TỔNG CÔNG NGHỊ CỦA DÒNG XITÔ
Ariccia, ngày 9 tháng 10 năm 2022
Tổng phụ Mauro-Giuseppe Lepori, O.Cist.
Lời chào khai mạc
Kính thưa quý Viện mẫu Hội trưởng, quý Viện phụ Hội trưởng,
Kính thưa Cha Tổng quản lý,
Kính thưa quý Viện mẫu, quý Viện phụ, quý Bề trên nam nữ, và tất cả các thành viên của Tổng công nghị,
Một lần nữa, chúng ta lại gặp nhau nơi đây sau 7 năm kể từ Tổng công nghị cuối cùng vừa qua. Đó không phải là những năm tháng trôi qua một cách dễ dàng, chúng được đánh dấu bởi đại dịch Covid-19, bởi sự mong manh ngày càng tăng của các cộng đoàn chúng ta, bởi một số vị Bề trên đã bị sa thải sau những bất thường nghiêm trọng và những lạm dụng quyền lực.
Trong quá trình hình thành Tổng công nghị của chúng ta, nhiều diện mạo đã đổi thay: đã có 7 vị Viện phụ Hội trưởng được thay thế, và chúng ta có thêm một Hội dòng mới nữa, đó là Hội dòng thánh Gertruđê Cả. Viện phụ Hội trưởng Eugenio Romagnuolo, của Hội dòng Casamari, không may đã rời xa chúng ta, trong tư cách là nạn nhân của Covid-19, từ sớm nhất, đó là vào tháng 4 năm 2020. Hiện nay chúng ta có khoảng 43 vị Bề trên mới (tức một nửa số thành viên của Tổng công nghị lần này), trong đó có 7 vị là giám quản. Hiện có 13 cộng đoàn mất tư cách là nhà tự trị [sui iuris] vì nhiều lý do khác nhau. Hiện tại chỉ có thêm một vị Bề trên của một đan viện mới được tự trị, đó là Đan viện Phước Hiệp ở Việt Nam. Những nhân vật cao cả với tư cách là Bề trên của các Hội dòng đã kết thúc sự trung tín phục vụ của họ. Viện mẫu Gemma Punk của Regina Mundi đã xin từ chức sau 75 năm làm Bề trên. Chúng ta nhận thấy rằng, hiện nay Viện mẫu ấy “tại vị” còn lâu hơn cả Nữ hoàng Elisabeth [của vương quốc Anh] nữa! Viện mẫu Rosaria Saccol, ở San Giacomo di Veglia, rời bỏ chức vụ Viện mẫu sau 51 năm, và đã trở về Nhà Cha, vào ngày 23 tháng 11 năm 2021 trong sự thánh thiện. Viện mẫu Irmengard Senoner ở Mariengarten vừa kết thúc 39 năm phục vụ trong chức vụ bề trên.
Ngoài những người tôi đã đề cập, tôi cũng muốn đề cập đến các bề trên đã trở về Nhà Cha trên trời trong những năm vừa qua: Nguyên Viện phụ Hội trưởng của Hội dòng Mẹ Thiên Chúa, Viện phụ Gerarđô Hopstaken; Nguyên Viện phụ Hội trưởng của Hội dòng Xitô Thánh Gia, Viện phụ Duy Ân Vương Đình Lâm; Nguyên Viện phụ của Hội dòng thánh Bênađô ở Italia, Viện phụ Ambrogio Luigi Rottini; Đan viện Đức Mẹ Sầu Bi của Frauenthal, Viện mẫu Assunta của Santa Susanna, nguyên Viện phụ Bảo Tịnh của Mỹ Ca, Viện phụ Christiani của Rein, Viện phụ Denis của Dallas, Viện mẫu Presentación Muro của Santo Domingo de la Calzada, Viện mẫu Agnes của Kismaros. Một mất mát đau buồn khác đối với Dòng là sự ra đi đột ngột của cha Sebastianô Paciolla, vào ngày 22 tháng 6 năm 2021 vừa qua.
Sau bảy năm, các thành viên của Tổng công nghị có quyền bầu cử đã giảm từ 100 thành viên xuống còn 87 thành viên. Các thành viên trong toàn Dòng, bất kể các quốc gia và một số cộng đoàn ở Âu châu và Hoa Kỳ có đủ ơn gọi, đã giảm từ khoảng 2500 thành viên xuốn còn 2217 thành viên.
Như tôi đã nói với Đức thánh cha Phanxicô khi tôi diện kiến ngài vào ngày 13 tháng 6 vừa qua rằng: “Chúng con đang tiến bước trong sự nặng nề khó khăn, song chúng con đang tiến bước gần nhau hơn.” Đức Phanxicô đã đáp lại tôi bằng cách trích dẫn một câu châm ngôn của người Phi châu rằng: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình, nhưng nếu bạn muốn đi an toàn, hãy đi cùng với những người khác.”
Đúng, tôi nghĩ chúng ta đang bước đi gần nhau hơn, dù không phải là luôn luôn, và không phải với tất cả mọi người. Cuối cùng, với Tổng công nghị này, chúng ta sẽ xem liệu tôi đã nói thật hay nói dối với Đức Giáo hoàng. Tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ không bắt tôi phải đi xưng tội vì điều này!
Mục đích của Tổng công nghị là gì?
Từ 903 năm trước, Hiến chương Đức ái [Carta Caritatis] đã lặp lại điều đó với chúng ta rằng: “Khi các ngài nói về phần rỗi các linh hồn; các ngài sẽ ấn định điều gì phải được chỉnh đốn hay thêm vào trong việc tuân giữ thánh Luật và những chỉ thị của Dòng; các ngài sẽ phục hồi sự bình an và đức ái huynh đệ” (Hiến chương Đức ái, 7,2).
Điều này gợi lại những lời huấn dụ của các tông đồ, như lời thánh Phaolô nói với tín hữu Êphêxô rằng:
“Vì vậy, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. […] Vì thế, khi sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,1-6.15-16).
Đức thánh cha Phanxicô, với tất cả những huấn dụ của mình để làm sống lại bản chất tính hiệp hành của Hội thánh, giúp chúng ta tái khám phá đặc sủng Xitô của mình, chính xác như một sự “cùng đi với nhau” của các cộng đoàn, được cùng nhau tham dự, cùng một ơn gọi, bởi cùng một niềm hy vọng, cùng một đức tin, cùng một đức ái. Trong các lá thư của tôi và trong một số hội nghị suốt bốn năm qua, tôi đã tìm cách khơi dậy trong chúng ta một ý thức tính hiệp hành về ơn gọi và sứ vụ của chúng ta, không phụ thuộc vào sự khác biệt trong việc tuân thủ và phong cách sống mà chúng ta đang sống trong các cộng đoàn và Hội dòng riêng biệt của chúng ta. Một điều đã giúp tôi rất nhiều trong việc này, đó là tôi đã tham gia vào các cuộc hội thảo khác nhau của Hội thánh: Thượng hội đồng Giám mục năm 2018 về giới trẻ, hội nghị dịp tháng 2 năm 2019 tại Vatican về chủ đề về nạn lạm dụng tính dục ở trong Hội thánh, tiếp sau đó là khai mạc Thượng hội đồng về tính hiệp hành, dành cho toàn thể Hội thánh hoàn vũ, khai mạc vào ngày 9 và 10 tháng 10 năm 2021, một hành trình sẽ đạt tới đỉnh điểm là Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào năm tới [2023]. Tôi cũng được khích lệ trong điều này bởi sự ngạc nhiên khi được bầu vào Ban Điều hành của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền, và ngạc nhiên hơn nữa, đó là được bầu làm phó chủ tịch của Liên hiệp này. May mắn thay, đây không phải là một nhiệm vụ đòi hỏi quá nhiều sức lực của tôi, nhưng nó giúp tôi lưu tâm hơn đến nhịp đập của Hội thánh hoàn vũ và của toàn thế giới. Tôi đã cố gắng làm cho toàn Dòng chia sẻ nhận thức này. Tôi nhận ra rằng, các Dòng tu khác, họ chú ý đến kinh nghiệm đan tu và sự nhạy cảm khi họ phải đương đầu với các vấn đề, đặc biệt là trong việc thực hiện các sứ vụ của Hội thánh. Điều quan trọng chúng ta cần ý thức được điều này, là vai trò của vị Tổng phụ không quá mức để tôi có thể thực hiện công việc này, vì đó là ơn gọi mà tôi chia sẻ với từng người trong anh chị em.
Trong Diễn từ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI, cách đây đúng một năm, ngày 9 tháng 10 năm 2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói:
“Các từ “hiệp thông” và “sứ vụ” có thể có nguy cơ còn hơi trừu tượng, trừ khi chúng ta trau dồi một sự thực hành mang tính Hội thánh thể hiện tính cụ thể của tính hiệp hành ở mọi bước của cuộc hành trình và hoạt động của chúng ta, khi khuyến khích sự tham gia thực sự của mỗi người và tất cả mọi người. Tôi có thể nói rằng việc cử hành một Thượng Hội đồng luôn luôn là một điều tốt đẹp và quan trọng, nhưng nó thực sự có lợi nếu nó trở thành một sự diễn tả sống động “việc thuộc về Hội thánh”, một cách hành động được đánh dấu bằng sự tham gia thực sự. Đây không phải là vấn đề thuộc hình thức, mà là thuộc niềm tin. Việc tham gia là một đòi hỏi của đức tin nhận được trong phép Rửa Tội. Như thánh Tông đồ Phaolô nói: “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13). Trong Hội thánh, mọi thứ đều khởi đi từ phép Rửa Tội. Là nguồn gốc sự sống của chúng ta, Phép Rửa làm phát sinh phẩm giá bình đẳng của con cái Thiên Chúa, mặc dù có sự khác biệt của các thừa tác vụ và đặc sủng. Do đó, tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Hội thánh. Nếu không có sự tham gia thực sự của Dân Chúa, nói về hiệp thông có nguy cơ chỉ còn là một ước vọng đạo đức” (Diễn từ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI của Đức Giáo hoàng Phanxicô).
Tham gia vào sứ vụ của Hội thánh
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Hội thánh”. Tôi muốn nhấn mạnh cụm từ này, bởi vì nó khiến chúng ta nhận ra rằng, việc gặp gỡ nhau và làm việc cùng nhau không phải là nhiệm vụ chỉ dành cho chúng ta, mà phải được truyền cảm hứng từ một mục đích chung. Dĩ nhiên, chúng ta phải, như Hiến chương Đức ái đã mời gọi chúng ta: “Khi nói về phần rỗi các linh hồn; các ngài sẽ ấn định điều gì phải được chỉnh đốn hay thêm vào trong việc tuân giữ thánh Luật và những chỉ thị của Dòng; các ngài sẽ phục hồi sự bình an và đức ái huynh đệ” (x. Hiến chương Đức ái, 7,2). Nhưng nếu trong tất cả những điều này, chúng ta không nghĩ đến sứ vụ của toàn thể Hội thánh, tức là nếu chúng ta không nghĩ đến ơn cứu độ của toàn thế giới, thì mọi công việc của chúng ta sẽ là ái kỷ, cằn cỗi, không hiệu quả, ngay cả đối với chính mình. Bởi vì ngay từ thuở ban đầu, Dòng của chúng ta đã được hiệp nhất và đã nỗ lực hoán cải “vì ước mong giúp ích cho họ cũng như cho tất cả các con cái của Hội thánh – prodesse illis omnibusque sanctae Ecclesiae filiis cupientes” (Hiến chương Đức ái, 1,3). “Các con cái của Hội thánh” ở đây có nghĩa là toàn thể nhân loại này. Chúng ta được mời gọi trở thành những người cha, người mẹ, những người anh chị em của toàn thể nhân loại. Không phải nhân loại trong sự trừu tượng, mà là những con người cụ thể trên thế giới ngày nay, được sinh ra, sống, làm việc, chịu đau khổ và chết đi. Chúng ta không được cảm thấy mình vô ích và vô dụng nếu chúng ta không có thêm ơn gọi hoặc nếu chúng ta phải đóng cửa một đan viện nào đó, mà chúng ta sẽ cảm thấy mình như trở nên vô ích và vô dụng nếu chúng ta sống ơn gọi của mình mà không có niềm say mê này đối với toàn thể nhân loại.
Đức Giáo hoàng luôn nói về một “Hội thánh đang tiến bước”, nghĩa là về lòng say mê truyền giáo, khiến toàn thể Hội thánh nỗ lực đến với mọi con chiên lạc xa đàng và đang xa rời đoàn chiên của Chúa Kitô. Chúng ta cũng vậy, hãy tôn trọng hơn những đặc tính mang tính chiêm niệm hoặc hoạt động tông đồ của mỗi Hội Dòng và cộng đoàn của chúng ta, phải tìm ra, và làm sống lại việc truyền giáo rạng ngời này, để luôn sống động, và trên hết, là hạnh phúc với niềm vui của Tin Mừng. Như Đức Giáo hoàng đề cập trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Người là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng” (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 20).
Đôi khi chúng ta trở nên chán nản và bất mãn, bực bội và thất thường, đơn giản chỉ vì chúng ta quên đi nỗi khổ đau của nhân loại, chúng ta quên đi đại dịch, sự nghèo nàn, chiến tranh, đói kém, cuộc sống vô nghĩa của rất nhiều người nam nữ, và của rất nhiều người trẻ. Chúng ta quên đi nỗi đau vô tội của rất nhiều trẻ em, sự bất an của bao gia đình đang sống, những khó khăn về kinh tế và xã hội mà người dân đang phải đối diện. Chúng ta quên những Kitô hữu bị bách hại, chúng ta quên các chứng nhân tử đạo. Chúng ta quên những người di cư tỵ nạn. Chúng ta quên đi nỗi buồn của những tội nhân không gặp được Chúa Cứu Thế. Cuối cùng, chúng ta quên hết những con chiên lạc không người chăn dắt, tức là chúng ta quên đi lòng xót thương của Chúa Kitô đối với nhân loại này (x. Mc 6,34).
Chúng ta đã nói với nhau như thế nào, khi tôi thấy mình cùng với một số người trong anh chị em đang phải đối diện với những vấn nạn mà không bao giờ được giải quyết thấu đáo, trong đó, những xung đột, những yêu sách, những bất tuân, những sự bất trung bất tín ngày càng trở nên trầm trọng hơn, chúng tôi đã nói với nhau rằng: nhưng điều này có nghĩa gì, để làm gì với ơn cứu độ trần gian, và do đó, với Đức Kitô, Đấng đã đến, đã sống, đã chịu thương khó, chịu tử nạn và phục sinh để cứu độ chúng ta?
Nhưng thật an ủi khi thấy rằng phần lớn các cộng đoàn và nhiều người vẫn sống cảm thức nhiệt thành truyền giáo này, và điều này làm cho cuộc sống của họ trở nên rạng ngời cách tuyệt vời, ngay cả và đặc biệt khi hoàn cảnh, điều kiện hoặc sức khỏe, mà chúng ta không thể giảm bớt các hoạt động của mình. Ai yêu mến nhiều, dù không thể làm gì khác, thì hãy cứ hành động như Chúa!
Có thể nói, nhiều anh chị em có một “tâm hồn vươn ra thế giới”, đó là một Hội thánh, với một tâm hồn truyền giáo, mặc dù ngay cả khi họ chỉ có thể cầu nguyện, và đặc biệt là dâng hiến mọi sự cho ơn cứu độ trần gian. Tôi vui mừng khi thấy một chút nhỏ bé ở khắp mọi nơi trên thế giới có rất nhiều người trẻ trong cộng đoàn của chúng ta có cảm thức phổ quát về ơn gọi của chúng ta, và điều này khiến tôi tràn trề hy vọng.
Với niềm hy vọng này, tôi xin khai mạc Tổng công nghị của chúng ta, mà qua đó, chúng ta đã khẩn cầu ơn Chúa Thánh Thần, và chúng ta sẽ tiếp tục khẩn cầu Người, tạo nên một kinh khẩn nguyện [epiclesis] cho tất cả những gì chúng ta sẽ sống, sẽ suy tư và trình bày, hoặc cố gắng trong những ngày này, để tất cả được dâng lên Chúa Thánh Thần, để Chúa Kitô Cứu Thế, Lòng Thương xót của Chúa Cha, trở nên nhập thể ở đây, như chính Người đã thực hiện nơi cung lòng Đức Maria, Mẹ của Hội thánh, Mẹ của toàn dòng Xitô chúng ta.