luyện trái tim ta. Để chỉ yêu mến một mình Thiên Chúa. Để thanh luyện khỏi những gì thuộc trần gian. Gây nên mối chia rẽ lớn lao. Như lửa tách tạp chất ra khỏi vàng. Tình yêu mến Chúa tách ta khỏi những gì thuộc trần gian. Dù đó là những gì thân thiết nhất. Như ước vọng, đam mê. Những người thân thiết nhất. Như cha mẹ, anh em, vợ chồng. Những gì thâm sâu nhất. Như chính bản thân mình. Tất cả phải được tách lìa. Phải được thanh luyện. Thành vàng ròng tình yêu dành cho Thiên Chúa. 

Hãy chiêm ngắm Chúa Giê-su trong vườn Giệt-si-ma-ni. Đó là phép rửa cuối cùng. Ngọn lửa tách biệt cái tôi khỏi thánh ý Chúa Cha. Khiến Chúa đau đớn toát mồ hôi pha máu. Chúa đã trở thành vàng ròng. Để trên thánh giá chỉ còn “phó linh hồn trong tay Chúa Cha”. 

Thư Rô-ma cho biết lửa thanh luyện ta khỏi tội lỗi của con người xưa cũ. Để sống cho con người mới trong ân sủng. Cùng là chi thể nhưng cách sử dụng khác nhau: “Trước đây anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân, để trở thành vô luân, thì nay anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện” (năm lẻ). 

Thư Ê-phê-sô diễn tả cuộc thanh luyện cuối cùng sẽ giúp ta nên vàng ròng tinh tuyền. Để kết hợp mật thiết với Chúa Ba Ngôi. Được tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa Ba Ngôi: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (năm chẵn). 

Xin cho đời ta cháy bừng ngọn lửa yêu thương. Để ta cũng ném lửa. Gây nên đám cháy tình thương trên khắp mặt đất này.

 

THỨ SÁU – TUẦN XXIX TN

DẤU CHỈ GIÊ-SU

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA 

Rm 7,18-25a

7,18 Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. 19 Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. 20 Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.

21 Bởi đó tôi khám phá ra luật này : khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. 22 Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa ; 23 nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác : luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.

24 Tôi thật là một người khốn nạn ! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ? 25 Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta !

Như vậy, nếu theo lý trí, thì tôi làm nô lệ luật của Thiên Chúa ; nhưng theo xác thịt, thì tôi làm nô lệ luật của tội.

Lc 12,54-59

12,54 Đức Giê-su cũng nói với đám đông rằng : “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay : ‘ Mưa đến nơi rồi ‘, và xảy ra đúng như vậy. 55 Khi thấy gió nồm thổi, các người nói : ‘ Trời sẽ oi bức ‘, và xảy ra đúng như vậy. 56 Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét ?

57 “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải ? 58 Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. 59 Tôi bảo cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.” 

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ 

Biết nhìn ra dấu chỉ thật quan trọng. Biết nhìn thời tiết sẽ sắp xếp công việc hợp lý. Đặc biệt là công việc đồng áng. Để cầy cấy cho đúng thời vụ. Đem lại lương thực cho đời sống thân xác. Nhưng biết nhìn dấu chỉ thiêng liêng còn quan trọng hơn. Vì giúp lo liệu công việc cung cấp lương thực thiêng liêng. Cho sự  sống đời đời. 

Chúa mắng những người Do thái là giả hình. Vì họ không thể không biết những dấu chỉ về Đấng Cứu Thế: kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người nghèo được nghe Tin Mừng. Chính Chúa đã thực hiện những điều các tiên tri loan báo từ ngàn xưa. Họ giả hình. Vì biết mà không tin. Có lẽ họ sợ phải thay đổi đời sống. Hay là sợ mất quyền lợi khi phải tin theo Chúa. Giả dối. Tâm thần phân liệt. 

Chúa cảnh báo họ. Nếu không có phán đoán chính xác. Nếu không thay đổi thái độ để có hành xử đúng đắn. Họ sẽ lãnh lấy hậu quả tai hại. Sẽ bị trừng phạt vì sự thiếu khôn ngoan đó: “Kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục”. 

Chứng tâm thần phân liệt được thánh Phao-lô nhận biết ngay trong bản thân mình. Ngài nhận thấy sự bất lực của mình trong đời sống thiêng liêng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”. Và ngài nhận biết mình bị tội lỗi trói buộc. Không sao thoát ra được. Ngài nhận biết chỉ mình Chúa Ki-tô mới có thể cứu ngài thoát sự nô lệ tội lỗi đó: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (năm lẻ). 

Ngài nhận biết thế giới này xung đột chia rẽ. Và sự chia rẽ xuất phát ngay từ nội tâm con người. Đó là do tội lỗi. Cần thống nhất đời sống. Cần thống nhất thế giới. Chỉ có một phương thế: Chịu phép rửa nhân danh Chúa Ki-tô. Như thế “chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hi vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người”. Chỉ Thiên Chúa mới có thể giải cứu thế giới. Chỉ Thiên Chúa mới có thể giải thoát con người. Chỉ Thiên Chúa mới có thể duy nhất đời sống. Nhờ Chúa Giê-su Ki-tô (năm chẵn).

 

THỨ BẢY – TUẦN XXIX TN

 SÁM HỐI

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA 

Rm 8,1-11

8,1 Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa. 2 Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết. 3 Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm : khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình. 4 Thiên Chúa làm như vậy, để sự công chính mà Luật đòi hỏi được hoàn toàn thực hiện nơi chúng ta, là những người không sống theo tính xác thịt, nhưng theo Thần Khí.

5 Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt ; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. 6 Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. 7 Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được. 8 Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. 9 Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô. 10 Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. 11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.

Lc 13,1-9

13,1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng : “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? 3 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? 5 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này : “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn : ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?’ 8 Nhưng người làm vườn đáp : ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.'” 

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ 

Con người thường sống theo xác thịt. Phán đoán theo xác thịt. Gắn bó với xác thịt. Vì thế khi xác thịt phải chết thì lấy làm đau xót. Và cho đó là hình phạt do phạm tội. Nhưng Chúa Giê-su cho biết cái chết thân xác là bình thường. Ai cũng đều phải chết. Có thể do thiên tai. Hoặc do bất cẩn. Nhưng cái chết của linh hồn mới đáng sợ. Đó là cái chết đời đời. Và do tội lỗi. Chính vì thế cái chết thân xác nhắc nhở mọi người đều phải sám hối. Thay đổi đời sống. Đó là điều cấp bách. “Nếu các ông không sám hỗi, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. Như cây vả phải sinh hoa kết quả. Chúa kiên nhẫn chờ đợi. Và tạo cơ hội cho con người sám hối. Tuy nhiên thời gian cũng có hạn. Nếu không sám hối chắc chắn sẽ phải chết phần linh hồn. 

Chúa Giê-su đã chịu chết trong thân xác để ta được sống trong Thần Khí. Sám hối là từ bỏ nếp sống theo xác thịt. Để sống theo Thần Khí. Được Thần Khí hướng dẫn. Sẽ tới sự sống và bình an. Sống trong Chúa Ki-tô sẽ có Thần Khí của Người. Và Thần Khí đã làm cho Người từ cõi chết sống lại cũng sẽ làm cho thân xác của ta có sự sống mới. “Nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dẫu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính” (năm lẻ). 

Cuộc sống mới trong Chúa Ki-tô làm ta nên viên mãn. Chúa đã xuống thẳm sâu để rồi vươn lên đến tuyệt đỉnh. Người mang theo chúng ta là chi thể của Người. Đầu tiến đến đâu chi thể tiến đến đấy. Và chúng ta sẽ “đạt tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô”. Khi đó ta không còn bị xác thịt chi phối. Không còn ngây thơ bị các lý thuyết sai lạc mê hoặc. Ta sẽ “sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu” (năm chẵn). 

Hãy mau chóng sám hối. Từ bỏ con người xác thịt. Sống trong Chúa Ki-tô. Để ta được Thần Khí của Chúa. Sẽ có sự sống. Sẽ viên mãn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi tin có sự sống đời đời

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi Tin Có Sự Sống Đời Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta đang sống trong...

Thứ 6 Tuần XXXIII TN, Lc 19,43-48: Thanh tẩy nhà Cha

THANH TẨY NHÀ CHA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hơn hai...

Thứ 5, Tuần XXXIII TN, Mt 12,46-50: Ai thuộc về gia đình Đức Giêsu

    AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Sau những lời khiển trách các người cứng tin,...

Thứ 5 Tuần XXXIII TN, Lc 19,41-44: Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem

CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường...

Thứ 4 Tuần XXXIII TN – Lc 19, 11-20 Dụ ngôn mười yến bạc

DỤ NGÔN MƯỜI YẾN BẠC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Dụ ngôn mười yến bạc này được Đức Giêsu kể...