AI THÂN TÔI? TÔI THÂN AI?
Suy niệm Tin Mừng Lc 10, 25-37, Chúa nhật XV Thường niên, Năm C
M. Lasan Châu Sơn
Tin Mừng tuần này đưa ra cho chúng ta chọn lựa giữa hai lập trường: lập trường của người thông luật và lập trường của Chúa Giêsu.
Lập trường của người thông luật là chứng tỏ mình có lý. Đầu tiên, ông ta đã đặt ra câu hỏi để thử Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Là một người thông thạo lề Luật nên ông thừa biết những điều Luật dạy (Đnl 6,5; Lv 19,18): “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu người thân cận như chính mình”. Đức Giêsu khen ông: Nói đúng lắm. Làm như vậy là sẽ được sống.
Tuy nhiên, để chứng tỏ cái lý của mình nên ông đã đặt câu hỏi thứ hai: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”. Ông muốn Đức Giêsu phải có sự phân biệt rạch ròi người thân và người thường, người thân và kẻ thù. Để ông chỉ phải yêu người thân cận mà thôi. Tình yêu của ông tỏ lộ một cái tôi vĩ đại: cái gì của tôi, người nào của tôi, gia đình của tôi, cộng đoàn của tôi, những người cùng suy nghĩ, cùng sở thích, hợp gu với tôi… thì tôi yêu. Còn không thì thôi. Thành ra đây là “tình yêu” có điều kiện, đầy giới hạn, nhỏ nhen, đóng kín…
Quan điểm của Chúa Giêsu thì ngược lại. Qua Dụ Ngôn Người Samari nhân hậu, Chúa chững tỏ rằng, câu hỏi: “Ai là người thân của tôi?” không còn quan trọng nữa. Mà là hành động: “Tôi phải làm gì để trở nên người thân cận của người khác?” mới là quan trọng.
Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp… Chúa Giêsu giấu lý lịch của người này. Anh đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, người Do thái hiểu là đi từ đền thờ Giêrusalem về nhà.
Thầy Tư Tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Hình ảnh này cho thấy thầy Tư Tế đi cùng chiều với người bị nạn. Ông trông thấy, tránh qua, bỏ đi.
Rồi thầy Lêvi tới chỗ ấy, trông thấy, tráng qua, bỏ đi.
Tại sao thầy Tư Tế và thầy Lêvi không thương giúp người bị nạn? Trong khi rất có thể người bị nạn kia là thân nhân của họ. Vì lẽ họ có thể cùng một tôn giáo, cùng đi lễ ở đền thánh về. Hơn nữa, Tư Tế và Lêvi là những mẫu mực về tâm linh và luân lý. Theo lẽ thường, cái gì thuộc về tôi, “người thân cận của tôi”, thì tôi phải yêu thương chứ? Chắc chắn rằng người bị nạn nằn đó mong muốn hai người này là người thân cận trước tiên của anh. Nhưng điều ấy đã không xảy ra. Vì hai ông này là những người chỉ quan tâm đến bản thân, ngại khó, ngại khổ, ngại những phiền hà rắc rối… Nói cho cùng hai người này không có lòng thương người.
Ngược lại, người Samari thì đầy lòng thương người. Trông thấy nạn nhân, ông chạnh lòng thương.. Động từ này trong tiếng Do thái có tính hình tượng mạnh: lòng run lên bần bật. Lý do nào khiến ông hành động như vậy? Tôi với anh hai người xa lạ. Dân Giuđa còn khinh ghét dân Samari cơ mà. Bởi đó, chẳng có lý do gì để người Samari phải thương người không đồng chủng với mình.
Kể dụ ngôn này, Chúa Giêsu cho ta thấy lòng thương xót thì vượt trên mọi khác biệt chủng tộc, gai cấp, ngôn ngữ… và những lý lẽ toan tính hẹp hòi của con người. Ở đây, một người kia với một người này là đã cần đến lòng thương xót của nhau, một con người thương xót một con người, vì họ là người.
Lòng thương xót của người Samari đối với tha nhân được diễn tả qua 7 hành động đẹp: lại gần, đổ dầu, đổ rượu lên vết thương (dầu làm vết thương mền, rượu để sát trùng), băng bó lại, đặt lên lưng lừa, đưa về quán trọ mà săn sóc.
Hôm sau, ông lại có 7 hành động đẹp nữa: lấy hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.
7 động từ hôm trước gọi là lòng nhân ái; ai cũng phải làm.
7 động từ hôm sau gọi là Đức ái Kitô Giáo: yêu vô điều kiện, “yêu đến cùng”, đến tiêu hao tiền bạc, thời giờ, sức khỏe, đến độ hiến cả mạng sống vì tha nhân.
Hình ảnh người Samari trên đây phản ánh dung nhan Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài đã nhập thể ở với loài người, làm mọi cách để nên thân cận với loài người chúng ta.
Ước chi trong cuộc sống thường ngày chúng ta cũng biết tỏ lộ lòng nhân ái đối với tất cả mọi người bằng những hành động “đẹp” như người Samari đã làm. Cứ làm như vậy chúng ta sẽ nắm chắc hạnh phúc đời đời. Amen