(Lc 11, 1- 4)
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc là lời cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, được trích từ Phúc Âm Lc 11, 1- 4. Nhưng để có được Kinh Lạy Cha cho chúng ta đọc hằng ngày thì chúng ta phải cám ơn đầu tiên là các môn đệ của Chúa Giêsu. Có thể nói được rằng các môn đệ của Chúa Giêsu là những con người rất dễ thương. Dễ thương vì có lẽ các ông đã nhìn thấy các kinh sư cầu nguyện trong các hội đường hay ngoài ngã ba, ngã tư đường cốt để người ta thấy mà khen ngợi. Các ông cũng đã nhìn thấy Gioan dạy cho các mồn đồ của mình cách thức cầu nguyện. Và có khi chính các ông đã cầu nguyện nhiều lần, nhiều nơi… nhưng không có một phương thức nào cầu nguyện cho đúng, nên các ông đã xin Chúa dạy cho mình cách thức cầu nguyện: “ Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như ông Gioan đã dạy cho các môn đệ của ông” ( c.1). Chúa Giêsu đã không phủ lòng dễ thương của các môn đệ và Ngài đã dạy các ông cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha.
Và trong Kinh Lạy Cha này con nhìn nhận được hai điểm cốt yếu đó là: cầu nguyện xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa và con người với nhau.
1. Cầu nguyện, xây dựng tương quan với Chúa
Mở đầu lời cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện một cách thân tình với Cha. Hạn từ “Cha” ở đây không những chỉ mang sắc thái tương quan thân tình và thâm sâu, nhưng còn là quyền bính của Thiên Chúa nữa. Vì Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài và có quyền trên tất cả. Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện qua bốn ý tốt đẹp này: “ xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển- xin cho triều đại Cha mau đến- Xin cho ngày nào có lương thực ngày đó- và xin tha tội cho chúng con”
“Xin cho Danh Thánh Cha vinh hiển” có nghĩa là: không những chỉ xin cho nhân loại nhận biết và tôn kính Danh Thánh của Cha, nhưng còn là xin chính Chúa Cha hành động để Danh của Ngài được hiển thánh giữa nhân loại, để nhân loại nhận biết Ngài, tôn vinh Ngài và làm cho Danh Ngài được Hiển Thánh.
“Xin cho triều đại Cha mau đến”:lời cầu xin này cho chúng ta có cảm nhận một thực tại đã có sẵn nhưng mong ước thực tại đó đến sớm để ơn Thánh được đong đầy trong tâm hồn của các môn đệ, và tạo nên một niềm hy vọng vào một tương lai đầy tốt đẹp khi triều đại Cha mau đến. Triều đại Cha đến để giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi và mọi đau khổ.
“Xin cho chúng con ngày nào có lương thực ngày đó”: Lời dạy này của Chúa Giêsu nhằm hướng các môn đệ đến với một niềm khao khát phó dâng, tin tưởng và khiêm tốn. Vì người môn đệ theo Chúa được đòi hỏi sống nghèo khó và trở nên như Chúa Giêsu: “Con chim có tổ, con người không có chỗ tựa đầu”(Lc 9, 58). Hay nói khác đi, người môn đệ theo Chúa luôn ý thức mình không có tài sản, vật chất để đảm bảo cho tương lai, vì chỉ có Chúa là tài sản vô giá và quý giá nhất nên luôn tin tưởng và phó thác hòan tòan vào Ngài, và chỉ cần xin cho ngày nào có đủ lương thực của ngày đó. Chính Ngài cũng đã khẳng định: “Thầy bảo thật anh em: đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn; thân thể lấy gì mà mặc” ( Lc 12, 22). Lời cầu nguyện này quả là rất thiết thân, hiện thực và rất ấn tượng đối với người môn đệ theo Chúa và trở nên giống Chúa.
“Xin tha tội cho chúng con”: người môn đệ của Chúa luôn ý thức rằng mình là người yếu đuối dễ phạm tội, dễ xúc phạm đến Danh Thiên Chúa, làm cho Danh Chúa bị lu mờ. Vì vậy, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải cầu xin Chúa Cha tha thứ cho mình những lỗi đã phạm, để mối tương quan của Chúa Cha và các môn đệ luôn giữ mãi trong sự thân tình Cha – Con.
2. Xây dựng tương quan giữa con người với nhau
Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ khẩn khỏan nài xin Chúa tha lỗi cho họ và chính họ cũng tha thứ cho những người mắc lỗi với họ “xin Cha tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”.
Sự tha thứ cho người khác vừa là hiệu quả vừa là điều kiện của ơn tha thứ mà Thiên Chúa đã ban xuống cho các môn đệ của Ngài. Người môn đệ tỏ lòng tha thứ không phải là biểu lộ tính cách của sự kiêu căng, nhưng là ý thức việc mình đã đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, nên mình cũng cần có lòng thương xót như Thiên Chúa để tha thứ cho anh em của mình: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”(Lc 6,36);“Như Chúa Cha đã tha thứ cho anh em thế nào thì anh em cũng hãy tha thứ cho nhau như vậy”(Cl 3, 13).
Như thế, ta nhận thấy, tác giả Luca đã nhấn mạnh sự đòi buộc phải có sự tha thứ giữa các môn đệ với nhau và với tha nhân khác như một điều kiện để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Tha thứ không những chỉ một lần nhưng là phải tha thứ đến 70 lần 7, một con số trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa ( x. Lc 17, 4; Mt 18, 21- 22). Có như thế mới thật sự xây dựng mối tương quan thân tình với tha nhân trong ân sủng và trong tình thương của Chúa Cha.
Tắt một lời, nhờ sự dễ thương của các môn đệ Chúa Giêsu mà chúng ta có Kinh Lạy Cha để cầu nguyện hàng ngày, chúng ta cám ơn các tông đồ và tạ ơn Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha. Xin cho chúng ta ý thức được khi cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha là chúng ta gắn bó tâm tình thiết thân với Chúa Cha và với tha nhân của ta. Chúng ta xây dựng mối hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha và với nhau qua trung gian là Đức Kitô trong ân sủng và bình an của Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin thúc dục chúng con biết siêng năng cầu nguyện hằng ngày. Amen.
Minh An.