Thứ năm, 23 Tháng Một, 2025

CÓ MỘT TRÁI TIM – Thứ 6 Lễ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU- Vp. Duyên Thập Tự

TN-069b-lễ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU-thứ Sáu

CÓ MỘT TRÁI TIM

(Hs 11,1.3-4.5-9 / Ep 3,8-12.14-19 / Ga 19,31-37)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Trong suốt mùa phụng vụ, chúng ta đều kính nhớ đến mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô. Và khi kính nhớ đến Chúa, chúng ta luôn nghĩ đến tình yêu của Người, tình yêu của Thiên Chúa nhập thể, tình yêu của Con Thiên Chúa làm người. Giáo Hội dành tháng sáu để kính Thánh Tâm Chúa và lễ kính trọng thể Thánh Tâm Chúa rơi vào tháng này. Chắc chắn Giáo Hội muốn chúng ta “cảm nếm”, “nhìn ngắm” và “tôn thờ” một cách đặc biệt tình yêu – mà trái tim là biểu tượng – của Chúa Giê-su Ki-tô, để trái tim chúng ta được uốn nắn nên giống trái tim Chúa.

Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay gợi mở cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa của tình yêu của Chúa Giê-su. Xin được chia sẻ với anh chị em về một số khía cạnh của tình yêu của Chúa Giê-su gói gọn trong diễn ngữ “CÓ MỘT TRÁI TIM”.

 1. TRÁI TIM THỔN THỨC

Bài đọc một, trích sách ngôn sứ Hô-sê, chương 11 câu 1, từ câu 3 đến 5 và từ câu 8 đến 9, diễn tả tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con của mình. Chúng ta đọc thấy nơi đó tất cả sự âu yếm nồng nàn mà một người mẹ dành cho đứa con nhỏ. Thiên Chúa đã sử dụng ngôn ngữ tình yêu nhân loại để diễn tả tình yêu của mình.

“Khi Ít-ra-en còn non trẻ, Ta đã yêu nó.” “Ta đã lấy dây ân nghĩa, lấy mối tình mà lôi kéo chúng.” “Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn”. Thiên Chúa đã sử dụng kinh nghiệm nhân loại để nói lên chính nỗi lòng của chính mình, để con người hiểu được tình yêu của Thiên Chúa. Đây là một tình yêu rất cụ thể, một tình yêu mang tính hiện sinh. Đó là một tình yêu của đời sống và cho cuộc đời. Đây là tình yêu nhập thể trong trần gian, cho nhân loại.

Khi cho chúng ta nghe trích đoạn này của sách ngôn sứ Hô-sê, Giáo Hội muốn chúng ta cảm nghiệm tình yêu của Chúa Giê-su, tình yêu của Thiên Chúa Nhập Thể, trái tim của một Thiên Chúa-Người. Chúa Giê-su đã đến trần gian và Ngài yêu nhân loại bằng trái tim nhân loại, bằng những rung động cụ thể của trái tim bằng thịt.

Nhưng, trước tình yêu này của Thiên Chúa, đâu là phản ứng của Ít-ra-en, như đại diện cho toàn nhân loại? “Nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng.” “Nhưng chúng không chịu về với Ta.” Thật đáng buồn khi tình yêu không được hiểu! Thật đáng buồn khi dồn tất cả tình yêu mà lại bị quay lưng khước từ! Đó cũng là một phần của ngày lễ hôm nay, khi chúng ta nghĩ lại mình, nghĩ lại cách thức chúng ta đối với tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô. Vẫn có gì đó bội bạc, phụ tình!

Dầu vậy, trái tim của Chúa Giê-su, dù bị thương tổn, nhưng vẫn yêu, vẫn thổn thức: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi”. Vẫn yêu, vẫn thương dù không được yêu lại, không được thương lại. “Hỡi Ép-ra-im. Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành”. Và Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa, dù con người có đối xử với Người thế nào đi nữa: “Ta sẽ không hành động trong cơn nóng giận, Ta sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.”

Lời Chúa trong trích đoạn này trong ngôn sứ Hô-sê là lời mời gọi chúng ta “nếm cảm” tình yêu của Chúa Giê-su, mời gọi chúng ta “đụng chạm” vào trái tim vô cùng yêu thương của Ngài. Hãy dành những phút thinh lặng mà lắng nghe trong tĩnh lặng tâm hồn những lời yêu thương phát xuất từ trái tim của Chúa Giê-su.

 2. TRÁI TIM BỊ ĐÂM

Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là con người thật. Tình yêu của Ngài là tình yêu của một Thiên Chúa nhập thể. Trái tim của Ngài là trái tim của Đấng Cứu Độ. Nếu Chúa Giê-su chỉ là con người mà thôi, thì trái tim của Ngài cũng như trái tim của bao nhiêu người khác, có thể là trái tim “lớn” nhất, nhưng lại không mang đến ơn cứu độ. Trái tim của Chúa Giê-su là trái tim của Đấng Cứu Thế. Tình yêu của Chúa Giê-su là tình yêu cứu độ. Chính vì thế, trái tim của Chúa – tình yêu của Chúa – mới có ảnh hưởng tuyệt đối trên cuộc sống con người.

Thánh Gio-an, trong trích đoạn Tin Mừng, chương 19, từ câu 31 đến 39, đã trình thuật lại việc Chúa Giê-su bị một người lính Rô-ma dùng ngọn giáo mà đâm vào cạnh sườn khi Chúa đã tắt thở. Khi ngọn giáo của người lính đâm vào cạnh sườn và thấu tận trái tim Chúa, tức thì máu cùng nước chảy ra. Máu và nước còn động lại trong tim – vì Chúa mới tắt thở – và chảy ra. Đây là yếu tố thể lý. Nhưng Giáo Hội nhìn nhận đó là biểu trưng của dòng máu và dòng nước cứu độ.

Thánh Gio-an đã viết thêm về sự kiện này: “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin”. Sự kiện đó được thuật lại như một lời chứng để tin. Đây là chứng từ về một tình yêu cứu độ, một trái tim bị đâm thâu mang đến ơn cứu độ.

Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe trình thuật này trong lễ Thánh tâm Chúa Giê-su để chúng ta nhận ra chiều kích cứu độ của trái tim Chúa Giê-su, của tình yêu Ngài. Trái tim bị đâm thâu là biểu tượng của tình yêu tự hiến cho nhân loại. Thánh Phao-lô, khi chiêm ngưỡng tình yêu cứu độ này của Chúa Giê-su Ki-tô, ngài đã thốt lên: “Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi: Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 6-8).

Khi trích dẫn câu Kinh Thánh “họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”, thì trước tiên, ngày xưa dưới chân thập giá, thánh Gio-an đã nhìn lên đó để nhận ra dòng máu và nước chảy ra khơi nguồn ơn cứu độ. Chúng ta cũng được mời gọi “nhìn lên” Chúa, nhìn thật rõ vào cạnh sườn bị đâm thâu, để chiêm niệm tình yêu cứu độ của Chúa, để dòng máu và dòng nước cứu độ chảy xuống trên chúng ta. Hãy “ngắm nhìn” trong thinh lặng trái tim bị đâm thâu của Chúa Giê-su và hãy như tông đồ Tô-ma, đụng chạm vào nơi của tình yêu cứu độ.

 3. TRÁI TIM SIÊU VIỆT

Chúa Giê-su Ki-tô là con người thật và là Thiên Chúa thật. Trái tim của Chúa là trái tim của một Thiên Chúa nhập thể, nên trái tim đó cũng là trái tim Thiên Chúa. Trái tim bằng thịt của Chúa mang chiều kích thiên linh, mang tầm mức Thiên Chúa.

Từ khởi đầu đến bây giờ, chúng ta nói về tình yêu của Chúa Giê-su, nói về trái tim của Ngài, như thể chúng ta hiểu được tất cả tình yêu của Ngài, hiểu được những rung cảm của trái tim của Ngài. Không! Không bao giờ chúng ta hiểu thấu tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô! Không bao giờ chúng ta hiểu được những nhịp đập của trái tim Người! Người môn đệ được Chúa yêu, đã từng tựa đầu và ngực Chúa trong bữa tiệc ly, khi kết thúc sách Tin Mừng mình viết ra, cũng đã phải thú nhận: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21,24-25).

Những gì chúng ta nói với nhau trong bài suy niệm này, chỉ là những “tiếng bập bẹ” của một đứa bé sững sờ trước tình yêu lớn lao của Thiên Chúa. Chúng ta phải nói lên, phải tuyên xưng, nhưng với thái độ “tôn thờ”.

Trong bài đọc 2, trích thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Ê-phê-sô chương 3, từ câu 8 đến 12 và từ câu 14 đến 19, thánh nhân đã có thái độ rất xứng hợp trước tình yêu của Thiên Chúa: “Tôi quì gối trước mặt Thiên Chúa Cha”. Trước tình yêu của Thiên Chúa Cha diễn tả qua trái tim của Chúa Giê-su, chúng ta cần “quì gối”, cần thái độ “tôn thờ”. Chúng ta không hiểu hết được tình yêu của Chúa Giê-su đâu. Chính thánh Phao-lô quả quyết trong trích đoạn thư Ê-phê-sô này: “tình thương của Đức Ki-tô là tình thương vượt quá sự hiểu biết”. Vậy, thái độ quì gối diễn tả mong ước gì? Đó là cầu xin. Cầu xin gì? Cầu xin được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn, con người nội tâm được vững vàng, được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, nhờ đó “có trực giác thiêng liêng” để có thể cùng toàn thể dân thánh đủ sức thấu hiểu mọi chiều kích rộng dài cao sâu của tình yêu Chúa Ki-tô. Đó là hiểu biết của thứ “thần học quì gối”, của thờ lạy và cầu nguyện.

Ước chi ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su khơi gợi lên trong mỗi chúng ta lòng khao khát được hiểu biết tình yêu của Chúa hơn nữa, nghe được rõ hơn tiếng lòng của Chúa, để đáp lại một cách xứng hợp hơn với TÌNH YÊU trao hiến, với TRÁI TIM trao ban.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa nhật II -Thường niên, Năm C (Ga 2, 1-11) “Họ hết rượu rồi”

Chúa nhật II -Thường niên, Năm C (Ga 2, 1-11) “Họ hết rượu rồi” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Không biết tự bao giờ người ta đã...

Chúa Nhật – Chúa Chịu Phép Rửa: Chúa bước xuống để nâng ta lên

Chúa Nhật – Chúa Chịu Phép Rửa: Chúa Bước Xuống Để Nâng Ta Lên Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là...

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Lc 3,15-16.21-22: Người môn đệ của Đức Giêsu sống tinh thần tự hủy

    NGƯỜI MÔN ĐỆ CỦA ĐỨC GIÊSU SỐNG TINH THẦN TỰ HỦY  (Lc 3,15-16.21-22) M. Giuse Tuấn, Phước Lý  Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội, Chúa...

Chúa nhật Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) Con quyết đi tìm Ngài trong cuộc sống

Chúa nhật Chúa Hiển Linh, Mt 2,1-12 Con Quyết Đi Tìm Ngài Trong Cuộc Sống Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hàng năm cứ vào mùa Giáng...

Lễ Hiển Linh: Tìm ai hay tìm cái gì

    Chúa Nhật Chúa Hiển Linh 05.01.2025 TÌM AI HAY TÌM CÁI GÌ (Mt 2,1-12) M. Bosco, Phước Sơn Lễ Hiển Linh là lễ kỷ niệm việc Chúa tỏ...

Ngày 1-1, Lễ Mẹ Thiên Chúa: Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21 Bình an của Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta

Ngày 1-1, Lễ Mẹ Thiên Chúa: Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21 Bình An Của Thiên Chúa Luôn Ở Cùng Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ,...

01/01 Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lc 2,16-21: Kỳ diệu thay Đấng là Mẹ Thiên Chúa

  KỲ DIỆU THAY ĐẤNG LÀ MẸ THIÊN CHÚA (Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21) Trường Kha, Phước Lý Tình mẫu tử cũng chính là tình cảm mãi...

01/01 Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lc 2,16-21: Có Mẹ đồng hành

    CÓ MẸ ĐỒNG HÀNH (Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21) M. Luca Ngọc, Phước Thiên Ngày đầu năm mới dương lịch, Giáo Hội cho chúng ta mừng...

Chúa Nhật Thánh Gia Thất, Năm C (1Sm 1,20-22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52) Gia đình thánh giữa đời thường

Chúa Nhật Thánh Gia Thất, Năm C (1Sm 1,20-22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52) Gia Đình Thánh Giữa Đời Thường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hàng năm,...

Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Hiếu Nghĩa

    HIẾU NGHĨA (1Sm 1,20-22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52) M. David, Vĩnh Phước Qua các bài đọc trong Lễ Thánh Gia hôm nay, Giáo Hội cho ta chiêm...

Lễ Thánh Gia Thất, Lc 2,41-52: Gia Đình Thánh

  GIA ĐÌNH THÁNH ( Lc 2,41- 52)  M. Têrêsa Avila, Phước Hải Gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội, bởi gia đình đóng...

Giáng Sinh – Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời đã làm người và sống giữa chúng ta

Giáng Sinh - Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời Đã Làm Người Và Sống Giữa Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ,...