Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI- lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả – Vp. Duyên Thập Tự

TN-082b-lễ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ-thứ Năm

Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI

(Is 49,1-6 / Cv 13,22-26 / Lc 1,57-66.80)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Mỗi người đều có ngày sinh, ngày chào đời. Đây là thời khắc quan trọng nhất của một cuộc đời, vì là khởi đầu của một tiến trình làm người và một hành trình cuộc sống. Ngày sinh như là cánh cửa hay cánh cổng mở ra cho những tiếp xúc, cho những tương giao, mà trước đó chỉ ở trong một không gian hạn hẹp là lòng dạ người mẹ.

Khi một trẻ sơ sinh được sinh ra, cất tiếng khóc đầu đời, người mẹ, người cha và bao nhiêu người, đều mong ước em bé sẽ có một cuộc đời có ý nghĩa, sống chức phận làm người. Nhưng đâu là một cuộc đời có ý nghĩa? Thiết tưởng, đó là một cuộc đời kết dệt và thành toàn những tương giao. Khi sống tốt những tương giao – không những chiều ngang với đồng loại, mà còn chiều dọc với Thiên Chúa -, thì chính bản thân được thành toàn.

Hôm nay, chúng ta mừng trọng thể ngày sinh của thánh Gio-an Tẩy Giả, một ngày ghi dấu ấn đậm không những cho gia đình nhỏ bé của ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét, mà còn cho cả lịch sử thánh, lịch sử cứu độ. Cuộc đời của ngài có ý nghĩa cho công cuộc cứu độ được thực hiện nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Cuộc đời ngài ý nghĩa vì đã sống trọn vẹn các mối tương giao và chu toàn nhiệm vụ Thiên Chúa uỷ thác cho ngài. Nhân dịp, mừng sinh nhật thánh Gio-an Tẩy Giả, chúng ta cùng suy niệm với nhau về ý nghĩa cuộc đời dưới ánh nhìn về các tương giao, với Thiên Chúa, với Chúa Ki-tô và với tha nhân.

 1. BÀN TAY THIÊN CHÚA TRÊN EM

Thánh Lu-ca, khi trình thuật lại sự kiện trẻ sơ sinh Gio-an được sinh ra – sẽ là Gio-an Tẩy Giả sau này – đã ghi nhận về tâm tư của những người biết về sự kiện này. Họ để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và thánh sử ghi nhận “quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em”. Có bàn tay của Thiên Chúa, nghĩa là có sự can thiệp, ảnh hưởng của Thiên Chúa trên cuộc đời Gio-an Tẩy Giả.

Giáo Hội, trong ngày lễ hôm nay, cho chúng ta nghe lại trong bài đọc một, trích đoạn sách ngôn sứ I-sai-a, chương 49 từ câu 1 đến 6, như một diễn tả sự can thiệp của Thiên Chúa, bàn tay của Thiên Chúa. Nếu những người biết đến sự kiện Gio-an sinh ra đã suy nghĩ về tương lại của em “sẽ ra sao”, thì tương lai đó đã được manh nha trong chính quá khứ của em. Quá khứ nào? Đó là thời gian em còn trong bụng dạ bà Ê-li-sa-bét. Trong thời gian này, có điều gì xảy ra? Ngôn sứ I-sai-a nói về “Người Tôi Trung của Đức Chúa”, và giờ đây được áp dụng cho thánh Gio-an Tẩy Giả.

– “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.” Thiên Chúa đã gọi tên và trao cho dự phóng của Người. Thiên Chúa gọi lúc tôi còn đang trong quá trình tượng thai, nhắc đến tên tôi khi chưa có ai đặt tên và gọi tên tôi. Như vậy, Thiên Chúa là người thứ nhất ảnh hưởng trên cuộc đời tôi. Vì thế, đời tôi có ý nghĩa. Và ý nghĩa đó, chính là ý nghĩa mà Thiên Chúa trao cho tôi. Một cuộc đời có ý nghĩa là một cuộc đời được nhìn dưới ánh sáng của Thiên Chúa: đó là cuộc đời của thánh Gio-an Tẩy Giả.

– “Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.” Thiên Chúa gọi, Thiên Chúa nhắc tên, Thiên Chúa cũng trao cho một sứ vụ. Miệng lưỡi của thai nhi, chưa nói được, những đã được chọn cho công cuộc của Thiên Chúa, để trở thành nơi phát xuất những lời sắc bén, những lời được phát ngôn và lắng nghe. Và chính bản thân như mũi tên nhọn để Thiên Chúa sử dụng trong cuộc chiến, nghĩa là trong việc thu phục con người. Thiên Chúa biết khi thi hành nhiệm vụ rao giảng đầy đòi hỏi này, người tôi trung sẽ gặp những chống đối; chính vì thế, Thiên Chúa sẽ là nơi ẩn náu. Như vậy, ý nghĩa của cuộc đời hệ tại nơi dự phóng của Thiên Chúa và sự chở che của Người.

– “Để tôi đem nhà Gia-cóp về cho Người, và qui tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người”. Đây chính là sứ vụ cao cả, sứ vụ đưa dân Chúa trở về với Thiên Chúa. Ý nghĩa cuộc đời, đó là sự thành toàn của tha nhân, và khi tha nhân được thành toàn, thì chính đời sống của bản thân cũng thành toàn.

Một vài nét trên, khi Lời Chúa qua ngôn sứ I-sai-a được áp dụng cho thánh Gio-an Tảy Giả, cho chúng ta thấy thế nào là bàn tay của Thiên Chúa trên thánh nhân và ảnh hưởng của Thiên Chúa trên cuộc đời của ngài. Đó cũng là điều chúng ta suy nghĩ về chính đời sống chúng ta. “Có bàn tay Thiên Chúa ở với tôi”: chính Thiên Chúa mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của tôi.

 2. NIỀM VUI BẠN CỦA TÂN LANG

Trong bài đọc hai, trích sách Công Vụ Tông Đồ chương 13 từ câu 22 đến 26, thánh Phao-lô ngỏ lời trong một hội đường với những người Do-thái sống tại An-ti-o-ki-a. Ngài đã lượt nhanh lịch sử của dân tộc, mà họ đã quá biết, để dẫn đến Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ. Ngài nói: “Để dọn đường cho Đức Giê-su, ông Gio-an đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Khi sắp hoàn thành sứ mạng, ông Gio-an tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người”. Khi nói những lời này, thánh Phao-lô đã nêu lên mối tương giao giữa Gio-an Tẩy Giả và Chúa Giê-su.

– Trước hết, đây là tương giao họ hàng. Mẹ ngài là chị họ của Đức Ma-ri-a. Chúng ta biết điều đó khi sứ thần Gáp-ri-en truyền tin vui cho Đức Ma-ri-a và cuộc thăm viếng của Đức Ma-ri-a với gia đình bà sau đó. Đây là mối giây thân ái, mà chúng ta đã được chứng kiến với bao nhiêu điều tốt lành, thánh thiêng; ngay cả Gio-an còn trong lòng dạ mẹ đã nhảy lên vui sướng. Niềm vui giữa hai người mẹ, và niềm vui giữa hai người con. Niềm vui tương giao thân ái mang lại ý nghĩa cho cuộc đời. Gam màu của cuộc đời là tươi sáng, hân hoan, chứ không phải u sầu, ảm đạm.

– Tiếp đến, là tương giao giữa những người thi hành sứ vụ của Thiên Chúa trao. Chúa Giê-su và thánh Gio-an Tẩy Giả đều thi hành điều Thiên Chúa muốn. Đây là điều nối kết còn lớn hơn mối tương giao họ hàng trên kia. Đây là sự nối kết của sứ vụ. Và đây cũng làm nên ý nghĩa của cuộc sống. Đó là cùng nhau thi hành công cuộc của Thiên Chúa, mỗi người mỗi cách và trong những hoàn cảnh khác nhau. Ý nghĩa cuộc đời nơi chữ “cùng” và “sứ vụ”. Thánh Gio-an Tẩy Giả thi hành sứ vụ của mình luôn trong mối tương giao với Chúa Giê-su, khi ngài đặt mình như người đến trước, lên tiếng chuẩn bị đón người sau. Đây là nét đẹp của cuộc đời thánh Gio-an Tẩt Giả.

– Và cuối cùng là nhận ra chỗ đứng vinh dự của bản thân bên cạnh Chúa Giê-su. Thánh Gio-an vì mình như một người bạn của chàng rể. Ngài nói với các môn đệ mình: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (Ga 3,29). Cuộc đời có ý nghĩa là cuộc đời ‘đứng bên cạnh Chúa Giê-su và vui mừng nghe Người nói’. Đây là một định nghĩa đẹp về thánh Gio-an Tẩy Giả mà chính ngài tạo cho mình.

Còn rất nhiều điều tốt đẹp trong mối tương giao giữa Chúa Giê-su và thánh Gio-an Tẩy Giả. Ba yếu tố trên, theo thiển ý của tôi, làm nổi bật lên ý nghĩa cuộc đời của thánh Gio-an Tẩy Giả, đó là cuộc đời tương giao thân tình, mật thiết với Chúa Giê-su. Chúng ta muốn tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình, hãy đi vào mối thân tình với Chúa Giê-su Ki-tô, vì chính tương giao thân ái với Chúa làm nên ý nghĩa cuộc đời chúng ta.

 3. BẢN THÂN LÀ QUÀ TẶNG

Yếu tố nền tảng thứ ba làm nên ý nghĩa cuộc đời của thánh Gio-an Tẩy Giả, đó là bản thân ngài, và bản thân đó được minh xác trong chính tên gọi. Trong Kinh Thánh, tên gọi là chính bản thân người đó.

Trong bài Tin Mừng, trích đoạn Tin Mừng, theo thánh Lu-ca, chương 1 từ câu 57 đến 66 và câu 80, thánh sử thuật lại ngày Gio-an sinh ra và việc làm phép cắt bì cho con trẻ. Đây là nghi thức bắt buộc đối với mọi nam nhi, để trở nên thành phần của dân Chúa. Chúng ta dừng lại nơi sự kiện đặt tên cho con trẻ. “Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được! Phải đặt tên cháu là Gio-an.” Họ bảo bà: Trong họ hàng của bà, chẳng có ai tên như vậy cả.” Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ.”

Chúng ta không biết là hai ông bà có bàn với nhau hay không và có ai gợi ý để chọn tên gọi Gio-an mà đặt cho đứa con của mình. Nhưng có điều chắc chắn, khi đặt tên con là Gio-an, hai ông bà muốn ký gửi trong tên gọi đó ý nghĩa cuộc đời của người con của mình, và đó cũng là định hướng cuộc đời của nó. Gio-an là quà tặng của Thiên Chúa, là tặng ân của Thiên Chúa, là ân phúc của Thiên Chúa. Nói nôm na là “điều Thiên Chúa ban”. Chính bản thân Gio-an là quà tặng mà Thiên Chúa ban cho hai ông bà cao niên và son sẻ này, nhưng còn lớn hơn nữa, là quà tặng cho tha nhân. Chính ông Da-ca-ri-a, thân phụ của Gio-an, đã nói với con ông điều đó, và đương nhiên cho mọi người nghe được để biết. Ngay sau khi ông viết tên con mình trên tấm bảng nhỏ, miệng lưỡi ông mở ra, ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa:

“Hài nhi hỡi,con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi trong tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,76-79). Gio-an là quà tặng cho dân Chúa để kêu gọi họ hoán cải, trở về cùng Thiên Chúa và sẫn sàng đón tiếp Chúa Ki-tô. Đây là quà tặng của bản thân cho tha nhân, là ngôn sứ cho người khác, lớn hơn tất cả những quà tặng vật chất. Cuộc đời thánh Gio-an Tẩy Giả cao quí và ý nghĩa, vì đã là quà tặng cho dân Chúa, cho tha nhân. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, khi chúng ta trở thành tặng ân của Thiên Chúa trao cho người khác, lúc đó cuộc đời chúng ta được thành toàn.

Mừng lễ sinh nhật thánh Gio-an Tẩy Giả, là cơ hội để chúng ta, khi chiêm ngắm đời sống của vị Tiền Hô của Chúa Giê-su, thì cũng nhìn lại chính bản thân và cuộc đời của mình, để khám phá và tái khám phá đâu là những gì làm nên ý nghĩa của cuộc đời chúng ta.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XXIII, Thường Niên B (Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37) Xin Chữa Con theo Cách Của Chúa

Chúa Nhật XXIII, Thường Niên B (Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37) XIN CHỮA CON THEO CÁCH CỦA CHÚA Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Một cô...

LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ QUÀ SINH NHẬT Mt 1,18-23 M. Clara, Phước Thiên Nếu có dịp đi dự tiệc sinh nhật ai đó, chúng ta thường không...

Chúa Nhật XXII TN, B, Mc 7,1-8a.14-15.21-23: Canh tân tâm hồn

    CANH TÂN TÂM HỒN (Mc 7,1-8a.14-15.21-23) M. Gioan Nguyễn An, Vĩnh Phước Tin Mừng Chúa Nhật XXII thường niên, Năm B hôm nay là những lời giáo...

Chúa Nhật XXII TN, B, Mc 7,1-8a.14-15.21-23: Lời Sống

  LỜI SỐNG (Mc 7,1-8a.14-15.21-23) M. Augustino, Phước Hải Ngôn ngữ đã xuất hiện từ khi con người xuất hiện trên mặt đất này. Ngôn ngữ giúp con...

Chúa Nhật XXI TN, B: Còn sống là còn chọn lựa

  CÒN SỐNG LÀ CÒN CHỌN LỰA (Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69) Jos. ĐB, Phước Vĩnh Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã suy diễn câu nói...

Chúa Nhật XXI TN, B: “Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống.”

"BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI, VÌ THẦY CÓ LỜI BAN SỰ SỐNG" (Ga 6,54a.60-69) Thầy Phêrô Kim-Ngôn Nguyễn Bảo Duy, Phước Hiệp Trích đoạn Tin mừng...

Lễ thánh Bernardo: Thánh Bernardo – Muối và Ánh sáng trong Giáo Hội

    THÁNH BERNARDO – MUỐI VÀ ÁNH SÁNG TRONG GIÁO HỘI (Mt 5,13-19) M. Anselmo Nguyễn Minh Quang, An Phước Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu 5,13-19, Chúa...

Ngày 20/8, Lễ thánh Bênađo viện phụ – Bênađô người đan sĩ Xitô

Ngày 20/8, Lễ thánh Bênađo viện phụ Bênađô người đan sĩ Xitô Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Có lẽ dưới nhãn quan của một số người, thì...

Lễ thánh Viện phụ Bênađô: Ánh sáng ngọt ngào (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ Thánh Phụ Bênađô ÁNH SÁNG NGỌT NGÀO Kn 7,7-10.15-16; 1Cr 1,26-31; Mt 5,13-19 Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Nunquam satis. Đó là lời thánh phụ Bênađô...

Lễ thánh phụ Bênađô: Theo gót vị Tôn sư

  Suy niệm Lễ thánh phụ Bênado 20.8.2024   Là hậu duệ, chúng ta mừng kính Đấng tiền bối, thánh phụ Benado, Viện phụ. Chúng ta hân hoan...

Chúa Nhật XX TN, B, Ga 6,51-58: Bánh Hằng Sống

    BÁNH HẰNG SỐNG (Ga 6,51-58) M. Michael Hội, Phước Lý Từ lúc khởi thủy Thiên Chúa đã tạo dựng và ban cho con người sự sống, là...

Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời: Đức Mẹ lên trời là niềm vui và hy vọng cho chúng ta

  ĐỨC MẸ LÊN TRỜI LÀ NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CHO CHÚNG TA (Kh 11,19a;12,1-6a; 1Cr 15,20-27; Lc 1,39-56) Vp. Vincent Hoà, PV Hôm nay chúng ta...