Tin vào lòng thương xót của Chúa
Cv 5, 12-16; Kh 1, 9-11, 12-13, 17-19; Ga 20, 19-31
Montfort (Đan viện Châu Sơn Đơn Dương)
Hôm nay là ngày cuối cùng trong Bát Nhật Phục Sinh và là đại lễ kính lòng thương xót của Chúa. Lễ này được thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập năm 2000. Nó bắt nguồn từ mạc khải được ban cho thánh nữ Faustina, một nữ tu đơn sơ người Balan. Lễ này mời gọi chúng ta đi sâu vào Trái Tim Chúa và mầu nhiệm của lòng thương xót của Ngài. Chúa Giêsu mạc khải cho thánh nữ: “Hãy để các tội nhân đến với Ta và đừng sợ hãi. Những ngọn lửa lòng thương xót đang nung nấu Ta và Ta muốn đổ chúng trên các linh hồn.” Trung tâm của đức tin chúng ta là sự sống xuất phát từ các vết thương của Chúa Giêsu. Từ các dấu đinh này mà nảy sinh các bí tích sự sống trong Giáo Hội và ân sủng để phục hồi chúng ta.
Trong bài đọc một hôm nay, chúng ta thấy các tông đồ chữa lành người đau bệnh và làm những phép lạ nhân danh Chúa Giêsu. Đám đông đến với các ngài để tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa. Bài đọc trích sách Khải Huyền cho chúng ta thấy quyền năng của Chúa Giêsu. Chúng ta không có gì phải sợ, vì Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần. Chúng ta cần tín thác vào lòng thương xót của Ngài khi Ngài chia sẻ chiến thắng này cho chúng ta. Niềm tín thác này đôi khi khó thực hiện, đặc biệt khi chúng ta đang gặp đau khổ.
Trong tuần qua, phụng vụ thuật lại những lần Chúa Giêsu hiện ra. Những lần hiện ra này làm cho các tông đồ qui tụ lại với nhau và củng cố đức tin của các ngài vào sự sống lại của Chúa Giêsu.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, những người đang ở trong một căn nhà khoá kín cửa vì sợ người Do thái. Khi Chúa Giêsu hiện ra, họ nhận ra Ngài ngay tức khắc và tràn đầy vui mừng khi nghe Ngài nói: “Bình an cho anh em.” Ngài thổi Thần Khí của Ngài trên họ và ban cho họ quyền tha tội. Lúc đó ông Tôma không ở với họ và không tin vào những người khác khi họ kể lại. Ông tuyên bố sẽ không tin nếu không tận mắt thấy Chúa Giêsu. Tuần sau, Chúa Giêsu hiện ra lần nữa và mời ông Tôma xỏ ngón tay vào dấu đinh của Ngài. Việc này làm cho ông quì xuống thống hối.
Sự hoán cải của ông Tôma là một giáo huấn cho chúng ta. Nó cho chúng ta một chứng cứ hiển nhiên về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, bất chấp sự kháng cự và tính kiêu ngạo của chúng ta, tình yêu bao la của Chúa vẫn không bị cản trở. Việc hoán cải của ông Tôma cho chúng ta một bảo đảm rằng lòng thương xót của Thiên Chúa lớn lao hơn sự cứng tin của chúng ta. Ngài có thể làm cho một người kiêu ngạo đi đến chỗ vâng phục. Cuối cùng chúng ta nhớ rằng sự biến đổi của chúng ta là công việc của Thiên Chúa, tất cả những gì chúng ta cần làm là mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót của Ngài.
Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu được lòng thương xót của Ngài. Khi bình an chúng ta có thể tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, nhưng khi gặp đau khổ, thử thách nặng nề chúng ta lại thất vọng. Chúa mời gọi chúng ta đi sâu vào các vết thương của Ngài, nghĩa là chiêm ngắm những đau khổ và cái chết của Ngài để cảm nghiệm được tình yêu đầy lòng thương xót của Ngài. Điều này chỉ có thể xảy đến qua việc cầu nguyện. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã chết và đã phục sinh vinh quang, Ngài đang ở với chúng ta. Tuy nhiên để đức tin này tác động đến cuộc sống thiêng liêng của mình, chúng ta cần khiêm tốn quì xuống và cầu nguyện: “Lạy Chúa con tin, nhưng xin hãy trợ giúp đức tin yếu kém của con.”