Chúa nhật III Mùa Vọng, năm C
«HÃY VUI LÊN»
Bài đọc 1: Xôphonia 3, 14-18a
Bài đọc 2: Philip 4, 4-7
Tin Mừng: Luca 3, 10-18
1. Bài đọc I: Niềm vui tràn ngập tâm hồn, vì Thiên Chúa ở giữa chúng ta là Đấgng Cứu Độ đầy quyền năng.
Ngôn sứ Xôphonia khép lại sách của mình bằng một nhãn quan rộng mở hướng về một tương lại tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Vào ngày đó, dân ngoại sẽ hối cải ăn năn (3,9-10) và dân Israel sẽ được hồi sinh trở về (3, 11-13).
Chính vì thế, Giêrusalem được mời gọi hãy vui mừng lên, vì Thiên Chúa sẽ tỏ hiện và ban muôn hồng ân của Người trên dân (3, 14-18); nhất là sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa sẽ là động lực lớn lao làm cho khắp mọi dân phải vui mừng (x. Is 12,1-6). Niềm vui này tràn ngập tâm hồn mọi cư dân của Giêrusalem được tái thiết (Is 54, 1-5; 60, 1-5; 62, 3-5). Sẽ không còn bất cứ lý do nào để khiếp sợ hay đau buồn; sự bình an và niềm hạnh phúc sẽ ngự trị trong ngày đại lễ, vì Thiên Chúa đã nhớ lại tình thương của Người dành cho dân.
2. Bài Tin Mừng: Ông Gioan loan giảng đấng Mêsia sắp đến, hầu mời gọi chúng ta hoán cải đời sống và thực hành công bình bác ái.
– Cc. 10-14: «Chúng ta phải làm gì». Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng về một phép rửa phải kèm theo sự thống hối thay đổi đời sống; Sự hoán cải bên trong phải được tỏ lộ ra bên ngoài bằng việc «sinh hoa trái với lòng thống hối» (Lc 3, 8). Lời rao giảng khắt khe của ông đã tác động đến đám đông dân chúng, và có nhiều người thiện chí thuộc mọi tầng lớp xã hội đến hỏi ông rằng: «tôi phải làm gì». Tất cả đã được Gioan chỉ bảo và thúc dục: phải biến đổi đời sống. Nghĩa là phải thực hành bác ái với tha nhân, đó là cách thế theo quan niệm Cựu Ước vốn được Chúa ưa thích; đồng thời cũng phải giữa đức công bình với hết mọi người và trong mọi sự.
– Cc. 15-18: Loan báo Đấng Mêsia sắp đến. Bấy giờ đám đông dân chúng thắc mắc về chính thân thế của Gioan, điều đó đã trở thành cơ hội để ông hướng họ về Đức Kitô, Đấng sắp đến. Với sự khiêm hạ, ông đã tự giấu mình đi để làm cho Đấng Mêsia được nổi lên, qua lời rao giảng: Đấng Mêsia có một quyền năng phi thường; Người sẽ đến và làm phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa để thanh tẩy mọi tâm hồn; Người sẽ xét xử dân theo sự công bình, và sẽ phân loại thóc lép ra khỏi lúa tốt.
3. Bài đọc II: Thánh Tông đồ cũng mời gọi chúng ta hãy vui lên, vì «Thiên Chúa đã đến gần»
– C. 4: Niềm vui. Thánh tông đồ có một tâm hồn tràn ngập niềm vui, vì ngài đã nhận được sự chở che của Thiên Chúa và sự trợ giúp của các tín hữu tại Philipphê, nhưng nhất là ngài vui vì công trình cứu độ của Thiên Chúa đang tiến triển trong cộng đoàn (x. 1, 4-5.25; 2, 16-18; 4, 1). Ngài cũng mời gọi các tín hữu hãy vui lên trong Chúa, vì Thiên Chúa đang thực hiện ơn cứu độ của Người cho họ. Niềm vui này là đặc tính của thời đại Mêsia, đó chính là hoa trái của ơn cứu độ sắp được thực hiện.
– Cc. 5-7: Thiên Chúa đã đến gần. Thánh tông đồ ám chỉ việc đến của Thiên Chúa chính là nguyên nhân của niềm vui. Bấy giờ, không chỉ là ngày của Thiên Chúa đã đến gần, mà là chính bản thân Người đã đến gần với những ai cầu khẩn (c. 6) và vâng phục Người (x. Tv 85, 10; 119, 151; Is 55,6). Sự đến gần của Thiên Chúa không phụ thuộc vào những yếu tố không gian và thời gian: Người hiện diện trong đời sống của các tín hữu mỗi ngày cho đến khi Người Quang Lâm. Ngước nhìn về tương lai như thế, các tín hữu sẽ luôn được bình an và chuyên tâm cầu nguyện với tâm hồn tràn ngập niềm vui.
4. Suy niệm
+ Hãy vui lên trong Chúa
Chúng ta đã đi hết nửa chặng đường Mùa Vọng, hôm nay, Chúa nhật thứ III, Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta sống tâm tình hân hoan vui mừng, vì Chúa sắp ngự đến rồi. Như thế, niềm vui của các Kitô không hệ tại ở những yếu tố bên ngoài với mọi thứ sắc màu của những ánh đèn chớp nháy hay những bản nhạc thánh ca du dương; nhưng đặc tính niềm vui của các tín hữu phải được gắn kết với việc Chúa đến. Chính Người là chàng rể sẽ đến trong tiệc cưới cuối cùng để đón rước cô dâu vào trong Nhà Người. Để được Người đón vào, cô dâu phải sẵn sàng, phải điểm trang cho mình thật đẹp và cầm đèn sáng trong tay (x. Mt 25, 1-13).
Nếu như ngày xưa, dân Israel được các ngôn sứ mời gọi hãy vui mừng, vì sắp được hồi hương trở về xây dựng lại đền thờ và dất nước, và nhất là triều đại Đấng Mêsia sắp đến; thì ngày các Kitô hữu lại được mời gọi hãy vui mừng, vì ngày Quang Lâm sắp xảy đến. Mặc dù không ai có thể biết ngày ấy đên khi nào, nhưng ngày đó chắc chắn sẽ đến; vì thế, Giáo hội Tông Truyền vẫn không ngừng nhắc nhở con cái mừng sống tâm tình đợi chờ, tỉnh thức như lính canh mong đợi bình minh đến; để một khi ánh quang tỏ rạng báo hiệu ngày mới đến, chúng ta sẽ được hân hoan vui mừng trong ngày hồng phúc, được chứa chan niềm vui vì được Thiên Chúa thứ tha và ban ơn cứu độ.
+ Hãy vui với mọi người
«Hãy vui lên trong Chúa» luôn phải đi đôi với «vui lên với mọi người», vì ơn cứu độ là phổ quát được ban cho hết thảy mọi người, không loại trừ ai. Người Kitô, một khi được Thiên Chúa bao dung ban ơn cứu độ, thì cùng được mời gọi loan truyền ơn cứu độ đó đến với mọi người (x. Mt 28, 19). Một đàng, niềm vui trong Chúa và niềm vui với anh em làm thành một niềm vui trọn vẹn, tròn đầy; đàng khác, niềm vui với anh em là dấu chỉ ta đang vui trong Chúa. Chỉ khi ta có được niềm vui trong Chúa thực sự, thì ta mới có thể đến với anh em bằng niềm vui chân thành và trong sáng. Đó là một niềm vui lan tỏa, trào tràn từ một tâm hồn tràn ngập niềm vui như thánh Tông đồ. Thiên Chúa là niềm vui bất tận, là nguồn mạch tuôn tràn niềm vui hoan hỷ. Thiên Chúa là cùng đích ta vươn tới, anh em là bạn đồng hành cùng ta đi đến đích đó. Đến với Thiên Chúa, chúng ta sẽ được biến đổi trong vui mừng và hoan lạc: «ưu sầu của anh em sẽ biến thành hoan lạc» (Ga 16, 20); đến với anh em, chúng ta được cùng nhau chia sẻ niềm vui ấy. Niềm vui chia sẻ bao giờ cũng được lớn mạnh, được nhân lên làm thành một niềm vui trọn vẹn. Hai chiều kích của một vấn đề, hai khía cạnh của một niềm vui là cho chúng ta được triển nở và trở thành một Kitô như lòng Chúa mong ước
Quốc Vũ
~*~