Thứ tư, 5 Tháng hai, 2025

TẤM BÁNH ĐỜI THƯỜNG – TUẦN XV TN – NĂM LẺ (TGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT)

THỨ HAI TUẦN XV – TN

BÌNH AN CỦA CHÚA

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Xh 1,8-14.22

1,8 Thời ấy có một vua mới lên trị vì nước Ai-cập, vua này không biết ông Giu-se. 9 Vua nói với dân mình : “Này đám dân con cái Ít-ra-en đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta. 10 Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ.” 11 Người ta bèn đặt lên đầu lên cổ họ những viên đốc công, để hành hạ họ bằng những việc khổ sai ; họ phải xây cho Pha-ra-ô các thành làm kho lương thực là Pi-thôm và Ram-xết. 12 Nhưng chúng càng hành hạ họ, thì họ càng nên đông đúc và lan tràn, khiến chúng đâm ra sợ con cái Ít-ra-en. 13 Người Ai-cập cưỡng bách con cái Ít-ra-en lao động cực nhọc. 14 Chúng làm cho đời sống họ ra cay đắng vì phải lao động cực nhọc : phải trộn hồ làm gạch, phải làm đủ thứ công việc đồng áng ; tóm lại, tất cả những việc lao động cực nhọc, chúng đều cưỡng bách họ làm.

22 Pha-ra-ô ra lệnh cho toàn dân của mình : “Mọi con trai Híp-ri sinh ra, hãy ném xuống sông Nin ; mọi con gái thì để cho sống.” 

Mt 10,34 – 11,1

10,34 “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất ; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. 35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. 36 Kẻ thù của mình chính là người nhà.

37 “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. 38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. 39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.

40 “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.

41 “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.

42 “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” 11,1 Ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Đức Giê-su rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

 Chúa Giêsu đến khiến người ta phải dứt khoát chọn lựa. Hoặc Chúa hoặc ma quỉ. Hoặc trần gian hoặc Nước Trời. Chọn lựa đó dẫn đến hai con đường khác nhau.

 Trần gian tìm thu tích vun quén cho mình. Vì thế nên áp bức bóc lột người khác. Mạnh được yếu thua. Trần gian được thể hiện rõ nét trong toan tính của Pha-ra-ô. Để bảo vệ quyền lực  và để làm giầu cho mình, Pha-ra-ô ra lệnh giết con trai của người Do thái. Và bắt người Do thái làm nô lệ (năm lẻ).

 Trần gian trở thành tinh vi hơn khi ngụy trang dưới lớp vỏ đạo đức. Người Do thái một mặt thờ kính Chúa rất sốt sắng. Dâng rất nhiều lễ vật. Nhưng mặt khác lại không ngừng phạm tội ác, áp bức bóc lột đồng loại. Chúa dùng I-sa-i-a  cảnh báo họ đó là lối sống đạo không đẹp lòng Chúa (năm chẵn).

 Trái lại  người đi theo Chúa phải luôn từ bỏ tất cả những  gì ngăn cản ta đến với Chúa. Dù đó là cha mẹ, anh em, con cái. Thậm chí phải bỏ chính mình, bỏ cả mạng sống mình nữa.

 Nhưng kết quả thật khác xa. Kết quả trước mắt là bình an. Người chỉ lo chiếm đoạt và ức hiếp bóc lột sẽ tạo ra chiến tranh, bất bình. Bản thân người chỉ lo tính toán để hại người cũng không được bình an. Những nhà độc tài luôn lo sợ và nghi ngờ. Dục vọng làm cho tâm hồn con người không bao giờ an nghỉ.

 Trái lại những người theo Chúa, từ bỏ mình lại luôn được bình an. Một niềm bình an sâu thảm vì đã thoát được tất cả những dục vọng, thèm muốn, chiếm đoạt. Và nhất là vì đã được chính Chúa làm phần thưởng.

 Trong  tầm nhìn cánh chung, những người chỉ lo thu tích, chiếm đoạt bằng áp bức bóc lột người khác sẽ mất tất cả khi bước vào đời sau. Tệ hơn thế, họ còn bị xét xử, kết án và bị trừng phạt.

 Trái lại những người đã biết cho đi, quên mình sẽ được phần thưởng trọng hậu. Ngay cả những cử chỉ bác ái quên mình bé nhỏ như cho một ly nước lã thôi, Chúa cũng ghi nhớ và thưởng công xứng đáng. Khi sống quên mình và biết nghĩ đến người khác, người môn đệ kiến tạo hòa bình trên thế giới. Đó là nền hòa bình chân thực phát xuất từ tâm hồn. Đó là bình an của Chúa. 

THỨ BA TUẦN XV – TN

TẤM LÒNG CHAI ĐÁ

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

 Xh 2, 1-15a  

2,1 Có một người thuộc dòng họ Lê-vi đi lấy một người con gái cũng thuộc họ Lê-vi. 2 Người đàn bà ấy thụ thai và sinh một con trai. Thấy đứa bé kháu khỉnh, nàng giấu nó ba tháng trời. 3 Khi không thể giấu lâu hơn được nữa, nàng lấy một cái thúng cói, trét hắc ín và nhựa chai, bỏ đứa bé vào, rồi đặt thúng trong đám sậy ở bờ sông Nin. 4 Chị đứa bé đứng đàng xa để xem cho biết cái gì sẽ xảy ra cho em nó. 5 Có nàng công chúa của Pha-ra-ô xuống tắm dưới sông, trong khi các thị nữ đi đi lại lại trên bờ. Nàng thấy chiếc thúng ở giữa đám sậy, thì sai con hầu đi lấy. 6 Mở thúng ra, nàng thấy đứa trẻ : thì ra là một bé trai đang khóc. Nàng động lòng thương nó và nói : “Thằng này là một trong những đứa trẻ Híp-ri.” 7 Chị đứa bé thưa với công chúa của Pha-ra-ô : “Bà có muốn con đi gọi cho bà một vú nuôi người Híp-ri, để nuôi đứa bé cho bà không ?” 8 Công chúa của Pha-ra-ô trả lời : “Cứ đi đi !” Người con gái liền đi gọi mẹ đứa bé. 9 Công chúa của Pha-ra-ô bảo bà ấy : “Chị đem đứa bé này về nuôi cho tôi. Chính tôi sẽ trả công cho chị.” Người đàn bà mang ngay đứa bé về nuôi. 10 Khi đứa bé lớn lên, bà đưa nó đến cho công chúa của Pha-ra-ô. Nàng coi nó như con và đặt tên là Mô-sê ; nàng nói : “Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước.”

11 Hồi đó, ông Mô-sê đã lớn, ông ra ngoài thăm anh em đồng bào và thấy những việc khổ sai họ phải làm. Ông thấy một người Ai-cập đang đánh một người Híp-ri, anh em đồng bào của ông. 12 Nhìn trước nhìn sau không thấy có ai, ông liền giết người Ai-cập, rồi vùi dưới cát. 13 Hôm sau, ông lại đi ra, gặp hai người Híp-ri đang xô xát nhau, ông nói với người có lỗi : “Tại sao anh lại đánh người đồng chủng ?” 14 Người đó trả lời : “Ai đã đặt ông lên làm người lãnh đạo và xét xử chúng tôi ? Hay là ông tính giết tôi như đã giết tên Ai-cập ?” Ông Mô-sê phát sợ và tự bảo : “Vậy ra người ta đã biết chuyện rồi !” 15 Nghe biết chuyện này, Pha-ra-ô tìm cách giết ông Mô-sê. Ông Mô-sê liền đi trốn Pha-ra-ô và ở lại miền Ma-đi-an. Ông ngồi bên bờ giếng. 

Mt 11, 20-24

11,20 Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối :

21 “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. 22 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. 23 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. 24 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.” 

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Tấm lòng chai đá vô tâm trước tiếng gọi thiêng liêng. Nghe mà không thấy vì ham mê trần thế, chỉ nghe được tiếng gọi trần tục. Tấm lòng chai đá vô ơn trước những ân huệ thiêng liêng vì  mải mê tìm lợi lộc vật chất. Tấm lòng chai đá vô cảm trước sứ điệp sám hối vì không bao giờ chìm vào đáy sâu tâm hồn để biết vũng lầy tội lỗi xấu xa của mình, nên không ghê tởm mà tìm đường ăn năn trở về.

 Ca-phác-na-um và Cô-rô-za-in là những thị trấn lớn, trung tâm thương mại sầm uất. Những tàn tích của hội đường còn lại cho thấy hai thị trấn này thật giầu có, vào thế kỷ thứ 1 mà đã có những công trình kiến trúc sang trọng và tinh xảo. Có lẽ vì giầu có nên họ mải mê với tiền bạc. Tâm hồn họ không tìm thấy lối thoát trong vòng xoay vừa khắc nghiệt, vừa mê đắm của tiền bạc. Chúa Giê-su đã lấy đó làm trung tâm rao giảng Tin mừng. Chúa đã làm ở đó biết bao phép lạ. Nhưng cư dân ở đó vẫn dửng dưng. Nên Chúa đã phải lên tiếng cảnh báo họ sẽ phải chịu cuộc xét xử nghiêm khắc hơn những nơi khác.

 Cuộc đời Mô-sê là dấu chỉ. Công chúa Pha-ra-ô có tấm lòng mở rộng, nhậy cảm và quảng đại, nên đã đón nhận Mô-sê dù ông chỉ là một đứa trẻ của dân tộc nô lệ. Không những đón nhận, công chúa còn đưa ông vào cung điện để nuôi nấng dậy dỗ như một hoàng tử. Trong khi đó hai người đồng hương chỉ vì tự ái cá nhân đã chối từ ông. Có lẽ câu chuyện lạ lùng của Mô-sê đã được dân Do thái truyền tụng. Thế mà họ chẳng quan tâm đến ông, không chấp nhận lời khuyên giải có tình có lý của ông. Mà lại còn sinh lòng thù hận muốn làm hại ông. Thói tự ái kiêu căng cũng khiến tâm hồn họ ra vô cảm trước các giá trị thiêng liêng và cả trước vận mệnh dân tộc đang bị nô lệ nữa. Họ xứng đáng bị xét xử nghiêm ngặt hơn công chúa Pha-ra-ô (năm lẻ).

 A-khat nhờ biết lắng nghe tiếng Chúa, trông cậy vào Chúa nên dù yếu kém, chẳng sợ gì liên quân Ít-ra-en và A-ram. Hai vua cậy vào sức mình sẽ bị Chúa trừng phạt. A-khat biết cậy trông vào Chúa sẽ được Chúa cứu (năm chẵn).

 Xin cất khỏi mình con quả tim chai đá, ban cho con quả tim bằng thịt để con nhậy cảm trước Lời Chúa, trước các giá trị Tin Mừng và để con quảng đại thực hành Lời Chúa.

 

THỨ TƯ TUẦN XV – TN

TÂM TÌNH KHIÊM NHƯỜNG

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

 Xh 3,1-6.9-12

3,1 Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. 2 Thiên sứ của ĐỨC CHÚA hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. 3 Ông tự bảo : “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được : vì sao bụi cây lại không cháy rụi ?” 4 ĐỨC CHÚA thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông : “Mô-sê ! Mô-sê !” Ông thưa : “Dạ, tôi đây !” 5 Người phán : “Chớ lại gần ! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” 6 Người lại phán : “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.

9 Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta ; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập. 10 Bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.”

11 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa : “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập ?” 12 Người phán : “Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi : khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này.” 

Mt 11,25-27

11,25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. 

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

 Lạy Cha là Chúa Tể trời đất”. Chúa Giê-su dùng lời kinh long trọng này để cho ta hiểu biết một chân lý: Thiên Chúa là chủ tất cả. Mọi sự ta có đều là của Người ban cho. Chính vì thế tâm tình ta phải có là tâm tình khiêm nhường bé nhỏ. Đó chính là tâm tình của công dân Nước Trời. Những thái độ tự cao tự đại hoàn toàn trái ngược, không thích hợp, và sẽ không được đón nhận vào Nước Trời.

 Những ai tự hào mình khôn ngoan thông thái hãy cẩn thận. Ngay trí khôn họ không thể tự mình có được. Trí khôn là do Thiên Chúa ban cho. Vì thế có gì mà đáng tự hào. Và nếu trí khôn không đưa đến Nước Trời thì cũng vô ích. Hiểu biết về Nước Trời là sự khôn ngoan vượt trên mọi sự khôn ngoan. Nhưng mầu nhiệm Nước Trời chỉ có Thiên Chúa nắm giữ. Và Người muốn mặc khải cho ai tùy ý. Và Người lại mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vì thế bé mọn chính là thái độ khôn ngoan thông thái nhất.

 Hai bài đọc Cựu Ước minh họa chân lý này. Át-sua hùng mạnh chính là do Thiên Chúa ban. Để làm cây roi của Chúa mà trừng phạt những sai lỗi của các nước nhỏ. Nhưng Át-sua không ý thức điều đó. Tưởng là cường thịnh do sức riêng. Nên Thiên Chúa sẽ hạ bệ nó xuống, tước bỏ hết sức mạnh mà nó tự hào. Chúa sẽ hạch tội nó: “Cái rìu lại tự cao với kẻ cầm rìu mà chặt hay cái cưa tự đại với người kéo cưa sao? Như thể ngọn roi kéo được kẻ giơ nó lên, cây gậy nhấc được kẻ không phải là gỗ vậy” (năm chẵn).

 Mô-sê dù đã được học hết mọi sự khôn ngoan trong cung điện vua Ai cập. Dù đã kiên trì thanh luyện 40 năm trong sa mạc. Vẫn phải có thái độ khiêm nhường. Cởi bỏ dép. Khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa trong bụi gai cháy đỏ. Chính với thái độ khiêm nhường, dễ dậy đó nói lên tâm tình khiêm nhường của Mô-sê. Tâm tình khiêm nhường nói lên lòng khao khát đón nhận mầu nhiệm. Nhờ đó Mô-sê đã được Thiên Chúa bày tỏ mầu nhiệm. Cho ông biết tên Thiên Chúa. Cho ông biết chương trình của Người. Và cho ông được tham dự vào chương trình đó. Và vì ông khiêm nhường đón nhận, ông trở thành người lãnh đạo thiết lập Dân Thiên Chúa, ban lề luật cho Dân Thiên Chúa (năm lẻ).

 Lạy Chúa con chỉ là hư vô. Mọi sự con có đều là của Chúa. Mọi sự con là cũng là bởi Chúa. Xin dạy con biết khiêm nhường để xứng đáng được Chúa dậy bảo.

 

THỨ NĂM TUẦN XV – TN

HÃY MANG ÁCH CỦA TA

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

 Xh 3,13-20  

3,13 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa : “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ : Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con : Tên Đấng ấy là gì ? Thì con sẽ nói với họ làm sao ?” 14 Thiên Chúa phán với ông Mô-sê : “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán : “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này : “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.” 15 Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê : “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này : ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở , đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.”

16 “Ngươi hãy đi triệu tập các kỳ mục Ít-ra-en và nói với họ : ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-xa-ác, của Gia-cóp, đã hiện ra với tôi và phán : Ta đã thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai-cập. 17 Ta đã phán : Ta sẽ cho các ngươi thoát cảnh khổ cực bên Ai-cập mà lên miền đất người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri, Pơ-rít-di, Khi-vi và Giơ-vút, lên miền đất tràn trề sữa và mật. 18 Họ sẽ nghe tiếng ngươi, rồi ngươi sẽ đi với các kỳ mục Ít-ra-en đến cùng vua Ai-cập, các ngươi sẽ nói với vua ấy rằng : ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của người Híp-ri, đã cho chúng tôi được gặp Người. Giờ đây, xin cho chúng tôi đi ba ngày đường vào sa mạc để tế lễ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng tôi. 19 Ta thừa biết rằng vua Ai-cập sẽ không cho các ngươi đi, trừ phi là có một bàn tay mạnh mẽ can thiệp. 20 Ta sẽ ra tay, sẽ làm mọi thứ phép lạ giữa dân Ai-cập để đánh nó, và sau đó vua ấy sẽ cho các ngươi đi. 

Mt 11,28-30

11,28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” 

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Đời sống con người thật vất vả vì phải mang nhiều gánh nặng. Có thể là gánh nặng bản thân. Gánh nặng trách nhiệm. Và nhất là gánh nặng nô lệ.

 Gánh thì nặng. Một cổ hai ba ách tròng vào. Người dân chỉ mong được hạnh phúc. Nhưng I-sa-i-a cho biết họ chỉ gặp đau khổ. Mà những đau khổ dường như vô nghĩa: “Như người đàn bà mang thai, lúc gần sinh nở, phải quằn quại, kêu la vì đau đớn, … Chúng con đã mang thai, đã quằn quại, nhưng chỉ sinh ra gió”. Thật là vô vọng (năm chẵn).

 Gánh nặng trở nên tủi nhục đau thương khi phải sống dưới ách nô lệ. Như dân Do thái bên Ai cập. Tuy nhiên Thiên Chúa là tình yêu thương. Quan tâm đến thân phận con người. Hiểu thấu gánh nặng của con người. “Ta thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai cập”. Nên Chúa quyết định sai Mô-sê đến gặp Pha-ra-ô để giải phóng dân Chúa. Để đưa “lên miền đất tràn trề sữa và mật” (năm lẻ).

 Miền đất chảy sữa và mật thực ra là chính Chúa. Vì chỉ nơi Chúa ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Bao lâu chưa đến với Chúa ta còn đuổi theo thế gian. Đuổi theo thế gian thì còn vất vả long đong. Ham mê quyến rũ. Nhưng tất cả chỉ là gánh nặng. Càng đuổi theo dục vọng càng thấy mệt mỏi chán chường. Như thánh Âu-tinh từng trải nghiệm. Chúa mời gọi mọi người đến với Chúa. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Đến với Chúa ta được bình an, thư thái, hạnh phúc. “Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Chỉ Thiên Chúa mới thoả mãn mọi khao khát sâu xa của con người. Vì Chúa là nguồn sự sống. Nguồn hạnh phúc. Nguồn bình an. Nơi Người ta nếm cảm được hương vị dịu ngọt không bút nào tả xiết.

 Hãy mau đến theo lời mời của Chúa. Chỉ nơi Chúa ta mới được giải thoát khỏi ách nô lệ. Chỉ nơi Chúa ta được gánh yêu thương nhẹ nhàng, êm ái và tràn đầy an ủi.

 

THỨ SÁU TUẦN XV – TN

GIÁ TRỊ TỐI THƯỢNG

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

 Xh 11,10 – 12,14  

11,1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê : “Ta sẽ giáng một tai ương nữa xuống Pha-ra-ô và Ai-cập. Sau đó, vua ấy sẽ thả các ngươi ra khỏi đây. Hơn nữa, thay vì thả các ngươi, vua ấy lại còn đuổi hẳn các ngươi đi là đàng khác. 2 Vậy ngươi hãy nói cho dân nghe : Đàn ông thì hỏi anh hàng xóm, đàn bà thì hỏi chị láng giềng, lấy những đồ bạc và đồ vàng.” 3 ĐỨC CHÚA cho dân được cảm tình của người Ai-cập. Hơn nữa, trong đất Ai-cập, chính ông Mô-sê là một nhân vật rất quan trọng đối với các bề tôi của Pha-ra-ô và đối với dân.

4 Ông Mô-sê nói : “ĐỨC CHÚA phán thế này : vào quãng nửa đêm, Ta sẽ rảo khắp Ai-cập. 5 Mọi con đầu lòng trong đất Ai-cập sẽ phải chết, từ con đầu lòng của vị Pha-ra-ô đang ngồi trên ngai báu, đến con đầu lòng của đứa đầy tớ gái ngồi sau cối xay, đến mọi con đầu lòng của loài vật. 6 Trong khắp đất Ai-cập, sẽ vang lên tiếng kêu la như chưa từng có và không bao giờ có nữa. 7 Còn nơi mọi con cái Ít-ra-en, sẽ không có một con chó nào sủa, dù sủa người hay sủa thú vật ; như thế, các ngươi sẽ biết rằng ĐỨC CHÚA phân biệt Ít-ra-en với Ai-cập. 8 Bấy giờ tất cả các bề tôi của bệ hạ sẽ xuống tìm tôi, phục xuống lạy tôi và thưa : xin ông và toàn dân theo ông ra khỏi nước cho. Sau đó tôi sẽ đi ra.” Ông Mô-sê nổi giận bừng bừng, ra khỏi cung điện Pha-ra-ô.

9 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê : “Pha-ra-ô sẽ không nghe các ngươi, là để Ta làm thêm nhiều phép lạ trong đất Ai-cập.” 10 Ông Mô-sê và ông A-ha-ron làm mọi phép lạ đó trước mặt Pha-ra-ô ; nhưng ĐỨC CHÚA làm cho lòng Pha-ra-ô ra chai đá, và vua không thả con cái Ít-ra-en ra khỏi đất ấy.14 Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng ĐỨC CHÚA. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này : đó là luật quy định cho đến muôn đời.

Mt 12,1-8

12,1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !” 3 Người đáp : “Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao ? 6 Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. – 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

 

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

  Cuộc sống thế giới hôm nay đảo điên. Bậc thang giá trị đảo lộn. Con người u u mê mê chẳng còn phân biệt được thật giả, đúng sai, ác thiện. Người ta không còn phân định được đâu là giá trị tối thượng. Chúa Giê-su phân định rạch ròi.. Theo Chúa Giê-su Thiên Chúa yêu thương con người. Và vì thế con người cần phải xác đinh 3 chân lý.

 Giá trị tối thượng là sự sống. Sự sống là món quà quí giá nhất Chúa ban cho con người. Có sự sống là có tất cả. Mất sự sống là mất tất cả. Vì thế những gì vi phạm sự sống cần được tháo bỏ. Những người hủy diệt sự sống phải bị trừng phạt. Vì thế Chúa đề cao việc cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống. Vì thế Chúa trừng phạt người Ai cập vì hủy hoại sự sống của người Ít-ra-en (năm lẻ). Vì thế Chúa bênh vực các tông đồ tuốt lúa ngày sa-bát. Sự sống là giá trị tối thượng.

 Lề luật tối thượng là lòng nhân hậu. Để bảo vệ con người cần phải có luật lệ. Để xã hội tiến triển trật tự cần phải có luật lệ. Nhưng nếu những luật lệ đó trở thành bất nhân, không bảo vệ con người, không đem lại hạnh phúc cho con người, cần phải phá bỏ.  Thờ phượng Chúa là điều phải làm. Nhưng nếu vì lề luật mà bất nhân thì Chúa không ưng nhận. Chúa khẳng định: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần hi lễ”. Lòng nhân hậu là lề luật tối thượng.

 Quyền tối thượng là ở nơi Thiên Chúa. Có sự sống. Có luật lệ để bảo vệ sự sống. Nhưng Thiên Chúa mới là chủ của cả sự sống lẫn luật lệ. Vì thế Thiên Chúa có quyền trên sự sống và luật lệ. Mà Thiên Chúa lại là Đấng Giầu Lòng Thương Xót. Vì lòng nhân hậu Người sẵn sàng phá vỡ luật lệ cho vua Khít-ki-gia được sống thêm 15 năm khi thấy những giọt nước mắt và nghe tiếng khóc của vua (năm chẵn). Người ra tay trừng phạt Pha-ra-ô và người Ai cập vì đã thấy Ít-ra-en bị bóc lột và nghe thấy tiếng họ rên siết than van. Người bênh vực các tông đồ tuốt lúa ăn vì Người thương các ông đói bụng. Và Người làm chủ ngày sa-bát.

 Xin cho con nhận biết quyền tối thượng của Thiên Chúa trong lịch sử, trong thế giới và trong đời con. Để con giữ luật tối thượng theo lòng nhân hậu của Người. Biết kính trọng giá trị tối thượng là sự sống Chúa ban tặng.

 

THỨ BẢY TUẦN XV – TN

NIỀM HI VỌNG CHO MUÔN DÂN

 

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

 Xh 12,37-42   

12,37 Con cái Ít-ra-en nhổ trại rời Ram-xết đi Xúc-cốt, có khoảng sáu trăm ngàn bộ hành, chỉ kể đàn ông không kể trẻ con. 38 Cả một đám đông hỗn tạp cùng lên với họ, mang theo chiên cừu, bò dê, họp thành một đàn súc vật đông đảo. 39 Họ lấy bột đã nhào đưa từ Ai-cập ra mà nướng thành bánh không men, vì bột chưa dậy men ; họ bị trục xuất khỏi Ai-cập, không được chậm trễ, nên ngay cả lương thực cũng không kịp chuẩn bị. 40 Thời gian con cái Ít-ra-en ở Ai-cập là bốn trăm ba mươi năm. 41 Vào đúng ngày chấm dứt bốn trăm ba mươi năm đó, toàn thể các đạo binh của ĐỨC CHÚA đã ra khỏi đất Ai-cập. 42 Đó là đêm ĐỨC CHÚA canh thức để đưa họ ra khỏi đất Ai-cập ; đêm đó thuộc về ĐỨC CHÚA, đêm canh thức của toàn thể con cái Ít-ra-en, qua mọi thế hệ.

 

Mt 12,14-21

12,14 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.

15 Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 16 Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. 17 Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói :
18 ‘Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu : Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. 19 Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. 20 Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, 21 và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

 

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

 Từ  khi có xã hội loài người chưa có ngày nào không có chiến tranh. Hòa bình luôn là một khao khát không bao giờ đạt tới. Xây dựng hòa bình đường như là một công việc vô ích làm nản lòng những tâm hồn thiện chí nhất. Tại sao con người mơ ước hòa bình nhưng không bao giờ đạt tới hòa bình? Thưa vì con người chưa đạt tới công lý. Con người cư xử với nhau theo thú tính. Kẻ mạnh hiếp kẻ yếu. Cá lớn nuốt cá bé. Ai cũng muốn chiếm đoạt của cải thật nhiều. Ai cũng muốn thống trị người khác. Thú tính được tự tung tự tác khi ta có sức mạnh.

 Người Ai cập có sức mạnh liền bắt người Do thái làm nô lệ cho mình. Hơn nửa triệu người Do thái làm nô lệ đã đem lại biết bao lợi ích kinh tế cho người Ai cập. Nghe thấy tiếng rên siết của người Do thái bị áp bức bóc lột, Chúa đã ra tay giải thoát họ. Phải có sức mạnh vô biên của Chúa, người Ai cập mới chịu để người Do thái ra đi (năm lẻ).

 Thời Mi-ka cũng xảy ra như vậy. Những người có quyền bính trong tay “muốn cánh đồng nào là chúng cướp lấy, muốn ngôi nhà nào là chúng chiếm đoạt. chúng bắt giữ cả chủ lẫn nhà, cả người lẫn gia nghiệp”. Và tiên tri cho biết Chúa sẽ ra tay để đem lại công lý (năm chẵn).

 Thời Chúa Giê-su xuất hiện là thời Chúa thực hiện lời hứa. Là Thiên Chúa quyền năng vô biên làm nên những phép lạ cả thể. Nhưng Chúa không dùng quyền năng để phục vụ quyền lợi cá nhân. Trái lại Người dùng quyền năng để phục vụ con người. Tất cả những ai đau yếu bệnh tật đều được Người chữa lành. Tất cả những người tội lỗi đều được tha thứ. Tất cả những người bị hất hủi đều được yêu thương.

Chúa không dùng quyền năng để áp bức bóc lột. Chúa không giết chết, nhưng cứu sống. Chúa không đè bẹp, nhưng nâng dậy con người. Chúa không dìm xuống, nhưng nâng những người bé nhỏ lên. Như Isaia đã tiên báo: “Cây lau bị giập, Ngươi không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi”.

 Như thế Người đưa công lý đến toàn thắng không bằng quyền uy thống trị, sức mạnh đàn áp. Nhưng bằng cúi xuống yêu thương phục vụ. Phục hồi những gì tàn tạ. Chữa lành những ai đau yếu. Và hồi sinh những người thoi thóp. Đó chính là niềm hi vọng lớn lao cho muôn dân. Vì công lý sẽ tràn lan khắp địa cầu.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Tư, Tuần I, Thường niên (Mc 1,29-39) Cầu nguyện và làm việc Chúa chọn cả hai

Thứ Tư, Tuần I, Thường niên (Mc 1,29-39) Cầu Nguyện Và Làm Việc Chúa Chọn Cả Hai Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Với nhịp sống hối hả...

Thứ 3 Tuần I TN – Mc 1,21-28 Đức Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền

Đông Kỳ. PV Sau khi chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả ở sông Jordan, Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai rao...

Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh, Mc 6,45-52: “Chính Thầy đây, đừng sợ!”

    „CHÍNH THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!“  (Mc 6,45-52) Lam Châu, Phước Lý Phải chân nhận rằng, trong cuộc đời, chúng ta sợ nhiều thứ: sợ đói, sợ cô...

Thứ 2, ngày VI Tuần BNGS, Lc 2,36-40: Nói về Chúa cho mọi người

    NÓI VỀ CHÚA CHO MỌI NGƯỜI Thứ 2, Ngày VI Tuần Bát Nhật Giáng Sinh (Lc 2,36-40) Lam Châu, Phước Lý Trong tất cả các trình thuật về...

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử đạo Tiên khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60)

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60) Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôn qua, chúng ta đã long trọng mừng kính...

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...